Những trăn trở về giáo dục trong một số tác phẩm của Văn Thành Lê

06.05.2022
Hoàng Thụy Anh

Những trăn trở về giáo dục trong một số tác phẩm của Văn Thành Lê

Nhà văn Văn Thành Lê

Chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều ý kiến rôm rả về việc dạy học Văn theo văn mẫu như thời gian vừa qua. Giữa năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các trường Trung học phổ thông (THPT) phải học thật, thi thật, chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu, bài mẫu. Bởi sự máy móc, rập khuôn, cứng nhắc sẽ “đẻ” ra những bài văn, những cảm nhận, tư duy na ná nhau. Còn giáo viên, đúng nghĩa là “thợ dạy”, triệt tiêu luôn góc nhìn của mình và của học trò, thiết kế một lâu đài bất khả xâm phạm. Đó là sự giả dối có tính hệ thống. Và khi nói dối quá nhiều sẽ trở thành chân lý, bất biến. Rất nhiều tác phẩm của các nhà thơ nhà văn đã luận bàn về vấn đề nhức nhối này của ngành giáo dục. Văn Thành Lê là một trong số cây bút trẻ khá thành công với đề tài này.

Văn Thành Lê sinh ra trong gia đình có ba thế hệ hoạt động ở môi trường giáo dục và bản thân đã có mấy năm làm giáo viên nên tác phẩm của anh luôn có những luận bàn về nghề dạy học khá kĩ, tỉ mỉ. Anh ghi lại những chuyện đang tồn tại hết sức oái ăm và thẳng thắn bộc bạch những suy nghĩ của mình. Từ chuyện học hành, thi cử, giảng dạy cho đến xin việc hiện lên qua những trang văn của anh đều trái khoáy. Anh thấy được sự xuống cấp, già cỗi của ngành giáo dục và bóc trần nó qua những mặt đối lập như hiện tượng và bản chất, lý thuyết và thực hành, thực tế và ảo tưởng, sai lầm và ngụy biện, thật và giả, bề mặt và tầng ngầm,... Anh chỉ ra những giáo điều, rập khuôn trong ngành giáo dục với các khẩu hiệu, tiêu chí quen thuộc như: “quyết liệt để tiến nhanh tiến mạnh tiến chắc”; thi đua dạy tốt học tốt; cả tổ làm chung một giáo án, dạy đi dạy lại để thi thố; năm nào cũng làm sáng kiến kinh nghiệm (mà chẳng thấy sáng kiến chút nào); đánh tráo khái niệm giữa phụ đạo, tăng tiết với học thêm...

Trong truyện “Đời lâng lâng”, anh giễu việc dạy học cứng nhắc và cơ chế cho điểm của cô dạy Ngữ văn qua cách nhìn sự vật hiện tượng khác đi của thằng Văn. Thằng Văn không được lòng các thầy cô vì thầy cô (nhất là những người không vững chuyên môn) cũng sợ nó bắt thóp, lòi ra gót chân Achilles của mình. Kết quả tốt nghiệp loại trung bình nhưng đậu Á khoa của một trường đại học danh tiếng của thằng Văn như một đòn giáng vào cơ chế máy móc của nhà trường và sự hẹp hòi, không chịu mở mang của thầy cô. Sự kiên định, “vững như bàn thạch” của giáo viên trước đứa học trò như thằng Văn là một cái tát tự vả vào mặt mình và vào mặt Ngành giáo dục. Anh xem đó là chuỗi rập khuôn di truyền: “Tóm lại ‘Theo em…’ của câu hỏi đưa ra là theo em kiểu phải theo cô, cô lại theo sách giáo trình hay sách hướng dẫn giáo viên dạy học. Chao ôi là chao chát!”.

