Trên bến đò Bà Tự
Bến đò Bà Tự
Ngạn ngữ Nga có câu “Ngày đi tháng chạy năm bay/Thời gian nước chảy, chẳng quay được về”. Mới đó mà thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ. Cái bến đò Bà Tự năm xưa ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nay chỉ còn là hình ảnh xa xôi trong mớ ký ức buồn vui của lớp người đi trước và những câu chuyện bây giờ mới kể nghe như cổ tích. Đúng là thời gian là một cơn bão mà chúng ta có thể lạc vào trong đó. Muốn quay về cũng không thể được vì cái bến đò xưa ấy đã bay đi trên đôi cánh của thời gian.
Nói đến bến đò Bà Tự, những người ở Tiên Kỳ, Tiên Phước xưa không ai mà không biết. Từ thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, theo tỉnh lộ 616, qua địa phận Phú Ninh, lên Suối Đá vào Tiên Thọ đến Tiên Kỳ thủ phủ của huyện Tiên Phước, ta gặp một dòng sông chảy vắt qua Tiên Kỳ, nổi tiếng đẹp cùng thủy trình độc đáo đầy sắc màu cá tính “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/Ai lên Tiên Phước thấy lòng ngẩn ngơ”.
Sông Tiên khởi nguồn từ dãy núi Răng Cưa, ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, là hợp lưu của hai nhánh: một nhánh đổ về từ Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, qua thôn Quế Phương, xã Tiên Lộc mang tên Bông Miêu; nhánh còn lại từ Bắc Trà My chảy về Tiên An mang tên sông Trạm, chảy xuống Tiên Cảnh là sông Đá Giăng, gặp nhánh từ Tiên Lộc chảy ra giao thủy thành con sông lớn.
Sông Tiên hiền hòa thơ mộng như một dải lụa nhiều sắc màu biến đổi. Màu xanh non của mùa xuân hoa lá đâm chồi nảy lộc, màu xanh đậm của mùa hè trời cao mây trắng, màu đục ngầu của mùa thu đông nước lũ tràn về. Tất cả đã làm cho con sông bốn mùa đầy cá tính, lúc dịu dàng tha thướt, lúc cuồng nộ ầm ào, chảy từ hướng Đông Nam về Tây Bắc, qua nhiều vùng quê, làng mạc đồi núi điệp trùng với những khúc quanh co ngoằn ngoèo, những vực sâu thăm thẳm như vực Tròn, vực Dài, vực Vong và những bến đò như bến Lò Rèn, bến Ông Cự, đặc biệt là bến Bà Tự nằm ở đầu cầu chìm bên ni bờ sông Tiên trung tâm Tiên Kỳ, nhìn qua bên kia là bờ sông Tiên Cảnh có hàng tre xanh biếc xõa tóc dịu dàng quyến rũ. Vào những chiều hoàng hôn sau cơn mưa, đứng trên bến đò Bà Tự nhìn về phía hạ lưu ta bắt gặp những áng mây tím nằm dập dềnh e ấp vắt ngang đỉnh núi Hòn Nhón, Tiên Châu rồi bềnh bồng trên sông trôi về Tiên Hà ra Hiệp Đức, chảy ra sông Thu Bồn trước khi về với biển. Bất giác lòng lại bâng khuâng cứ ngỡ là sông đang chảy ngược.
Sông cũng như đời biết bắt đầu và kết thúc. Sông Tiên bắt đầu gửi cho đời những kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ... Ở đó trong tâm khảm của mỗi người có cái bến đò Bà Tự một thời đã chứng kiến những đổi thay trong sinh hoạt con người, gắn liền với những hồi ức nỗi niềm buồn vui trong cuộc sống. Chỉ có điều cho đến mãi sau này không một ai biết được vì sao lại gọi “bến đò Bà Tự” mà không phải là một cái tên khác? Chung quanh tên gọi này có rất nhiều giai thoại. Nhưng cảm động hơn hết là câu chuyện tình buồn của người phụ nữ mang tên Tự sống bên ni bờ sông làm nghề mò cua bắt ốc. Chị đã yêu tha thiết một tráng đinh con một phú nông giàu có bên kia sông. Tình yêu cứ lớn dần trong anh chị nhưng lại bị trắc trở bởi sự ngăn cấm của lão phú nông không cho phép con trai mình quan hệ với chị, vì chị là con gái nhà nghèo. Chị vô cùng đau khổ nhận ra sự thật phũ phàng này: nghèo không có lỗi nhưng nghèo đã làm cho anh chị không thể nào chung bước đến cuối cuộc đời. Khi đối mặt với cuộc tình tan vỡ nhiều người tự tìm cách quên đi bằng những thú vui, có người chọn cách im lặng trong đau thương. Còn chị, chị cố hy vọng vào một phép màu nhiệm nào đó có thể đưa anh đến với mình. Dù rất hy hữu mong manh nhưng chị vẫn chờ.
