Đinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt Thư

21.10.2013

Đinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt Thư

                                                   Tả hữu, nghi văn, nghi võ

                                                                 Tử sinh, danh tướng, danh thần

                                          Vua Tự Đức điếu Uy Viễn tướng công - 1858

 

                  

 

 

   Tú Tân ngồi đánh đàn đáy trên chiếu ca trù, hòa âm cùng đào nương họ Trần xinh đẹp nức tiếng làng ca trù tỉnh Đông mà  lòng còn vương vương nghi hoặc, thoáng nhìn Đinh nương đang buồn bã ngồi một mình ở góc xa, thấy ánh mắt như làn thu ba mơ màng, u uẩn của nàng, một danh ca đã qua thời xuân sắc đang nhìn cậu như muốn cầu khẩn một việc gì khó nói làm Tân phân vân.

   Bầu Lê lễ phép:

-  Cậu tú, cô ấy nghe đâu là người ở làng Cổ Đạm, tận phủ Nghi Xuân, lặn lội ra đây mấy tháng nay xin phụ làm ca nương. Đinh nương nghe kể cũng là đào nương nổi tiếng xinh đẹp và hát hay một thời nơi tỉnh Hà, không hiểu sao bây giờ lại tiều tuỵ nhường kia, mong gặp công tử để mong cầu chi đó.

    Tú Tân vân vi:

-  Lạ thật, Đinh thị ngoài 30, lại ở nơi xa đến …

   Phòng khách của giáo phường bầu Lê khá tươm tất, đặt bộ đồ trà lên bàn, chủ nhân tế nhị:

- Đinh cô nương! Xin cứ tự nhiên. Mạn phép cậu tú, thảo dân có chút việc.

   Thì ra là thế. Tú Tân nghe chuyện càng thêm phục cho ông bạn vong niên của mình. Lão ghê thật, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, đến vua cũng không sợ, mà lạ! Đức kim thượng nổi tiếng nghiêm minh thế mà lại biệt đãi lão, nghe tấu chỉ cười: “hắn ngông ấy mà ”, ngày cha Trứ mất, biết lão thanh liêm lại ăn chơi phóng túng ngài lệnh xuất kho tặng lão 100 lạng bạc để về quê báo hiếu.

   Còn thú ăn chơi của lão là chưa có tiền lệ nơi xứ bắc, trong túi không có một xu vẫn chơi tràn cung mây, mà chơi rất lịch, cả làng chơi đều tôn trọng lão như thần, mà nếu cuộc chơi là lãi như lão nói thì lão đã quá lãi, thế mà vẫn còn chơi.

   Giờ đường đường là Tổng đốc Hải Yên, là mệnh quan trấn giữ vùng biển xứ Bắc hà, chỉ thời gian ngắn là cả vùng yên ổn, tự thân đi đánh và chém tên Thống lĩnh Nghiêm cùng Tiền quân Dao dẹp tan đồ đảng hơn 1000 tên giặc cướp phá huyện Tứ Kỳ, vậy  mà tuần nào cũng tổ chức đàn ca hát xướng, dám đem mấy Thổ nương về tập hát giúp vui, lại cho bọn giặc cỏ cùng tham gia mới kinh.

   Thê thiếp thì đầy nhà mà tôn ti, êm ấm nhất mực, con cái gia giáo, lễ phép, biết nhân nghĩa lễ trí tín mới lạ.Tân cười mà lòng đầy khâm phục - nhớ lại cái đận mình giả làm phó cối vào nhà chọc lão, gặp thằng con, mình xin nước nó vội vàng rót dâng, dùng bàn tay dính đất vuốt má  mà nó vẫn không khó chịu. Thánh thật.

 

*******

 

    Bao năm dõi bước theo danh tướng từ lời thề nguyền trong buổi chiều trên cánh đồng Cổ Đạm, Nguyễn có biết đâu nàng vốn dòng ca hát từ cụ tổ Đinh Lễ, ông tổ nhờ đó mà làm nên chuyện thần kỳ, bà tổ - tiểu thư Mạc Kiều Hoa con quan phủ vì mê chàng Đinh tài tử, khao khát hát ca bỗng từ bị câm mà cất lên tiếng nói  nên phụ thân cho gá nghĩa châu trần rồi cùng chồng lập nên phường ca trù nổi tiếng.

    Mang dòng máu đa tình từ tổ tiên truyền lại, vừa tuổi cập kê nàng đã tơ vương bóng chàng hàn sĩ danh tiếng cả vùng dù chàng hơn nàng trên 20 niên kỷ, đã đủ thê thiếp. Nguyễn có biết đâu vì chàng mà mới 17 tuổi nàng đã cùng bạn xuống chợ huyện tìm cách gặp gỡ, máu ham vui đã kéo chàng dù nghèo rớt mồng tơi vẫn la đà xướng ca, thi văn cùng bằng hữu.Trên đường về qua dốc Kinh lởm chởm đá, trời trưa nắng đổ chang chang, Nguyễn chân không, nhăn mặt nhíu mày, may thay gặp đôi thiếu nữ đi chợ huyện cùng về đang ngồi nghỉ, trên gánh hàng họ lại có vài đôi giày mới, cậu ngang nhiên hỏi mượn, cô thôn nữ có cặp mắt phượng ướt rượt, u uẩn nỗi buồn tiền kiếp đã thương tình thuận cho, thế mà khi trả lại đôi giày đã trầy xước cho nàng Nguyễn  còn bỡn cợt:

 

             Lật đật qua đèo nóng nực thay,

             Hai cô thương đến lại cho giày.

