Đọc Khi chim én bay về của Trần Thiên Hương
Ảnh minh họa
“Khi chim én bay về” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2022) của Trần Thiên Hương về cấu trúc văn bản là một tiểu thuyết lịch sử nhưng thật ra tác giả chỉ lấy bối cảnh, không gian của cuộc khởi nghĩa Yên Thế - Đề Thám để dẫn dụ vào một câu chuyện tình tay ba giữa Jonanthan, Kiều Trang, Chiêu với điểm xuất phát của các nhân vật đầy trái nghịch nhau về quan điểm, suy nghĩ và hoàn cảnh. Một Jonathan, Tổng Biên tập của L’Avenir du Tonkin, một tờ báo Pháp ngữ đầu tiên tại Hà Nội (1884 - 1940) là tờ báo của thực dân xuất bản ở thuộc địa nên nội dung cũng nằm trong khuôn khổ chủ trương và chính sách “bảo hộ” của người Pháp. Dưới góc nhìn của nhân vật nữ chính Kiều Trang: “Anh ta là người Pháp nhưng anh ta không cầm súng mà cầm bút. Anh ấy biết lẽ phải, sứ mệnh của anh ta sang đây là để bênh vực lẽ phải”. Đó là một điểm cộng cho hình ảnh Tổng Biên tập trong mắt của Kiều Trang, nhưng thật oan nghiệt, ngay khi nàng vừa đáp lại lời tỏ tình của chàng trai nhà báo Pháp thì một tai nạn đã xảy ra... Nếu như không có cái chết của chàng, có lẽ người đọc sẽ nghĩ rằng cuộc tình thơ mộng này sẽ đi đến một cuộc hôn nhân đằm thắm, hạnh phúc của hai người bởi họ có những đồng điệu trong tâm hồn, những chia sẻ và niềm đam mê nghề báo và nhất là cùng tôn vinh cái đẹp có tính vĩnh hằng. Kiều Trang là con gái cưng của một quan Thông phán, học trường Tây, có trình độ, thuộc gia đình lớp thượng lưu tại Hà Nội, tâm hồn trong sáng, nhân ái lại là một người biết khước từ sự giàu có khi tình cờ sở hữu một kho báu - vì đơn giản: “Những thứ của cải ấy không phải tự mình tìm ra, chỉ nhờ một chút tình cờ may mắn mà mình có được, thì mình có đáng được không”. Và Chiêu, một người “bên kia chiến tuyến”, là một trợ thủ đắc lực như “cố vấn tối cao” cho Hùm Xám Yên Thế, một người yêu nước sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Oái ăm thay, hai người gặp nhau lần đầu trong tư thế đối nghịch: Kiều Trang là phiên dịch cho bọn Pháp và Chiêu đại diện Đề Thám trong một cuộc thương thảo căng thẳng về bắt cóc và trao trả tù nhân. Nhưng Chiêu đã để lại trong lòng Kiều Trang một hình ảnh đẹp của một chiến sĩ yêu nước chiến đấu giành độc lập dân tộc, “một đấng nam nhi mạnh mẽ, với bờ vai rắn chắc, đôi mắt đen sâu thẳm, khuôn mặt cương nghị, đầy kiêu hãnh”. Như một định mệnh, theo năm tháng tình yêu của hai người dù gặp biết bao trắc trở nhưng đã nồng cháy yêu thương để đến với nhau bằng những đắm say cháy bỏng. Từ sự cảm phục nhân cách, về lý tưởng mà Chiêu đã theo đuổi, dần dần đã đánh thức trong lòng Kiều Trang tình cảm đối với quê hương đất nước để rồi cô bị cuốn theo những hoạt động phong trào yêu nước của Đề Thám một cách tự nguyện. Nhưng rồi kết thúc thiên tình sử vô cùng đẹp đẽ ấy đã gãy đổ, Chiêu đã hy sinh trong một trận đánh, đành lỗi hẹn “khi chim én bay về”, anh đã nằm lại trên một ngọn đồi, chỉ còn lại “niềm khát khao chưa bao giờ vơi về một ngày không xa được cùng nhau sống dưới một mái nhà, để niềm vui và hạnh phúc nhân đôi...” với nỗi đau đầy uất nghẹn trong lòng Kiều Trang.
