Những học giả đầu tiên nghiên cứu nghệ thuật Champa tại Mỹ Sơn và di sản học thuật dành cho hậu thế

06.05.2022
Trần Kỳ Phương

Những học giả đầu tiên nghiên cứu  nghệ thuật Champa tại Mỹ Sơn  và di sản học thuật dành cho hậu thế

Trong bản đồ này được trích từ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ trong Hồng Đức bản đồ, chúng ta có thể thấy di tích Mỹ Sơn nằm ở ô 3A và 4B; di tích Đồng Dương nằm ở ô 1C; Cửa Đại (Đại Chiêm Môn Thâm Đại) nằm ở ô 5D.

Vào cuối thế kỷ 18, hơn một trăm năm trước khi người Pháp phát hiện, Mỹ Sơn đã được thư tịch cổ của Việt Nam đề cập trong ‘Giáp Ngọ niên bình Nam đồ’ biên soạn năm 1774. Sách này đã ghi họa rõ di tích Mỹ Sơn kèm theo chú thích, “[Thử Sơn Hồng Đức Lập Bi/Chiêm Thành Chủ Tổ Mộ”, nghĩa là, “Tại núi này [ám chỉ ngọn núi thiêng Mỹ Sơn] vua Hồng Đức [Lê Thánh Tôn] dựng bia; Mộ tổ của chủ nhân người Chiêm Thành [người Chàm].” (Hồng Đức bản đồ 1962). Vì thế cư dân sở tại, có thể là hậu duệ của người Chàm (urang Campā), đã biết đến thánh địa cổ của hoàng gia Champa, mặc dầu, nó đã thành phế tích từ cuối thế kỷ 15 trở đi (?). Một số cư dân trong các làng lân cận Mỹ Sơn, từ những thế kỷ trước, đã canh tác trên những thửa ruộng hẹp nằm trong thung lũng này cho đến giữa thế kỷ 20 trước khi xảy ra chiến sự tại Việt Nam.

Mỹ Sơn đã được một toán lính người Pháp tái phát hiện vào khoảng năm 1885. Hơn mười năm sau, vào năm 1897 - 1898, Camille Paris (1856 - 1908) một nhà sưu tập và nhà thám hiểm kiêm nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp đã tổ chức khai quang Mỹ Sơn và ông trở thành người Pháp đầu tiên nghiên cứu thánh địa này.

Không lâu sau đó một số văn bia được phát hiện tại đây, vì thế vào năm 1899, Louis Finot (1864 - 1935) và Étienne Lunet de Lajonquière (1861 - 1933) đã khảo sát lại phế tích này và may mắn phát hiện được tấm bia cổ nhất của Mỹ Sơn dựng bởi vua Bhadravarman vào cuối thế kỷ 4. Sau chuyến khảo sát này, năm 1900, Finot đã công bố tác phẩm ‘Danh mục sơ bộ các di tích Chàm ở An Nam’ (Inventaire sommaire des monuments Cham de l’Annam). Đồng thời Lajonquière cũng phát hoạ một bản đồ ghi lại hiện trạng của Mỹ Sơn trong công trình ‘Bản đồ khảo cổ học Đông Dương: di tích Champa và Campuchia’ (Atlas archaeologique de l‘Indochine: monuments du Champa et du Cambodge). Những bản vẽ chi tiết của ông cho ta biết được thực trạng của Mỹ Sơn vào lúc đó trong tình trạng đổ nát bừa bộn trước khi có những bản vẽ hoàn chỉnh được Henri Parmentier (1870 - 1949) thực hiện sau cuộc khai quật chính thức tại đây.

Năm 1902, Parmentier được Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội cấp một khoản kinh phí gồm một ngàn năm trăm (1500) đồng Đông Dương để thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ học tại miền trung Việt Nam. Đây là một giấc mơ mà kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học trẻ tuổi ôm ấp đã hai năm kể từ khi bước chân vào làm việc cho Trường Viễn đông Bác cổ (VĐBC/École Française d’Extrême-Orient) dưới chức vụ ‘kiến trúc sư nội trú’, vì, từ nay ông chính thức đứng trong đội ngũ chuyên nghiệp của trường để cùng nghiên cứu và bảo tồn các di tích Champa.

