Tiếng kèn
Ali choàng tỉnh. Anh vừa nghe một bản nhạc vang vọng từ một nơi nào đó. Âm thanh mơ hồ mà thật lạ lùng, ai đó đã chơi kèn với cung đô trưởng… Ali ngồi bật dậy. Anh lại bàn làm việc tìm quyển sổ chép nhạc và cây bút. Bắt đầu từ đâu nhỉ? Ali cố hình dung lại âm hưởng vừa nghe, cây bút đã đầy mực, những dòng kẻ đã mở ra, anh muốn ký âm nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Ali có thể gọi là điêu luyện với các bản tráng ca xung trận, hoặc những khúc não nề đưa tiễn linh hồn người chết về cõi thiên thu với hơn mười năm thổi kèn cho đội nhạc trong thành phố. Nhưng chưa bao giờ anh được nghe một âm giai kỳ lạ như ban nãy. Và những âm thanh phát ra cũng đầy ma mị, vừa sáng chói rực rỡ lại rất nhẹ nhàng và sinh động rộn ràng. Nó như hơi gió thoảng, như tiếng chim thiên nga vỗ cánh hay tiếng suối reo, tiếng sóng biển tràn bờ… Không thể nào diễn tả hết được sự diệu kỳ cùng với những xúc cảm dâng trào trong anh.
Ali đi đi lại lại quanh phòng, bắt trí nhớ làm việc nhưng đành vô hiệu. Và anh châm thuốc hút, chìm đắm trong mơ tưởng cho đến khi trời sáng…
* * *
Ali rời ngôi nhà thân yêu đã bốn mùa trăng để ra đi tìm chuỗi âm thanh kỳ lạ trong giấc mơ hôm nào. Đã từng đặt chân đến nhiều ngôi làng, nhờ tiếng kèn mà anh được mọi người chào đón nồng nhiệt và thân thiện trong những lễ hội, những đám rước hay đám cưới… Nhiều gia đình giàu có mời anh ở lại và hứa trả công rất hậu chỉ để anh thổi kèn mua vui trong những bữa tiệc, hay những ngày lễ Thánh. Ali bỗng nhớ lại có lần mẹ anh kể rằng cha anh ngày xưa cũng là một nhạc công danh tiếng, nhiều người mê tiếng kèn của cha, những gia đình thượng lưu sẵn sàng hào phóng chi tiền để sở hữu, nhưng cha anh đều một mực khước từ. Với cha, nghệ thuật không thể mua được bằng tiền… Dòng máu nghệ sĩ đã truyền sang anh, cũng giống cha mình, Ali chối từ tất cả. Anh chưa dừng chân ở một nơi nào, tiếng vọng của chuỗi âm thanh kỳ lạ luôn thúc giục, và mách bảo anh phải đến những nơi thanh tĩnh để tìm kiếm thì may ra mới có thể chinh phục được nó. Cô đơn trên những nẻo đường dài, không ít lần anh kiệt sức, mê man bất tỉnh. Một lần, trong cơn mơ, Ali thấy cha đứng trên đỉnh ngọn núi cao ngất cầm cây kèn hướng loa kèn về phía mặt trời, đang thổi một khúc tráng ca thật hào hùng, làm lay động cả không gian bao la. Ali vô cùng xúc động, anh bật lên tiếng gọi: “Cha ơi!”. Phải chăng trên thiên đường, cha anh đã nhìn thấy đứa con trai thân yêu của mình có nguy cơ đầu hàng số phận, ông đã xuất hiện để vực dậy tinh thần và tiếp thêm sức mạnh cho con? Có lần anh đã nhìn thấy mẹ, vào một buổi trưa hè nắng rát, mắt anh vẫn mở, anh chiêm bao giữa ban ngày. Mẹ anh hiện ra với vẻ mặt buồn bã nhưng nghiêm khắc, đôi mắt u sầu nhìn anh như muốn nói: “Mày thật chẳng khác gì cha, thật là gàn dở, cứ mải mê đi tìm cái gì đó xa vời ở mãi tận đẩu tận đâu. Hãy nhìn lại mình đi, râu tóc đã dài thế ư con? Cái gì đã làm cho mày khổ sở đến thế này? Hãy quay về và sống bình yên bên gia đình như bao người khác đi con ạ!”.
