Ải mỹ nhân
Minh họa Hồ Đình Nam Kha
Một ngày thu năm 1640, Tống Thị Toại đến chào chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan tại vương phủ mới tại làng Kim Long. Thị trước đây là phu nhân của Hữu phủ chưởng phủ sự, Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ, bào huynh của chúa. Năm 1631 ông chẳng may mất sớm nên ngôi chúa mới đến tay ngài.
Một mỹ nhân đích thực, nhan sắc nàng khiến hoa thẹn nguyệt mờ, dáng như tiên sa, phong thái vô cùng quyến rũ.
Chúa thầm nghĩ: “Hèn chi đại huynh ta không mê nàng, khi ấy huynh là Chưởng cơ, một tay nắm ba quân của trấn Quảng Nam, bảo vệ cánh nam cho vương phụ, còn thân phụ nàng đang là Cai cơ, một tướng dưới quyền. Sao trời sinh một nhan sắc đẹp đẽ dường kia?”.
Nàng dâng cho chúa mâm bách hoa khai hỉ làm lễ tương kiến, cả không gian trà viện nhuộm một mùi hương mê hoặc, chúa như bị bỏ bùa mê mà nàng lại nói năng khoái hoạt, cười cợt gió trăng, bạo dạn bảy phần khác hẳn bọn thê thiếp yểu điệu thục nữ mè nheo nũng nịu, lợi dụng việc yêu đương để tỉ tê xin xỏ khiến ngài mất cả niềm vui trong cơn hoan lạc.
Nàng lẳng lơ thật, đầu mày cuối mắt làm chúa đắm say, ngài nắm tay nàng thì nàng đã quỳ gục đầu vào đùi mà buông lời cầu xin mong nhờ nương tựa. Một mùi thơm sực lên, lòng ngài bỗng bùng lên ngọn lửa dục, tâm thần mê mẩn run rẩy dìu nàng vào loan phòng bày chuyện phụng long.
Ngài là một anh hùng, dời phủ chúa từ Phước Yên vào Kim Long, xây dựng một cơ ngơi hoành tráng và đẹp nhất các đời chúa. Nằm ven bờ sông Hương nên việc buôn bán phát đạt, các thuyền buôn từ Hội An chở ra tơ lụa cùng vô số hàng hóa của Trung Hoa và Tây dương quý giá và đẹp. Đời sống của chúa tôi cùng chúng dân giàu có, sang trọng hẳn lên, tiếng tụng ca dậy đất.
Tháng 6 vừa rồi ngài cho quân tiến công đàng ngoài, quân Trịnh thua chạy có cờ, ngài lấy được đất bắc Bố Chính, Trịnh Tráng phải gửi phúc thư kể lể chuyện tình nghĩa xưa cũ mong ngài trả đất. Ngài khoái hoạt lắm.
Lực lượng thủy quân được ngài xây dựng hùng mạnh đóng dọc theo các dinh trấn theo thế liên hoàn, chống đỡ và phối hợp chiến đấu hiệu quả, quân Trịnh khiếp sợ, nghe tin chúng định nhờ bọn Hà Lan ra tay gây hấn. Bọn này ngài đã nhân nhượng cho chúng mở đại lý giao thương tại Hội An, được buôn bán khắp xứ và giảm thuế để bù trừ cho vụ tịch thu tiền của thời tiên chúa, thế mà chúng vẫn cứ ỷ mạnh gây nhiều phiền nhiễu. Ngài căm giận, chiến thuật đã lập, ngài cũng mong đánh nhau với bọn mắt xanh mũi lõ ấy một trận cho rõ oai hùm, cho chúng biết đất đai, sông biển có chủ.
Ngài công danh đã đủ, giang sơn một cõi vững tay chèo, bá tánh ăn no mặc ấm, mặc sức làm giàu, lòng người hoan hỉ và binh lực hùng hậu, bọn Tây dương khúm núm xin giao thương, cửa Đại Chiêm đêm ngày nhộn nhịp, hàng hóa sản vật dồi dào, làng tổng rộn tiếng âu ca. Ngài khoái trá lắm nhưng tự đáy lòng vẫn thấy mình còn thiêu thiếu một cái gì đó chưa được thỏa mãn. Những đêm hồng giai nhân tranh nhau hoan hỉ dâng hiến nhưng lúc lâm hạnh lại không thật nồng ấm, hình như họ sợ, trong cõi thiên thai mà vẫn có gì phân chia ngôi thứ. Nếu ngài phật lòng thì chẳng những mỹ nhân mà cả dòng họ của họ cũng tan tác. Ngài thèm được những giờ sống thật dám cùng nhau làm chủ cuộc vui.
Và Tống thị bước vào lấp đầy khoảng trống ấy. Nàng khác lạ, dù là gái nạ dòng nhưng vẫn kiều diễm thơm tho, ngọc hương mê đắm lại bật cháy hết mình, khéo léo đẩy đưa dẫn dụ ngài cùng bày nhiều trò lạ lẫm, khoái lạc tận cùng.
Rồi ngài đã đánh mất mình.
Bất chấp cả luân thường đạo lý, sự can gián của thúc phụ và trăm quan, họ lao vào cuộc ái ân hoan lạc không kể đêm ngày, xao nhãng chính sự, bỏ qua đạo lý làm người. Chúa mê man đến độ thị muốn gì ngài cũng nghe theo, từ một vị minh quân biến thành người đam mê nhục dục, xa xỉ, cường bạo và mê muội. Những trung thần, những kẻ dè bỉu đã bị trừng phạt nặng nề, những lương dân oán thán vì bị o ép lập tức bị bắt giam và đánh đập.
