Tuổi trẻ hôm nay và văn hóa dân tộc
Xyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đa dạng và phong phú, luôn giữ được bản sắc độc đáo riêng, với một sức mạnh nội tại mãnh liệt.
Cần lưu ý rằng, nói đến văn hóa dân tộc thì không thể nào bỏ quên yếu tố môi trường mà nền văn hóa đó hình thành. Và môi trường hình thành của nền văn hóa dân tộc Việt Nam từ bao đời nay là những cư dân sống ở vùng nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa, lãnh thổ có nhiều sông suối, nền nông nghiệp lúa nước tồn tại nhiều đời...
Chính môi trường tự nhiên và điều kiện kinh tế ấy đã có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa của dân tộc Việt; kể cả đời sống văn hóa vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần. Rồi đến lượt nó, chính đời sống văn hóa ấy lại làm nên tính cách tâm lý của con người Việt Nam.
Con người Việt Nam, xét riêng về mặt tư tưởng, là con người của tư tưởng yêu nước, vì suốt trường kỳ lịch sử phải luôn luôn tự vệ, phải không ngừng chiến đấu chống ngoại xâm.
Cụ thể hơn, đó là con người tinh thần, con-người-tư-tưởng.
Nói đến Con-người-tư-tưởng Việt Nam, không thể không nói đến một nét đặc thù trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Về mặt tinh thần, tức là bề sâu của văn hóa, con người Việt Nam, ngoài sức mạnh đề kháng, tinh thần bất khuất, còn có một sức mạnh nội tại lạ lùng, đó là sức mạnh dung hợp rất uyển chuyển mà lại rất bền bỉ. Chính cái sức mạnh nội tại ấy đã giúp dân tộc Việt có thể hóa giải và hòa đồng được các nguồn tư tưởng khác nhau, để tồn tại và cũng để biến tư tưởng của người thành tư tưởng của mình. Lịch sử dân tộc đã chứng minh rất rõ điều ấy. Dù được du nhập vào Việt Nam bằng những ngả đường khác nhau và vào những thời điểm khác nhau, nhưng trước sau, cả ba luồng tư tưởng: Nho, Phật, Lão, đều lần lượt bị dung hóa, trở thành “tam giáo đồng nguyên” trong tư tưởng dân tộc. Cũng chính từ hiện tượng dung hóa này, ta có thể đoan quyết rằng, bất cứ tư tưởng nào, dù đến từ chân trời xa xăm nào, nếu không (hay chưa) được dung hóa, chưa thành tư tưởng của dân tộc Việt, thì cũng khó tồn tại; nếu không muốn nói là chỉ có thể sống kiểu “đời sống tầm gởi”, dù cho có bất cứ sức mạnh nào áp đặt thì cũng sẽ dần bị mai một, mất hết ảnh hưởng.
Chính việc biết dung hợp đó của sức mạnh văn hóa dân tộc chứng tỏ con-người-tư-tưởng Việt Nam là một con người cởi mở.
Nhờ biết dung hợp nên tư tưởng dân tộc không bị đồng hóa, có thể lớn mạnh, phát triển và trường tồn. Ở đây, chúng ta hãy đi sâu vào những yếu tố cấu thành của văn hóa dân tộc.
Xã hội nông nghiệp lúa nước Việt Nam, tự bao đời nay, đã được xây dựng trên cái nền đặc trưng là cộng đồng làng xã.
Hình ảnh cổ xua nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744), thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Nam (ảnh phục dựng).
Trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương”, Đào Duy Anh có nhắc tới “tính chất thường tồn” (permanence) (chứ không phải trường tồn: éternel - ghi chú của chúng tôi - THDV) của văn hóa Việt Nam. Cái tính chất thường tồn ấy thể hiện ở chỗ ông cha chúng ta có những biến giải tưởng như tầm thường mà vô cùng hợp lý, chắc chắn, luôn tạo được sự quân bình, tự tin trong đối nhân xử thế. Đó là sự biến giải tuyệt vời của văn hóa dân tộc khi phải đối đầu với những luồng tư tưởng Nho-Lão-Phật xưa kia, và cả những tư tưởng triết học hiện đại phương Tây mới du nhập vào nước ta sau này. Có người đã gọi đó là sự dung hóa tư tưởng (dung hóa chứ không chỉ là dung hòa, nghĩa tích cực là dung hòa và hóa giải!). Chính vì thế mà trong cuộc sống của chúng ta hôm nay có cả tâm tình, ý chí và nghệ thuật sống của ông cha ta. Hiện tại chứa đầy quá khứ và là thước đo, là sức mạnh của những đôi chân chuẩn bị bước vào ngày mai. Trong tính chất thường tồn ấy của văn hóa dân tộc, cái cốt lõi vẫn là văn hóa dân gian; trong đó chứa đựng cả đạo lý, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào sự tồn tại của những giá trị nhân văn và cả nỗi đam mê các thú vui bình thường của những con người luôn biết dung hợp giữa lạc thú cuộc đời và lý tưởng hướng thiện trong một cuộc sống tâm linh phong phú.
Trong nền văn hóa thường tồn của dân tộc Việt, yếu tố tiếp nối không ngừng của những thế hệ người luôn gởi tình yêu thương và niềm tin, hy vọng vào lớp con cháu là cốt lõi của mọi yếu tố... Trong điều kiện đó, làng xã là đơn vị chủ yếu quyết định sự tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt.
Văn hóa làng được hình thành trên cái nền của sự quần cư, vì vậy đã tạo nên những đặc trưng văn hóa cho đến ngày nay vẫn còn nguyên tác dụng: yêu thương lẫn nhau vì tình làng nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, việc của một nhà mọi nhà đều lo (nhất gia hữu sự, bá gia ưu). Chính đây là một trong những tính cách đặc thù của con-người-tư-tưởng Việt Nam, là lối tư duy lưỡng hợp (dualisque).
Tư duy lưỡng hợp là một lối tư duy cụ thể, thiên về kinh nghiệm cảm tính, chứ không duy lý. Người Việt Nam thường ưa hình tượng hơn là khái niệm; lại thường uyển chuyển, linh hoạt, dễ thích nghi.
Chính vì sự cố kết tình nghĩa làng xóm đó mà con người Việt Nam là con người có xu hướng muốn dung hòa mọi chuyện, thích sự bình ổn, ưa dựa vào các mối quan hệ trong đối nhân xử thế; đồng thời, giỏi ứng biến, biết uyển chuyển, và thường ưa “lấy nhu thắng cương”, “lấy nhược thắng cường”. Điều này, theo chúng tôi, chính là do văn hóa nông nghiệp, văn hóa làng xã mà con người Việt Nam luôn đề cao chữ Nhân; luôn kết hợp Nhân với Nghĩa; Nhân với Đức.
Bên cạnh đó, con người Việt Nam còn trọng chữ Hiếu; đề cao chữ Phúc. Và cũng chính ở đây, ta thấy rõ sự dung hợp của tư tưởng dân tộc, quan niệm chữ Phúc đã trở thành một cách thế sống trong dân gian, không chỉ là nói đến Phúc của một con người, một cá nhân, mà mở rộng khái niệm chữ Phúc thành ra Phúc của cả gia đình, gia tộc; chính vì vậy mà ta thường nghe nói đến Phúc nhà. Do đó, trong đời sống xã hội Việt Nam theo nếp cũ, người ta thường không khen giàu, khen sang, mà khen “nhà có phúc”...
Các giá trị nhân văn, như lòng yêu việc Thiện, tinh thần “tôn sư trọng đạo”, ghi ân tạc đức, hiếu thảo, nhân ái, nhân từ, bao dung, hoài cổ... cũng bắt nguồn từ văn hoá làng xã. Ngay cả đến sự quan tâm của triều đình trong tinh thần “ưu dân - ái quốc”, mà “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” khi nước nhà thái bình, thì phải là “trong thôn cùng xóm vắng không một tiếng oán than”. Văn hóa làng xã còn thể hiện ở lòng tôn kính và biết ơn công lao của các bậc tiền hiền, các tổ nghề, các bậc minh sư công thần, các dũng tướng, những người dám quên mình vì nghĩa cả, vì đất nước. Điều này được dân ta khắc ghi qua các công trình văn hoá như các đình chùa, lăng mộ.
Ngoài mặt tinh thần, tâm linh, văn hóa dân tộc còn biểu lộ trong những phong tục tập quán, trong cách ăn mặc, nhà ở, các phong tục về tang ma, cưới hỏi...
