Làng Liên Chiểu và đình làng Liên Chiểu trong sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian
Các vị bồi bái, tả ban, hữu ban đang hành lễ trong lễ cúng Âm linh. Ảnh tư liệu của Ban quản lý đình làng Liên Chiểu cung cấp
Liên Chiểu [蓮沼] có nghĩa là Ao Sen. Nguyên xưa kia, ở vùng chân núi phía Nam đèo Hải Vân có một ao sen lớn, đến mùa sen nở, hương sen tỏa thơm ngát cả một vùng đất. Khi thành lập làng, các tiên dân của làng Liên Chiểu đã đặt tên cho làng mình là làng Liên Chiểu và đình làng gọi theo tên làng là Đình làng Liên Chiểu. Ngày nay, Liên Chiểu còn là tên gọi của một quận thuộc thành phố Đà Nẵng: quận Liên Chiểu.
- Làng Liên Chiểu qua các thư tịch cổ
Sử ghi, năm 1306, vua nước Chiêm Thành là Chế Mân [Jaya Simhavarman III; ? - 1307] đã dâng đất hai châu Ô, Lý cho vua nhà Trần để làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân. Huyền Trân Công chúa [玄珍公主, 1287 - 1340] là con của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông [陳仁宗, 1258 - 1308] và là em gái của vua Trần Anh Tông [陳英宗, 1276 - 1320]. Năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi Châu Ô thành Thuận Châu và Châu Lý thành Hóa Châu. Đến năm 1470, nhân việc vua Chiêm Thành là Trà Toàn [Maha Sajan; ? - 1471] đã đem hơn 10 vạn quân thủy bộ đánh Hóa Châu, vua Lê Thánh Tông [黎聖宗, 1442 - 1497] đã đem 16 vạn quân đi chinh phạt lấy lại Hóa Châu và tiến công vào kinh đô của Chiêm Thành. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 25 tháng Chạp Canh Dần (1470) vua cho ba quân ăn Tết và ngày mồng 3 tháng Giêng năm Tân Mão (1471), nhà vua ra lệnh tiến binh. Ngày mồng 6 tháng giêng Tân Mão (1471), tiên phong tướng quân Cung Viễn đã đem một đội quân xung kích bí mật đột nhập phòng tuyến Cu Đê ở triền núi phía nam đèo Hải Vân, đánh tan quân Chiêm tại phòng tuyến này, bắt sống tướng Chiêm Thành thủ giữ Cu Đê là Bồng Nga Sa. Tiếp theo, nhà vua tiến quân hạ thành Thị Nại, vây kinh thành Đồ Bàn (Bình Định) và vào ngày mồng 1 tháng 3 năm Tân Mão (1471) hạ được thành Đồ Bàn, bắt sống vua Chiêm Thành là Trà Toàn.
Sau khi chiến thắng quân Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập Quảng Nam Thừa tuyên (hay Thừa tuyên Quảng Nam), cho di dân từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương vào khai khẩn đất đai, lập làng định cư lâu dài. Có một chi tiết ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư gợi mở cho chúng ta về việc thành lập làng xã ở vùng ven chân núi phía nam Hải Vân. Đó là khi việc binh đã yên, ở tại vùng biển Sơn Trà, nhà vua đã quyết định cho nhiều binh lính ở lại vùng này để kết hợp với dân khai khẩn đất đai, xây dựng đồn điền và làng xóm. Chính sách dụng binh của vua Lê Thánh Tông tương tự như chính sách “Ngụ binh ư nông” thời nhà Lý [ 李朝, 1009 - 1225] theo kế sách của Lý Thường Kiệt [李常傑, 1019 - 1105]. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ cực quý trong tác phẩm chữ Hán: Phủ tập Quảng Nam ký sự (Chép về việc vỗ về qui tụ miền đất Quảng Nam) của Mai Thị ghi chép về công đức của Bùi Tá Hán [裴佐漢, 1496 - 1568] đối với vùng đất Quảng Nam thừa tuyên khi ông vâng lệnh vua Lê và chúa Trịnh đánh tan quân của nhà Mạc ở Quảng Nam [1545] và sau đó được chúa Trịnh cho trấn thủ Quảng Nam thừa tuyên.
