“Miền mây trắng” - Một cõi yên bình trong thơ Vạn Lộc

06.05.2022
Trần Trung Sáng

“Miền mây trắng” - Một cõi yên bình trong thơ Vạn Lộc

“Miền mây trắng” là tựa đề tập thơ mới nhất của Vạn Lộc, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Đà Nẵng vừa ấn hành, bao gồm 62 bài (lục bát, tự do, thất ngôn bát cú. Tranh bìa: Hồ Đình Nam Kha, lời giới thiệu: Bằng Việt, Nguyễn Mình Hùng. Miền mây trắng có nội dung mang tâm trạng đau buồn riêng tư, nhưng vẫn giữ được cốt cách ấm áp, thâm thúy trong cách thể hiện cân bằng, hài hòa giữa cảm xúc bi quan và lạc quan, phân định liều lượng cần và đủ giữa các hiện tượng ngẫu nhiên và tất nhiên, tạm bợ và vĩnh cửu…

Trước đó, Vạn Lộc từng là tác giả của 8 tập thơ với hàng ngàn câu thơ mà hầu hết là những trăn trở của người đàn bà về tình yêu và những đa đoan đời sống. Song lần này, ở Miền mây trắng, phải chăng, đó là nỗi đau đớn ngậm ngùi, cô đơn thương nhớ, mong cầu miên viễn? Là xa cách nghìn trùng khi người chồng thương yêu đi về miền vô ưu, bước chân vào mùa viễn xứ: “Để bây giờ thiên lý/ Cách biệt tự quan san/ Em ôm tình vạn cổ/ Anh về chốn non ngàn” (Cánh chim miền vô ưu). Dẫu có tránh né thì hai chữ “nước mắt” vẫn phải tự nhiên lên tiếng. Tình không mỏi mòn thì sợ chi chữ nghĩa sáo mòn: “Mà nước mắt vẫn ngập tràn nước mắt/ Xin anh hãy về dù giữa giấc mơ thôi” (Anh hãy về trong giấc mơ em).

Trong nỗi nhớ thương ấy, bên cạnh ký ức những ngày tháng mặn nồng, hạnh phúc cùng người bạn đời: “Những ngày cuối đời anh thường nắm tay em/ Run run những ngón guộc gầy/ Những ngón tay chừ không còn hát/ Phiêu bồng trên tóc em đêm đêm” (Khắc khoải), còn là hình ảnh của hai miền quê hương Huế - Quảng như một mối tơ duyên gắn bó giữa tác giả và với một nửa linh hồn chung thủy yêu thương: “Em làm dâu Huế ngày xưa/ Hải Vân đôi nửa nắng mưa lạ lùng/ Núi heo hút đèo mù sương/ Hai quê cách chỉ quãng đường mà xa”, để rồi: “Sáu mươi năm chung một nhà/ Sông Bồ lắng nước phù sa Thu Bồn/ Chiều chiều mây trắng đầu non/ Mạ Huế mẹ Quảng thương con ngóng chiều” (Niệm từ).

Theo nhận định của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, xưa nay, nước mắt khóc chồng trong thơ không ít,  nhưng để lại ấn tượng sâu đậm không nhiều. Thơ viết về sinh li tử biệt, nhất là với người bạn đời thủy chung luôn long lanh nước mắt và rất chân thành. Gần một thế kỉ trước Tương Phố khóc chồng da diết và khóc nổi tiếng trong Tái tiếu sầu ngâm (Tạp chí Nam Phong số 147, tháng 2 năm 1930), hoặc trong bài Nỗi cô đơn, sáng tác 1953, Nguyễn Thị Bính làm thơ khóc chồng (Đặng Phúc Thông) cũng được nhiều người nhắc đến. Nhưng để so sánh giữa những giọt-lệ-thơ ấy với nhau là không nên, không công bằng. Có nước mắt nào hơn nước mắt nào? Vạn Lộc đi sau gần một thế kỉ, dĩ nhiên phải viết khác hơn, người đọc yêu cầu cao hơn mà không thể chỉ dừng lại ở niềm cảm thấu của chuyện tình nghĩa chia ly. Cụ thể như trong Giấc mơ xuân tàn, chữ nghĩa quen nhưng thi ảnh được dệt khéo và thật: “Tơ buồn chẳng thiết tha đan/ Em như con nhện dệt tang đời mình/ Góc sầu giăng lối bình minh/ Xót xa viết một chữ tình không anh...”

