Từ chân nhắc tuồng đến một nghệ sĩ bậc thầy

06.05.2022
Thanh Quế - Phan Hoàng Thi

Từ chân nhắc tuồng đến một nghệ sĩ bậc thầy

NSND Nguyễn Lai

LTS: Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh (2/7/1902 - 2/7/2022) và 40 năm ngày mất (10/10/1982 - 10/10/2022) của Nhà soạn tuồng nổi tiếng, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Lai (Sáu Lai), Tạp chí Non Nước xin giới thiệu bài viết của hai tác giả Thanh Quế và Phan Hoàng Thi, giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ bậc thầy này.

NN

Trong lịch sử sân khấu thế giới, từng có những nghệ sĩ thiên tài xuất thân từ những người nhắc vở. Wiliam Shakerpeara, người mà Ănghen gọi là “con người khổng lồ” là một người như vậy. Ở nước ta, nghệ sĩ Nguyễn Lai mà trong giới văn nghệ gọi là bác Sáu Lai, cũng đã đi lên từ một chân nhắc tuồng, trở thành một bậc thầy nghệ thuật tuồng, một hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc đời ông là một cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật kiên trì và bền bỉ.

Nguyễn Lai sinh ngày 2/7/1902 tại làng An Quán, nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống về nghệ thuật tuồng. Tuy ông nội, bác ruột và cha Nguyễn Lai đều làm quan dưới triều Nguyễn nhưng sau đó đều từ quan để một lòng thờ phụng nghệ thuật tuồng. Cha Nguyễn Lai - cụ Nguyễn Hiển Phồn có làm Bang tá Hội An vài năm rồi đứng ra lập gánh hát Bầu Bang. Bác ruột ông là cụ Nguyễn Hiển Dĩnh làm đến chức quan Tuần phủ rồi về hưu lập một trường hát ngay trong vườn, có thể xem là trường hát cố định đầu tiên ở Quảng Nam để dạy học trò và soạn tuồng. Nhiều nghệ sĩ xuất sắc như Nguyễn Nho Túy, Văn Phước Khôi, Nguyễn Phẩm... cũng từ chiếc nôi này mà vào đời.

Tuy bác và cha Nguyễn Lai đều là các bậc thầy tuồng, các bầu gánh nhưng lại không muốn cho con làm nghề hát xướng: “xướng ca vô loài” mà muốn con học tập đỗ đạt. Mặt khác, ngoại hình của Nguyễn Lai không có những điều kiện thuận lợi cho việc đi theo nghề hát tuồng. Ông không có hình thể tạo ra sức hấp dẫn sân khấu. Vóc dáng ông thấp lại to, mặt không mấy sáng sủa. Đặc biệt, đôi mắt ông quá nhỏ mà trong tuồng đôi mắt là một yếu tố biểu diễn hết sức quan trọng. Về điều này, ông đã tâm sự: “đôi mắt để trông, để ngó, để liếc, để tỏ nổi giận phừng phừng, để nói lên nỗi đau khôn xiết, để dò ý tứ kẻ gian, để biểu lộ niềm thương đối với người thân thiết. Tôi không có cái may mắn có được một bộ mặt để biểu lộ tình cảm, đôi mắt tôi lại là một trở ngại lớn”. Ông lại cũng không có giọng hát: Khi hát thì hơi thường bị chênh, tiếng hát cứ ngang ngang, trệch trạc...

Nhưng vì quá yêu Tuồng nên ngay từ lúc chín, mười tuổi, cậu bé Lai đã quên cả buổi học chữ nho, quên cả bữa ăn, cùng bạn bè say mê xem các anh, các bác tập luyện ngay trong vườn nhà bác mình. Nguyễn Lai nằn nì cha và bác cho làm chân nhắc tuồng (Biện tuồng). Nhờ thông thạo chữ nghĩa, lại thường được nghe giảng, được ngắm nhìn dáng điệu của các diễn viên trong các vai tuồng mà những lời hay ý đẹp của những câu hát càng thấm sâu vào tâm trí người thiếu niên này. Nguyễn Lai thường lân la đến chỗ anh em tập dượt và ý a hát theo người hát, uốn tay, khoa chân bắt chước người múa, kiên trì khổ luyện ngày này qua ngày khác. Gặp ai có bài hát hay thì xin học, tự tập rồi nhờ anh em sửa cho chỗ sai phạm. Có khi cả trong giấc mơ chàng trai này cũng cất tiếng hát. Nhờ đó dần dần Nguyễn Lai đã hát tròn vành rõ chữ, sát bờ sát góc. Rồi Nguyễn Lai tập các loại vai. Ngay khi đi đường, nhìn trước nhìn sau không có người là ông tập đi theo nhịp múa hát. Ông còn tìm đến ông Quyền Ngữ, người có đôi mắt làm xáo động hàng ngàn người xem trong vai Tôn Quyền, được tặng danh hiệu “Bích nhãn nhi” để học luyện đôi mắt.