Sách Phủ tập Quảng Nam ký sự của Mai Thị chép:
“Năm Quí Tỵ (1533), đảng Cần Vương rước con đích của vua Chiêu Tông đến phủ Trấn Ninh thuộc trấn Nghệ An tôn lập lên thành vua Trang Tông để nối ngôi. Từ đó phúc vận nhà Lê được trung hưng, thỏa lòng mong muốn của dân chúng.
Bấy giờ Nguyễn tướng công vâng theo sắc chỉ nhà vua, đem quân men theo dòng sông mà xuống để vỗ yên các trấn Thanh Hoa, Nghệ An và Thuận Hóa, quân dân đâu đấy đều quy thuận, giỏ cơm bầu nước đón rước quân nhà vua.
Từ ngày ông Bùi đi theo cờ Cần Vương, mười năm vất vả, nếm trải gian lao, lập nhiều công tích, nổi danh là một vị tướng “trí dũng song toàn”. Ông chỉ huy quân đội rất giỏi, kỷ luật nghiêm minh, ân uy minh bạch. Quân công lúc tĩnh thì vững chãi như núi như non, lúc động thì dũng mãnh như hùm như hổ. Hễ công là được, hễ đánh là thắng, được khen là “phụ từ chi binh”.
Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 13, năm Ất Tỵ (1545), ông Bùi được phong làm Bắc quân Đô Đốc, đem quân đi vỗ yên biên trấn Quảng Nam.
...Ngày mồng hai tháng Sáu năm ấy, xuất quân từ cửa biển Hội Thống, theo đường biển đi vào Nam, đến cùa lao Ré thì nghỉ lại. Sau đó, lại diễn tập chiến trận, hành quân thích hợp với chiến trường mới lạ mà Bắc quân chưa quen. Kế đó, giả làm đoàn người di cư, lén đổ bộ lên bờ, bí mật tìm vào các đồn điền quân đội để vận động khởi nghĩa Cần Vương, bỏ nhà Mạc về với nhà Lê. Lại cho hai viên kiện tướng vào ẩn trong thành, chờ cơ hội thuận lợi mà hành động. Lại ngầm cho đoàn “Thám báo” đổ bộ lên bờ để liên lạc với những người “giả di cư”, nắm tình hình và thu lượm tin tức, vẽ sơ đồ hành quân, tác chiến.
Không đầy nửa tháng, được tin quân đội ở các đồn điền đều hưởng ứng, trong đó, quan trọng nhất là những viên quan ở huyện Mộ Hoa và quân đội thuộc các đồn điền Văn Bân, Năng An, Long Phụng đều nguyện làm lực lượng đi đầu. Ông Bùi lập tức phái nhân viên đến tìm gặp giao ước, Tri huyện Mộ Hoa cùng với các đồn điền tuân lệnh. Do đó, ông Bùi quyết định cho đại quân lẽn đổ bộ lên bãi biển Núi Đất, ngầm ém quân vào các đồn điền Văn Bân, Năng An, Long Phụng. Ông liền tiến theo sau.
Ngày bảy tháng tám, các đồn điền Phú Ninh, Liên Chiểu, Tài Đa đều dựng cờ khởi nghĩa, còn các đồn điền gần trấn thành thì vẫn an nhiên không động đậy”.
Sau khi giành lại vùng đất Quảng Nam từ nhà Mạc, nhà Lê Trung hưng đã mở mang mạnh mẽ vùng đất này. Phủ tập Quảng Nam ký sự ghi chép những đoạn khá chi tiết:
“Từ sau ngày miền đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Ba, Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng. Quan huyện ở các địa phương phụ trách việc tiếp dân và điều hành công việc. Hộ nào đến trước thì ở nhờ vào địa phận xã có đồn điền của quân đội. Quan huyện xuất kho trợ cấp mỗi hộ 5 tháng lương ăn. Quân đội ở các đồn điền chặt gỗ trong rừng, cắt tranh trên núi làm nhà ở, giao cho mỗi hộ tạm thời sử dụng. Trích ruộng thục điền trong số ruộng đất ở các đồn điền giao cho mỗi hộ một ít để tạm thời canh tác. Khuyên mọi người cày trồng khoai lang, rau ngắn ngày để sau ba tháng có hoa lợi dùng. Khuyên nhà quan, nhà dân, không luận giàu nghèo, mỗi khi nấu cơm nên ghế thêm (hai phần mười) khoai lang hoặc bắp thay gạo”. Chắc hẳn với chính sách đẩy mạnh di dân, nhà Hậu Lê đã động viên được quân lính ở lại vùng đất mới, cố kết cộng đồng với người dân bản địa và người dân mới di cư đến để xây dựng và phát triển làng mạc, chòm xóm. Vì vậy, có thể vào cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, ở vùng núi phía nam đèo Hải Vân đã có những điểm tụ cư đông người.