Cuộc khai quật đầu tiên và toàn diện tại Mỹ Sơn được Parmentier cùng với Charles Carpeaux (1870 - 1904) tiến hành trong gần một năm kể từ ngày 11/03/1903 cho đến ngày 03/02/1904. Bên cạnh những ghi chép và khảo tả khoa học dưới mắt một kiến trúc sư của Parmentier, bộ ảnh chụp toàn cảnh và chi tiết các ngôi tháp của Carpeaux, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đã cung cấp những tài liệu quý giá nhất để tìm hiểu về di tích này. Chúng trở thành cơ sở khoa học chính thống để nghiên cứu và bảo tồn Mỹ Sơn cho nhiều thế hệ kế tiếp. Cuối năm 1904, cùng với bản dịch những văn bia phát hiện tại thánh địa này của Finot, báo cáo khoa học về cuộc khai quật tại Mỹ Sơn của Parmentier, trong đó sử dụng rất nhiều hình ảnh chụp bởi Carpeaux, được chính thức công bố trên tạp chí của Trường VĐBC (BEFEO 1904: 83-115, 805-896).

Parmentier (trái) và Carpeaux (phải) trong tháp A1, năm 1903-4.

Về cuộc khai quật của Parmentier và Carpeaux tại Mỹ Sơn, chúng ta có thể hình dung được những nỗ lực to lớn của họ để thực hiện sự kiện quan trọng này. Thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cũng như những điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn tại Mỹ Sơn vào thời điểm đó đối với người châu Âu quen với khi hậu ôn đới là một trở ngại rất lớn; ngoài ra là muỗi mòng, rắn rít, và thú hoang. Tại thung lũng này hai nhà khảo cổ cho dựng một cái lán tranh gọi là “cagna” (cái nhà) trên sườn đồi để tạm trú và dành cho khách thỉnh thoảng đến thăm. Mọi sinh hoạt đều được tổ chức trong cái lán khiêm tốn này, nó được bảo vệ bằng một hàng rào cao bốn mét để đề phòng cọp, vì nơi rừng rú hoang vu này vẫn còn đầy thú dữ. Ngày 18/06/1903, Carpeaux ghi trong nhật ký “Người giúp việc cho chúng tôi bị cọp bắt tối qua, hồi bảy giờ rưỡi, trong một bụi cây dùng để buộc ngựa. Nghe tiếng động trong rừng, ông ta tưởng rằng có một con nghé bị đi lạc và gặp phải cọp nên bị nó cắn vào cổ và lôi đi.”

 Dù trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng hai ông đã hoàn tất một khối lượng công việc khổng lồ, trong một thời gian hạn chế, để trả lại phần nào diện mạo nguyên thủy của thánh địa hoàng gia Champa. Một trong những phát hiện ngẫu nhiên đáng ghi nhớ của Carpeaux là vào ngày 21/08/1903 ông tìm thấy một bộ trang sức bằng vàng và bạc đựng cẩn thận trong một cái hủ bằng đất nung chôn ở chân tháp C7; đi cùng với bộ trang sức cho các vị thần là hai cái linga nhỏ bằng vàng đặt trên bệ thoát nước bằng bạc. Vào giai đoạn cuối của việc khai quật ở Mỹ Sơn, một việc không may đã xảy ra, Carpeaux bị bọ cạp cắn vào sáng ngày 27/01/1904 nên không thể tiếp tục công việc được vì thế ông phải về Đà Nẵng trong tình trạng sức khỏe suy yếu khi cuộc khai quật kết thúc vào ngày 07/02/1904. Sức khỏe của ông bị kiệt quệ hẳn sau những năm công cán ở Đông Dương, từ 1901 đến 1904, và qua đời ngày 29/06/1904 tại Sài Gòn khi mới 34 tuổi (Baptiste 2009). Sau khi ông mất, năm 1908, mẹ ông là bà J.-B. Carpeaux, đã cho xuất bản một tác phẩm mang tên ông gồm tất cả ghi chép trong nhật ký, ảnh chụp di tích và thư từ trao đổi với gia đình trong những năm ông làm việc tại Đông Dương, dày 280 trang, mang tựa đề ‘Phế tích Angkor, Đồng Dương và Mỹ Sơn’ (Carpeaux 1908).