Xét về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân tộc cũng có những nét đặc thù. Người Việt có quan niệm sống thiết thực; đó là, con người cần sinh sôi, mùa màng cần tươi tốt, vì có như vậy mới có thể duy trì và phát triển sự sống. Và đó chính là lý do để có tín ngưỡng phồn thực: thờ sinh thực khí của cả nam và nữ. Dấu tích của tín ngưỡng này còn thấy được ở các tượng đá hay rõ nhất là ở hình dạng và hoa văn trên các trống đồng...
Tín ngưỡng đa thần của người Việt biểu hiện rõ nét trong đời sống, sinh hoạt xã hội; trong đó, các nữ thần được tôn trọng hơn hẳn. Tục thờ mẫu là một minh chứng, vì dân ta quan niệm, ngoài Ông trời, cũng còn có Bà trời; vì thế mà có Mẫu Cửu trùng, Mẫu Thượng ngàn, Bà chúa sông nước v.v...
Tín ngưỡng phổ biến nhất trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt chúng ta là thờ cúng tổ tiên. Có thể nói, đây chính là “một hình thức tôn giáo” của người Việt.
Việc thờ cúng tổ tiên luôn được coi trọng, nhất là trong những ngày giỗ, ngày Tết...
Tế xuân là một nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc (Ảnh Tác giả bài viết tại lễ Tế xuân của tộc Nguyễn Văn làng Giao Thủy (Đại Lộc, Quảng Nam)
Sau khi nhận định về những nét đặc thù trong nền văn hóa dân tộc, thiết tưởng chúng ta không thể không thử đi tìm nguyên nhân hình thành con-người-tư-tưởng Việt Nam trong bối cảnh xã hội - kinh tế, trong suốt quá trình lịch sử dân tộc.
Có thể thấy ba nguyên nhân trực tiếp:
Thứ nhất, con-người-tư-tưởng Việt Nam cởi mở, dễ dung hợp vì sinh hoạt và trưởng thành trong một xã hội nông nghiệp thuần nhất.
Thứ hai, con-người-tư-tưởng Việt Nam tồn tại và phát triển nhờ tổ chức làng xã và văn hóa làng xã; nhưng chính vì vậy mà, về mặt nghề nghiệp, con người đó giỏi bắt chước, ít sáng tạo.
Thứ ba, tính chất cởi mở trong đời sống tinh thần của người Việt có mặt tích cực là dễ chấp nhận cái mới, cái khác mình, nhưng đồng thời cũng lộ ra mặt tiêu cực là dễ thỏa hiệp. Nói một cách cụ thể, các thế hệ người Việt, kể từ khi theo đuổi nền giáo dục mới của phương Tây, nếu phải bắt buộc đi vào những suy nghĩ, suy luận mang tính phản biện cao, giàu tư duy độc lập, thì lập tức thấy bỡ ngỡ, khó khăn. Như thế, nhiều thế hệ vẫn chấp nhận cách học lặp lại những gì đã có, đã quen thuộc và đi theo một lối dẫn giải cố định, đã biến thành thể chế. Với sự chuyên cần, chăm chỉ và cả sự thông minh, học sinh - sinh viên của ta có thể đạt được một số kỹ thuật tinh vi, nhưng lại thiếu sự sáng tạo của trí tuệ. Gần đây, tìm hiểu về sự phát triển của con người Việt Nam, nhiều nhà giáo dục học đều đi tới kết luận rằng: học sinh - sinh viên Việt Nam rất giỏi, nhưng chưa đủ điều kiện thiết yếu để có thể tiến xa. Nhà giáo dục học Paulo Freire, trong cuốn Critical Pedagory đề cập đến cái khả năng tư duy phê phán (Critical reasoning) hay cái ý thức phê phán một cách tự giác (Critical consciousness). Mà điều đó thì sinh viên Việt Nam không có. Họ chuyên cần, chăm chỉ, luôn luôn đạt điểm tốt, nhưng khi phải cạnh tranh với những bạn cùng khóa là những người nước ngoài, ở những bậc học cao, thì thường bị giới hạn.