Không, anh không bỏ cuộc, gắng sức lê từng bước chân rệu rã trên con đường mòn dẫn vào làng. Cảnh vật tiêu điều. Đây đó vài con bò gầy guộc đang gặm những bụi cỏ đã cháy nắng. Nước! Tìm đâu ra nước bây giờ? Ali cố lết đến gần một con mương, nhưng mương cũng cạn khô trơ đáy. Thất vọng! Không thể tìm đâu ra một giọt nước ở cái nơi khắc nghiệt như thế này. Anh thiếp đi…
- Chú ơi! Chú gì ơi, dậy đi nào!
Ali nghe có tiếng người liền hé mắt. Trong bóng chiều đỏ ối, anh thấy một chú bé với thân hình gầy nhom đang cúi xuống nhìn và lay gọi.
- Chú gì ơi, chú bị làm sao thế?
- Nước… cho chú ngụm nước…
Ali thều thào, chú bé ghé sát tai để nghe, cuối cùng nó cũng hiểu và chạy đi tìm cái túi da dê. Ali nằm ngửa, khẽ ngước cổ lên để chú ta mở nắp túi và từ từ rót từng ngụm nước vào miệng. Chừng như đã dịu cơn khát và lại sức, Ali ngồi dậy, cảm ơn.
- Đây là đâu?
- Là làng Taranchio chú ạ.
- Nhà cháu gần đây không?
- Nhà cháu cũng ở trong làng…
- Thế cháu làm gì ở đây?
- Cháu đi chăn bò cho phú ông.
- Ra vậy…
- Chú ơi…chú là nhạc công à?
- Ừ, sao cháu biết?
- Chú có cây kèn bằng đồng sáng chói đó kìa. Cha cháu ngày trước cũng là nhạc công thổi kèn Trumpet…
- Ồ, thật vậy à?
- Vâng, nhưng cha cháu không may bị tai nạn, ông đành nghỉ việc và bán cây kèn ấy đi rồi… Chú này…
Chú bé ngần ngừ bỏ lửng câu nói, Ali chăm chú nhìn rồi hỏi:
- Cháu định nói điều gì nữa à?
- Cha cháu tuy đã bỏ nghề nhưng cháu biết ông vẫn ao ước một ngày được cầm cây kèn ấy hoặc nghe ai đó thổi. Mai là sinh nhật cháu, cháu muốn mời chú về nhà chơi và thổi kèn như một món quà tặng đặc biệt. Điều này sẽ khiến cho cha cháu sung sướng lắm. Và ông sẽ thết đãi chú những món ăn thật ngon lành cùng với rượu nho và mật ong…
Ali nghe vậy thì rất xúc động, anh trầm ngâm một hồi và nghĩ ngợi: “Ôi, chú bé thật là có hiếu! Mà biết đâu mình đến dự sinh nhật của chú ta ở một nơi lạ lùng như thế này, sẽ tìm được những âm thanh kỳ diệu của tiếng kèn chăng?”. Nghĩ vậy, Ali gật đầu:
- Ồ, vậy thì còn gì bằng, chú cảm ơn lòng tốt của cháu nhé!
- Vâng, chúng ta cùng đi nào.
Chú bé nói xong liền chạy đi lùa đàn bò. Có tất cả chín con. Chừng như chúng vẫn còn tiếc rẻ những bụi cỏ ngon lành nên chưa chịu đi về. Chú phải lấy roi quất thật mạnh vào mông chúng mới bước đi…
- Cha ơi! Nhà ta có khách. Cha ra mà xem ai này!
Ông bố nghe tiếng con cũng lịch kịch chống gậy bước ra. Ông ta bị cụt một chân.
- Cha ơi, bắt con gà tây to nhất làm thịt rồi hầm cho mềm đi cha nhé! Con đi mua bánh mì đây ạ.
Nói xong chú ta vụt chạy đi, trong khi hai người đàn ông còn đang bỡ ngỡ chưa biết xưng hô với nhau thế nào…
- Thằng này nói cứ như là nhà có của nhiều lắm ấy, gà tây, gà tây nào mà bảo bắt làm thịt hầm cho mềm? - Cha chú bé lẩm bẩm.
…Thấy chú bé đến từ ngoài ngõ, ông chủ tiệm bánh mì đã nói to:
- Ê, Tiki, mày đem tiền đến trả tao đó phỏng?