Mùa hội giảng mới rôm rả, xôm trò hơn. Các thầy cô hăng say chuẩn bị như kiểu chuẩn bị cho ngày hội hóa trang. Mà hóa trang thật, các thầy cô trở thành cascadeur diễn đi diễn lại thật nhuyễn rồi mới đưa ra hội giảng. Học trò trở thành những con rối, bị giật dây. Trong cuộc chạy đua với giáo án điện tử, khổ nỗi, nhiều khi hình ra trước chữ, loạn xì ngầu. Đến nỗi “Hình nền slide toàn chim bay bướm lượn vỗ cánh sinh động. Cả lớp học trầm trồ chim thầy bướm cô sao đẹp miên man. Tiết học như thế ai ngồi dự giờ đố cấm cười được. Nhưng rồi cũng xuề xòa hòa cả làng. Xuất sắc hết: “Những lời nhận xét luôn được bơm theo khí hidro để người nghe được bay lên. Nhà trường thành ủy ban Olympic IOC lúc nào không biết, luôn hướng tới nhanh hơn, cao hơn, xa hơn. Còn sau rơi ở đâu không biết. Mùa hội giảng thắng lợi mọi mặt”. Văn Thành Lê gọi đó “...là kịch. Như một thói quen cũ kĩ. Như một món ăn ôi thiu, lâu ngày chẳng chịu đổ đi”. Mà đúng thôi, xã hội là một sân khấu lớn, trong đó trường cũng góp phần làm một sân khấu nhỏ, một vở kịch nhỏ, còn trách nhiệm của giáo viên phải hoàn thành vai diễn của mình: “...bản chất cuộc sống là một vở kịch, xã hội này, những gì diễn ra ở trường mình cũng là màn kịch. Chúng ta là diễn viên, dù muốn hay không”.

Đạo đức của người giáo viên vì thế dự phần làm trầm trọng thêm sự xuống cấp của nền giáo dục. Chuyện dự giờ các giáo viên khác để học tập rút kinh nghiệm không xa lạ gì với các bạn trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề. Đây được xem như là bài học thực tiễn về kĩ năng đứng lớp cũng như thao tác giảng dạy. Ấy vậy mà các giáo viên né tránh, không chỉ nhau cách làm cho xong chuyện mà còn phải bảo toàn tốt đẹp cả đôi đường: “Yên tâm. Để dành đấy cuối đợt chị cho mượn giáo án, em tự ghi vào sổ theo ý em rồi chị ký xác nhận đã dự giờ là xong”. Vậy là hoàn thành tốt, đủ để cuối năm xét hết tập sự. Tiêu chí đưa ra cho có căn cứ mà duyệt chứ thực tế nó ảo diệu vô cùng.

Đáng lý càng dạy lâu năm giáo viên càng già dặn kinh nghiệm, nhưng không, sự giả dối, lấp liếm càng bài bản hơn. Đúng là “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”. Vì cái ăn cái mặc, vì chức quyền, danh vọng, giáo viên đã đánh mất lòng tự trọng, đánh mất thiên chức cao quý của nghề dạy học. Mà thực ra mấy ai tận tâm tận lực khi cơ chế luôn xì ra những bất ổn, luôn dụ dỗ, nhiễu nhương, chèn ép giáo viên? Trong mớ bòng bong ấy, để được yên thân dạy học ắt phải đâm lao theo lao, gió thổi chiều nào theo chiều ấy, không thì sớm muộn cũng bị vùi dập, bị đẩy ra rìa. Cho nên, mới xảy ra thực trạng dạy cho có, dạy cho xong chẳng quan tâm gì đến chuyên môn, đến đối tượng mà mình hướng đến: “Nàng giờ sẵn sàng đánh con như chém chả. Nhanh như Tôn Hành Giả Tôn Tỏi Thật múa gậy Như Ý. Quát mắng con có bài có bản có lớp có lang tràng giang đại hải. Và thuộc lòng như cháo chảy. Cứ như trước là mèo, mèo già nên... hóa cáo”. Một tiết dạy nếu cảm xúc “lặn không buồn sủi tăm” thì hôm đó xem như giáo viên đang “nhai sạn”, “cọp nhai đậu phộng”. Và bản thân các em học sinh thì như bị nhồi nhét, bị “tra tấn”.