 

Carpeaux trong cái lán tranh ở Mỹ Sơn, năm 1903-4.

Việc trùng tu các di tích Champa trong giai đoạn đầu rất tốn kém, từ việc nghiên cứu, bảo quản, trùng tu và xây dựng bảo tàng cho đến việc khai quật khảo cổ học tại các di tích Champa khác cho nên kinh phí của Trường VĐBC bị chia chẻ ra nhiều dự án, vì thế từ sau cuộc khai quật năm 1903-1904, công việc khảo sát tại Mỹ Sơn phải tạm dừng. Cho đến năm 1930, để chăm sóc và bảo tồn các di tích tại miền Trung, Trường VĐBC thành lập một văn phòng đặt tại Huế dưới tên ‘Bảo tồn di tích lịch sử An Nam - Champa’ (La conservation des monuments historiques de l’Annam-Champa) dưới sự điều hành của Jean-Yves Claeys. Cũng nên lưu ý rằng, Claeys là nhà khảo cổ học đã khai quật di tích Trà Kiệu trong những năm 1927 - 1928 và Tháp Mẫm, Bình Định, năm 1934 cũng như nới rộng và tổ chức trưng bày mới cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào năm 1935 - 1936. Chỉ một thời gian ngắn sau khi văn phòng bảo tồn di tích thành lập, vào năm 1931, Claeys bắt đầu gia cố và trùng tu khu đền - tháp Pô Nagar Nha Trang, ngoại trừ ngôi đền phía Nam đã được Parmentier trùng tu vào năm 1902 và 1907. Trong thời gian giữa năm 1931 và 1942, Mỹ Sơn và Pô Nagar Nha Trang, hai khu di tích lớn nhất của đền-tháp Champa, đã được đưa vào tu bổ. Đồng thời, Claeys cũng đã trùng tu tiền sảnh (vestibule) của tháp Bằng An tại tỉnh Quảng Nam vào năm 1933 với sự cộng tác của một kỹ sư thủy lợi người Pháp.  

Công cuộc trùng tu tại Mỹ Sơn bắt đầu vào 07/1937 dưới sự điều hành của Louis Bezacier và Nguyễn Xuân Đồng; trong thời gian này những đền-tháp của nhóm B và D đã được gia cố. Trong những năm tiếp theo, ngôi đền A1, một kiệt tác của kiến trúc Chàm và sáu ngôi đền nhỏ bao quanh, A2-A7, đã được trùng tu; và những công trình khác cũng được gia cố ở phần nền móng tháp. Đồng thời, trên dòng suối chia đôi nhóm A và D, một cái đập nhỏ bằng xi-măng được xây ở phía ngoài nhóm tháp A’, để nắn lại theo dòng chảy nguyên thuỷ của nó là về hướng đông của nhóm A. Tuy nhiên cái đập đã bị vỡ trong một cơn lũ lớn xảy ra tại Mỹ Sơn vào năm 1946. Công cuộc trùng tu của Mỹ Sơn trong giai đoạn này được đánh dấu bằng lễ khánh thành ‘Công viên Khảo cổ học Mỹ Sơn’ (‘Parc Archeologique de My Son’) bởi Đô đốc Decoux, toàn quyền Đông Dương, được tổ chức sơ sài vào tháng 08/1942 trong hoàn cảnh khó khăn của Đệ nhị Thế chiến (BEFEO 1930: 659-62; BEFEO 1939: 415; Nguyễn Xuân Đồng 1978-80: trao đổi cá nhân tại Đà Nẵng; Southworth 2001: 55-60).

Bộ trang sức và linga bằng vàng và bạc được Carpeaux phát hiện tại tháp C7.

