Những bước chân hoang
Tôi đón xe về quê ngoại.
Tôi không nhớ rõ đêm hôm qua lúc tôi rời khỏi căn nhà và lao ra đường gọi xe là mấy giờ. Nhưng chắc là khuya. Anh tài xế thấy bộ dạng tôi rách rưới dơ bẩn, nửa người phía dưới ướt sũng bởi tôi đạp trên cỏ đẫm sương mà chạy, anh e dè. Tôi van xin. Anh tài xế rộng lòng cho tôi lên ngồi chiếc ghế cuối cùng còn trống trên xe trong ánh mắt dò xét của người đi cùng.
- Về đâu cậu em? - Tài xế hỏi, giọng hơi chanh chua.
Tôi nhớ trước khi bước ra cửa mẹ đã dúi vào tay tôi mấy tờ tiền, nói vội vào tai mấy câu: “Về ngoại đi con! Về ngoại”. Tôi đáp gọn lỏn:
- Thôn Song Trúc.
- Trăm rưỡi. Tới chỗ. - Tài xế ra giá.
Tôi móc mấy tờ tiền nhàu nhét trong túi ra đếm rồi lấy đúng một trăm rưỡi, ba tờ năm mươi ngàn đưa cho anh tài xế. Anh mỉm cười kéo cửa cái cạch, quăng điếu thuốc cháy dở xuống cỏ rồi lên xe đi tiếp.
Thôn Song Trúc - cái tên nhẹ nhàng và đầy chất thơ, nơi mà suốt 25 năm cuộc đời tôi chỉ đến vỏn vẹn có năm bảy lần, lần thứ nhất là khi tôi còn bé mẹ dẫn tôi về thăm bà ngoại, sau đợt ngoại viết thư báo tin ngoại trượt té ở cây cầu ao sau nhà bị rạn xương, mấy lần sau đó tôi không nhớ rõ, lần gần nhất là khi tôi cùng Kiên lỡ đường nên ghé vào nhà ngoại, ôm ngoại một lúc.
Dấu ấn còn sót lại trong tôi về thôn Song Trúc là chiếc cổng vào thôn phủ rêu, sau cổng thôn là gốc cây bồ đề to rỗng ruột, con nít chơi trốn tìm chui vào ngồi thu lu, dần dần nó nhẵn bóng. Ngoại nói đó là gốc cây thiêng. Bởi vậy mỗi lần chơi trốn tìm tôi đều tìm chỗ khác mà trốn.
Xe tròng trành. Ngoài cửa là đêm tối. Tôi thiếp đi lúc nào không biết, đến khi mở mắt ra thì trời đã sáng. Những cánh đồng trôi ngược về phía sau. Khách trên xe đã vơi đi ít nhiều. Bác tài bảo tôi chừng 30 phút nữa sẽ tới đầu thôn Song Trúc. Tôi lóng ngóng, mong chờ giây phút được gặp bà ngoại, được ôm ngoại thật lâu để hít cái mùi dầu gió xanh quen thuộc trên người ngoại. Chỉ cần vậy thôi tôi đã đủ thấy lòng mình ấm lại sau một đêm lạnh không một tấm áo đắp ngang người.
Nhà bà ngoại ở cuối thôn Song Trúc. Căn nhà có giậu hoa vàng ở trước ngõ, bên hông có cây rơm mùa nào ngoại cũng vun rơm lại ở đây, hồi nhỏ mỗi lần về ngoại tôi đều theo đám nhóc trèo lên ngọn rơm, mẹ sợ tôi ngã nên la chí chóe.
Tôi chạy thật nhanh ngang qua cánh cổng để tới nhà ngoại. Càng gần tới nước mắt tôi càng giàn giụa. Khi qua khỏi giậu hoa vàng, tôi đi như lao thật nhanh cho đến khi chạm được bờ lưng của ngoại, tôi ôm chầm lấy ngoại mà khóc như một đứa trẻ vừa bị mẹ đánh đòn. Ngoại tôi bất ngờ nhưng vẫn dang tay đón lấy và vỗ về. Ngoại nhìn tôi, thấy người tôi tơi tả. Ngoại xót xa.
- Phong, ai đánh con ra nông nỗi này?