Bệnh thành tích như một thứ virus có khả năng lây nhiễm rất cao. Từ trên xuống dưới đều bị căn bệnh không có thuốc chữa này xâm lấn, ăn mòn. Mỗi người đều có một cách thích ứng riêng. Nếu ai đứng ngoài thì rơi vào tình huống lạc lõng, bị dị nghị là người trên trời rơi xuống. Bệnh thành tích vì thế có sức quyến rũ vô cùng. Cấu trong “Thừa ra một người” nổi tiếng là một ông vua thành tích, thành tích từ thời tự bắn mình bị thương để vào quân y, rồi xin đi dạy thể dục, xin học tại chức Ngữ văn, rồi trở thành hiệu trưởng. Văn Thành Lê giễu: “Có tấm bằng tại chức là ghế trên ngồi tót sỗ sàng, làm quản lí. (Cứ như bằng tại chức là... tại cái chức nên phải học)”. Cũng tại cái chức nên hiệu trưởng Cấu phải phát huy đúng giá trị của cái bằng. Giá trị thể hiện ngay ở khẩu hiệu, giăng từ phòng ban giám hiệu đến nhà vệ sinh. Giá trị cũng được tính theo cấp số nhân lên đến chín tầng trời. Cái thùng rác chim cánh cụt theo đó cũng được đội giá cho cân xứng. Phàm cái gì đắt giá thì giá trị của nó cũng được khẳng định, ghi nhận. Và cái thùng rác chim cánh cụt ấy đúng thương hiệu “made in” Cấu: “Giáo viên hỏi nhau có con chim cánh cụt bỏ rác gì mà giá ghê vậy. Cô chủ tịch công đoàn cười cười nói, đắt gì, chim của thầy hiệu trưởng tất nhiên giá phải cao. Phải chim thường đâu. Mà chẳng hiểu sao hiệu trưởng lại chọn cây Kim Giao để trồng. Tên Cấu lại thích Kim Giao, không lẽ hiệu trưởng định dọa các cô trong trường?!”.

Bên cạnh hiệu trưởng Cấu còn có ông hiệu trưởng “bụng ỏng đít beo” hay còn gọi là ông “thờ sờ”, ông quần chúng vì liên quan đến những việc ông làm. Không khác gì hiệu trưởng Cấu, ông hiệu trưởng “bụng ỏng đít beo” cũng hô hào thay đổi, cải cách, thi đua, phải tiến mạnh tiến chắc, lỡ ngành chưa đủ phong trào thì ông còn “đẻ” thêm. Báo cáo tổng kết thi đua chống bệnh thành tích cao trong giáo dục của ông như một cú đấm gián tiếp vào ngành, là trò cười cho mọi người. Bởi, các giáo viên cũng ngán ngẩm, người thì đối phó, mặc kệ, vì cơm áo gạo tiền cái đã, người có lòng tự trọng thì còn suy ngẫm, thấy ngượng, cảm giác như thừa ra. Như suy nghĩ của nhân vật hắn trong “Ghi chú về những giấc mơ” cũng khiến người đọc xót đắng, day dứt: “Hắn nghĩ, môi trường đã ô nhiễm quá rồi, đừng làm quá khứ ô nhiễm, xuống cấp theo. Nếu vậy con người sẽ chẳng còn nơi nào để lưu trú tâm hồn mình, khi thể xác đã hết chỗ đi về”.

