Mỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển - Huỳnh Lê

21.10.2013

Mỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển -  Huỳnh Lê

Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 diễn ra từ ngày 18/8 đến 28/8 tại Trung tâm Quản lý di sản Văn hóa Đà Nẵng. Triển lãm lần này gồm 243 tác phẩm gồm nhiều thể loại như tranh, tượng, hội họa, đồ họa, mỹ thuật ứng dụng, điêu khắc bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, gỗ, thạch cao của 217 tác giả đến từ 9 tỉnh, thành trong khu vực.

 

Chất lượng tác phẩm đồng đều

            So với năm ngoái, triển lãm lần này nhiều hơn 46 tác phẩm và 20 tác giả. Con số ấn tượng đó đã giúp cho triển lãm khá đa dạng về màu sắc lẫn phong cách thể hiện. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, những năm gần đây, hầu hết các tác phẩm tham dự khá đồng đều về chất lượng, khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh, thành đã được thu hẹp rất nhiều. Tư duy nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc khá độc đáo và độc lập về ý tưởng, phản ánh trung thực, sinh động hơi thở cuộc sống, những đổi thay về kinh tế, xã hội của khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó có nhiều tác phẩm mang chủ đề biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như năm ngoái, triển lãm lần thứ 18 vẫn không có tác phẩm nào đạt được giải A do Hội đồng Nghệ thuật bình chọn.

            Chia sẻ về điều này, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 cho rằng, dù rất nỗ lực bức phá, tìm kiếm cái mới cả về đề tài lẫn cách thức thể hiện nhưng không có tác phẩm nào đạt giải A cũng cho thấy 243 tác phẩm năm nay vẫn chưa thể đạt đến những yêu cầu do Ban tổ chức đưa ra, chưa có tác phẩm tạo nên bước đột phá trong tư duy sáng tạo.

            Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết, bên cạnh sự đồng đều về tác phẩm, triển lãm năm nay có sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, đem lại sắc màu tươi mới trong cách thể hiện. Trong đó, đáng chú ý là tác giả Trương Bách Tường với tác phẩm Thời quảng cáo, Lê Nguyên Chính với Chờ diễn, Đỗ Như Tuấn với Tạo hóa… Các tác phẩm này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên môn. “Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Vì thế, việc xuất hiện các gương mặt trẻ sẽ tạo nên làn gió mới trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Hiện nay, tư duy, quan điểm sáng tạo đã thông thoáng hơn, nguyên vật liệu phục vụ cho sáng tạo của mỹ thuật rất phong phú. Vì thế, việc còn lại là sức sáng tạo, tài năng sáng tạo của nhà điêu khắc đến đâu mà thôi. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, để có một tác phẩm thực sự xuất sắc lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi sự sáng tạo không phải bao giờ, lúc nào cũng tỏa sáng một cách rực rỡ và đem lại cho người nghệ sĩ nhiều giải thưởng như mong muốn.

Tác phẩm của họa sĩ Đà Nẵng lên ngôi

            Trong 243 tác phẩm tham dự triển lãm lần này, Đà Nẵng chiếm áp đảo với 63 tác phẩm và giành được 4/9 giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật. Cụ thể, tác phẩm Đà Nẵng xưa và nay của tác giả Nguyễn Trọng Dũng đạt giải C và 3 tặng thưởng dành cho các tác phẩm Làm đẹp cho đời của tác giả Hồ Đình Nam Kha, Cổ vật của tác giả Lê Công Dũng và Người Việt Nam của tác giả Nguyễn Tường Vinh. Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng cho biết, sau 10 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại I, sự trở lại của triển lãm lần này có ý nghĩa rất đặc biệt. Chưa kể, những giải thưởng năm nay giúp nghệ sĩ Đà Nẵng tự tin hơn trên con đường sáng tác nghệ thuật để tiếp tục đưa đến cho công chúng những tác phẩm mỹ thuật phong phú, đa dạng và giàu hình tượng.