Tình trạng này là phổ biến cho giới trẻ Việt Nam, suốt trong một thời gian dài. Lại nữa, trong tình hình xã hội còn nghèo thì những tác động ấy càng lớn hơn, vì người học sinh - sinh viên, nhất là những người xuất thân từ các vùng nông thôn, do những khó khăn trước mắt của gia đình, lại càng không thể học cao hơn. Mà đó chỉ là nói về việc học. Còn trong những lãnh vực hoạt động khác cũng vậy, con người Việt Nam, trong một chừng mực nào đó, thường không có nhiều tham vọng. Chính vì thế mà rất khó tiến xa trong sự nghiệp. Ngày trước đã thế, xem ra hiện nay cũng chưa phải đã hoàn toàn thoát ra khỏi được tình trạng đó.
Chúng tôi đã đưa ra các nguyên nhân giúp phần nào có thể lý giải được việc khó tiến xa trong sự nghiệp khoa học, nhất là trong việc lập thuyết, của con người Việt Nam; trong đó, yếu tố truyền thống, tức là khí chất của con người Việt Nam là nguyên nhân chính. Và cũng chính từ yếu tố khí chất này, chúng ta dễ đồng ý với nhau, như các nhà nghiên cứu gần đây đều xác tín, rằng con người Việt Nam vốn giàu sức đấu tranh, và có ý thức phản kháng cao; kiên cường, gan dạ; chịu khó làm việc, cần cù, bươn chải; biết tiết kiệm, có tinh thần quyết đoán...Bên cạnh những mặt mạnh ấy trong tính cách, con người Việt Nam cũng bộc lộ những mặt yếu: ít tham vọng, tính cạnh tranh kém, giỏi bắt chước hơn là sáng tạo; bảo thủ nên dễ mắc sai lầm; có ý tưởng nhưng lại dễ bỏ dở.
Vấn đề quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là văn hoá dân tộc sẽ tồn tại như thế nào? Và chúng ta sẽ hướng dẫn, giáo dục như thế nào cho lớp trẻ hiện nay về những tinh hoa của văn hóa dân tộc?
Văn hóa dân tộc, trên bước đường hội nhập vào thế giới hiện đại, đang phải chịu nhiều thử thách.
Trong đời sống đa chiều, đa cực hiện nay, việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc là cần thiết, là điều không thể tránh, vì có muốn tránh né cũng không được; bởi nghĩ cho cùng, sự giao lưu ấy, trong ý nghĩa tích cực của nó, giúp bổ sung, làm giàu thêm cho văn hóa của từng dân tộc. Nhưng từ đó cũng có một hệ lụy không nhỏ: Làm thế nào để giao lưu, tiếp xúc nhưng không đánh mất bản sắc riêng? Ngày nay, người ta hay nói đến khái niệm tiếp biến là vì thế. Không giao lưu, không đối thoại, không mở cửa là tự làm suy yếu mình, dễ khiến ta bị lệ thuộc. Nhưng vấn đề cũng vô cùng quan trọng là giao lưu, tiếp nhận như thế nào? Thực trạng đáng lo ngại khi đã có một bộ phận không nhỏ người Việt - không phải chỉ là lớp thanh niên - đang đuổi theo lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền và những giá trị vật dục, vô tình hay cố ý, hủy hoại truyền thống văn hóa dân tộc, những truyền thống tốt đẹp về nhân nghĩa, về tình làng nghĩa xóm, về tinh thần tự chủ, tự cường, không để bị xâm lấn, lệ thuộc.
Trong điều kiện sống ngày nay, khi những yếu tố kỹ thuật bắt đầu chi phối đời sống xã hội chúng ta, chẳng những làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, không gian sinh tồn và cả quyền con người, mà còn kéo theo những thay đổi sâu sắc về cấu trúc xã hội, không gian văn hóa, địa bàn cư trú, và cả chất lượng sống, khi thực tế là đã có một cuộc di chuyển dân số, tuy âm thầm mà lại vô cùng rộng lớn, từ các vùng nông thôn đang ngày càng tràn ra các đô thị, các khu công nghiệp (người của làng ra làm người của phố). Những con người này đang thích nghi dần với nhịp sống mới, hình thành những thói quen mới, rất khác cuộc sống trước đây, tác động không nhỏ đến sự thay đổi quan niệm sống, cách sống, và mọi thứ ứng xử khác trong mối quan hệ xã hội cũng đã dần thay đổi, mà ngay cả những người vô tâm nhất, khi có dịp nhìn lại, suy ngẫm, cũng phải giật mình.