Tiki (tên của chú bé) tươi cười nói với ông ta:
- Vâng, cháu có rất nhiều tiền, nhưng hôm nay ông cho cháu lấy thêm vài cân nữa rồi ngày mai cháu sẽ trả hết nợ cho ông luôn một thể.
- Không được! Mày nợ bao nhiêu rồi có biết không?
- Cháu biết chứ. Nhưng ông cứ cho cháu nợ nốt hôm nay, ngày mai cháu mà không trả cháu sẽ đến làm công cho ông để trừ nợ. Cháu nói thật đấy.
- Tao chả tin được mày, lo đem tiền đến trả cho tao ngay, nghe rõ chưa?
- Thì ông hãy cứ nghe cháu nói đã nào.
- Tao không muốn nghe!
- Cháu biết ông có hai chị đi học ở xa, mãi tận cái đất nước gì mà có ngọn núi cao nhất thế giới ấy nhỉ.
- Ở Ấn Độ, ai bảo mày là có ngọn núi cao nhất thế giới?
- Thì cháu nghe nói thế, chứ cháu đã đến đấy đâu.
- Ấn Độ không có ngọn núi cao nhất thế giới! Nhưng ở đấy thì đã sao?
- Cháu nghe nói cái đất nước xa xôi ấy đang có đánh nhau, người ta chém giết cướp bóc kinh khủng lắm, nếu chẳng may các chị gặp nạn thì làm thế nào?
- A cái thằng này, mày nói gở nhỉ. Ông thì cho mày một trận bây giờ!
- Ông hãy khoan, là cháu nói ví dụ thế nhưng biết đâu được, nhỡ thật thì sao?
Chú bé vừa nói vừa lui lại phía sau như tránh một cái tát sắp sửa giáng xuống đầu. Ông chủ tiệm bánh mì suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại:
- Mày nói thế là có ý gì?
- Ông ơi, bây giờ ông giúp cho nhà cháu cũng như làm phúc ấy mà, rồi thì các chị ấy ở cái đất nước xa xôi kia nếu có làm sao thì cũng có người giúp đỡ… Mà cháu cũng chỉ mua chịu nốt hôm nay thôi, ngày mai ngày kia cháu lại đến rồi trả tiền luôn một thể cho ông ạ.
Ông chủ lưỡng lự một chút rồi hạ giọng:
- Thôi được, nhưng tao hỏi mày, mày lấy gì để bảo đảm rằng ngày mai mày có tiền trả cho tao?
- Ông ạ. Nhà cháu đang có khách, một người khách quý từ nơi xa đến đây, chú ấy là một nhạc công rất tài giỏi, chú ấy sẽ giúp gia đình cháu…
- Mày nói thật không?
- Thật mà. Không tin ông hãy đi với cháu!
Ông chủ lò bánh mì tò mò muốn biết nhà thằng bé này làm gì mà cũng có khách quý ghé thăm, lại là một nhạc công danh giá nữa. Ông ta vào nhà cân đúng hai cân bánh mì rồi bảo:
- Thôi được rồi, tao sẽ đi với mày. Không đúng như mày nói thì mày chết với tao!
- Vâng!
… Ông chủ lò bánh mì theo chân chú bé vào nhà, thấy đúng là có một vị khách lạ đang ngồi nói chuyện, bên cạnh là cây kèn đồng sáng choang thì vô cùng sửng sốt: “Chà, đúng là có khách quý thật! Mình biếu không chỗ bánh mì này để làm quen rồi sau mời anh ta sang nhà mình mới được!”. Nghĩ vậy, ông ta xởi lởi chào hỏi mọi người rồi đem đặt bánh mì lên bàn:
- Nghe nói nhà ta có khách, tôi đem bánh sang biếu, xin các vị vui lòng nhận cho ạ!
Cha chú bé nghe thế há hốc mồm kinh ngạc: “Lão này hôm nay sao tử tế thế không biết?”. Chưa kịp cảm ơn thì ông chủ lò bánh đã cáo từ để ra về.
Tiki nhìn theo, nheo nheo con mắt cười tinh quái rồi quay sang nói với cha:
- Gà tây đã hầm chưa cha?
- Gà tây nào mà hầm, cái thằng này!
Cha Tiki nói như quát, chú ta liền nói lí nhí:
- Thôi hôm nay mình ăn tạm bánh mì với muối vậy, ngày mai sẽ ăn gà tây cha nhé!
