Địa linh

06.05.2022
Nguyễn Châu

Địa linh

Ông Cả Trị tính tình cương nghị, giọng nói oang oang đầu làng cuối xóm đều nghe, tóc búi tó như ông đạo xứ đàng trong. Hội đồng hương chức không ưa ông.

Vùng đất thiêng sinh nhiều bậc kỳ tài, chuộng văn hơn võ. Hai Văn - con trai lớn đam mê thơ phú, nhưng bất bình đi làm quốc sự. Con thứ: Ba Chương ương bướng từ nhỏ, khí khái hơn người,“kiến ngãi bất vi vô dõng giả” như Lục Vân Tiên.

Ông Cả Trị hỏi Lý trưởng Bông:

- Ông ở tầng nào trong giếng Thủ Bộ?

Giếng Thủ Bộ là ao làng. Lý trưởng Bông dộng ba-ton khảm bạc xuống nền gạch sân đình cạch cạch, quắc mắt:

- Ý ông là sao?

- Là ba ba, rùa, lươn, chạch, cá trê, cá lóc, cá mại, còng gió hay bèo? Mỗi loại chịu được tầng nước nông sâu khác nhau!

Lý trưởng Bông giận dữ bỏ đi một mạch, nhưng không hiểu ông Cả Trị nói gì.

Anh Rân xé hai mép lá thuốc, vấn lại thành điếu đưa lên liếm xoay xoay, chép miệng:

- Ông Cả cuồng chữ, có ngày điên!

Ông không dạy, nhưng các bài vè đám chăn trâu nghêu ngao ngoài biền vô tư lự là của ông, nhưng nhói lòng đám hội tề trong làng. Triền sông bên lở bên bồi, hơi đâu.

Hai Văn chán làm cách mạng, về làng. Nghe đâu Tôn Thất Thuyết tập kích vào thành Mang Cá (Trấn Bình đài) ngoài Huế, nhưng thất bại. Bị quân Pháp phản công nên phải đưa vua Hàm Nghi chạy về Tân Sở, hạ chiếu Cần Vương.

Lý trưởng Bông nghĩ kế trả thù, chỉ ngại ba Chương đang theo học cụ Nghè An. Tính hắn cứng đầu, ngang ngạnh nhưng thông minh, cụ Nghè yêu quý còn định gả con gái cho.

 Ông Cả Trị tra hỏi hai Văn:

- Tại răng mi về? Mi có nhớ tấm gương lẫm liệt của quan phụ chính Trần Văn Kỷ theo hầu vua Cảnh Thịnh không? Khi chúa Nguyễn không dụ dỗ được ông, trọng tài nên cho hưởng “tam ban triều điển”. Trước khi chết, ông xin về quê bái yết từ đường, nhưng đến ngã ba Sình, ông hô to:“Trung thần bất sự nhị quân”, rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Mi hãy tự xử.

Dòng sông Thu Bồn lững lờ trôi, ánh trăng hạ tuần gợn lên ánh bạc, biền dâu xanh ngắt thì thầm trong gió. Hai Văn nhìn về hướng Tây Nam mờ mờ dãy Trường Sơn. Căn cứ Tân Tỉnh, Trung Lộc núi non hiểm trở, hào sâu vực thẳm, nơi ẩn mình của Nghĩa hội. Những người chí sĩ yêu nước như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La, Nguyễn Thành... đang ngày đêm quên ăn bỏ ngủ, tìm mưu kế chống giặc.

Tiếng chim ăn đêm bay ngang trước mặt Hai Văn, rồi mất hút trong bụi tre ngà bên kia sông. Anh nhìn đình làng mái ngói thâm đen, bức bình phong lân mã trước sân bái đình nghinh đón linh khí trời đất, cầu cho quốc thái dân an.

Lũ cường hào thẳng tay o ép, dân tình ly tán nơm nớp quằn mình như con giun, con gián. Anh Rân cùng tráng đinh bị bắt đi phu làm đường từ Lăng Cô băng qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng.

Hai Văn giã biệt làng quê yêu dấu, khoác túi lên vai. Từ Hương An qua phà Tân An, xuyên Phú Bình đến sơn phòng Dương Yên. Đến nơi hay tin chủ soái Trần Văn Dư bị bắt và bị xử trảm. Đèo Đá Bon hiểm trở, một bên là núi, một bên là ruộng bậc thang. Lưng chừng đèo có một hòn đá rất to và có lỗ hổng bên trong, khi gõ vào đá kêu bon, nên gọi là đèo Đá Bon, đây là căn cứ phòng thủ của Nghĩa hội Quảng Nam. Toàn bộ khu căn cứ được bao bọc bởi hàng rào bằng tre, đầu vót nhọn, đan chéo vào nhau như những bàn chông.

