Hội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển” - Nguyễn Kim Huy

21.10.2013

Hội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển”  - Nguyễn Kim Huy

Về diện mạo thơ Đà Nẵng sau 1975:

            Các tác giả tham luận thống nhất cao rằng, một diện mạo mới cho thơ Đà Nẵng sau 1975 đã được kiến tạo nên bởi một thế hệ nhà thơ Đà Nẵng trưởng thành sau chiến tranh và đặc biệt sau Đổi mới 1986. Đó là một diện mạo có thể chưa hoành tráng rực rỡ sắc màu nhưng đã được định hình tươi tắn và mang tầm vóc, hơi thở thi ca thời đại mới với sự đa thanh đa nghĩa về nội dung và phong phú hiện đại trong phong cách nghệ thuật ngôn từ, đa dạng trong sự thể hiện và cách tiếp cận đề tài. Nhà thơ Thanh Quế ghi nhận: “Từ sau 1985, có thể gọi là từ sau phong trào đổi mới của đất nước, với sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo và toàn thể xã hội, các mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng thay đổi và phát triển phong phú, tự do hồ hởi hơn. Thơ cũng phát triển theo chiều hướng đó. Nhiều đề tài mới trước đây gần như cấm kỵ, nhiều ngõ ngách về tình cảm, suy nghĩ được mở ra. Cách diễn đạt cũng phong phú với nhiều phương pháp, giọng điệu khác nhau. Vì thế cũng xuất hiện một loạt tác giả, tác phẩm có ấn tượng.” (Vài suy nghĩ về thơ Đà Nẵng sau 1975). ThS Nguyễn Minh Hùng khẳng định: “thơ Đà Nẵng đã biểu hiện sự tồn tại, sự xuất hiện, và cao hơn, là sự không - thể - vắng - mặt trong đời sống tâm hồn, đời sống thẩm mỹ - xã hội của một vùng đất vốn giàu truyền thống nghệ thuật và thi ca.” (Nhìn lại thơ Đà Nẵng sau 1975).

            Đồng tình với những đánh giá đó, PGS TS Hồ Thế Hà nhận định “, thi ca Đà Nẵng (sau 1975) thực sự nhập cuộc, làm cuộc chạy đua tiếp sức, làm nên diện mạo của một vùng thơ, sức vẫy gọi của một vùng văn học trong dòng chảy chung của thi ca cả nước, đưa thi ca tiến về phía trước với sự tích hợp nghệ thuật hiện đại, đa dạng, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, Đà Nẵng đã hội tụ và tỏa phát năng lượng thi ca ra ngoại vi một cách nhanh chóng.” (“Thơ Đà Nẵng sau 1975 – nhìn từ cội nguồn sáng tạo mỹ học”).

            TS Phan Ngọc Thu đánh giá khái quát:“, thơ Đà Nẵng của chúng ta sau 1975 đã thực sự kế thừa, phát huy và vươn tới những thành tựu xứng đáng với truyền thống cả về sự lớn mạnh của lực lượng sáng tác và tác phẩm.Chưa bao giờ trước đây chúng ta có nhiều tuyển tập thơ của từng tác giả và của cả phong trào như thời gian vừa qua;chúng ta cũng có thể tự hào nền thơ của thành phố chúng ta cũng không thua kém gì nền thơ cả nước” nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của thơ Đà Nẵng sau 1975: “thực ra nếu đọc kỹ giữa thơ và đời sống vẫn còn một khoảng cách khá lớn”, “Chính vì vậy, không ít bài thơ chỉ mới dừng ở mức độ tự - sự - cảm - xúc của người viết, cũng chân thật và xúc động đấy, nhưng chưa vươn tới được những cảm xúc điển hình để nhiều người đọc được bắt gặp mình ở trong đó; tức là thơ còn thiếu tầm tư tưởng của vẻ đẹp trí tuệ.”  (“Mấy cảm nhận về thơ Đất Quảng sau 1975).

 

  1. 1.     Về đội ngũ tác giả tác phẩm thơ Đà Nẵng sau 1975:

                        Các ý kiến tham luận đều thống nhất nhận định: “Gần bốn mươi năm qua, chúng ta vẫn có nhà thơ nối tiếp được những thành tựu giai đoạn trước của Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Ngân Vịnh, Thanh Quế, Bùi Công Minh, Phạm Phát… và bước tiếp dấu chân của Đông Trình, Tô Như Châu, Vũ Hữu Định, Nguyễn Nho Sa Mạc... Tham luận Nguyễn Minh Hùng nhận định: “Có người làm thơ bắt đầu với tiếng nói “riêng” như Hoàng Minh Nhân, Trần Khắc Tám, Đoàn Huy Giao, Trương Điện Thắng, Hoàng Tư Thiện, Nguyễn Nhã Tiên, Trương Văn Ngọc, Trần Phương Kỳ, Nguyễn Kim Huy, Phạm Phú Hải, Bùi Xuân, Phan Hoàng Phương, Võ Kim Ngân, Nguyễn Nho Khiêm, Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Hạnh  v.v... Mươi năm trở lại đây, có thêm những người làm thơ trẻ như Trần Tuấn, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang....” (Tham luận đã dẫn). Và “sau gần 40 năm, Đà Nẵng đã có một lực lượng thơ phong phú, đa dạng và nối tiếp nhau. Họ sáng tác về nhiều đề tài với nhiều phong cách khác nhau. Từ đó hình thành nên những tác giả tiêu biểu với những tác phẩm tiêu biểu. Tên tuổi và tác phẩm của họ đã được quần chúng yêu văn học không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở khu vực và cả nước biết đến. Và chính họ tạo nên một diện mạo thơ Đà Nẵng riêng biệt, không lẫn với những vùng thơ khác.” (Thanh Quế - Tham luận đã dẫn).