Ngày qua ngày, chị thẫn thờ ra bến sông, ngồi dán mắt sang bờ bên kia chờ anh. Đã bao lần chị thì thầm trong tuyệt vọng: “Anh ơi! Sao anh không đến? Dẫu thế nào thì em vẫn đợi!”.
Tình đời là vậy còn con nước dưới sông cứ hững hờ trôi. Anh thì biệt vô âm tín còn chị vẫn ngồi chờ. Trên bến sông thời gian và nỗi buồn đã làm cho mái tóc chị pha màu sương trắng, đôi mắt chị quầng thâm nhìn vô định vào khoảng không bên kia bờ, gương mặt chị hốc hác nhợt nhạt chằng chịt những vết chân chim bởi những tháng năm mòn mỏi ngóng trông vô vọng.
Rồi một ngày đông, nước lũ tràn về dâng lên đến ngọn tre, ngập hết bến đò. Và từ đó người ta không còn thấy chị nữa. Chị đã xuôi dòng đi vào cõi thiên thu trong nỗi tiếc thương của nhiều người. Dân làng lập khóm để hương khói cho chị và lấy tên chị đặt tên cho cái bến đò này: “Bến đò Bà Tự”.
Bến đò Bà Tự nhìn ra mặt sông mùa nước lũ đục ngầu cuốn theo những thân gỗ to và củi rác từ thượng nguồn đổ về. Nước lên rất nhanh, ban đầu còn mấp mé ngoài sông. Những chiếc thuyền nan chở khách sang sông như chiếc lá tròng trành xẻ nước lao ra bơi ngược dòng về phía thượng lưu đến giữa sông thì từ từ quay mũi thuyền lại xuôi dòng về phía bên kia mới cập được bến. Đến khi mặt nước dâng lên ngập hết bến thì đò neo lại, khách qua sông chỉ còn biết tìm một chỗ thật cao bất lực đứng nhìn dòng sông trôi cuồn cuộn.
Nhớ hồi đó bến đò Bà Tự có cây vông đồng thật to, thân ôm đến mấy sải tay mà không xuể. Cây sần sùi gai góc có tán lá sum suê như những cánh tay dài vươn ra tỏa bóng mát rượi cho bến. Bọn trẻ con đi học về thích tụm năm tụm bảy dưới gốc vông để hái những bông hoa đỏ rực như lửa ghép lại làm ngọn đuốc, lượm những quả vông to bằng nắm tay giống cái bánh xe ném quay lông lốc trên mặt đường trông thật thú vị. Bên cây vông đồng ít ai còn nhớ có một mô đất cao làm tượng đài đặt tượng đồng bán thân nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng hướng về làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh như để giới thiệu nơi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra vị Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Sau này bức tượng trang trọng quý hiếm ấy không còn nữa.
Từ cây vông đồng đến cầu Là Ngà dài chừng 100 mét là trục lộ chính Tiên Kỳ đi Tiên Châu. Dọc đường có những bụi tre Là Ngà và lau lách mọc um tùm vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có vài người vội đi về phía chợ huyện. Ở đoạn đường này sợ có hùm tha ma bắt. Hùm tha thì không biết có hay không vì cũng đã đôi lần cọp ở trên núi về đây để lại dấu chân trên đường. Còn ma bắt thì có nạn đói khủng khiếp xảy ra năm 1944 của thế kỷ trước, hàng trăm người vào huyện đường nhận phát chẩn. Mỗi người nhận bốn năm lon gạo, vài ba lon bắp, một ít muối. Ai nhận rồi ban tổ chức quẹt trên mặt một vệt lọ nghẹ để phân biệt với người chưa nhận. Nhiều người nhận xong mừng quá quên xóa vết lọ trên mặt mà vội vàng mang gạo đến bến đò Bà Tự để bắt nồi nấu cơm, đi tìm ít ngọn lang trồng dưới bờ sông luộc chấm nước muối trắng. Trong cơn đói quằn quại dài ngày, nay có cơm rau muối mặn nhiều người ăn đầy bụng, một lúc sau bị bội thực nằm lăn ra vật vã rồi chết la liệt trên đoạn đường này. Mấy ngày sau dân địa phương đem xác xuống sắp nằm trên các rãnh hàng khoai lang rồi lấp đất lại. Từ đó nghe đồn rằng ở đây hàng đêm có nhiều tiếng kêu la thảm thiết, bà con đi qua ai cũng sợ!
Ở bến đò Bà Tự này có ông Võ Đình Thản là người sở tại, một tráng đinh mạnh khỏe thông minh trong làng, là học trò tiểu học xuất sắc của Giáo sư Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn. Năm 2004, Giáo sư về thăm học trò cũ ở Tiên Phước. Mọi người ngỡ ngàng xúc động chứng kiến cảnh học trò tóc bạc phơ ôm lọ hoa rừng đứng khúm núm sau thầy giáo già Lê Trí Viễn. Tình nghĩa thầy trò ngày xưa là như thế, lòng tôn sư trọng đạo đã đạt đến sự tột cùng của xã hội.