Trong “Không biết đâu mà lần” Văn Thành Lê đã nêu ra những bất cập, lỗ hổng từ khâu xin việc: “Trận tuyến tìm việc trộn cùng thứ thật giả giả thật, lẫn lộn như thóc pha cát pha đậu đỏ đậu đen mà cô Tấm phải nhặt trong truyện cổ tích. Khác là chuyện của anh không phải cổ tích, nó là thời cổ phiếu có tính cổ quái. Anh phân vân không biết nhặt thứ gì”. Đâu chỉ mỗi ngành giáo dục “chạy” mà khắp nơi đều “chạy”. Không “chạy” làm sao thỏa nguyện được cái đích, cái bến bờ mình đã nhắm, đã chọn. Anh xem “chạy” là căn bệnh quen thuộc, di căn từ nhà này sang nhà khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cấp tính đến mãn tính: “Như thể chạy là truyền thống là bản sắc”. Cái nguyên tắc tuyển người dù có hiện đại hóa đến mấy cũng không nằm ngoài nguyên tắc chung, cái lõi chung: “quan hệ”, “tiền tệ”, “hậu duệ’, “trí tuệ”. Sự rào trước đón sau của cô hiệu trưởng trường bán công như bày ra hết cái trơ trẽn, kệch cỡm, đứt luôn dây thần kinh xấu hổ: “Nếu ai hỏi làm sao về được trường thì nói nộp hồ sơ rồi được gọi, ngoài ra không biết gì hết”. Cái lõi “quan hệ”, “tiền tệ”, “hậu duệ’, “trí tuệ” cứ đảo phách, quay mòng mòng. Nhưng có đảo, dị bản đến mấy thì nguyên tắc “trí tuệ” đa phần vẫn nằm chót, nằm đuôi như cái phần thừa điểm tô, nhấn mạnh sự sang trọng của những thứ kia: “trí tuệ chỉ đáng xách dép hoặc kê mông hoặc trang trí”. Thật vậy, “Giờ không phải thời bao cấp mà chờ đặt đâu ngồi đấy, xin việc cũng phải biết đi tắt đón đầu”.

Sư rẻ rúng của trí tuệ đâu chỉ xuất phát từ những thứ bao vây kia mà còn xuất phát từ chính bản thân người giáo viên. Trong truyện “Giấc mơ bị đánh cắp”, Văn Thành Lê đưa người đọc ghé thăm thư viện cá nhân của viện trưởng. Đó là nơi “rộng và u ám như các ngôi một cổ trong những phim phiêu lưu hành động. Mạng nhện giăng góc này sang góc kia. Luẩn quẩn mùi ẩm mốc... Tất cả nằm chễm chệ theo lối ru mãi ngàn năm”. Ở đó, có nhiều tập tiểu luận dày cả gang tay. Tiểu luận càng dày thì điểm của sinh viên càng cao. Anh giễu: “Mỗi năm vài lượt viện trưởng đưa tài liệu về chất vào kho. Chắc để cuối đời con cái tổng kết lại những đóng góp của ông với công cuộc giáo dục và nền khoa học nước nhà”. Thì đó, trí tuệ mà nằm im như thóc năm này qua năm khác khác nào chỉ để tô điểm, vẽ vời bên ngoài cho oách, cho sang trọng, lòe thiên hạ, chứ thực ra thì rỗng tuếch. Quy trình xào xáo, copy, dán lại càng có cơ hội nở rộ, lâu dần thành thói quen, thành căn bênh khó điều trị.