            Ơn này biết lấy chi mà giả,

            Xin quỳ hai gối, chống hai tay!

 

   Nàng ù té chạy, về nhà nghĩ lại vừa trách kẻ vô tình ngang bướng mà lòng lại thêm vấn vương.

    Vốn nhà khá giả, phong tư diễm lệ, tài hoa xuất chúng lại có giọng ca trác tuyệt, do ngưỡng mộ bậc kỳ tài nên bao nhiêu vương tôn công tử xun xoe mà nàng đều xem nhẹ, nổi tiếng kiêu kỳ. Nàng biết câu: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”, nàng là mỹ nhân phải chọn danh tướng mà kết nghĩa phu thê chứ? Cả vùng này ai qua được ấm Trứ, con Đức ngạn hầu Nguyễn công, dù trong cảnh hàn vi nhưng tướng mạo đường đường là bậc tu my nam tử, phong thái phi phàm.

    Còn xướng ca vô loại ư ? Bọn Tống nho lý lẽ bày đặt, đức Khổng không đề cao lễ nhạc đấy ư ? Mà chúng dân cả xứ này đều tôn vinh và ưa thích hát ca thì sao ?

Từ làng Uy Viễn kế bên ấm Trứ nghe tiếng nàng liền qua xem mặt, do tính vui đâu chuốc đó Nguyễn không nhớ nổi người đã cho mượn đôi giày 3 năm trước, nàng tự ái ghê gớm, quyết dùng nghệ thuật hành hạ chàng cho bỏ ghét. Mê mẩn trước hương sắc của nàng nhưng chàng vẫn tự biết mình, nàng kém ta hơn 20 năm, lại đẹp nhường kia, chưa kết tóc xe tơ, lại có bao nhiêu công tử đón đưa, Nguyễn thở dài.

    Bản tính quyết thắng đã làm cho anh chàng mạnh mẽ, Nguyễn tìm cách gần gũi, tán tỉnh nàng, bao đêm nhung nhớ bởi đôi mắt phượng ướt rượt mà đầy u uẩn kia ám ảnh, nàng vừa gần vừa xa làm tim chàng rớm máu.Tài đàn, tài hát, tài thơ, khí chất tướng công hiển lộ mà nàng vẫn mơ mơ, màng màng như không vương mang tình ý.

     Một đêm khi rượu đã ngà ngà ấm Trứ mạnh dạn lên cầm cây đàn đáy xin làm kép cho nàng ca hát với bài hát nói: “ Chơi xuân kẻo hết xuân đi ” viết tặng riêng nàng. Những câu:

 “ …Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan. / E đến khi hoa rữa trăng tàn,/ Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác !…”đã làm lòng nàng thổn thức. Ôi Nguyễn quân, thân này là của chàng từ tiền kiếp, đã là nho sinh sao lại thiếu hiểu biết lý số thế kia?
    Một chiều xuân man mác, cỏ cây mơn mởn, nàng cùng Nguyễn được mời qua Vĩnh Yên đàn hát và chuyện trời bày đã xảy ra, sau tiếng ứ …hự chiếu lệ của nàng, đất trời điên đảo, vạn vật quay cuồng, âm dương phối hợp gắn chặt không gì chia cắt nổi, cơ thể họ thăng hoa, bừng nở…

    Nàng khóc:

-  Lang quân, nay thiếp đã là của chàng, xin chớ phụ tình.

    Trứ hân hoan:

-  Nương tử, thề có đất trời ….

   Thế mà Nguyễn có lẽ đã quên. Sau ít ngày vui vầy duyên ân ái, Nguyễn Giải nguyên  được triệu vào kinh đô Huế làm quan rồi đi biền biệt, hết bộ Lại đến tỉnh Thanh, lại về bộ Binh, giờ là Tổng đốc Hải An danh vang bốn biển sau việc đánh dẹp Phan Bá Vành, di dân lập 2 huyện mới và tiễu trừ giặc cỏ lại sống phóng khoáng vô song.

     Nàng lặn lội xuống tỉnh Đông, hơn 10 năm sống dật dờ vì thương nhớ, giận hờn, nàng biếng cài trang điểm, dung nhan diễm lệ đã hao gầy, bao mối lái đến nhà nàng đều cự tuyệt, một lòng tâm niệm mình đã là thứ thiếp của Nguyễn công.

    Biết Tú Tân là bạn đồng cảm với Nguyễn, hay đến vui chơi nơi giáo phường của bầu Lê, nàng năn nỉ xin phụ việc, chờ thời.