Năm 1570, Đoan quận công Nguyễn Hoàng [阮潢; 1525 - 1613] được vua Lê Anh Tông [黎英宗, 1532 - 1573] cho vào trấn thủ Thuận Hóa. Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho lập Dinh Thanh Chiêm (Quảng Nam) và giao cho Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ. Năm 1604, lại cho cắt đất huyện Điện Bàn, thuộc phủ Triệu Phong giao về thuộc Quảng Nam. Từ đó vùng đất Liên Chiểu thuộc về huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn của Dinh Quảng Nam. Theo Nhà sử học Huỳnh Công Bá, qua hơn 200 năm cai trị của 9 đời chúa Nguyễn: Nguyễn Hoàng [阮潢; 1525 - 1613], Nguyễn Phúc Nguyên [阮福源; 1563 - 1635], Nguyễn Phúc Lan [阮福瀾,1601 - 1648], Nguyễn Phúc Tần [阮福瀕, 1620 - 1687)], Nguyễn Phúc Trăn [阮福溙, 1649 - 1691], Nguyễn Phúc Chu [ 阮福淍, 1675 - 1725) ], Nguyễn Phúc Chú [阮福澍, 1697 - 1738], Nguyễn Phúc Khoát [阮福濶; 1738 - 1765], hàng loạt các làng xã mới ở Bắc Hòa Vang được hình thành.
Dưới thời các vua đầu của vương triều Nguyễn: Gia Long [嘉隆; 1762 - 1820)], Minh Mạng [明命, 1791 - 1841], Thiệu Trị [紹治,1807 - 1847], Tự Đức [嗣德,1829 - 1883], vùng đất hai bên chân đèo và dọc con đường đèo Hải Vân rất được triều đình Huế quan tâm. Theo Nhà nghiên cứu Cao Thị Thơm Quang trong bài viết “Hồ sơ tư liệu: Dấu ấn đèo Hải Vân qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn” đăng trên báo Lâm Đồng online, số ra ngày 4 tháng 4 năm 2022, “để tránh sự hoang vắng cho người đi lại trên đèo, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ kêu gọi dân đến làm nhà sinh sống trên đỉnh đèo, vua ban bố một loạt chính sách nhằm khuyến khích các hộ gia đình đến an cư”. Mộc bản Đại nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 148, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), chép: “Nhà vua ra dụ cho quan huyện ở Kinh và quan tỉnh Quảng Nam thông sức cho dân thuộc hạt có người nào muốn làm nhà để ở hai bên đường núi thì thuế thân và đi lính, đi phu đều miễn cho, khai khẩn vườn ruộng, cấy trồng thóc lúa lấy hoa lợi, cũng chuẩn cho miễn nộp thuế, người không đủ sức dời đến làm nhà thì quan cấp vốn, cốt để cho từ đỉnh núi đến chân núi, đoạn nào cũng có nhà ở nối liền nhau, cho người đi đường có nơi dừng chân tạm trú, đói có chỗ ăn, khát có chỗ uống, còn số người hiện tại đến ở, chuẩn cho 3 tháng 1 lần tâu biết tình trạng. Rồi sau 6 người dân ngoại tịch ở Quảng Nam xin làm nhà ở đường núi, vua chuẩn cấp cho mỗi người 10 quan tiền” ...