Về phương diện nghiên cứu, những công trình dịch văn bia Chàm đã được các học giả Pháp quan tâm ngay từ đầu, vì đây là tài liệu căn bản để tìm hiểu lịch sử vương quốc Champa. Các thế hệ kế tiếp nhau của Abel Bergaigne (1838 - 1888), Étienne Aymonier (1844 - 1929), Louis Finot (1864 - 1935), Édouard Huber (1879 - 1914), Paul Mus (1902 - 1969) đã dày công biên dịch và nghiên cứu văn bia Chàm mà nhiều nhất là những tiêu bản phát hiện tại Mỹ Sơn gồm hai mươi lăm đơn vị. Công trình biên dịch của họ là cơ sở cho tất cả các nghiên cứu về Champa trên các lãnh vực về lịch sử, tôn giáo, triết học, ngôn ngữ, văn học, lịch sử nghệ thuật, v.v...

Về lịch sử nghệ thuật, Parmentier là người có những đóng góp to lớn nhất với công trình đồ sộ ‘Danh mục khảo tả di tích Chàm’ (Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam) gồm hai tập xuất bản năm 1909 và 1918 cùng với 114 bản vẽ kiến trúc và bản đồ khảo cổ học Champa. Chúng là tài liệu căn bản nhất về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Champa mà tất cả các thế hệ kế tiếp đều phải tham khảo. Những ghi chép công phu và khảo tả khoa học của Parmentier về các di tích Champa giúp cho giới nghiên cứu sau ông dễ dàng tiếp cận sâu sắc với các công trình nghệ thuật hầu hết bị tàn phế của vương quốc cổ này. Đặc biệt các bản vẽ tài hoa và khoa học chính xác của một kiến trúc sư khiến cho những tài liệu này thực sự sống động. Nếu không có những bản vẽ kiến trúc mang giá trị khoa học cao về phế tích Đồng Dương của ông thì các thế hệ sau không thể nào hình dung được tầm vóc kỳ vĩ của Phật viện Laksmindra-Lokesvara được dựng vào thế kỷ 9-10; và có thể là, trung tâm Mật tông Đại thừa quan trọng nhất của Champa và của cả Đông Nam Á đã hoàn toàn bị quên lãng! Tưởng cũng nên lưu ý rằng, vào đầu thế kỷ 20, Parmentier là kiến trúc sư duy nhất của Trường VĐBC tham gia nghiên cứu nghệ thuật Chàm cho nên những bản vẽ kiến trúc của ông có thẩm quyền trên lãnh vực này. Ông cũng là người có công lớn trong việc thiết kế, trưng bày và nghiên cứu bảo tàng ‘Cổ vật Chàm’ (Section Le musée de l’Antiquité cham) xây dựng năm 1915. Về sau bảo tàng được mang tên ông là ‘Musée Henri Parmentier’, ngày nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.  

Những nghiên cứu căn bản của Parmentier cũng là cơ sở để Philippe Stern xây dựng công trình của ông về sự tiến hóa của các phong cách trong nghệ thuật Champa công bố năm 1942, tựa đề ‘Nghệ thuật Champa và sự tiến hoá của nó’ (L’art du Champà et son évolution). Trong đó, Stern đề xuất một phương pháp mới để tiếp cận sự phát triển kiến trúc và niên đại của đền-tháp Champa dựa trên ‘phân tích hoạ tiết trang trí’ (analyse de motif). Bằng vào phương pháp này, Stern đã phân loại kiến trúc đền-tháp Chàm thành bảy phong cách sau:

1/ Phong cách cổ (Style ancient): bao gồm các kiến trúc chính: Mỹ Sơn E1, khoảng đầu thế kỷ 8;

2/ Phong cách Hòa Lai (Style de Hoa Lai): Hòa Lai, Pô Đàm, Mỹ Sơn F3, A’2, C7, thế kỷ 8;

3/ Phong cách Đồng Dương (Style de Dong Dzuong): Phật viện Đồng Dương; Mỹ Sơn B4, A12, A13, thế kỷ 9-10;

