Nhà thơ Nam Trân với “BẢO VẬT QUỐC GIA”

06.05.2022
Vân Trình

Nhà thơ Nam Trân với “BẢO VẬT QUỐC GIA”

Năm nay, kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ kính yêu viết tác phẩm thơ nổi tiếng “Nhật ký trong tù” (1942 - 2022) và cũng kỷ niệm 115 năm sinh (1907 - 2022), 55 năm ngày mất (1967 - 2022) của nhà thơ đất Quảng nổi tiếng - Nam Trân người có công lớn trong việc dịch “Nhật ký trong tù” ra tiếng Việt hơn 60 năm trước.

Bảo vật quốc gia”

Sau một thời gian hoạt động ở Cao Bằng cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 13/8/1942, Lãnh tụ Hồ Chí Minh (tên gọi mới của Nguyễn Ái Quốc) lên đường sang Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật. Sau nửa tháng trời đi bộ, vừa đến Túc Vinh - một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Người liền bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giữ. Trải qua hành trình gian khổ và bị đày đi giam cầm ở 30 nhà lao thuộc 13 huyện khác nhau trong suốt 1 năm 12 ngày (29/8/1942 - 10/9/1943), Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm trên một trăm bài thơ bằng chữ Hán, tập hợp lại thành tập Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Đây là một bức chân dung tự họa, thể hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của một nhà ái quốc vĩ đại, một chiến sĩ Cộng sản kiên cường, dù bị đày đọa trong lao tù vẫn ung dung tự tại, tràn trề tinh thần lạc quan, hướng đến tương lai tươi sáng. Đồng thời, là hình ảnh một bậc đại nhân có tình thương yêu bao la, thấu hiểu cảnh ngộ của mọi kiếp người, nhạy cảm với niềm vui, nỗi đau của con người. Năm 1960, tác phẩm Nhật ký trong tù sau khi ra mắt đã làm lay động sâu sắc tâm hồn bạn đọc thuộc nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội. Ở lần in thứ nhất có gần 70 vạn bản sách được bán hết và phải nối bản ngay trong cùng năm đó. Tác phẩm còn được giới thiệu bằng 11 thứ tiếng. Theo bà Vương Thị Nguyệt Ánh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu thập được tới 50 cuốn Nhật ký trong tù được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Nhật ký trong tù là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc ta, năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Đây là 1 trong 5 “Bảo vật quốc gia” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 “Nhật ký trong tù” được dịch ra tiếng Việt như thế nào?

Một vị Giáo sư từng công tác tại Viện Văn học cho hay: Khoảng tháng 10 năm 1959, nhà thơ Tố Hữu có cuộc gặp với Giáo sư Đặng Thai Mai và nhà phê bình Hoài Thanh, Viện trưởng và Viện phó Viện Văn học để trao bản “lược dịch” Nhật ký trong tù của nhóm Phạm Văn Bình (dưới bút danh Văn Trực - Văn Phụng) cho Viện, cùng với chỉ thị của cấp trên yêu cầu chính thức dịch Nhật ký trong tù để phát hành vào năm sau (1960), nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viện trưởng Đặng Thai Mai tin tưởng giao ngay nhiệm vụ quan trọng và nặng nề này cho nhà thơ Nam Trân, lúc này đang là Trưởng phòng Tư liệu của Viện. Việc “chọn mặt gửi vàng” này hoàn toàn chính xác. Theo nhà thơ Tố Hữu: “Việc dịch tập Nhật ký trong tù là cực khó. Vì ngoài kiến thức uyên thâm về Hán học ra, người dịch phải là nhà thơ thì mới mong dịch thơ Bác thành thơ cho có hồn được. Chỉ có anh Nam Trân có đủ hai mặt này”.

Thông thường, phải mất hai năm hoặc lâu hơn nữa mới dịch xong Nhật ký trong tù, một tập thơ 133 bài, chọn dịch 114 bài. Thế nhưng, bằng tài năng của một trí thức có cả vốn Hán học lẫn vốn Tây học sâu rộng, bằng sự cảm thụ thơ tinh tế của một nhà thơ đích thực, cộng với nỗ lực và tâm huyết, Nam Trân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong một thời gian kỷ lục - hai tháng và được Viện Văn học cùng cấp trên thông qua. Trong bài Nhớ tiếc Nam Trân, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Chỉ một việc anh dịch xong tập thơ của Bác, anh đã coi là có thể làm xong nhiệm vụ của Cách mạng. Nếu anh rất vinh dự được Cách mạng giao cho công tác ấy thì hàng triệu độc giả cũng cảm ơn anh vì nhờ anh, họ đã thưởng thức được Nhật ký trong tù”.