Lúc này tôi không nói được nên lời nữa, tôi nấc nghẹn. Ngoại ôm tôi vào lòng. Vòng tay ngoại tôi bao giờ cũng ấm áp và bao dung, khác hẳn với vòng tay của nội. Mà, tôi sực nhớ ra rằng nội đã bao giờ ôm lấy tôi. Nội đã gieo vào đầu ba tôi những tư tưởng cổ hủ, để tôi phải ra nông nỗi thế này.
“Mẹ, bộ nội không thương con hả mẹ?” - Tôi hay thỏ thẻ với mẹ như vậy mỗi khi ngồi bên hiên xổ tóc mẹ ra bắt chấy. Mẹ kéo tôi ngồi sát mẹ, xoa đầu tôi rồi bảo không thương sao được, tôi là cháu của nội, nội hay rầy vậy chứ nội thương tôi dữ lắm. Tự dưng mắt mẹ rưng rưng. Tôi không gặng hỏi nhưng tôi biết mẹ nói dối. Bởi mẹ cũng thương tôi là cháu trong nhà nhưng chưa bao giờ được bà nội ôm vào lòng, chưa bao giờ được nội hôn hay thưởng đồng bạc nào mua quà mỗi khi tôi khoe thành tích học tập. Mẹ không đòi hỏi điều đó. Mẹ đủ sức để lo cho tôi ấm no và đủ đầy. Mẹ chỉ buồn vì tôi có hai bên nội ngoại hẳn hoi nhưng chỉ nhận được tình thương từ bên ngoại, dù ngoại ở xa xôi, cách chỗ tôi hàng trăm cây số.
Ngoại xé chiếc áo sơ mi trắng đã rách và bẩn bựa của tôi ra. Ngoại đưa tay sờ những vết bầm, những lằn roi quật chi chít trên người tôi. Tôi rùng mình. Ngoại xuýt xoa:
- Đau lắm không con? Để ngoại lấy thuốc đỏ xức cho con, một chút nữa thôi sẽ đỡ đau rát.
Tôi gật đầu. Một bên mắt của tôi đã thâm tím, chỗ khóe mắt rỉ ra một dòng nước trắng đục, nhầy nhụa.
Tôi nằm sấp trên ván ngoan ngoãn như một con mèo ngoan để ngoại bôi thuốc, thuốc đỏ làm vết thương tôi hơi rát nhưng tôi vẫn cố không tỏ ra biểu hiện nào để ngoại tự nhiên bôi. Bàn tay ngoại tôi thật thần kỳ, chỉ một chốc là tôi đã thấy đỡ đau. Tôi nhìn ngoại, ngoại cười hiền từ, tôi thấy ngoại y hệt bà tiên trong câu chuyện cổ tích hồi nhỏ tôi được nghe. Ngắm ngoại một lúc rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Ba nói tôi là đích tôn, bà nội dặn cháu đích tôn phải có trách nhiệm duy trì nòi giống, sớm lấy vợ rồi sinh cho bà đứa chắt thì khi đó tôi mới thật sự là cháu của bà.
Mẹ thở dài. Ba tôi nghe lời bà nội nên hối thúc tôi chuyện lấy vợ. Hồi còn đi học đại học trên thành phố, lần nào về quê ba cũng nhắc chuyện lấy vợ với tôi. Đến khi tôi học xong đại học, ba biết tôi tập trung học hành chưa có thời gian yêu đương nên ba nhờ người mai mối kiếm vợ cho tôi. Khi mọi chuyện đã xong xuôi, ba gọi lên thành phố bảo tôi về gấp, mẹ bệnh. Tôi đang ngồi trong lớp anh văn cấp tốc ban đêm tức tốc ra bến xe mua vé về quê. Mẹ bệnh thì trời có sập tôi cũng sẽ về thăm mẹ.
Nhưng mẹ tôi không bị bệnh. Mẹ vẫn khỏe. Tôi về tới đầu ngõ đã nghe tiếng nhạc sập sình, một căn rạp lớn, hoa lá sặc sỡ được dựng trên sân nhà tôi. Tôi sững sờ ngạc nhiên. Mẹ chạy ra sân nắm tay tôi mếu máo:
- Phong ơi, ba con đi hỏi vợ cho con, tổ chức đám cưới vợ cho con. Mẹ ngăn mà ông ấy không nghe. Những thứ bà nội con gieo vào đầu ông ấy đã khiến ông ấy điên loạn mất rồi!