            Bên cạnh những tác phẩm đạt giải, Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 còn ghi nhận sự đóng góp của nhiều tác phẩm Đà Nẵng khai thác chủ đề nông thôn mới. Đơn cử như các tác phẩm Nét xưa (tổng hợp) của Nguyễn Thị Dư Dư, Nắng mùa hạ (sơn dầu) của Hoàng Đặng, Quà của biển (acrylic) của Thân Trọng Dũng, Sông Lành (sơn mài) của Đặng Công Tuấn, Lắng nghe đọc báo (sơn dầu) của Trần Đức Hùng, Âu thuyền Thọ Quang (khắc gỗ) của Trương Nguyễn Nguyên Kha. Ở mảng điêu khắc là các tác phẩm Tình biển (tượng gỗ) của Nguyễn Thanh Bình, Tình Bác (tượng thạch cao) của Lê Huy Hạnh đã gây được sự chú ý.

            Họa sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ, so với các tỉnh, thành khác, lực lượng tác giả, tác phẩm của Đà Nẵng năm nay rất dồi dào và có tính kế thừa. Chưa bao giờ tác phẩm của Đà Nẵng lại phong phú và đa dạng đến thế. “Nhằm tạo sự cân bằng giữa các tỉnh, thành phố khác, chúng tôi đã cố gắng để giảm bớt số lượng tác phẩm của Đà Nẵng nhưng không làm được vì hầu hết các tác phẩm tham dự triển lãm đều đẹp và đạt chuẩn”, ông nói. Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, tuy có nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng tốt nhưng Đà Nẵng vẫn chưa xuất hiện một tác giả, tác phẩm nào thực sự xuất sắc. Chưa kể, phần lớn giải thưởng trong các lần triển lãm gần đây đều xướng tên những tác giả quen thuộc, chưa có gương mặt trẻ nào nổi trội. Các tác giả trẻ xuất hiện, có sự tìm tòi trong cách thể hiện, khai thác đề tài nhưng chưa đi đến cùng của sự sáng tạo hoặc tác phẩm chưa thực sự thuyết phục người xem.

            Trong khuôn khổ cuộc triển lãm lần này, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có chủ trương mua lại các tác phẩm mỹ thuật có giá trị, đồng thời kêu gọi các tác giả đóng góp vào việc xây dựng bảo tàng thông qua việc hiến tặng một số tác phẩm của mình. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho nền mỹ thuật thành phố sau một thời gian dài lúng túng trong việc tìm địa điểm sinh hoạt cũng như trưng bày tác phẩm. Dự kiến, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ được xây dựng trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020, góp phần tạo điều kiện cho anh chị em trong nghề giao lưu, học hỏi để nâng cao tay nghề, góp phần tạo nên những tác phẩm ấn tượng cho Đà Nẵng thời gian tới.

 

 

H.L

Bài viết khác cùng số

Biệt thự, mèo, răng giả và những chuyện khác - Truyện Trần Đức TiếnTản văn Phạm Thị Ngọc ThanhNhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết TưNúi thiêng - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển - Huỳnh LêĐinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt ThưCào cào lá - Nguyễn Ánh Tuyết TrinhNhững giọt nước mắt - Phạm Thị Thảo Nhi Thầy ơi, em đậu tốt nghiệp rồi! - Thanh Trắc Nguyễn VănTrung thu về gợi nhớ trăng xưa - Võ Khoa ChâuCô gái vẽ linh hồn - Truyện Cẩm GiangThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Nguyễn HoaThơ Huỳnh Minh TâmTiếc nuối - Vạn LộcThong thả với sông Hàn - Mai Mộng TưởngThơ Trần Trúc TâmMiền Trung - Trần Hải Sâm Trường Sa xanh - Phan Minh ChâuViết cho những ngày xa Tổ Quốc - Lê HòaChúng ta chưa được nhìn thấy Vầng trán Người lo lắng ! - Bùi Công BínhVài kỷ niệm về mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975 - Lê Huy HạnhHai bài viết mới về Phan Khôi - Phan Nam SinhTruyện ngắn Quế Hương – thế giới của những “nỗi buồn rực rỡ” - Lê Thị HườngĐã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái - Đinh Thị ToanĐại Chiêm Hải Khẩu-Hội An: Một cảng-thị quốc tế sầm uất thời vương quốc Champa - Trần Kỳ PhươngHội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển” - Nguyễn Kim Huy