NSND Từ Minh Hiệp: Sáng tạo nghệ thuật là phải truyền đạt cảm xúc chân thật đến với khán giả

06.05.2022
Huỳnh Thạch Hà

NSND Từ Minh Hiệp: Sáng tạo nghệ thuật là phải truyền đạt cảm xúc chân thật đến với khán giả

NSND Từ Minh Hiệp tên khai sinh là Từ Văn Hiệp, sinh ngày 17 tháng 4 năm 1959 tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hiện anh sinh sống tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. NSND Từ Minh Hiệp nguyên là Phó Trưởng đoàn - Đoàn ca kịch Quảng Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng.

Anh bén duyên với sân khấu từ niềm đam mê những bài hát dân ca quê nhà, năm 1979 anh viết đơn tham gia Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Đoàn Ca kịch Quảng Nam). Những ngày đầu tham gia đoàn, anh còn rất trẻ và chưa có kinh nghiệm nên được phân công làm những công việc như: phụ dựng sân khấu, chuyển đổi cảnh, phục vụ âm thanh, ánh sáng... Sau nhiều năm học tập những bậc đàn anh đi trước và sự khổ luyện không ngừng, anh được phân đóng vai thứ, vai chính thứ trong các vở diễn. Đến năm 1990, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, lần đầu tiên anh được diễn vai chính, đó là vai “Thước” trong vở Muối mặn đời em của Lưu Quang Vũ (Trần Thanh Việt đạo diễn). Đây là vai diễn đem lại Huy chương Vàng cho anh, đồng thời cũng làm bệ phóng để anh bước tiếp để có nhiều cống hiến và gặt hái những thành công trên con đường nghệ thuật của mình.

NSND Từ Minh Hiệp diễn vai "Thước" trong vở Muối mặn đời em

Sau nhân vật Thước trong Muối mặn đời em, Từ Minh Hiệp đã khẳng định nghề một cách hoàn hảo, để từ đó, nhiều người biết đến anh qua các vai chính như: vai diễn “Vua cha”, trong vở Tình yêu trong Vương phủ (Huy chương Vàng Liên hoan Dân ca kịch Toàn quốc năm 1998), vai diễn “Cẩm Phương” trong vở Một thời Đất Lửa, tác giả Hoài Giao, đạo diễn Trần Thanh Việt (Huy chương Vàng Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc năm 2005)... Những năm sau đó, với nhiều vai diễn và hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ đã mang lại cho anh nhiều vinh quang với nghề. Đến năm 2006, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Để có được những thành công trong nghề, người nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực học hỏi, luyện tập và cống hiến, nhưng theo NSND Từ Minh Hiệp, ngoài những yếu tố trên còn có cả yếu tố may mắn và sự đồng cảm với nhân vật. Nhớ lại kỷ niệm với vai diễn đầu tiên của mình, anh xúc động cho biết: “Lúc đó, tôi rất yêu mến nhân vật Thước, loại nhân vật chính diện mà tôi quen đóng, là một người hết sức tốt, vừa chân chất, hiền lành, vừa bao dung, sâu sắc. Tôi cảm thấy có sự gặp gỡ giữa diễn viên và nhân vật, giữa đời thường và sân khấu nên đã đóng vai này một cách hết sức say mê”.

NSND Từ Minh Hiệp diễn vai "Vua cha" trong vở Tình yêu trong Vương phủ

Nói nghệ thuật là nói quy luật riêng của tình cảm. Vậy nên, là tình cảm chứ không phải yếu tố nào khác, chính là ngọn nguồn sâu xa nhất của cái đẹp, là nguồn sống của cái đẹp. Không có tình cảm thì không thể có cái đẹp chân chính. Là người sáng tạo ra cái đẹp nghệ thuật cho con người và cuộc đời, người nghệ sĩ không thể thiếu một trái tim biết yêu thương mãnh liệt, phong phú và sâu sắc. Trái tim ấy luôn nhạy cảm, phải có những cung bậc khác đời, phải dồi dào và nhạy cảm hơn những người bình thường. Không có một trái tim như thế, đừng nói gì đến sáng tạo nghệ thuật. Trong suốt hành trình với niềm đam mê sân khấu, anh chia sẻ: “Trong sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi phải có tính gần gũi, chân thật, tình cảm. Điều quan trọng là làm sao truyền đạt cảm xúc đó đến với khán giả và được khán giả tiếp nhận một cách nồng nhiệt, thì khi đó, sáng tạo nghệ thuật mới thật sự có hiệu quả”.