Cùng với Mộc bản Đại nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 148, năm Minh Mạng thứ 18 nêu trên, tại Viện Hán Nôm, thuộc Viên Hàn lâm khoa học - xã hội Việt Nam đang lưu trữ một tài liệu quý là Bản tấu của Bộ Hộ triều Nguyễn trong tập Minh Mạng tấu nghị về việc thay đổi các địa danh của nhiều vùng đất trên phạm vi cả nước, trong đó nhiều nhất là miền Trung và ở miền Trung nhiều nhất là Quảng Nam. Theo nhà nghiên cứu Hy Giang trong bài viết “Sử liệu quan trọng việc đổi tên làng xã Quảng Nam thời Minh Mạng” trên báo Quảng Nam Online, ngày 19 tháng 7 năm 1997, những địa danh như: Ba Chinh, Bàu Ấu, Hàm Rồng, Nồi Rang, Bàu Tre (Trước), Bến Ván, Đá Ngang, Chợ Quán, Bà Bồi, Bà Mã, Bãi Ổ, Cây Duối, Sông Tiên, Bàu Toán, Bãi Ngao, Bến Cỏ, Cây Sơn, Cây Mít, Hà Tre, Bàu Đán... đã được đổi thành tên chữ như: Hữu Trinh, Phương Trì, Long Châu, Nhơn Chưng, Trước (Trúc) Bào, An Tân, Thạch Bích, An Quán, Nhơn Bồi, Mã Châu, Phụng Châu, Kim Đới, Tiên Giang, Hạc Toán, Ngao Tân, Phương Tân, Tất Viên, La Mật, Trúc Hà, Hoa Đán...
Điều này càng được củng cố hơn khi đọc tập sách chữ Hán: Hòa Vang huyện chí do Mãnh Trai Trần Hy Tăng, người làng Quang Nam, tổng An Hòa, huyện Hòa Vang biên soạn nhằm bổ khuyết cho cuốn Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và vua Tự Đức có sắc chỉ yêu cầu các địa phương xem lại và sửa chữa. Trong Hòa Vang huyện chí của Trần Hy Tăng, danh xưng Liên Chiểu được đề cập hai lần, trong mục Núi Hải Vân và Núi Xuân Thiều và trong cả hai lần đó từ Liên Chiểu đều xuất hiện trong văn cảnh tự nhiên và đẹp đẽ.
- Quần thể kiến trúc đình làng Liên Chiểu
Theo ký ức của các bậc cao niên làng Liên Chiểu, đình làng Liên Chiểu từ khi xây dựng đến nay đã qua bốn lượt di dời địa điểm. Ngôi cổ đình làng Liên Chiểu được xây dựng vào đời vua Tự Đức [嗣德,1829 - 1883], mặt nhìn ra cánh đồng Khế ở phía Đông, lưng dựa vào núi Hải Vân ở phía Tây, mang phong cách kiến trúc đình làng Việt Nam thời kỳ Lê - Nguyễn. Dấu tích của ngôi cổ đình này hiện còn lại duy nhất là một tấm bình phong, được xây dựng bằng chất liệu: gạch thẻ, đá ong, đá cuội, vôi trộn với mật mía và nhựa cây bời lời. Từ phế tích này cho ta hình dung được phần nào quy mô của ngôi cổ đình.
Ngôi đình hiện tại được xây dựng vào năm 2000, trong khuôn viên của ngôi đình cổ, với tổng diện tích gần 1000 mét vuông, bao gồm một quần thể kiến trúc gồm 8 hạng mục, như sau:
Cổng đình và tường rào: cổng đình hiện nay quay về hướng Bắc, được xây dựng bằng 2 trụ gạch, ở phía trên gắn tấm biển với dòng chữ “Đình làng Liên Chiểu”. Kiến trúc cổng đình làng Liên Chiểu hiện tại nhìn chung đơn giản, khác với kiến trúc cổng tam quan trong kiến trúc đình, chùa, cổng làng ở những nơi khác. Ở hai bên cổng chính có 2 cổng phụ; cổng chính chỉ mở trong các ngày lễ hội tại đình làng; 2 cổng phụ dành đi lại, thăm viếng đình trong ngày thường. Rào vi quanh khuôn viên đình làng đơn giản (trụ xi măng, lưới thép gai) chỉ mang tính chất bảo vệ là chính.
Sân đình: Bước qua cổng đình là khuôn viên sân đình, tuy không lớn nhưng nhìn ra cánh đồng Khế rất rộng, tạo cho ngôi đình cảm giác thoáng mát, và tôn thêm vẻ đẹp của ngôi đình.