Đứng trước những thực trạng xã hội biến đổi ấy, câu hỏi đặt ra sẽ là, chúng ta đã làm gì cho lớp trẻ ngày nay? Trách nhiệm giáo dục văn hóa dân tộc, là làm sao cho lớp người trẻ nhận ra được những tinh hoa cũng như những mặt hạn chế của văn hóa dân tộc, để, một mặt ra sức bảo vệ, phát huy, một mặt cũng biết gạn đục khơi trong, xa rời những gì là lạc hậu, lỗi thời so với nhịp tiến hóa của thời đại; trách nhiệm ấy thuộc về ai? Vai trò của giáo dục, nhất là giáo dục đại học, sẽ như thế nào?
Tổ chức UNESCO từng nhận định: “Phân tích đến cùng thì sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa”. Và: “Sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển”.
Trong một cái nhìn khách quan và cũng không kém phần ý thức, chúng tôi cho rằng, nền giáo dục hiện nay phải giữ một vai trò tích cực, nếu không muốn nói là tiên phong, trong việc dạy cho giới trẻ, những người học sinh - sinh viên của hôm nay và ngày mai, những điều thật cụ thể nhưng cũng thật giản dị, như: ý thức về trách nhiệm bản thân, để tiến tới ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; lòng tự trọng, biết trọng danh dự, biết chia sẻ với người khác, dám bảo vệ cái đúng, lẽ phải v.v...
Đây không còn là chuyện “mỗi người tự nhận ra vấn đề...”, mà đây chính là chuyện của toàn xã hội, trách nhiệm của toàn xã hội, mà trước hết là của chính quyền, của Nhà nước.
Vai trò của giáo dục, nhất là của giáo dục đại học, trong việc đào tạo lớp người trẻ vừa biết yêu quý văn hóa dân tộc vừa có đủ tỉnh táo và khôn ngoan trong tiếp thu văn hóa nước ngoài là vô cùng quan trọng.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ trọng đại đó, thiết nghĩ, cách nhìn đúng đắn và hợp thời về tính dân tộc trong giáo dục là vô cùng cần thiết. Trong ý hướng ấy, chúng ta cần các bạn trẻ, và nhất là những người làm giáo dục, đang giữ vai trò quản lý trong ngành giáo dục cũng như các trường đại học hiện nay, thử suy nghĩ và chiêm nghiệm lại chủ trương và quan niệm về tính dân tộc: “Giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực và tự cường”.
Hiện nay, sự thay đổi về xã hội và con người trong điều kiện toàn cầu hóa sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với văn hóa dân tộc. Vấn đề đặt ra, không phải chỉ hôm nay, mà cả trong tương lai, là bản lĩnh con người Việt Nam sẽ như thế nào? Năng lực làm chủ cuộc sống của chúng ta ra sao? Mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại sẽ được dung hóa như thế nào? Đồng hành với tư tưởng nhân loại như thế nào để không bị tha hóa và nhất là không bị dòng chảy của thời đại cuốn trôi?
Chúng ta cần khẳng định rằng, muốn xã hội phát triển, đất nước giàu mạnh, đủ lực tự cường để tự chủ, thì nhiệm vụ của giáo dục là phải tạo ra một mẫu thanh niên Việt Nam biết yêu mến và tự hào về nền văn hóa độc đáo của dân tộc, nhưng cũng có đủ nhiệt huyết và quyết tâm học hỏi những tinh hoa của tư tưởng, và khoa học của thế giới để có đủ năng lực đầu tư cho những công trình khoa học có giá trị.
Mẫu thanh niên Việt Nam ấy sẽ là những con người hiện đại giàu lòng yêu nước, tài hoa, năng động, sẵn sàng hội nhập với văn hoá nhân loại nhưng vẫn giữ được cái đẹp long lanh và sâu lắng, dịu dàng, thấm đẫm tình nhân ái của văn hóa dân tộc.
Thế kỷ của kinh tế tri thức đang cần và đang chờ người thanh niên Việt Nam hiện đại có cả ánh sáng của tri thức và ánh sáng của trái tim.
T.H.D.V