            Các tham luận cũng khẳng định một số tác phẩm thơ có giá trị nghệ thuật, được dư luận bạn đọc đánh giá cao trong gần 40 năm qua của đội ngũ những người làm thơ Đà Nẵng: “Giãi bày, Những tháng năm vay mượn (Thanh Quế), Tên gọi mới của hạnh phúc, Lấm tấm hạt đau, Mất và tìm (Đông Trình), Lặng lẽ mình, Gió mặn (Bùi Công Minh), Bóng rừng trong mưa, Ngày thường đam mê (Ngân Vịnh), Một hôm núi khóc,Gánh nước tưới sông (Phạm Phú Hải),Thơ từ yên lặng, Nỗi lan tỏa của ngày (Nguyễn Kim Huy), Bông hồng ngủ quên, Nhặt mùi hương trầm đâu đây (Võ Kim Ngân), Khói tỏa về trời, Bên ngoài cánh đồng, Nắng trên đồi (Nguyễn Nho Khiêm), Ma thuật ngón (Trần Tuấn), Thơ đề trên chiếc lá rụng, Ẩn dụ mưa (Bùi Xuân), Giữa thời gian (Phan Hoàng Phương), Thơ cho Isaura (Lê Thu Thủy), Con chim gỗ nhìn tôi (Đoàn Huy Giao), Mùa xuân qua sông (Trương Văn Ngọc), Những đời thường yêu mến, Tim tím (Trần Khắc Tám), Sử thi sông Hàn, Khúc hồi âm của lá (Nguyễn Nhã Tiên),Chân trời  (Nguyễn Minh Hùng), Cùng đi qua mùa hạ, Phía bên kia cây cầu, Ngày linh hương nở sáng (Đinh Thị Như Thúy), Ngày không trở lại, Dệt (Nguyễn Thị Anh Đào)...

            2. Những vấn đề về thi pháp học, cách tân nghệ thuật thơ ca, vốn văn hóa và sức sống tâm hồn của nhà thơ, mối quan hệ và vai trò thơ ca trong đời sống xã hội hiện đại, xu hướng phát triển thơ Đà Nẵng trong xu thế toàn cầu hóa... cũng được nhiều tham luận quan tâm đặt vấn đề và nêu lên nhiều ý kiến, nhận định: Thơ văn xuôi Đà Nẵng sau 1975 – Nhà văn Bùi Tự Lực, Thơ trong đời sống và sự tiếp cận từ thực tế - Nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào, Mấy gạch đầu dòng về thơ “ngoại vi” Đà Nẵng - Nhà thơ Trần Tuấn, Thơ – Nhìn từ phía tôi – Nhà nghiên cứu văn hóa  Hoàng Hương Việt, Thơ Đà Nẵng sau 1975 – một góc nhìn – Nhà thơ Lê Anh Dũng, Tham luận về Thơ Đà Nẵng – TS Huỳnh Văn Hoa...

            PGS TS Hồ Thế Hà khẳng định: “Những cách tân nghệ thuật, có lẽ được các nhà thơ lớp sau 1975 mạnh dạn thể nghiệm nhiều nhất, dù không phải ai và lúc nào họ cũng thành công, nếu không muốn nói rằng có người thất bại do quá đà hoặc vượt ngưỡng. Nhưng công bằng mà nói, những tác giả sau đã có những ghi dấu đáng mừng như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Trần Tuấn, Trần Phương Kỳ... Họ liên tục có nhiều tập thơ ra mắt với bạn đọc, góp tiếng nói thơ mới mẻ của mình về chủ đề này, làm thành đặc điểm chung của thành tựu thơ Đà Nẵng sau 1975.”(Tham luận đã dẫn).

ThS Nguyễn Minh Hùng khái quát: “Đối với tác giả trưởng thành sau 1975, bên cạnh các cây bút lẩn quẩn, thiếu sức đi xa vẫn có người mạnh dạn thay đổi cách viết, muốn tìm kiếm, muốn làm một cái gì thật khác trước, muốn hướng tới tinh thần thơ ca mới hơn, ngôn ngữ thể hiện độc đáo hơn. Thành tựu của họ chưa thật rõ ràng, song ý thức nghệ thuật đã có. Mà đã có ý thức nghệ thuật thì sẽ khởi đầu cho tác phẩm mới khai sinh. Vấn đề còn lại là tài năng và cơ hội nữa mà thôi”(Tham luận đã dẫn).