Hai Văn cùng anh em Nghĩa hội tập kích vào đồn công binh của Pháp dưới chân đèo Hải Vân. Người Pháp gọi là “một biến cố đau thương vừa xảy ra ở Trung Kỳ” nên ra sức đàn áp, Nguyễn Thân xua quân càn quét rất ngặt. Thất trận ở căn cứ Phước Sơn (thuộc Tiên Phước), Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy thoát nhưng thế cùng lực tận, nghe lời thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự sát. Không thể để nghĩa quân ba tỉnh bị giết hại, Nguyễn Duy Hiệu thủ tiêu toàn bộ danh sách, tài liệu liên quan đến Nghĩa hội.

“Chứng kiến cái chết của người đồng sự tâm phúc, Nguyễn Duy Hiệu trở về quê thăm viếng mẹ già. Xong, ông ra miếu thờ Quan Công ở giữa bãi cát Thanh Hà, mặc áo dài đen, đầu vấn khăn cẩn thận, ngồi xếp bằng trước bàn thờ, rồi sai người đi báo cho Nguyễn Thân đến bắt ông...”.

Nghĩa hội Quảng Nam tan rã.

Anh Rân về làng, thân hình tiều tụy như con cò ma. Không bao lâu, lý trưởng Bông cùng tráng đinh trong làng vào lính khố xanh.

Sau khi đàn áp phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Nguyễn Thân được triều đình Huế cho lãnh chức Binh bộ thượng thư kiêm Tổng đốc Bình Định. Sau đó, được thăng lên Khâm mạng tiết chế quân vụ, lùng diệt cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Do thế yếu cùng binh tướng tan rã, Phan Đình Phùng uống thuốc độc tự tử. Nguyễn Thân cho quật mồ Phan Đình Phùng, thiêu đốt thành tro, rồi trộn với thuốc súng, bắn xuống sông La.

Hai Văn biệt vô âm tín. Ba Chương được bổ đi làm Giáo thụ, vốn tính khí khái và lòng ái quốc vô biên, anh truyền thụ cho môn sinh những tấm gương sáng chói lòng yêu nước. Ca tụng phong trào khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi:    

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.”

Thêm việc tát tai tri huyện N do thói nịnh trên đạp dưới, ba Chương giũ áo từ quan về làng, mở trường dạy học.

Lũ sâu dân mọt nước hả hê, chúng giấu truyền đơn kêu gọi chống chính quyền Bảo hộ, chống độc quyền bán thuốc phiện và rượu trong lu nước cạn khô của nhà Cả Trị.

Ông Cả Trị cười như điên, tay vuốt chòm râu bạc, nói với hương quản Trọng:

- Mi nhìn đi, dấu mấy ngón tay mi rành rành trên miệng lu. Bó truyền đơn này cũng có, tau cho mi mọt gông!

Hương quản Trọng mặt tái mét, ấp a ấp úng...

- Tau thương mi ngu dại, vợ khờ con đông. Mi cầm lên, đem ra ngõ đốt liền trước mặt bà con ở đây. Tổ cha mi!

Ngọn lửa soi rọi rõ khuôn mặt hắn, thớ thịt run run trong ánh sáng bập bùng.

Ông Cả Trị đưa tờ giấy hồng điều, lật mặt sau biểu hương quản Trọng điểm chỉ bằng tro than trộn mồ hôi của hắn. Hắn chưa nhìn ông đã sợ riu ríu nghe lời, không cần biết ông viết gì.

Lý trưởng Bông nghe xong, đập bàn cái rầm. Kiểu này chẳng khác chi gậy ông đập lưng ông, hương quản Trọng tay chân run như cầy sấy.

- Vậy chớ hắn viết cái chi mà mi điểm chỉ?

Lý trưởng Bông tái người khi thấy ông Cả Trị chống gậy đến trước sân, lão xăng xái ra đón, giọng đẩy đưa:

- Chớ ông Cả đi mô mà tạt qua đây? Xin mời, xin mời…

Cả Trị lật vạt áo, lấy tờ giấy hồng điều. Lý trưởng Bông rót trà, tay run run liếc nhìn ông Cả, lão cố lên giọng trấn áp của quan phụ mẫu:

- Tình hình trị an dạo này ngặt lắm nghe ông Cả, tui nghe bọn Nghĩa hội trốn về nằm quanh đâu đây...