Vấn đề dạy học ở vùng sâu vùng xa mà chúng ta thường nghe nói đến, ừ thì nhiệt huyết vì tương lai học sinh, vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đưa tri thức đến mọi nơi, nhưng thực tế có phải như vậy? Trong truyện “Ghi chú về những giấc mơ”, sau khi bị “nock ao” khỏi phố phường, hắn - một thầy giáo mang theo nỗi niềm con chữ lên Tây Nguyên với mong ước giảng dạy cho tốt, song, hắn không làm gì được trước chủ trương, đường lối hết sức máy móc của ông “thờ sờ” - cái hình nhân bụng ỏng đít beo. Văn Thành Lê đặt ra vấn đề, liệu “có không, những con người đi khai sáng chữ nghĩa hay làm kinh tế ở các vùng thâm sơn cùng cốc từng nghe từng đọc trên đài báo. Liệu có thật họ đều xung phong, nhiệt huyết? Hay bước đường cùng đẩy họ vào con đường đó, nên đành phải nhắm mắt đưa chân. Bản chất loài người là ích kỉ, tham lam; là muốn ngồi mát ăn bát vàng; là muốn ăn cỗ đi trước lội nước theo sau. Thời thế bắt buộc họ thành anh hùng. Anh hùng bất đắc dĩ. Anh hùng bất đắc chí”. Nếu “Ghi chú về những giấc mơ” phải mượn giấc mơ mà giễu cợt thì đến “Không biết đâu mà lần” ngòi bút của anh sắc lạnh hơn, đi thẳng vào vấn đề, bê nguyên si thực trạng của nghành giáo dục vào những trang viết của mình. Anh đã lý giải những điều đặt ra ở trên và nói rất rõ mục đích của việc xin về các trường lân cận thành phố, trường vành đai, thực ra, đó chỉ là bàn đạp, là bước đệm để khi gặp thiên thời địa lợi thì chạy về thành phố, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Hiện tượng này đến ngày nay vẫn nhan nhãn, không lạ gì! Như kiểu đã thành thông lệ, thành nề nếp.

Trong truyện “Đời lâng lâng”, song song với chuyện thằng Văn là chuyện nhân vật tôi. Nhân vật tôi kể chuyện bố mình từ việc vớt vát từ đại học, rồi đi nước ngoài cho đến hoàn thành chức danh phó tiến sĩ, mà anh gọi là “phở tái sống”. Đúng là món “phở tái sống” ngon thật, hấp dẫn thật! Chỉ sau một đêm “phở tái sống” thành tiến sĩ! Mà đâu chỉ bố nhân vật tôi, cả nước đều như thế! “Phó - tiến - sĩ - hữu - nghị tiến thẳng lên tiến - sĩ - cơ - chế, không thèm qua giai đoạn quá độ. Cả nước như thế. Cứ như xưa, nếu có đất mở rộng thêm Văn Miếu thì bố tôi cũng có tên trong Văn Miếu rồi đấy. Có khi đất nước không đủ đá để làm bia và rùa”. Nhân vật tôi không chọn lựa con đường học vấn như bố mà chọn nghề sửa chữa xe máy. Thằng Văn cứ ngỡ là kiểu người học thật làm thật, nhưng cuối cùng, nó cũng phải chấp nhận chạy theo xu hướng, thời thượng, triển cho xong cái bằng tiến sĩ giấy. Bởi, cuộc sống không đơn giản mà vô cùng mánh khóe, buộc nó trót làm thì phải làm đến cùng. Vì “Ở đâu chứ, nước mình, bằng cấp vẫn đang là thứ người ta phải lụy. Vớ vẩn thật”. Đặt hai nhân vật, tôi và thằng Văn trong cái nhìn đối sánh, Văn Thành Lê muốn nói đến cái sự oái ăm, trớ trêu của cuộc sống. Cuối cùng, không gì sướng hơn, lâng lâng hơn, chính là khoảnh khắc được sống đúng với chính mình.