Ông Thản sống một mình trong căn nhà gỗ lợp tôn nhìn ra bến đò Bà Tự nên tất cả những động tĩnh ngày đêm xảy ra ở đây ông đều chứng kiến và trở thành người gác bến cho sông. Cứ mỗi lần nghe tiếng kêu thất thanh dưới sông, ông bật người dậy nhanh như một mũi tên, chạy xuống sông tìm vớt cho được người đuối nước đưa lên bờ hô hấp cứu chữa. Không thể quên được những năm 60 của thế kỷ trước học sinh ở làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh về huyện dự thi học sinh giỏi qua con sông này thì bị nước lũ cuốn trôi, chiếc đò quay một vòng rồi lật úp làm cho 7 học sinh chới với chơi vơi giữa dòng. Nghe tiếng kêu thất thanh ông chạy xuống bơi ra sông để cứu vớt các em. Nhưng không kịp, tất cả đã chìm nghỉm... Từ đó ông mơ ước có được chiếc cầu vĩnh cửu bắt qua sông để giảm thiểu những cái chết tức tưởi thương tâm như thế này. Mấy năm sau mơ ước ấy cũng đến, cầu mới được xây kiên cố. Chưa được bao lâu thì trong một đêm trời tối ai đó đã gài mìn cho chiếc cầu gãy đổ. Sáng ra, ông vội chạy xuống bến thăm cầu. Kỳ lạ thay, chiếc cầu không sập mà chỉ thủng vài lỗ bằng cái sàng, có lẽ người ta xây cầu kỹ quá. Ông mừng đến phát khóc. Ông nghĩ dù có chìm nổi gì thì đó cũng là chiếc cầu của dân sinh. Nó có tội gì đâu mà phải làm cho cầu sụp để nhiều người chết đuối dưới dòng sông?
Mới đó mà đã qua hơn nửa thế kỷ rồi! Thời gian có thể làm thay đổi tất cả, chỉ trừ thứ bên trong chúng ta: hồi ức kỷ niệm và nỗi niềm là còn lại. Sông Tiên đến nay cũng thay đổi, cạn dần. Hàng tre xanh thướt tha ven bờ lùi xa nhường chỗ cho hai bờ kè xi măng bờ đông bờ tây lạnh lùng khô khốc. Dòng sông vẫn mang theo sắc màu tươi xanh của đất trời xuân hạ, màu đục ngầu của nước lũ thu đông nhưng sợ nhất là màu đen ngòm của chất thải lều chợ bệnh viện, màu đặc quánh đỏ quếnh của đất đá từ các mỏ vàng ở thượng nguồn đổ về giết chết môi trường sinh thái.
Giờ thì bến Bà Tự không còn nữa! Con đò xưa chỉ còn trong ký ức: dưới ánh trăng vàng lấp loáng trên mặt sông chợt bâng khuâng nhớ tiếng mái chèo khua lộp cộp của người lái đò đưa khách về muộn. Giờ nối đôi bờ sông ngoài cầu chìm có thêm nhiều cầu kiên cố như cầu sông Tiên, cầu Tiên Phước... Không còn cảnh khách ngồi chờ đò trên bến, cũng không còn tiếng kêu khóc đau lòng thương người xấu số đuối nước dưới sông. Ông Thản ở bến sông xưa cũng mãn nguyện bình an thanh thản nơi suối vàng. Chỉ tiếc cây vông đồng đã mất, hàng tre không còn. Tiên Kỳ giờ làng lên phố nhà cao cửa rộng điện sáng thâu đêm, đoạn đường “hùm tha ma bắt” từ bến Bà Tự đến cầu Là Ngà nay thành khu chợ huyện buôn bán tấp nập người qua kẻ lại như mắc cửi nhưng họ phải chịu khổ sở bức bối bởi các mùi cá mắm, rác rưởi và nước thải nồng nặc xông lên thải xuống làm oằn mình đau đớn dòng sông.
Đi với cuộc đời “thời gian làm mòn mọi gót giày”. Đi với tháng năm thời gian làm mất đi cái bến đò Bà Tự năm xưa với những số phận của những con người như bà Tự, ông Thản và bao người khác bên chiếc cầu chìm lỡ nhịp, bên cây vông đồng tỏa mát và đoạn đường “hùm tha ma bắt”, để đến hôm nay có được cái mới hơn, hiện đại hơn, tiến bộ hơn. Nhưng sao lòng ta vẫn bâng khuâng tiếc nhớ những cảnh xưa người cũ nhất là cái bến đò Bà Tự này!
M.A