Tiki xuống bếp lấy dao cắt bánh mì thành từng khoanh xếp vào đĩa, lại lấy một đĩa muối dọn lên bàn ăn. Cả ba người ngồi vào bàn, vừa ăn vừa trò chuyện.
Xong bữa, Ali rất lấy làm cảm kích về sự tiếp đãi của hai cha con chú bé chăn bò. Anh muốn đền ơn họ nên đề nghị:
- Cảm ơn ông và cháu nhé. Tôi chẳng có gì để tỏ lòng biết ơn, chỉ có cây kèn này, tôi thổi vài bài để mọi người cùng nghe cho vui có được không?
- Vâng, thế thì còn gì bằng!
Ali đem kèn ra thổi. Những khúc nhạc khi lanh lảnh hào sảng, khi rộn rã tươi vui, khi trầm lắng da diết cất lên. Anh thổi say sưa, trong khi hai cha con chú bé ngồi nghe mê mẩn. Ngoài cổng đã thấy mấy vị hàng xóm lấp ló nhòm vào với một vẻ tò mò háo hức. Họ chen nhau đứng xem và vểnh tai nghe. Tiki liền ra kéo cổng lại. Mọi người la ó, bảo rằng họ cũng muốn được vào để nghe xem. Tiki liền nói:
- Các bác muốn vào nghe xem thì cho cháu xin ít quà đi ạ!
Mọi người nhìn nhau. Tiếng kèn vẫn vang ngân giục giã. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều móc túi lấy tiền hoặc là về nhà lấy thứ gì đó đem cho chú bé để được vào. Ali thấy mọi người kéo đến đông vui thì càng có hứng thú và anh cứ thế thổi mãi cho đến khi trời tối mới dứt tiếng kèn.
Ngày hôm sau, Tiki ở nhà mà không đi chăn bò như mọi hôm. Chú lấy tiền đi mua thức ăn, mua hẳn một con gà tây to bự về hầm, đến tiệm bánh mì mua bánh và trả nợ cho ông chủ. Ali lại đem kèn ra thổi. Những người hàng xóm như bị thôi miên, ùn ùn kéo nhau đến trước cổng nhà xúm xít lại nghe. Ali cứ thổi. Tiki cứ thu tiền và cất những món đồ của “khán giả” vào trong kho: nào gà, ngỗng, bột mì, lúa mạch, rượu vang… cứ chen nhau xếp đầy trong lẫm.
Tin đến tai vị cha xứ nhà thờ, ông ta đích thân đến xem thế nào. Ở vùng này, cha xứ là người quyền cao chức trọng, dân làng vừa nể vừa sợ không ai dám vô phép. Vậy mà ngay đây lại có một đám đông tụ tập để nghe nhạc mấy ngày liền…
Thấy cha xứ xuất hiện, cha chú bé đã vội vàng ra tận cổng rước vào, lấy ghế mời ngồi một cách trịnh trọng, dù trong lòng đã thấy bất an. Ai nấy đều sợ hãi tìm cách tản đi chỗ khác. Vị linh mục gật đầu chào Ali rồi ra hiệu cho anh cứ tiếp tục, ông ta điềm nhiên ngồi nghe mê mải, tâm trạng diễn biến theo âm điệu từng nốt nhạc… Hóa ra tiếng kèn đồng có phép màu, hút mất hồn cả cái người quyền uy đường bệ nhất xứ này!
Tiếng kèn đã dứt, ông nói với Ali:
- Cảm ơn anh đã cho chúng tôi thưởng thức những khúc nhạc tuyệt vời nhất mà chưa bao giờ được nghe. Ơn Chúa! Chắc là anh ở xa đến đây, tôi muốn mời anh ở lại với chúng tôi, nhờ anh dạy cho đội Thánh ca trong nhà thờ cách thổi kèn, chúng tôi sẽ trả công anh hậu hĩnh!
Ali nghe vậy thì rất sửng sốt, anh chưa nghĩ được gì thì chú bé đã nhanh nhảu:
- Đức cha nói như vậy thì chú cứ ở lại đây đi nhé!
Ali nhìn cha xứ và quả quyết:
- Xin cảm ơn đức cha vì lời mời, nhưng xin lỗi, tôi còn có những việc của mình, không thể ở lại đây đâu ạ.
Cả cha xứ và hết thảy mọi người có mặt đều tỏ ra thất vọng, Tiki kéo tay Ali đi vào nhà kho, vừa đi chú bé vừa thỏ thẻ:
- Chú ơi, chú lại đây cháu cho xem cái này nhé!