Cả Trị bật cười ha hả, tay búng nhẹ con sâu róm đang uốn mình bò lên mép bàn, chậm rãi:

- Hắn lông lá thấy ghê, nọc độc đầy mình, nhưng thoát xác thành loài bướm đẹp mê hồn. Nó khác với các ông, đem lời ma mị ngọt như mía lùi, nhưng chết người lúc nào không hay. Ông Lý hay chọn nhầm người, dụng nhân như dụng mộc, cái thằng quá thật thà như Hương Quản Trọng, không làm chuyện thất đức được đâu. Đời mà, ngưu tầm ngưu mã tầm mã!

Lý trưởng Bông cười giả lả mà như á khẩu. Cả Trị bước ra sân nghêu ngao:

“Trong Nam, tên họ nổi như cồn

Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn

Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ

Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn

Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ

Quả ấn Bình Tây đất vội chôn

Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy

Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn”.

(Văn tế Trương Định -
Nguyễn Đình Chiểu)

Thành bại do thiên mệnh, xuất phát từ nhân tâm. Nhân tâm là thiên đạo, tồn vong cũng chính từ đây.

Cả Trị kéo chéo áo lau giọt nước mắt ứa ra tự lúc nào, dáng liêu xiêu cố rướn về đàng trước như mong tìm vừng hồng của buổi bình minh. Tia nắng hiếm hoi của tiết Đông chí làm bừng sáng mái đầu bạc trắng của ông.

Ba Chương vân vê thông tri của quan đốc học, đình chỉ hoạt động trường làng của anh. Cấm chỉ “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” (Phan Châu Trinh). Bọn làm giặc toàn là bọn có chữ nghĩa.

Lý Bông vỗ vai hương sư Trịnh:

- Có vậy chớ! Lũ dân ngu khu đen dễ sai, dễ dạy. Thật là quan trên sáng suốt!

Cánh đồng làng không màu xanh, năm nay chắc đói. Mùa màng sâu rầy đen nghịt, đui ngọn, giàn đậu đũa trái dài thòng nhưng không có hạt. Thiên không thời, địa không lợi, lòng người mất hoà hiếu, ly tán.

Ba Chương ngậm ngùi nhìn ông Cả Trị, ngày mỗi hom hem, chỉ còn đôi mắt nhưng đã mờ dần. Anh mong cha anh mù hẳn, tai điếc đặc, có khi cha anh còn sống được lâu dài cùng con cháu.

Ba Chương ngán ngẩm, đời như lá úa, lộng giả thành chân.

Đốc học T trật chánh ngũ phẩm văn giai, xuất thân từ trường hậu bổ, vốn chỉ là ấm sinh con nhà quan được đặc cách. Lão ngồi chễm chệ, trong đầu chứa toàn đất đá, mưu mô và tư lợi. Lão ra thông tư cấm triệt học sinh các trường trong phủ mặc quốc phục. Phải chào cờ “tam tài” và hát quốc ca Pháp. Các quan Nam triều khăn xếp áo dài, riêng quan đốc học oai phong trong bộ comple - cà vạt. Quan không cận thị, nhưng cặp kính trắng lồ lộ luôn hiện hữu trên khuôn mặt tai tái, môi thâm như nghiện thuốc phiện của lão.

Người ta phát hiện Cả Trị chết cong queo dưới gốc trâm già, vì ăn bả chó. Lạ một điều, da ông không tím tái, miệng không sùi bọt mép như người nhiễm độc. Quan đốc-tờ khám nghiệm qua loa, cho gia đình lãnh về chôn. Ông Cả chưa được hưởng chữ thọ.

Sau cái chết của cha, ba Chương bỏ đi biệt xứ, ruộng vườn hoang hóa, cỏ mọc lút đầu. Những đêm trăng, nghe tiếng kêu gào của lũ mèo hoang động đực, càng rợn người. Dân làng khiếp vía, mùa màng thất bát, sưu thuế lại tăng.

Lý trưởng Bông thở phào, như nhổ được cái gai trong mắt.

Hướng Tây Nam, trông về Hòn Kẽm đá dừng mù mịt, sấm chớp liên hồi. Trời sắp tàn Đông nhưng cơn mưa dữ dội từ Trường Sơn kéo về đồng bằng. “Cơn đằng Tây chẳng mưa dây cũng bão giật”. Bỗng sét đánh đinh tai, kèm theo tiếng gì rạn vỡ khô khốc. Bức bình phong lân rồng của đình làng nứt toác, như nhát gươm chém ngang, lìa đầu rồng lân. Điềm trời báo hiệu bất tường: Thần hoàng đã bay về trời. Địa bất linh, nhân kiệt cũng tiêu vong.

N.C