Qua nhiều năm vừa làm chân nhắc tuồng vừa khổ công luyện tập, năm 20 tuổi, Nguyễn Lai được bước lên sân khấu. Bắt đầu là những vai đầu tuồng, làm người đưa thư báo tin, làm kẻ sai nha đi khám nhà đến các loại kép rừng, kép câu, rồi thay vai cho những người đau yếu, cứ thế dần dần ông tiến lên. Từ đó, những người thân như cha và bác ruột Nguyễn Hiển Dĩnh cũng đồng ý để cho Nguyễn Lai đi theo nghề tuồng: “cháu làm được thì cứ làm. Ở đời làm nghề gì cũng được miễn là thường tâm bất thất. Không làm việc gì gian dối thì không đáng xấu hổ”. Rồi chính nhà hoạt động tuồng nổi tiếng đã đánh trống chầu dồn dập khích lệ đứa cháu.

Từ đó, Nguyễn Lai đã gắn chặt đời mình với sân khấu tuồng. Ông còn vượt qua biết bao thăng trầm trên con đường nghệ thuật của mình. Có lúc diễn không đạt, bị khán giả chê “dở quá, dẹp nghề đi”, có lúc bị cải lương phát triển làm cho tuồng bị lép vế. Ông có lúc cũng nản lòng, buồn bực. Nhưng chỉ xa sân khấu một thời gian ngắn là ông thấy trống rỗng, buồn chán, lại quay lại với nghề.

Bằng sự khổ luyện không ngừng và luôn luôn tự đòi hỏi mình trong tư duy sáng tạo, Nguyễn Lai đã khắc phục những nhược điểm vốn có của bản thân, làm sống động trên sân khấu hàng trăm nhân vật, hấp dẫn hàng ngàn người xem. Đặc biệt, Nguyễn Lai đã rất thành công trong vai nịnh, một loại vai rất quen thuộc nhưng ít người ham đóng. Chính vì vậy, ông được giới nghệ thuật và người xem xếp vào một trong ngũ mỹ của nghệ thuật tuồng Quảng Nam: Lão võ ông Đệ (Chánh Đệ), lão văn ông Phẩm (Chánh Phẩm), kép ông Tảo (Đội Tảo), nịnh ông Lai (Nguyễn Lai), tướng ông Thùy...

Nguyễn Lai đã dày công nghiên cứu để các vai nịnh có nội tâm phong phú đa dạng, không chỉ đáng ghét về ngoại hình, không chỉ xuất hiện với những lời nói, điệu bộ khuôn rập, mặt mốc râu ria, bụng phệ, cái quạt trên tay phe phẩy hớt cao, dáng đi khệnh khạng, cử chỉ lố lăng kệch cỡm. Phát huy những truyền thống trong nghề đối với các vai nịnh như nịnh gốc, nịnh mụt, nịnh cháu ông, đã đi vào xử lý tính cách các vai nịnh cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể.

Cùng với việc xây dựng thành công các vai nịnh, Nguyễn Lai đã dành nhiều tâm huyết sáng tạo cho tiếng cười tuồng. Ai cũng biết, diễn viên tuồng sắm vai nào thì phải học cách cười của vai ấy. Tiếng cười có đủ kiểu, đủ vẻ: cười của người già, cười của người trẻ, cười của người trung, người nịnh, cười khi vui sướng, khi đau khổ, cười của kẻ yếu, cười của kẻ mạnh, cười của kẻ dại, của người điên, cười mà như khóc, khóc mà như cười... Ông đã đúc kết được 29 kiểu cười khác nhau, một phần do học ở các thầy, phần lớn do ông tìm tòi, khám phá. Ông thường nói: “Không chỉ có 29 kiểu cười thôi đâu. Thực ra là vô số. Bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu cảnh ngộ, bao nhiêu tâm trạng là bấy nhiêu kiểu cười...”.