Hồ sơ lưu trữ của Viện Văn học về việc dịch tập thơ Nhật ký trong tù cho biết nhà thơ Nam Trân thực hiện công việc dịch thuật một cách cực kỳ cẩn trọng và chu đáo. Không phải vì thời gian quá gấp mà ông tắc trách trong khi chuyển ngữ. Hầu như bài thơ nào Nam Trân cũng dịch và chữa đến ba, bốn, thậm chí năm lần. Có khi chữa đi chữa lại đến nát cả bản thảo, viết bằng bút chì, bằng mực tím, rồi mực xanh, rồi lại đến mực đỏ chèn lên trang giấy, rồi sau cùng lại xóa đi viết lại. Điều này thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài của Nam Trân trong việc tìm vần, gọt chữ suốt hai tháng ròng để truyền đúng cái hay, cái đẹp của nguyên tác.  

Theo các nhà nghiên cứu, điểm độc đáo của Nam Trân khi dịch Nhật ký trong tù là ông đặc biệt tôn trọng âm hưởng Đường luật - yếu tố quan trọng đã tạo nên hương vị riêng cho bản dịch. Đành rằng nguyên tác Nhật ký trong tù vốn rất giàu ý vị Đường thi, nhiều bài thơ trong tập đã sử dụng luật Đường và điển cố thơ Đường nhuần nhị, song cũng có đến ba mươi bài tác giả bỏ qua niêm luật thơ Đường. Lại có những bài vận dụng cú pháp bạch thoại không có trong thơ cổ. Có những trợ từ văn xuôi được chuyển vào thơ: “sở”, “dã”, “tài”, “sở dĩ”, “hứa đa”, “đương nhiên”... Có những từ ngữ rất hiện đại và giàu chất thời sự: “kiên quyết”, “tấn công”, “thắng lợi”,... Về tiết tấu, nhiều câu ở nhiều bài đảo hẳn nhịp 4/3 của thơ Đường thành những nhịp 1, 2, 3, 4 rất linh động. Khi chuyển tác phẩm thơ chữ Hán này ra thơ tiếng Việt, Nam Trân đã thử dùng đủ các thể khác nhau: 5 chữ, 7 chữ, lục bát... để dịch đi dịch lại một bài thơ. Cuối cùng, ông đi đến một quyết định dứt khoát: nhất loạt dịch đúng Đường luật. Việc này không chỉ làm nên thành công của bản dịch mà còn chứng tỏ sự đồng điệu trong tâm hồn giữa dịch giả và tác giả.