Hai mẹ con tôi dìu nhau vào trong nhà. Mọi thứ ba tôi đã chuẩn bị tươm tất, từ chuyện dạm hỏi, định ngày cưới, mời mọc khách khứa, dựng rạp cho đến... căn buồng cô dâu chú rể ba cũng một tay chuẩn bị. Ba kêu tôi vào xem phòng ốc, áo quần, mâm quả... cái nào không ưng ý thì nói ba làm lại. Trừ ngày, giờ rước dâu thì ba đã quyết, không đổi. Một khoảng trống rỗng tuếch xuất hiện trong lòng tôi. Vợ tôi là ai, mặt mũi thế nào, gia cảnh ra sao mà tôi còn không biết, chỉ nhớ loáng thoáng cái tên được dán trên tấm vải tân hôn màu đỏ tươi căng trên vách. Tôi nằm xuống giường, ngoài kia nhạc sóng ầm ĩ, tiếng dao động thớt lóc cóc, tiếng nói cười rền vang. Tôi ôm đầu ngồi phụp xuống góc phòng. Nước mắt tôi chảy ra giàn giụa.
- Em phải làm sao đây, Kiên. - Tôi thều thào.
Đêm đã khuya. Khi ngoài kia khách thưa thớt dần, chỉ còn một bàn nhậu gom lại ăn cháo gà, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cụng ly lạch cạch. Tôi nằm mơ màng nghĩ ngợi. Ngày mai tôi biết phải làm sao khi ba bắt tôi phải khoác lên mình bộ đồ chú rể, đi đón người mà tôi không yêu về làm vợ. Ngoại từng nói chuyện vợ chồng không phải là chuyện đùa mà là chuyện trăm năm. Khi tôi đi rước người con gái đó về thì tôi sẽ phải có trách nhiệm, sẽ mãi mãi sống như cái xác không hồn, có thể nói, có thể cười chứ không thể yêu nhau rồi cùng nhau sinh con đẻ cái.
Tôi nằm thiu thỉu trong phòng, tay vắt lên trán. Chưa bao giờ tôi thấy mình bất lực như thế. Khi tôi đang trong tâm trạng rối bời bỗng nghe tiếng mẹ tôi chấp chới bên tai:
- Phong!... Phong ơi!
Tôi mở mắt tròn xoe. Mẹ mở cánh cửa phòng chạy vào, giọng mẹ run run:
- Kiên đợi con ở bên ngoài. Đi đi con. Đi với Kiên!
Tôi bàng hoàng, tim đập trong lồng ngực.
- Còn mẹ, còn đám cưới... thì sao hả mẹ?
- Đừng lo cho mẹ, chỉ cần Phong của mẹ được hạnh phúc, được sống với chính mình. Mọi chuyện ở nhà để mẹ lo.
“Đi đi con”, mẹ tôi giục thêm lần nữa. Ba tôi đã ngà ngà say, lúc nãy mẹ đã dìu ba vào nằm trên võng để sáng mai lấy sức đi đón dâu về. Tôi ôm chầm lấy mẹ, hôn lên tóc mẹ rồi quẩy ba lô lên lưng lẻn ra khỏi nhà và đi trong đêm tối. Kiên đứng dưới chân ngọn đèn ở đường quốc lộ. Tôi gọi Kiên. Kiên nhìn tôi, cười hiền. Vẫn nụ cười trước giờ không thay đổi, nụ cười mà mỗi lần nhìn thấy tôi đều an lòng. Chúng tôi mải miết đi.
Những cuộc đi cứ tiếp diễn. Chúng tôi nay đây, mai đó, lên núi, xuống biển... Công việc viết contens, cộng tác cho một số tờ báo quen có thể nuôi sống chúng tôi. Tuy không quá đủ đầy nhưng tạm gọi là sống được. “Chỉ cần Phong của mẹ được hạnh phúc, được sống với chính mình...” - Tôi bỗng nhớ lời của mẹ hiền từ trước lúc tôi đi xa...