Bên cạnh việc khổ công rèn luyện để trở thành một diễn viên tuồng giỏi, Nguyễn Lai còn mày mò học tập trong sách báo, trong cuộc sống, trong bạn bè và thầy học để dựng tuồng, soạn tuồng.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, để phục vụ cách mạng, Nguyễn Lai cùng Tống Phước Phổ, một nhà soạn tuồng nổi tiếng, đã dựng các vở “Cờ giải phóng”, “Gương phấn đấu” để lấy tiền gây quỹ đoàn thể. Năm 1952, khi Liên Khu ủy 5, quyết định thành lập đoàn hát bộ thì ông được mời tham gia. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Lai. Ông đã đem tài năng nghệ thuật của mình phục vụ cho cách mạng. Ông say mê luyện tập cho các diễn viên mới và cùng các nghệ sĩ bậc thầy khác như Nguyễn Nho Túy, Tống Phước Phổ, Văn Phước Khôi, Ngô Thị Liễu sáng tác và dựng các vở “Nhân dân đi nạp lúa”, “Đường về vụ Quang”, “Trưng Vương khởi nghĩa”, cùng với các vở tuồng cổ được cải biên như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Tạ Ngọc Lân lăn lửa”... Đặc biệt năm 1953, ông đã sáng tác vở “Chị Ngộ”, một vở tuồng hiện đại có tiếng vang ngay khi công diễn lần đầu và có sức sống suốt bao nhiêu năm qua. Vở “Chị Ngộ” đã dấy lên lòng yêu nước thiết tha, chỉ căm thù địch mãnh liệt ở người xem. Đến nỗi, trong Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua Liên Khu 5, năm 1953, phải thu hết súng của người xem để họ không gây ra những điều đáng tiếc vì quá xúc động khi xem. Nhưng những diễn viên đóng vai Tây và Việt gian vẫn bị ném gạch đá... Các diễn viên đóng vai “chị Ngộ” như chị Ngô Thị Liễu ở Quảng Nam, Lệ Thi ở Quảng Ngãi, Minh Đức ở Bình Định khi ra đường nhân dân thương yêu trìu mến gọi là “chị Ngộ”. Vở chị Ngộ đã được giải thưởng Phạm Văn Đồng năm 1954 và giải đặc biệt trong Đại hội văn công toàn quốc năm 1956. Vì thế, trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất 1957, Nguyễn Lai đã được tham gia như một hội viên sáng lập.

Nguyễn Lai cũng là người có công đưa vai Trùm Sò (trong vở Nghêu sò ốc hến) lên màn ảnh một cách sáng tạo và tươi mới. Ông còn vẽ lại hơn 120 mẫu hóa trang bộ mặt các vai tuồng và tham gia cải biên, chỉnh lý, hiệu đính nhiều vở tuồng khác nữa.

Nguyễn Lai còn là một nhà sư phạm đào tạo nhiều thế hệ trẻ về nghệ thuật tuồng. Năm 1959, trường ca kịch dân tộc Việt Nam thành lập, ông được cử làm Chủ nhiệm khoa Tuồng. Ông đã viết bộ giáo trình giảng dạy môn nghệ thuật tuồng và nhiều bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông trở về quê hương dùng kiến thức và tài năng của mình được tích lũy sau nhiều năm làm việc, nghiên cứu ở miền Bắc để giúp đỡ cho những nghệ sĩ tuồng, phần lớn là học trò cũ của mình không được đi tập kết, chịu nhiều thiệt thòi bởi chế độ thực dân mới khinh miệt, rẻ rúng nghệ thuật tuồng. Ông tiếp tục bày, dạy cho đoàn tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, phần lớn là học trò của ông, khi ông làm chủ nhiệm khoa tuồng ở trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Ông là giáo viên chính bộ môn tuồng ở trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, cùng các nghệ sĩ Nguyễn Phẩm, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Nho Túy ra sức đào tạo một lớp diễn viên trẻ kế tục sự nghiệp của cha anh. Trong giờ phút lâm chung, ông còn trăn trối với các diễn viên trẻ: “Mong anh em ở lại cố giữ lấy nghề tuồng cha ông, để nó mai một đi thì tiếc lắm”. Ông mất ngày 10 tháng 10 năm 1982 tại Đà Nẵng.

Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1983.

T.Q - P.H.T