Vào đến nhà kho, Ali thấy chất đầy thực phẩm và rất nhiều những đồng tiền lẻ. Tiki ngước mắt nhìn Ali, nói tiếp:
- Công của chú đây nhé, chú hãy ở lại đây với bố con cháu, chỗ lương thực và tiền xu này chúng ta có thể sống đầy đủ suốt ba năm, chú đi làm gì cho mệt?
Ali nhìn kho lương thực, cười và bảo:
- Ái chà, thằng bé này khôn ra phết nhỉ! Thôi, tất cả bây giờ là của bố con cháu đấy…
- Nhưng cháu muốn chú ở lại đây với bố con cháu, chú đồng ý nhé!
Ali trìu mến nhìn Tiki rồi vỗ vai chú bé:
- Tiki này, cuộc sống đâu phải chỉ có gà tây, bánh mì và những đồng xu lẻ. Lớn lên cháu sẽ hiểu rằng trên đời còn có những điều lớn lao mà không thể lấy gì so đo tính toán được, thế nhé! Chú phải đi đây! Nhớ làm việc chăm chỉ và thổi kèn thật hay vào đấy!
Nghe nói vậy, đôi mắt trong veo của chú bé bỗng sáng lên tỏ vẻ ngạc nhiên và đầy hứng thú. Cha chú từ trong nhà lại lịch kịch bước ra. Ông nói, giọng đầy xúc cảm:
- Rất cảm ơn anh vì những gì anh đã đem đến cho chúng tôi! Không chỉ là thức ăn mà hơn thế nữa! Cuộc sống của chúng tôi từ nay sẽ bớt đi sự tẻ nhạt, chúng tôi sẽ luôn nhớ anh đấy. Khi nào có dịp hãy quay lại nơi này lần nữa nhé! Thật tiếc, chẳng biết lấy gì để đền ơn… Hay là chúng tôi tặng anh chú gà trống để anh làm bạn khi đường xa nhé.
Ông vừa nói vừa nắm lấy tay Ali thật chặt, đôi mắt tỏ rõ sự xúc động. Ali trả lời:
- Vâng, nếu có dịp tôi sẽ trở lại nơi đây. Xin ông chú gà trống làm bạn đồng hành cũng tốt và để nhớ ơn hai bố con đã đối xử với tôi thật tử tế.
- Vâng, vâng…
Ông chủ nhà thấy Ali đồng ý liền rối rít giục thằng bé vào chuồng gà bắt con gà trống to nhất có tiếng gáy vang xa, bảo đem nhốt vào cái lồng con và trao cho Ali. Anh xoa đầu chú bé rồi vui vẻ đón lấy, móc lồng gà vào đầu cây gậy rồi khoác lên vai, tay kia cầm cây kèn đồng, từ từ cất bước lên đường…
Ali nhằm hướng mặt trời lặn đi tới. Có lẽ ở nơi đó sẽ tìm thấy những âm thanh kỳ diệu chăng? Ngày đi đêm nghỉ, tâm trí anh không lúc nào nguôi mơ tưởng về tiếng nhạc …
Nửa con trăng đã trôi qua, Ali vẫn cứ đi, đi mãi, hết ngọn đồi này đến rặng núi kia. Nơi rừng xanh núi thẳm đã vắng bóng người, chỉ có tiếng chim kêu vượn hú và những loài thú rừng hoang dã… Ali cảm thấy lòng buồn bã, tiếng kèn trong mơ vẫn bặt tăm hơi… “Chắc chắn là phải có nơi phát ra tiếng kèn ấy, vì chính tai mình đã từng nghe âm thanh trầm bổng diệu kỳ, nhưng nó ở nơi nào?”. Anh thầm nghĩ. Lương khô đã cạn, anh đành hái quả dại để ăn và uống nước suối cầm hơi, nhưng dứt khoát không chịu bỏ cuộc!