Thực tế, chúng ta luôn luôn tiến hành nhiệm vụ cải cách giáo dục, đồng hành phát triển với đời sống xã hội, đảm bảo việc dạy và học linh động, hợp lý, khoa học. Ngành giáo dục nếu không đi lên cùng với sự phát triển của xã hội hẳn sẽ bày ra nhiều bất cập, chênh lệch, như kiểu đời sống đã hiện đại vạn dặm nhưng ngành giáo dục vẫn ì một chỗ, bởi sự trì trệ, bảo thủ, giáo điều, máy móc, thành tích, do đó, đòi hỏi phải có một cơ chế dạy và học mới, đảm bảo sự chuyển tiếp và thích ứng. Đây là một đòi hỏi, một nhu cầu tự nhiên, nhất là thời buổi có nhiều đột phá về công nghệ. Văn Thành Lê đã nhiều lần đưa ra chủ kiến của mình trong những trang viết của mình: “…rằng dạy Văn mà cứ phải bám sát sàn sạt sách giáo viên với sách chuẩn kiến thức, rằng dạy Văn mà cứ phải văn mẫu với những ý tưởng gạch đầu dòng, rằng sểnh ra nói khác sách là y như rằng thầy trò ôm nhau chết cả đám, rằng vậy chẳng khác gì những con vẹt già lắm lời, nhưng không biết nói lời của mình. Con người ta khổ nhất là không được nói tiếng nói của mình. Không được nói suy nghĩ thật của mình”. Vạn vật đều có tiếng nói riêng. Con người hơn các cá thể khác ở điểm sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Thế mà, đặc quyền ấy không hoàn toàn thuộc về con người, con người không biểu lộ được cá tính của mình, bị lệ thuộc vào ngôn ngữ người khác, lệ thuộc vào thứ đã định sẵn, đã sắp đặt trước. Theo anh, cách dạy học thoải mái, không dùng vũ lực quyền uy áp đặt học trò, miễn cả thầy cả trò đều vui, hứng thú là quan điểm không chỉ của Văn Thành Lê mà còn là quan điểm của nhiều người đang, đã từng là giáo viên. Sự tự do, dân chủ giữa thầy và trò được anh đề cao như việc không kiểm tra vở mà chỉ kiểm tra kiến thức, đảm bảo vở sạch chữ đẹp để thầy dịch ra, tôn trọng quyền học của mọi người,... Như nhân vật “nàng” trong “Thừa ra một người”, nếu một tiết dạy mà không làm cho học trò cười vài lần, không tranh luận sôi nổi thì “nàng” cho rằng mình thật nhạt. Trong môi trường đầy u nhọt, đầy dòm ngó, xoi mói như thế, nàng vẫn giữ cho mình vẻ đẹp mẫu mực, nhân cách phẩm chất của người giáo viên. Tình yêu thương và sự tâm huyết dành cho học trò, dành cho giờ dạy của nàng như đánh thức, khuấy lên những giá trị tốt đẹp đã bị khép lại, đã bị bào mòn. Vì sự căng thẳng trong lớp học sẽ khiến chữ như cò bay thẳng cánh, một đi không trở lại mà thôi: “Chứ đụng tí, sểnh ra thì khoa chân múa tay quay cuồng, mắt lòng trắng đục ngầu lòng đen bay biến quát im ngay, khoanh tay lên bàn, ruồi muỗi vo ve má không được vả, láo nháo đập phát chết giờ, mời ra khỏi lớp mời phụ huynh lên, đứng cột cờ đầu tuần hạ vài bậc hành kiểm lao động cho tủi thân, thì đấy là cách người lớn dùng vũ lực quyền uy đàn áp chứ học trò không phục”.

Quả là Văn Thành Lê ở trong chăn mới biết chăn có rận. Dưới cái nhìn của một công chức mực thước, yêu nghề, Văn Thành Lê đã thẳng thắn, trực diện chỉ ra những mưng mủ, ung nhọt đang tồn tại một cách phản cảm. Từ những trang văn hóm hỉnh mà sâu cay, vui nhộn mà đáo để, trơn lướt mà thâm thúy, lố bịch mà tê tái của anh, người đọc như được đi tận cùng dây tơ rễ má, những góc khuất tối tăm. Giáo dục cứ ôm lấy, nuôi dưỡng bệnh đồng lõa, phù phiếm, thỏa thuận ngầm như thế thì lấy đâu ra sự trong sạch, thanh cao. Văn Thành Lê bỡn cợt, giễu nhại giáo dục để chúng ta cùng suy nghĩ, trăn trở và có trách nhiệm hơn trước những biến tướng, những tệ nạn. Vì mục đích, chiến lược cao đẹp nhất của giáo dục là đào tạo những con người đủ tâm tài đức.

H.T.A