Bình phong (mới, ở giữa sân đình): rộng 3m, cao 2m, mặt ngoài đắp hình hổ, mặt sau đắp khảm sành hình chim phượng, phía trên có gắn hai con nghê ở hai bên càng làm tăng thêm dáng vẻ uy nghi cho ngôi đình.
Sở Âm linh: Là nơi thờ cúng Cô Bác hằng năm, gồm những người chết vô danh trên địa bàn của làng. Sở Âm linh nguyên trước đây được xây dựng ở đồng Tranh (Đồng Tranh xứ). Đến khi khởi công xây dựng Hầm đường bộ Hải Vân (khởi công ngày 27 tháng 8 năm 2000 và hoàn thành ngày 5 tháng 6 năm 2006), theo yêu cầu của Nhà nước, làng đã tổ chức di dời, xây dựng mới Miếu Âm linh tại khu đình làng Liên Chiểu. Sở Âm linh gồm một am thờ chính, và hai am thờ ở tả - hữu được xây dựng trên một diện tích khoảng hơn 20 mét vuông, phía trên có mái che bằng tôn và bao bọc bởi một tường xi măng thấp, phía trước cũng có một bức bình phong nhỏ. Sở Âm linh tuy quy mô nhỏ, nhưng lại gắn liền với sự kiện lớn nhất của làng: ngày cúng Cô Bác diễn ra trong hai ngày 24 và 25 tháng 11 Âm lịch hằng năm (mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau).
Đình làng: là kiến trúc trung tâm, quan trọng nhất trong khu di tích đình làng Liên Chiểu. Như đã trình bày ở trên, ngôi đình làng Liên Chiểu đã trải qua 4 lần xây dựng: Lần thứ nhất vào đời vua Tự Đức [嗣德,1829 - 1883], lần thứ hai vào năm 1958, lần thứ ba vào năm 1969, lần thứ tư vào năm 2000 - là ngôi đình làng Liên Chiểu hiện tại. Ngôi đình làng Liên Chiểu hiện tại được xây dựng theo kiểu nhà một gian, hai chái, nguyên liệu bê tông cốt sắt, tường xây bằng gạch, gồm: chính điện, hậu tẩm tiền đường; mái đình lợp ngói đỏ. Chính điện của ngôi đình rộng 9m, dài 7m; trong chính điện có 2 cột tròn đắp hình rồng và 2 trụ cột hình vuông trang trí bằng hai câu đối chữ Hán. Hầu hết các họa tiết trang trí trong ngôi đình được khảm sành sứ, thủy tinh... Hậu tẩm của ngôi đình, giữa thờ thần Thành hoàng làng (Tiền hiền của làng), hai bên là Bạch hữu và Tả ban. Hai bên bàn thờ Thành hoàng làng được vẻ trang trí đôi chim vẹt; phía trước bàn thờ Thành hoàng được trang trí hình ảnh cá chép thể hiện ước nguyện, niềm tin của dân làng. Trong ký ức dân làng, kiến trúc của ngôi cổ đình, xây dựng vào đời vua Tự Đức, có giá trị thẩm mỹ hơn ngôi đình hiện tại.
Miếu Bà: xưa kia Miếu Bà làng Liên Chiểu được xây dựng riêng ở một địa điểm tại chân đèo Hải Vân thuộc Đồng Khế xứ; khi xây dựng ngôi đình làng mới (năm 2000), để thuận lợi cho việc quản lý và tổ chức cúng tế, dân làng đã di dời, xây dựng lại Miếu Bà ngay bên tả ngôi đình làng. Ngôi Miếu Bà được xây dựng đơn giản (khác với ngôi Miếu Bà cũ), nhỏ, tường xi măng, lợp ngói đỏ. Miếu Bà làng Liên Chiểu gắn liền với tục thờ Mẫu, thờ bà chúa Ngọc trong văn hóa dân gian của người Việt và Thiên Y A Na, nữ thần xứ sở, của người Chăm.