Tôi quyết định để Kiên lại thành phố và về quê một mình, không như dự tính ban đầu, Kiên sẽ trở về đối diện với ba cùng tôi.
Những suy nghĩ về sự bao dung, thứ tha và mở lòng nơi ba đã vỡ tan tành trong tôi, tựa như tấm gương vỡ vừa dán lành, nay lại đổ vỡ. Mặc cho mẹ can ngăn, ba trói tôi lại nhốt tôi vào phòng rồi đánh tôi bằng những nhát đòn đau nghiến. Tôi kêu gào. Tôi gọi mẹ, gọi tên Kiên. Hết giảng những thứ là kết quả của sự ấp iu giữ gìn những cổ hủ mà bà nội truyền lại, ba chuyển sang chửi tôi bằng những từ cạn tình như “con hoang”, “biến thái”, “bệnh hoạn”... Ba nói tôi không phải là con ba, bởi tôi đã bôi tro trát trấu lên mặt ba, để ba phải chịu điều tiếng từ người ngoài và sự cay nghiệt từ bà nội. Ba cứ chửi, cứ đánh. Nếu mẹ không bạo dạn xông vào đỡ nhát đòn cho tôi chắc tôi đã chết dưới tay của người đàn ông mà tôi gọi là “ba”, người ngày xưa chiều chiều lại dẫn tôi ra đồng thả diều, tập lội...
Tôi vật vã cho đến khi mẹ gào lên thảng thốt:
- Chạy đi, con ơi! Chạy nhanh lên.
Mẹ dúi tiền vào tay tôi. Tôi cứ chạy. Đêm tối bao bọc. Lạnh và đơn độc. Sợ.
Cho đến khi tôi đến được nhà bà ngoại.
Cho đến khi tôi nằm được trong vòng tay của bà ngoại.
Ở đây thật sự yên bình.
Trong gian bếp tỏa ra một mùi thơm khiến bụng tôi cồn cào. Tôi sực nhớ từ đêm qua đến giờ mình vẫn chưa ăn thứ gì. Bụng tôi rỗng tuếch.
- Cháo gà đây, cháu của ngoại ngồi dậy húp một tý cho ra mồ hôi sẽ khỏe.
Tôi ngồi bật dậy. Ngoại bưng tô cháo đến tận nơi. Định bón cho tôi từng muỗng, nhưng tôi nói để tôi tự ăn. Tay chân tôi vẫn còn lành lặn. Chỉ có trái tim tôi đã loang lổ ít nhiều.
- Cháo ngon quá, ngoại ơi!
Bao giờ tôi cũng thèm khát được trở về quê ngoại. Bao giờ tôi cũng muốn được ngoại tôi âu yếm, vỗ về. Ngoại tôi hiền như Tiên Phật. Ngoại tôi không vì những định kiến xưa cũ mà chối bỏ tôi. “Có ra sao thì mày vẫn là cháu của ngoại. Chỉ cần mày hạnh phúc là ngoại mừng” - Tôi nhớ ngoại đã nói vậy trong lúc tôi ngủ mê, tay ngoại vuốt mái tóc rối bời như tổ quạ của tôi.
- Ăn đi con. Ngoại tin Kiên sẽ đến đây tìm con.
Tự dưng tôi mong Kiên.
Tôi ăn. Những muỗng cháo nóng và thơm nhẹ nhàng trôi vào người tôi. Tôi vươn người dậy. Một lúc tôi đã mon men được ra vườn ngoại, ra chân đống rơm, ra cả cây cổ thụ đầu thôn Song Trúc. Sự yên tĩnh khiến tôi khoan khoái vô cùng. Tôi chợt nghĩ về mẹ, về ngoại, về mình và Kiên. Tôi biết ở bên tôi vẫn còn nhiều người yêu thương tôi. Chính họ đã giúp tôi thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng sống biết chừng nào.
Tôi nằm trên cỏ, mắt nhìn lên trời. Bầu trời xanh. Tôi lặng người đi. Giai điệu của thôn làng đưa tôi vào giấc ngủ...
H.K.D