 

********

 

     Ngày khánh chúc quan Tổng đốc Hải Yên tròn 55 niên kỷ đã diễn ra rôm rả, quan vốn không nệ lễ, là người văn võ song toàn lại đã qua thời trẻ trai khốn khó nên tổ chức thân gần với chúng dân và quan viên mọi cấp.

    Đêm phủ đường giăng hoa kết trái, đèn sáng lung linh, lính lệ tay không tươi cười đón rước, các mỹ nữ e ấp dâng rượu. Quan Tổng cũng đã là ngà, tú Tân cười cười:

-  Nguyễn huynh! không khéo hôm nay huynh gặp được nhị khánh.

    Trứ nhướng mày nghi hoặc:

-  Căn cứ vào đâu mà đệ nói thế ?

-  Huynh là nho tướng, huynh phải rành lý số hơn đệ mới phải chứ - Tú Tân trêu

     Nguyễn tự than:

-  Phải, ta còn kém mặt này, lại thiếu khiêm cung nên thường lên voi xuống chó.

            Tiếng viên thư lại oang oang:

-  Mời giáo phường bầu Lê lên phô diễn.

    Nhóm đào kép vừa ngồi xuống chiếu, một đôi mắt phượng đã nhìn thẳng vào mắt Nguyễn, ông giật thót mình như luồng điện chạy qua, dụi mắt nhìn, lờ mờ thấy một gương mặt quen quen mà không nhớ rõ.

    Nàng cất tiếng ca đầy ai oán:

 

              Giang san một gánh giữa đồng….

Thuyền quyên “ứ hự ”, anh hùng nhớ chăng?

 

   Nguyễn vụt đứng lên hét lớn:

-  Hiệu Thư !

    Cả phủ đường giật nảy vì tiếng quan tổng to như sấm động, họ chết lặng nhìn Nguyễn tướng công vụt chạy tới ôm chầm lấy đào nương, giọng như mê sảng:

-  Hiệu Thư ! Hiệu Thư ! Thiếp yêu của ta.

 

*******

 

    Đức Minh Mạng thiết triều, sau khi bá quan văn võ lục bộ tấu trình, tham vấn việc quốc gia đại sự, ngài ngự nghiêm nghị xử lý mọi việc một cách anh minh.

    Khi bàn về bọn giặc cỏ xứ Bắc, ngài khen:

-  Nguyễn Công Trứ thật đúng là “Lao năng khả tướng”, nơi nào có việc lại dâng sớ xin đích thân đánh dẹp, mọi việc trẫm sai phái đều hoàn thành mau chóng, cho xuất kho 200 lạng bạc khen thưởng công lao hạn mã của Nguyễn Tổng đốc.

   Quan Nội các Hà Tôn Quyền thoáng nhăn mặt, bước ra trình tấu:

-  Khải bẩm hoàng thượng, Trứ tha và dùng bọn giặc làm việc quân …

   Minh Mạng ngắt lời:

-  Thì hay quá chứ sao? Khanh quên việc Khổng Minh dùng Khương Duy rồi hay sao ?  

    Hà vớt vát:

-  Dạ …bẩm, mới đây Trứ lại nạp thiếp, làm to, không làm gương cho chúng dân.

    Đức vua cả cười:

-  Thôi! Hà khanh. Với Trứ nên có biệt lệ, xã tắc từ lâu mới có một người  …

 

      Có một điều ngài nghĩ đến mà không nói ra: - Ta còn phục hắn huống chi ai, đúng là trang nam nhi hảo hớn, ngàn năm có một.

                                                                                                           

02/ 10/ NT 

       Đ.N.T

Bài viết khác cùng số

Biệt thự, mèo, răng giả và những chuyện khác - Truyện Trần Đức TiếnTản văn Phạm Thị Ngọc ThanhNhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết TưNúi thiêng - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển - Huỳnh LêĐinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt ThưCào cào lá - Nguyễn Ánh Tuyết TrinhNhững giọt nước mắt - Phạm Thị Thảo Nhi Thầy ơi, em đậu tốt nghiệp rồi! - Thanh Trắc Nguyễn VănTrung thu về gợi nhớ trăng xưa - Võ Khoa ChâuCô gái vẽ linh hồn - Truyện Cẩm GiangThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Nguyễn HoaThơ Huỳnh Minh TâmTiếc nuối - Vạn LộcThong thả với sông Hàn - Mai Mộng TưởngThơ Trần Trúc TâmMiền Trung - Trần Hải Sâm Trường Sa xanh - Phan Minh ChâuViết cho những ngày xa Tổ Quốc - Lê HòaChúng ta chưa được nhìn thấy Vầng trán Người lo lắng ! - Bùi Công BínhVài kỷ niệm về mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975 - Lê Huy HạnhHai bài viết mới về Phan Khôi - Phan Nam SinhTruyện ngắn Quế Hương – thế giới của những “nỗi buồn rực rỡ” - Lê Thị HườngĐã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái - Đinh Thị ToanĐại Chiêm Hải Khẩu-Hội An: Một cảng-thị quốc tế sầm uất thời vương quốc Champa - Trần Kỳ PhươngHội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển” - Nguyễn Kim Huy