4/ Phong cách Mỹ Sơn A1 (Style de My Son A1): Khương Mỹ, Mỹ Sơn A1, các tháp thuộc nhóm Mỹ Sơn B-C-D, thế kỷ 10;

5/ Phong cách chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và Bình Định (Style de transition entre le style de My Son A1 and le style du Binh Dinh): Bình Lâm, Mỹ Sơn E4, Chiên Đàn, Pô Nagar Nha Trang (tháp chính), Tháp Bạc, Tháp Nhạn, thế kỷ 11;

6/ Phong cách Bình Định (Style du Binh Dinh): Hưng Thạnh, Dương Long, Cánh Tiên, Thủ Thiên, Thốc Lốc, thế kỷ 12-13;

7/ Phong cách muộn (Style tardif): Pô Kloong Garai, Pô Rome, Yang Mum, Yang Prong, thế kỷ 13-15 (Stern 1942: 4).

Cách phân loại phong cách nghệ thuật của Stern đem lại một nhận thức mới và cung cấp một bảng niên đại hợp lý hơn về kiến trúc đền-tháp Champa và đã được Jean Boisselier áp dụng vào nghiên cứu điêu khắc Chàm. Năm 1963, trong tác phẩm ‘Nền điêu khắc Champa’ (La Statuaire du Champa), Boisselier công bố một nghiên cứu đầy đặn về các phong cách và sự tiến hoá của nghệ thuật điêu khắc Chàm chủ yếu dựa vào sự phân loại phong cách cơ bản của Stern mặc dầu trong công trình này ông có bổ sung thêm cách phân chia chi tiết cho mỗi giai đoạn nhỏ của từng phong cách và có sửa đổi đôi chút về niên đại của từng tác phẩm (Boisselier 1963).

Những cống hiến to lớn đầy nhiệt huyết của các học giả thuộc Trường VĐBC vào đầu thế kỷ trước đã tạo nên những cơ sở vững chắc làm nền móng cho các công trình nghiên cứu về Champa của nhiều thế hệ kế tiếp. Ngày nay, bên cạnh sự kiện Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, những nghiên cứu toàn diện về Champa trên nhiều lãnh vực từ lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, bi ký, ngôn ngữ cho đến nhân học đang được phát triển mạnh mẽ bởi các học giả khắp nơi trên thế giới; và hiển nhiên là, tất cả đều kế thừa di sản học thuật đồ sộ của thế hệ học giả tiên phong từ Trường VĐBC.

 

Tài liệu tham khảo:

- Baptiste, Pierre (2009), ‘The Archaeology of Ancient Champa: The French Excavations’, Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam) (biên tập A. Hardy, M. Cucarzi, P. Zolese): 14-25. Singapore: NUS Press.

- BEFEO (Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient) (1904): 83-115, 805-896; (1930): 30, 659-662; (1939): 38, 415. Hanoi: École Française d’Extrême-Orient.

- Boisselier, Jean (1963), La Statuaire du Champà: recherches sur les cultes et l’iconograpghie. Paris: EFEO (Publications de l’Ecole fransaise d’Extreme-Orient 54).

- Carpeaux, Charles (1908), Les ruines d’Angkor, de Dong-Duong et de My-Son (Cambodge et Annam): lettres, journal de route et clichés photographiques. Paris: Augustin Challamel, éditeur.

- Hồng Đức bản đồ (1962), Viện Khảo-cổ (dịch và biên tập). Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục/Tủ sách Viện Khảo-cổ, Số III.

- Parmentier, Henri (1909), Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam: vol.I. Description des monuments. Paris: Leroux (Publications de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient 11).

- Parmentier, Henri (1918), Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam: vol. II. Étude de l’art Cam. Paris: Leroux (Publications de l’Ecole Francaise d’Extrême- Orient 11).

- Southworth, William (2001), The Origins of Campa in Central Vietnam: A Preliminary View (PhD thesis). London: School of Oriental and African Studies (SOAS), University of London.

- Stern, Philippe (1942), L’art du Champà et son évolution. Paris: Publication du Musée Guimet.

 T.K.P