Trao đổi về xu hướng, xu thế phát triển của thơ Đà Nẵng, TS Huỳnh Văn Hoa nêu lên vấn đề: “Xu thế thơ Đà Nẵng không thể tách xu thế thơ Việt Nam” và nêu lên những thực trạng của tình hình thơ ca hiện nay: “Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với một hiện thực, hiện thực đó không có gì đáng phấn khởi. Đó là: Thơ in tràn lan, không phân biệt đâu là thơ thật, đâu là thơ phong trào. Giải thưởng cũng tràn lan. Nặng về biểu dương. Phê bình, thẩm định thơ thiếu chuẩn mực, dẫn đến sự từ chối của người được trao giải. Phẩm chất và tài năng của người chấm giải chưa/không tạo nên uy tín, thiếu tính thuyết phục. Đội ngũ phê bình thơ thiếu, yếu, không được chú ý đào tạo cơ bản, lâu dài, chưa thành bà đỡ cho các nhà thơ trẻ,…” và kiến nghị phải “Tạo diễn đàn cho thơ và thơ trẻ tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn. Giao lưu, trao đổi với các hội bạn, với sinh viên ngành khoa học xã hội-nhân văn trên địa bàn Đà Nẵng và miền Trung.”

Để thơ có sức sống, sức lan tỏa, đến được với bạn đọc, nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Anh Đào đã rất có lý khi đặt vấn đề: “Sức lan tỏa của Thơ không chỉ nằm ở nội dung hay, hình thức thể hiện phù hợp mà còn là cái DUYÊN đến với người đọc. Nhưng nếu tác giả thụ động sáng tác và co cụm tác phẩm của mình trong một khuôn khổ của Hội, thì sức lan tỏa tác phẩm sẽ bị chết dần và đi vào quên lãng. Hoặc những tác phẩm chỉ được điểm lại, nhắc lại ở một, hoặc vài bài phê bình, giới thiệu tác phẩm mà thôi. Muốn vậy, cần có sự cộng hưởng giữa người sáng tác, môi trường sống và độc giả ở mọi đối tượng, lứa tuổi.  Thơ là những giá trị nhân văn, nhưng trong đời sống hiện đại ngày nay, cần phải soi vào thực tế để tìm ra được những cách làm, cách trải nghiệm mang hiệu ứng cao nhất, có như vậy, mới thành công.

 

            Khắc họa lên diện mạo văn học, diện mạo thơ của một vùng đất không phải là một điều dễ dàng, rất cần có thời gian, có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu công phu và tâm huyết, khách quan và khoa học. Gần 40 năm mới có một cuộc hội thảo chính thức về Thơ Đà Nẵng sau 1975 với những kết quả bước đầu như trên cũng đã là một cố gắng đáng ghi nhận... Mong rằng thơ ca nói chung, thơ Đà Nẵng nói riêng sẽ tiếp tục được sự quan tâm đọc, góp ý, đánh giá nhận định và giới thiệu rộng rãi của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các bạn đọc yêu thơ và sẽ có sức sống, có sự lan tỏa sâu rộng trong người đọc, bắt kịp và hòa nhịp được cuộc sống sôi động hôm nay. Đó cũng chính là hy vọng, niềm vui và hạnh phúc của những người làm thơ.

                                                           

                                                                                                                                                            N.K.H

Bài viết khác cùng số

Biệt thự, mèo, răng giả và những chuyện khác - Truyện Trần Đức TiếnTản văn Phạm Thị Ngọc ThanhNhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết TưNúi thiêng - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển - Huỳnh LêĐinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt ThưCào cào lá - Nguyễn Ánh Tuyết TrinhNhững giọt nước mắt - Phạm Thị Thảo Nhi Thầy ơi, em đậu tốt nghiệp rồi! - Thanh Trắc Nguyễn VănTrung thu về gợi nhớ trăng xưa - Võ Khoa ChâuCô gái vẽ linh hồn - Truyện Cẩm GiangThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Nguyễn HoaThơ Huỳnh Minh TâmTiếc nuối - Vạn LộcThong thả với sông Hàn - Mai Mộng TưởngThơ Trần Trúc TâmMiền Trung - Trần Hải Sâm Trường Sa xanh - Phan Minh ChâuViết cho những ngày xa Tổ Quốc - Lê HòaChúng ta chưa được nhìn thấy Vầng trán Người lo lắng ! - Bùi Công BínhVài kỷ niệm về mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975 - Lê Huy HạnhHai bài viết mới về Phan Khôi - Phan Nam SinhTruyện ngắn Quế Hương – thế giới của những “nỗi buồn rực rỡ” - Lê Thị HườngĐã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái - Đinh Thị ToanĐại Chiêm Hải Khẩu-Hội An: Một cảng-thị quốc tế sầm uất thời vương quốc Champa - Trần Kỳ PhươngHội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển” - Nguyễn Kim Huy