Là một người nghệ sĩ luôn dồi dào nguồn cảm hứng và đam mê, anh cho rằng, muốn có tác phẩm hay, vai diễn hay thì trước tiên, người nghệ sĩ phải có lòng yêu nghề, phải đam mê với nghề mà mình đã chọn. Trong từng vai diễn, dù đóng vai chính diện hay vai phản diện; đóng phim hay diễn ca kịch, Từ Minh Hiệp đều rất thành công. Đối với anh, các vai thiện, ác, xấu, tốt anh đều thể hiện rõ nét.

Với đam mê nghiệp diễn và sự nghiêm túc với nghề, Từ Minh Hiệp lại liên tiếp gặt hái thành công từ những cuộc liên hoan sân khấu lớn như: Huy chương Vàng vai diễn “Quang”, trong vở Đắng trong hạnh phúc, tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSND Hoàng Dũng (Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc năm 2010); Huy chương Vàng vai diễn “Bốn”, trong vở Trái tim trong trắng, tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Hoàng Dũng (Liên hoan Dân ca Bài chòi Toàn quốc năm 2011); Huy chương Vàng vai diễn “Tiến”, trong vở Biển và bờ, tác giả Đăng Chương, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu (Cuộc thi Nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc năm 2013)... Ngoài hoạt động biểu diễn, anh còn tham gia giảng dạy dân ca kịch cho học sinh với ước mong sẽ tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu được những cái hay, cái đẹp, những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Từ đó, thanh, thiếu niên sẽ yêu thích, biết trân trọng, gìn giữ các giá trị nghệ thuật truyền thống. Bởi hiện nay, khán giả trẻ đến với sân khấu không nhiều, trong khi lực lượng khán giả trung thành với sân khấu đã lớn tuổi, ngày càng già đi. Sân khấu cần có lớp khán giả kế cận lực lượng này. Với nhiều hoạt động đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu, năm 2015, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

Đến nay, dù đã nghỉ hưu, nhưng NSND Từ Minh Hiệp luôn trăn trở làm sao để phát triển nghệ thuật sân khấu đáp ứng nhu cầu của người xem trong thời đại mới. Theo anh, để làm được điều này thì cần chú trọng nhiều yếu tố như: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên, tác giả, đạo diễn, biên đạo... góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật, tạo nên những vở diễn hay, hấp dẫn, có tính nghệ thuật cao. Cần có chế độ ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật và có chính sách đào tạo tài năng trẻ cho nghệ thuật sân khấu. Tổ chức biểu diễn, quảng bá tác phẩm sân khấu trên phát thanh, truyền hình phục vụ khán giả trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ của người xem, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên... Tăng cường các hoạt động giao lưu với khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nên có những chương trình “Nghệ thuật sân khấu với học sinh, sinh viên” để khán giả trẻ hiểu thêm về những giá trị nhân văn của tác phẩm sân khấu, có nhận thức giá trị nghệ thuật và ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Tăng cường mở rộng các hoạt động sân khấu không chuyên, mở rộng không gian hoạt động nghệ thuật trong nhà cũng như ngoài trời, phải tạo ra điểm đến quen thuộc của người xem, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài thành phố, góp phần đưa nghệ thuật sân khấu thấm sâu vào đời sống xã hội, để những giá trị của nghệ thuật sân khấu có thể thâm nhập lan tỏa trong cuộc sống của mỗi người dân, góp phần hình thành nhân cách con người trong xã hội qua những vở diễn sân khấu. Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, lãnh đạo thành phố để tạo một môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động để khán giả là bạn đồng hành với người nghệ sĩ.

H.T.H