Cũng theo Nguyễn Minh Hùng: “Điều lạ là, mà phải đọc kĩ (vì tác giả viết nhiều quá, để cảm xúc tự nhiên chi phối quá, nên khó phát hiện) mới thấy những câu thơ rất khác so với nhiều thơ Vạn Lộc đã in, ngay từ nhan đề Anh đã cỏ mai rồi em cũng cỏ: “Mưa gió trần gian bây giờ rất thật (…) / Anh bây giờ đã gần hơn với cỏ/ Đã tự lòng mình nghe cỏ rút ruột xanh/ Và anh cũng hiểu nỗi niềm của gió/ Hoang lạnh muôn chiều khúc hát thiên thanh”. Với Miền mây trắng, Vạn Lộc một lần “soi mình vào hạt lệ” để phát hiện ra tiếng nói tâm hồn qua những câu thơ giàu xúc cảm.

Trong khi đó, nhà thơ Bằng Việt cho rằng, các bài thơ khóc chồng của Vạn Lộc ở Miền mây trắng đều có ý tiềm ẩn một chữ “ngộ”, nên ngay cả khi đi tới tâm trạng bi thương và đau buồn nhất, chị vẫn giữ được cốt cách ấm áp, bình tĩnh trong cách thể hiện cân bằng và hài hòa giữa cảm xúc bi quan và lạc quan, biết phân định liều lượng cần và đủ giữa các hiện tượng ngẫu nhiên và tất nhiên, tạm bợ và vĩnh cửu. Càng về cuối đời, thơ Vạn Lộc càng gắn vào với Phật pháp. Có lẽ vì ở đấy, chị tìm thấy vẻ bình yên thực sự trong tâm hồn, mặc dầu có xảy ra bao biến cố trong đời! Và trong tập Miền mây trắng cũng vậy, sau những bài thơ sẻ chia, tâm sự, cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho người đã khuất, thì cuối cùng, Vạn Lộc lại muốn mời người bạn đời của mình, từ chốn hư vô trở lại cõi dương thế, nương ánh Thiền cùng mình, để được hưởng cội nguồn từ bi của Phật: “... Cội từ bi sẽ nở đóa từ tâm/ Mình làm giọt sương trên hoa ưu đàm anh nhé/ Miền an lạc tất thảy đều thanh nhẹ/ Đều thanh cao quyện ngát hương rằm!”. Biết đưa nỗi đau từ mọi miền nhớ, miền thương trở về với cõi thanh cao, biết đưa tâm hồn người thân đã khuất từ mọi miền mây, miền cỏ xa xôi quay trở về cõi Phật, Vạn Lộc đã khép lại tập thơ Miền mây trắng với ý thức hoàn tất một chu trình nhân văn cao đẹp, khi chị đã kết hợp được hài hòa cảm xúc trực giác trong thơ với nhận thức của mình về khái niệm Sắc - Không. Vì thế, tuy tập thơ hoàn toàn là những cảm xúc và ý nghĩ, mới đầu tưởng chừng như rất riêng tư, nhưng lại vẫn vươn tới cái chung, trong tâm trạng bao quát của nghĩa tình nhân thế và số phận của con người.

Miền mây trắng, với Vạn Lộc như là một nơi chốn yên bình mà nhà thơ tìm đến để tự yên ủi, vỗ về mình bằng những sợi tơ ký ức yêu thương, xót xa mà ngọt ngào... Và  điều đó, đã nhanh chóng đem đến sự rung cảm, sẻ chia cho những tâm hồn đồng điệu yêu thơ và yêu chân thiện mỹ.

T.T.S