Với bản dịch Nhật ký trong tù, nhà thơ Nam Trân không chỉ được giới dịch thuật ghi nhận tài năng thiện nghệ mà còn được ngợi ca về nhân cách. Bởi, bản dịch năm 1960 không hề mang danh nghĩa cá nhân ông mà mang danh nghĩa chung là Viện Văn học. Nam Trân rất thanh thản về điều đó. Ông cũng từ tốn khi tiếp nhận sự phê bình của bạn đọc đối với bản dịch của mình nhưng đồng thời thể hiện rõ chính kiến và phong cách của một dịch giả. Trên Tạp chí Văn học số 9/1961, trả lời ý kiến của bạn đọc Hoàng Thị Liên: “Bản dịch của Viện rất hay nhưng tôi nghĩ rằng muốn phổ thông hóa các bài thơ đó thì phải dịch theo thể thơ lục bát mà dịch liên tiếp nhau thành một tập thơ kể chuyện”, Nam Trân thưa: “Chúng tôi thấy đó là một sáng kiến xuất phát từ tinh thần phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. Song rất tiếc là sáng kiến đó không thực hiện được vì lẽ rằng chúng ta không thể kết lại thành một thiên tự sự những bài thơ có lối cấu tạo riêng biệt của nó”. Còn bạn đọc Hồ Lãng lại cho rằng: “kể thì đọc những câu thơ dịch, những ai dễ tính rất có thể khen là bay bướm mượt mà, nên thơ hơn nguyên tác thật. Song chính cái hay hơn này, nên bản dịch mới thật là đáng trách. Chúng ta cứ tưởng tượng như có một người nào đó xem tượng vạc đắp, rồi trông thấy mà đắp theo, nhưng lại gọt hết những nét gai gợn xù xì trên pho tượng cho mượt mà đi; hoặc họ xem tranh chấm phá, rồi vẽ theo nhưng lại tô những nét loang lổ xơ xác cho gọn lại; thì ta sẽ thấy việc làm của họ không những đã không nên khen mà còn phải phê bình là khác”. Với ý kiến có vẻ “nghịch nhĩ” này, Nam Trân nhẹ nhàng vừa giải thích thấu tình đạt lý, vừa thông tin cho độc giả biết tiến trình chuyển đổi rất gian truân một tác phẩm nổi tiếng như Nhật ký trong tù từ chữ Hán sang tiếng Việt: “Có một điểm cần phải nêu lên là chúng tôi không bao giờ quan niệm công tác dịch thơ như công tác bắt chước đắp lại một pho tượng hoặc vẽ lại một bức tranh. Trái lại, theo chúng tôi, người dịch thơ phải làm việc với óc sáng tạo, chí ít cũng có phần sáng tạo trong ngôn ngữ dân tộc. Sau khi tìm hiểu tâm cảnh, ý cảnh trong bài thơ, người dịch phải diễn đạt lại tinh thần của một tác phẩm nghệ thuật dưới một hình thức hoàn toàn thích hợp với nội dung. Đó là chỗ chúng tôi thấy có khác nhau với quan điểm trên đây của bạn Hồ Lãng. Hơn nữa, bút pháp trong thơ Hồ Chủ tịch có cái hoàn chỉnh đặc biệt của nó. Ấy là lối hoàn chỉnh mà người xưa gọi là thiên y vô phùng (áo trời không có đường may), tuyệt nhiên không phải là những nét xù xì gai gợn như trên một pho tượng nào. Điều khó dịch trong thơ Hồ Chủ tịch là thơ của Người đã vượt qua khỏi cái đỉnh cao nhất của thời kỳ điêu luyện và đã trở thành một nghệ thuật giản dị hầu như tự nhiên”.

 

 

Vài nét về dịch giả Nam Trân

Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sỹ, sinh ngày 15/2/1907 ở làng Phú Thứ Thượng, nay thuộc thôn Mỹ An, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông học chữ Hán đến năm 12 tuổi, sau đó theo học trường Trung học Quốc học Huế, rồi trường Trung học Bảo Hộ Hà Nội. Đỗ Tú tài, ông làm Tham tán Tòa Khâm sứ Huế, tiếp đó làm Tá lý Bộ Lại (tòng tam phẩm) và Thị lang Bộ Lại (chánh tam phẩm) của chính phủ Nam triều. Hai lần sống, học tập và làm việc ở xứ sở sông Hương, núi Ngự, Nam Trân là tác giả của Huế, Đẹp và Thơ (được Nxb Trung Bắc tân văn, Hà Nội in năm 1939) tác phẩm làm nên tên tuổi của ông trên thi đàn nước Việt.

  Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, từ một quan lại Nam triều, Nam Trân nhanh chóng đến với Cách mạng, với kháng chiến và hòa mình vào cuộc trường chinh vĩ đại của cả dân tộc. Ông công tác tại Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Đại Lộc, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam, rồi Chánh Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu V. Hòa bình lập lại (1954), ông tập kết ra Bắc và trở lại nghề viết văn. Nam Trân tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và là Ủy viên Ban Chấp hành khóa đầu tiên. Ông là một trong những người có công mở lớp Đại học Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc, do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức và tham gia giảng dạy khóa I. Ông còn chủ trì dịch Thơ Đường (hai tập), duyệt Thơ Tống, tham gia nhóm dịch Thơ văn Lý - Trần, dịch Kinh thi, Đường thi, Cổ văn Trung Quốc... Nhà thơ, dịch giả Nam Trân qua đời ngày 21/12/1967 tại Thủ đô Hà Nội, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và bạn đọc.

V.T