Một buổi chiều tà, thấy thấp thoáng một ngôi làng hiện ra trong hơi sương, khói lam bay lên từ những nếp nhà, Ali vội rảo bước tới…
Những người đàn ông cởi trần đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn và có thêm một mảnh vải che hai bầu vú, trẻ con thì trần truồng, tất cả đều trố mắt nhìn anh đầy kinh ngạc. Bọn trẻ vây quanh, nắm vạt áo, sờ cái kèn rồi lấy cây chọc vào cái lồng gà… Chúng cười nói chỉ trỏ, vui mừng tưởng như sắp được cho quà. Ali ái ngại quá, vì anh chẳng còn thứ gì để cho chúng cả. Anh đi đến căn nhà gần nhất. Căn nhà trống trải chẳng có bàn ghế giường chiếu gì, nồi niêu bát đĩa đều bằng đất vứt lăn lóc ở xó bếp, chỗ ba cục đất xếp lại với nhau. Trên gác bếp treo lủng lẳng mấy cái đầu hươu nai và vài miếng thịt đã khô queo… “Sao ở đây lại nghèo nàn thế nhỉ?”.
Ali ngồi lên một tảng đá và cầm kèn lên thổi…
Đầu tiên là một bài Thánh ca Mời gọi sự mặc khải. Khi tiếng kèn cất lên du dương thì hết thảy đàn ông, đàn bà và trẻ con từ trong các ngôi nhà gần đấy cùng ùa ra. Họ nhìn trân trân vào Ali, rồi lắng tai nghe. Tiếng kèn đánh thức các giác quan khiến tất cả họ như chìm đắm trong một thế giới hay một không gian khác, thánh khiết và đẹp đẽ…
Ngừng trong giây lát, anh quan sát đám đông thấy những khuôn mặt nhem nhuốc lúc nãy bừng sáng lên, giống như có một luồng ánh sáng vừa lướt qua, dọn sạch những rãnh sâu in hằn trên khoé môi khóe mắt của những người khốn khổ...
Ali chuyển sang một đoạn trong vở nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart. Đám đông vẫn đứng yên phăng phắc, mắt họ không rời Ali và cây kèn. Tiếng kèn lay động tâm hồn cả những đứa trẻ, khiến chúng thôi không còn nghịch ngợm như khi anh vừa đến. Tất cả mải mê theo điệu nhạc, như nuốt lấy những âm thanh trầm bổng phát ra. Chẳng biết đám người này có hiểu gì không, nhưng có lẽ tiếng kèn đã dìu họ đi hết các cung bậc của cảm xúc, trong ánh mắt hiện lên vẻ vui mừng hoặc sợ hãi, sung sướng hoặc khổ đau…
Tiếng kèn vừa dứt, Ali nở nụ cười đầy thân thiện nhìn đám đông. Bọn họ vây quanh anh, vài người quỳ xuống để nhìn anh cho rõ hơn, thậm chí có người còn chắp tay như vái lạy. Trong trí não ngây thơ và có phần u mê ấy, nhiều người đã tưởng anh đến từ thế giới của thần linh, nên bày tỏ lòng tôn kính…
Ali không ngờ tiếng kèn của anh lại trở nên diệu kỳ đến vậy! Đám người đang đứng, đang quỳ trước mặt anh đây khi nghe tiếng kèn bỗng thấy lòng hân hoan như những con chiên ngoan đạo một sớm mai được nhìn thấy Chúa; như loài thú hoang được sưởi ánh mặt trời giữa mùa đông giá băng. Có vẻ giống huyền thoại về nàng Bạch Tuyết: nơi núi non sâu thẳm, bảy chú Lùn hết ngày này sang tháng khác phải sống một cuộc đời tăm tối trong hầm mỏ với một công việc nhàm chán, cho đến khi nàng xuất hiện. Bạch Tuyết đem đến cho họ những phút giây ngập tràn niềm vui, dẫu thời gian ngắn ngủi nhưng với bảy chú Lùn là cả một bầu trời ánh sáng và tình yêu!
Đêm xuống.
Ali vừa được dân làng thết đãi những món ăn ngon nhất: thịt nai và rau rừng chấm muối.
Anh ra bờ suối ngắm trăng lên.
Dưới làn nước lấp lánh bạc, năm cô gái đang trần truồng tắm. Họ lội tung tăng nô đùa té nước vào nhau cười khúc khích. Quá bất ngờ trước cảnh tượng này nhưng đã lỡ bước, Ali không thể quay trở lại và các cô gái cũng đã nhìn thấy anh. Họ sợ hãi lấy tay che mặt rồi vội nhảy lên bờ. Các cô cứ thế rón rén đi ngang qua qua chỗ Ali đang ngồi, không ai dám nói câu gì. Anh cũng cảm thấy khó xử, lặng lẽ nhìn đi nơi khác. Đoán chừng họ đã đi khá xa, Ali nâng kèn lên thổi.