Thị vơ vét làm giàu không từ một thủ đoạn nào: nhận lễ vật trọng hậu của những kẻ cầu cạnh xin chức tước hoặc chạy việc hình, hù dọa thương nhân để họ phải hối lộ, cho vay nặng lãi, tìm cách tước đoạt ruộng vườn nơi đắc địa của chúng dân... Chẳng mấy chốc thị đã là người giàu có nhất đàng trong.
Tiếng than khóc như ri, những lời trung thực bị tai họa, ngay cả thúc phụ Tường quận công Nguyễn Phúc Khê được chúa Sãi giao quyền phụ chính cũng phải bó tay. Bào đệ là Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung vốn nóng nảy, cứng rắn mà đành chịu, ông bắn tiếng dọa thị là sẽ cho bầy ác thú xé xác dâm phụ trả thù cho muôn họ.
Để chứng tỏ tình yêu của mình chúa lệnh cho xây dựng một lâu đài nguy nga tráng lệ cho đôi uyên ương hưởng lạc. Ngài bắt trăm họ phải đào núi lấy ngọc, vào rừng tìm gỗ quý, khai mỏ lấy vàng bạc, xuống biển tìm ngọc trai, đồi mồi... để trang trí cho cung điện vàng son ấy.
Lời oán than dậy đất, Vân hiên hầu giữ chức Nội tán là Phạm Quang Hựu vốn cương trực, xả thân vì đại nghĩa, ông khảng khái tâu bày sự thực, đanh thép lên án Tống thị rồi rút gươm định tự sát để tỏ lòng trung. Ánh thép lóe lên, khí lạnh trùm cả điện chầu, ngài như được bật thiên lương sáng lòa minh kiến, nạt lên một tiếng ngăn trở. Chúa tôi nghẹn ngào rồi Phạm Nội tán dâng ngài hộp Chế tà tán mà ông đã nhờ một vị bằng hữu bên đạo Lão chế luyện trì ấn trong 3 tháng 10 ngày cho chúa đốt lên khi gần thị. Ngài sực tỉnh.
Ông xa rời được dâm phụ. Trăm họ thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng thị lại vừa dâm vừa ác, bị thất sủng thì oán thù nổi lên, thị muốn hại người tình một thời yêu thương. Xúi giục chúa Trịnh cất quân đánh vào, thị xin nội ứng và lo việc nuôi quân, việc xong sẽ về hầu hạ chúa đàng ngoài. Mâm bách hoa khai hỉ lại phát huy tác dụng, Trịnh Tráng đêm ngày mơ tưởng được ôm ấp người ngọc liền y kế thực hành. May mà chúa Thượng và ba quân vẫn còn uy dũng, lại có thế tử Tần kiêu hùng đã đánh tan quân Trịnh xâm lăng.
Ba tàu chiến của bọn Hà Lan nghe lời chúa Trịnh bắn phá Thuận An, thế tử Tần trực tiếp xung trận điều động thủy binh, dùng chiến thuật mãnh hổ nan địch quần hồ giao chiến, mấy chục chiếc tàu nhỏ bé nhưng cơ động vây đánh tứ phía, ba quân khí thế ngất trời, bọn chúng hoảng sợ quay đầu bỏ chạy. Chiếc chỉ huy to lớn nhất nên xoay sở chậm, bị quân ta tràn lên chém giết, thuyền trưởng Baek cho đốt tàu tử tiết, hai chiếc kia chạy đến đảo Ngọc còn run.
Nhưng trên đường khải hoàn đến phá Tam Giang chúa băng hà đột ngột khi mới 48 tuổi, sức đang cường tráng. Có lẽ do quá lao tâm lao lực đêm ngày mà ra.
Thế tử Nguyễn Phúc Tần nối nghiệp chúa, ông cho truy xét tội ác của Tống thị. Thị nghĩ mưu hiểm liền mua chuộc nàng hầu của Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung là thúc phụ của chúa làm vây cánh. Nguyễn Chưởng cơ nhận mâm hoa làm lễ tương kiến ấy, ông hít phải mùi hương của nó tâm thần liền điên đảo, mơ tưởng được giao hoan cùng thị, liền cho gọi vào phủ. Với nghệ thuật ái ân siêu việt thị khiến ông cuồng si trong bể tình hoan lạc, mê man thần trí.
Và ông mụ mẫm đến nỗi lại nghe lời thị nỉ non nên mưu toan phản loạn, tổ chức đội dũng sĩ định lật đổ chúa Hiền cướp ngôi của cháu.
May mà âm mưu bị bại lộ. Phúc Trung bị tống ngục.
Tống thị bị chém bêu đầu giữa chợ, tài sản nứt đố đổ vách bị tịch thu đền bù những thiệt hại do y thị gây ra.
Thầy tôi bùi ngùi: “Thị khi chết mới 50, một mỹ nhân dâm đãng kỳ lạ của nước Việt: lần lượt hưởng lạc và khuynh đảo cả ba anh em ruột nhà chúa một thời. Ghê gớm thật”.
Rồi than: “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”. Đúng thế chăng?
Đ.N.T