Sau “Dưới chân Núi Chúa” và “Thu Bồn lặng sóng”, tác giả “Khi chim én bay về” thể hiện độ chín trong nghệ thuật dựng chuyện với một kết cấu hợp lý. Trần Thiên Hương không tìm cách lạ hóa cốt truyện mà hướng về lối viết truyền thống, xây dựng nhân vật mang thủ pháp lý tưởng hóa nhưng không hề đơn điệu, cưỡng ép, tính cách nhân vật phát triển rất logic. Điểm tài hoa của Trần Thiên Hương là xử lý mối quan hệ giữa câu chuyện tình của ba người khá phức tạp bởi xuất phát điểm của họ thuộc những tầng lớp khác nhau nhưng chính nhờ tình yêu, lòng yêu thương chân thật, đồng điệu của những tâm hồn trong sáng cao thượng, họ đã vượt qua những rào cản thiên kiến để đến với nhau. Người đọc bị ám ảnh bởi cách kể, cách tạo ra bước ngoặt, sự đột biến, cách xử lý tình huống của người viết với lối dẫn chuyện có phần biến hóa đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với hàng loạt chi tiết, tình tiết hấp dẫn. Chính điều đó làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn lôi cuốn bạn đọc, tưởng như khi mở sách đọc khó lòng mà dừng lại nửa chừng. Kết thúc của câu chuyện là cái chết của nhân vật Chiêu làm cho thiên tình sử trở nên bi thương mà đẹp lạ lùng mang lại niềm xúc động khôn nguôi. Cái chết của Chiêu trong quy luật chiến tranh dù được dự báo trước nhưng thật bất ngờ, người đọc cảm thấy hụt hẫng, xót xa, thổn thức với một bi kịch của tình yêu. Ngòi bút của Trần Thiên Hương luôn hiển lộ một ý thức thẩm mỹ bàng bạc thấm đẫm trong sự miêu tả. Cảnh sắc thiên nhiên cũng tham dự vào câu chuyện bằng những trang văn lấp lánh ngọt ngào; kể từ ánh trăng huyền hoặc “lơ lửng giữa không trung” không ngừng đổi sắc đến những bản Sonata Ánh trăng của Beethoven, xen lẫn những câu chuyện thần thoại Hy Lạp hay hình ảnh con ngựa Phong Ba nghĩa nặng tình sâu với chủ nhân, những con đường mơ màng bên kia sông Đáy trong những thời khắc rong ruổi bên nhau đã góp phần tô điểm làm cho tình yêu giữa Chiêu và Kiều Trang thêm nhiều sắc màu, lung linh, huyền mị và thơ mộng.
“Khi chim én bay về” không dành nhiều dung lượng để miêu tả cuộc chiến đấu của Đề Thám nhưng đã cho thấy tác giả có một cách nhìn lịch sử trên tinh thần trung thành với sự thật và phát hiện những góc khuất chưa được hiển lộ trên những dòng sử ký. Hoàng Hoa Thám bản chất là một nông dân ít chữ, trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước đã bị đẩy đưa làm kẻ “giang hồ tứ chiếng” trước khi trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, là người nghĩa khí, biết trọng người tài, linh hoạt và đã từng trá hàng bọn Pháp để ẩn mình tiếp tục chuẩn bị dài lâu cho cuộc chiến đấu. Tác giả có một cái nhìn rất nhân văn, độ lượng - một Jonathan tử tế, chân tình, một Toàn quyền Paul Doumer đã can thiệp vào pháp đình, bác bỏ lời tuyên án của tòa về Tam phu nhân (vợ ba của Đề Thám) từ tử hình xuống chung thân, cuối cùng là mười năm lưu đày ở một đảo xứ Alger. Không những thế, viên Toàn quyền còn nhận đứa bé Hoàng Thị Thế con của Tam phu nhân làm con nuôi mà theo chính sử, người con gái ấy sau này đã trở thành nữ minh tinh đầu tiên của Việt Nam đóng phim Pháp. Không những thế, “Toàn quyền Paul Doumer là một người có công lao đối với nước thuộc địa” khi xây dựng những công trình phục vụ dân sinh tại Việt Nam nhưng có lúc người viết sử đã chưa thật công tâm nên theo quan điểm của Trần Thiên Hương “một dân tộc chỉ thích đấu tranh và luôn đòi hỏi quyền lợi thì làm sao thấy được sự vĩ đại trong con người đó”. Đó là cách suy nghĩ khách quan, không mặc định thực dân nghĩa là hiểm ác bạo tàn mà còn có những người vẫn đến thuộc địa với tinh thần khai hóa, mở mang làm thay đổi cuộc sống của người bản xứ.
“Khi chim én bay về” không phải là một tiểu thuyết lịch sử nhưng các nhân vật hiện diện như một đối trọng trong không gian của một giai đoạn chống Pháp những năm cuối của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tất cả đều khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm cao đẹp, đức hy sinh kể cả lòng bao dung cùng những khát khao hạnh phúc. Thông qua câu chuyện tình của Chiêu và Kiều Trang, tác giả không chỉ nhằm miêu tả về một thiên tình sử ngọt ngào lãng mạn như bản nhạc Sonnata Ánh trăng mà qua đó còn là hiện thân cho hình ảnh tình yêu đôi lứa của những người yêu nước trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lược, họ không có một chọn lựa nào khác ngoài con đường tham gia vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
H.S.B