Đó là một bản concert cổ điển của dòng nhạc Hà Lan thời Phục hưng. Tiếng kèn quyện trong ánh trăng và sương mờ mới lãng mạn làm sao! Cả núi rừng chìm đắm trong bầu âm thanh tuyệt vời. Những loài chim đêm thôi không còn khắc khoải, cây rừng cũng phăng phắc đứng im. Chỉ còn tiếng suối reo hòa nhịp làm nhạc đệm và phụ họa cho tiếng kèn thêm sống động…
Ali ngồi trên phiến đá, mắt nhìn hướng ra lòng suối và vẫn thổi say sưa. Bất giác, anh cảm thấy như có ai đang nhìn mình từ phía sau, liền ngoái đầu nhìn lại.
Ồ! Không thể tưởng tượng được! Dưới ánh trăng, một tòa thiên nhiên lộng lẫy hiện ra với những đường cong tuyệt mỹ trên làn da nâu bóng - một phiên bản khác của thần Vệ Nữ!
Ali vô cùng bối rối, cô gái cũng e lệ cúi mặt không dám nhìn. Nàng là một trong năm cô gái đi tắm suối khi nãy, tiếng kèn quyến rũ đã khiến nàng vượt qua nỗi sợ và níu kéo bước chân quay trở lại. Ali trấn tĩnh, nở nụ cười và lặng ngắm nhìn nàng. Anh thấy lòng xốn xang, trái tim run rẩy, những thớ thịt trên cơ thể bắt đầu cựa quậy… Cô gái vẫn e lệ cúi đầu. Ngôn ngữ bất đồng, chẳng ai cất lên lời nào. Như vậy một lúc khá lâu, Ali bằng bản năng của người nghệ sĩ, hít một hơi thật sâu và đưa cây kèn lên thổi. Tiếng kèn ngân nga khi vút cao đến tận đỉnh núi, lúc trầm lắng dưới vực sâu, và nồng nàn da diết... Đôi chân cô gái bắt đầu nhún nhảy, rồi nàng giơ đôi cánh tay tròn trịa lên cao, xoay vòng tấm thân uyển chuyển theo điệu nhạc. Ali nhìn theo quá đỗi sửng sốt: trước mắt anh không phải là cô gái là một tiên nữ giáng trần đang uốn mình và lắc hông theo một vũ khúc kỳ lạ, đầy hoang dã và vô cùng gợi cảm. Không thể nào tả hết bằng lời vẻ đẹp huyền bí đó, nhưng Ali rất điệu nghệ, anh có thể dùng âm thanh để diễn tả. Tâm trí anh dồn hết vào những cung bậc du dương réo rắt, tiếng nhạc không phải xuất phát từ buồng phổi mà thoát ra từ trong tim, tận đáy lòng. Trái tim anh đang lên tiếng, thôi thúc và giục giã. Hình hài tuyệt mỹ của nàng sơn nữ nhảy múa dưới ánh trăng, qua tiếng kèn điêu luyện, đã hóa thân trong tiếng gió ngàn reo ca, âm vang trong núi sâu rừng già và tiếng nước chảy róc rách trong khe đá; tiếng chim thiên nga vỗ cánh; tiếng sóng biển xô bờ; núi đồi và thảo nguyên xanh tươi hiện ra quyện trong vị ngọt ngào của cây trái và mùi hương nồng nàn của đất… Ôi! Thật kỳ diệu!
Ali cứ thổi, nàng sơn nữ cứ nhảy múa, không còn ý niệm về thời - không. Trăng đã lên cao, giữa núi rừng hoang vu bên bờ suối chỉ có hai người mê say trong tiếng nhạc…
Ali mơ hồ cảm nhận tiếng kèn của anh vừa lạ vừa quen, như vang vọng từ trong giấc mơ hôm nào? Là chuỗi âm thanh mà anh mải miết đi tìm? Có phải khúc nhạc ấy không?
Không, vẫn chưa hoàn hảo như anh đã từng nghe, Ali nghĩ vậy.