Nghĩa trang Tiền hiền (mộ Tiền hiền): xưa kia mộ Tiền hiền Nguyễn Kim Đồng và những bậc tiền nhân có công đức xây dựng và phát triển làng Liên Chiểu được xây dựng ở Đồng Tranh xứ, sau dời về, xây mới tại khu đình làng Liên Chiểu. Tại Nghĩa trang Tiền hiền làng Liên Chiểu hiện có 7 ngôi mộ. Mộ Tiền hiền Nguyễn Kim Đồng - Thành hoàng của làng, ở vị trí trung tâm, to hơn 6 ngôi mộ còn lại. Kiến trúc của nghĩa trang này rất đơn giản. Nguyên liệu xây dựng bằng xi măng, quét vôi màu vàng. Khuôn viên của nghĩa trang nhỏ nằm sát bên hữu của ngôi đình làng.
Nhà linh: Là nơi thờ tự những người vô danh, công nhân làm đường, đào hầm đường xe lửa xuyên đèo, ngư dân các nơi chết vì chìm ghe, bão biển... Khi có chủ trương xây dựng khu du lịch sinh thái Làng Vân, ngôi Nhà linh đã được xây dựng rất khang trang, vững chắc tại khu Đình làng Liên Chiểu.
- Sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian tại đình làng Liên Chiểu
Tục thờ cúng bà Chúa Ngọc, Tiền hiền và Âm linh
Đình làng Liên Chiểu là nơi thực hiện các hoạt động văn hóa và tín ngưỡng mang tính chất tâm linh của nhân dân làng Liên Chiểu, thể hiện truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn”, “cây có cội, nước có nguồn”, “chim có tổ, người có tông”, “thương người như thể thương thân”... của dân làng.
Bà Chúa Ngọc còn được gọi là bà chúa Tiên hay Thánh mẫu Thiên Y A Na. Bà được các vua nhà Nguyễn phong là Thượng đẳng thần, tức vị thần cao nhất trong tam vị đẳng thần: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Miếu Bà của làng Liên Chiểu xưa kia được xây dựng ở chân đèo Hải Vân, sau này mới dời về khu đình làng Liên Chiểu. Lễ vía bà Chúa Ngọc của dân làng Liên Chiểu nhằm ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, là ngày lễ cầu “quốc thái, dân an”, hay ngày lễ cầu an.
Tiền hiền làng Liên Chiểu là Nguyễn Kim Đồng, người tỉnh Thanh Hóa, là một di dân trong thời kỳ cha ông ta mở cõi phương Nam. Khi đến vùng đất chân đèo phía nam Hải Vân ngài thấy núi sông ở đây cẩm tú, nên đã dừng lại lập nên làng Liên Chiểu.
Ngày 24 tháng 11 Âm lịch hằng năm, dân làng Liên Chiểu cùng nhau tu tạo các phần mộ Cô Bác trên địa phận của làng. Ảnh tư liệu của Ban quản lý đình làng Liên Chiểu cung cấp.
Cô Bác được thờ cúng ở Sở Âm linh và quy tập tro cốt ở Nhà linh đình làng Liên Chiểu: Đây là nét đặc sắc trong hệ thống thờ tự của làng Liên Chiểu. Làng Liên Chiểu nằm ở phía Nam chân đèo Hải Vân, giáp với Vũng Thùng. Đây là vùng chiến địa ác liệt của nhân dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp, bảo vệ thành Đà Nẵng, là nơi triều đình phong kiến nhà Nguyễn huy động nhiều nhân công đi làm công ích mở rộng đường đèo Hải Vân, là nơi hàng ngàn công nhân và lao động người Việt bị bắt đi làm đường bộ, đường sắt và đào hầm xe lửa qua đèo Hải Vân trong thời Pháp thuộc, hoặc người đi biển chết trôi dạt vào bờ... nên số người chết chôn ở địa bàn của làng Liên Chiểu rất đông. Theo đó, ngày 24 tháng 11 Âm lịch, dân làng tập trung đi tảo mộ - gọi là giẫy mã - các ngôi mộ vô danh trên các phần đất của làng. Theo Ban quản lý đình làng Liên Chiểu, hiện tại đã di dời, hỏa táng và đưa được hơn 500 hũ tro cốt Cô Bác về an vị tại Nhà linh và hơn 1000 ngôi mộ vô danh chưa được di dời. Ngày 25 tháng 11 Âm lịch là ngày chánh kỵ, làng tổ chức lễ cúng Cô Bác. Theo phong tục tập quán lâu đời, hàng năm cứ vào dịp này, người dân làng Liên Chiểu dù ở xa, thậm chí đang sinh sống ở nước ngoài cũng sắp xếp để về quê tham gia giẫy mã và cúng tế Cô Bác, bày tỏ ngưỡng vọng, tri ân tiền nhân, thắt chặt mối quan hệ làng xóm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và tín ngưỡng dân gian của làng.
Các bài văn tế với nội dung ghi nhớ công ơn tiền nhân, hàm chứa nội dung nhân đạo, nhân văn cao cả.
Văn tế tại lễ vía bà Chúa Ngọc có tên đầy đủ là “Văn tế cầu an làng Liên Chiểu phụng nghinh bà Thánh Phi Tôn thần”. Bài này xướng đọc tại lễ vía Miếu Bà vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, là lễ cầu an hằng năm của nhân dân làng Liên Chiểu. Ngoài bà Chúa Ngọc (tức Tiên Y A Na Diễn phi chúa ngọc Mộc đức Thánh phi tôn thần) - là nhân vật trung tâm - còn có các vị nam thần và đặc biệt là nữ thần khác được xướng danh trong bài văn tế như: Cửu thiên huyền nữ tiên nương tôn thần; Lê Sơn thánh mẫu tiên nương tôn thần... Nội dung bài văn tế toát lên tư tưởng cầu “quốc thái dân an”, mùa màng tươi tốt, dân làng no ấm, hạnh phúc.
Văn tế cúng Tiền hiền được xướng đọc trong lễ chánh kỵ Tiền hiền Nguyễn Kim Đồng vào ngày mồng 9 tháng 7 Âm lịch hằng năm. Ngài được nhân dân làng Liên Chiểu tôn vinh là “Tiền hiền làng Liên Chiểu Cao Trần Lưu quận - Nguyễn Kim Đồng tôn thần”. Trong bài văn tế này, phần “Cảm chiêu cáo vu” (Kính cáo) có đến 26 vị tôn thần được xướng danh; đây là những vị thần linh được thờ cúng ở nhiều đình, miếu ở xứ Đàng Trong xưa. Phần “Phụng nghinh” (Nghinh đón) gồm có Tiền hiền Nguyễn Kim Đồng và các vị nhân thần, thiên thần trong hệ thống thờ cúng thần linh của làng. Phần “Tiền hiền” (nêu công đức tiền hiền) là nội dung quan trọng nhất của bài văn tế: tôn vinh công đức của Tiền hiền cùng với các Hậu hiền và những tiên dân của làng đã có công khai đất lập làng, để lại công đức cho đời sau. Đoạn kết của bài văn tế nêu lên ước vọng của dân làng: mong được Tiền hiền và chư vị thần linh độ trì cho dân làng bình an, ấm no, hạnh phúc.
Văn tế cúng Âm linh được xướng đọc trong lễ cúng tu bổ các phần mộ Cô Bác ngày 25 tháng 11 Âm lịch hằng năm, địa bàn có nhiều ngôi mộ vô danh, vô chủ nhất ở thành phố Đà Nẵng, mà nhân dân làng Liên Chiểu gọi chung là các Cô Bác. Bài Văn tế cúng Âm linh tại đình làng Liên Chiểu là một áng văn cảm động:
Cũng có kẻ vì dân vì nước xông mình ra chiến trận;
Cũng có người vì cha vì mẹ nên liều mình nơi chín suối;
Cũng có kẻ sinh nghề tử nghiệp gặp phải phong ba bão tố phải chôn mình nơi biển cả;
Cũng có người vì vợ vì con phải chịu khổ một mình nơi rừng sâu nước độc;
...
An cô thụ gì ba tấc đất;
Cô hồn ơi, linh hồn còn phảng phất...
Lời văn giản dị, gần gũi, dễ hiểu, khiến người nghe thấm sâu hơn ý nghĩa nhân sinh và tinh thần nhân đạo, nhân văn của dân tộc.
Đình làng Liên Chiểu có lịch sử lâu đời, có một hệ thống các công trình thờ tự có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân làng Liên Chiểu. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm của thành phố xem xét, quyết định xếp hạng Đình làng Liên Chiểu là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố, qua đó xây dựng kế hoạch và ngân sách để giữ gìn, trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử - văn hóa tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đình làng Liên Chiểu hiện nay.
B.X