…Ali rời chỗ ngồi, bước xuống tựa lưng vào phiến đá, đặt cây kèn ngay bên cạnh. Nàng sơn nữ quỳ trước mặt anh, đầu hơi cúi xuống tỏ lòng biết ơn. Ali nhẹ nhàng đỡ nàng đứng dậy. Tiếng kèn và vũ điệu tuyệt diệu ban nãy đã xóa đi khoảng cách giữa hai người. Ali vuốt tóc nàng, dịu dàng hôn lên cánh tay mềm mại. Đôi mắt nâu to tròn thăm thẳm của nàng chứa chan cảm xúc nhìn anh không chớp. Điệu múa, tiếng kèn đã xóa đi sự ngăn cách về sắc tộc và ngôn ngữ, khiến họ xích lại gần nhau. Sự ngượng ngập và e lệ lúc này nếu có thì chỉ là giả tạo và thừa thãi. Họ đứng sát vào nhau, Ali nghe hơi thở thơm tho của nàng nóng hổi và gấp gáp. Không chần chừ thêm nữa, anh ôm nàng và hôn tới tấp lên mắt, môi và đôi bầu ngực tròn căng đang phập phồng chờ đợi.
Sự đồng điệu của hai tâm hồn đã tự nhiên gắn kết hai thân thể, có vầng trăng trên cao là chứng nhân...
* * *
Ali tiếp tục rong ruổi khắp đó đây, cây kèn đồng đã cùng anh đặt chân đến những miền xa xôi hẻo lánh nơi đầu sông ngọn suối hay làng mạc khô cằn, nơi núi cao ngàn năm mây phủ hay bờ biển thông reo để đi tìm âm thanh kỳ diệu. Đến đâu, tiếng kèn của anh cũng vút lên như tiếng gọi của bình minh, hoặc ít ra nó cũng đánh thức trí não ngủ yên của những tộc người trong các bộ lạc còn man rợ…
Nhưng nó ở đâu? Thiên đường hay cõi mộng, hay từ một không gian xa xăm nào đấy mà không phải trên cõi đời này?
Khi mái đầu đã điểm bạc, Ali mới tìm về cố hương. Mẹ đã về bên kia thế giới, chỉ còn ngôi nhà trống trải. Ôi đau xót quá! Anh thấy mình thật cô đơn trong cuộc đời này. Chợt hình dung những nơi từng đi qua. Có một ngôi làng trong sương với đêm trăng bên bờ suối. Và cô sơn nữ nhảy múa dưới ánh trăng…
Anh lại vác cây kèn lên vai và đi về hướng núi, tìm đến ngôi làng. Trí nhớ còn minh mẫn, anh vẫn nhớ như in con đường và ngọn núi ấy, nhưng đến nơi thì không thấy một chút dấu vết nào, ngôi làng đã hoàn toàn biến mất, chỉ có tiếng suối reo giữa rừng núi hoang vu.
Lại trở về căn nhà xưa bên hồ, nơi có cây sồi non mà nay đã thành đại thụ, tán lá che rợp cả một khoảng trời. Những khát khao cháy bỏng về một bản nhạc diệu kỳ dường như đã nguội lạnh. Ali thấy lòng bình yên như mặt hồ và dịu mát như tán lá sồi…
“Ôi, những âm thanh lạ lùng vẫn mãi xa vời, mà suốt đời ta cứ mải miết đi tìm. Nhưng không sao, khi bước chân trên những nẻo đường gập ghềnh gian khổ, ta đã chạm đến hạnh phúc, là lúc tiếng kèn vang ngân làm rung động trái tim của mỗi kiếp người!”.
Đêm vắng, một mình trong ngôi nhà cũ thân yêu, Ali thả lỏng cơ thể và đôi mi dần khép lại.
Bỗng anh nghe âm thanh du dương của tiếng nhạc, ai đó đang chơi cung đô trưởng…
Ali bình tĩnh lắng nghe. Tiếng kèn vừa chói ngời rực rỡ lại rất nhẹ nhàng và sinh động rộn ràng. Nó như hơi gió thoảng, như tiếng chim thiên nga vỗ cánh hay tiếng suối reo, tiếng sóng biển tràn bờ, xen lẫn tiếng thổn thức của trái tim yêu đương và rên siết của ái tình…
Chao ôi! Chuỗi âm thanh của điệu nhạc kèn đẹp đẽ biết bao!
Bản nhạc vừa dứt, Ali thấy tỉnh táo lạ thường và cảm giác như trí não đã được khai mở. Anh ngồi dậy và đi tìm giấy bút để ký âm…
T.T.H