Phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương: Nhìn từ cấu trúc Mạn-Đà-La Mật Tông
Tháp ‘Trung tâm’ hay ‘Tháp sáng’ hiện chỉ còn mảng tường phía tây. Ảnh Trần Kỳ Phương.
Phế tích Đồng Dương là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ 07/09/1902 đến 27/11/1902. Sau đó, Parmentier đã khảo tả chi tiết và thực hiện những bản vẽ kiến trúc có giá trị khoa học cao dựa trên những kết quả phong phú của cuộc khai quật khảo cổ học tại phế tích này. Công trình của Parmentier cung cấp những hiểu biết căn bản nhất về phế tích Đồng Dương, và là nguồn tham khảo chính để nghiên cứu về nghệ thuật Đồng Dương cũng như Phật giáo Champa. Ông phân định tổng thể kiến trúc Đồng Dương thành ba tổ hợp chính là Khu (Enceinte) I, II, và III. Đồng thời, dựa vào nội dung minh văn của vua Jaya Indravarman, ký hiệu C.66, phát hiện tại ngay di tích, cho ta biết danh hiệu chính của phế tích Đồng Dương là Phật viện Quán Thế Âm Laksmindra-[Lokesvara] được thiết lập vào năm 875 Dương lịch.
Phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương thế kỷ 9-10
Phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương từng là trung tâm Mật tông quan trọng nhất của Phật giáo Champa. Điều này có thể nhận thức qua nền nghệ thuật và kiến trúc của phế tích Đồng Dương mới chỉ được khai quật vào đầu thế kỷ 20, không may nó đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh từ giữa thế kỷ 20. Vì thế chúng ta phải căn cứ hoàn toàn vào những nghiên cứu chuyên sâu và những bản vẽ khoa học của Henri Parmentier, xuất bản năm 1909 và 1918, để tìm hiểu về di tích này [Hình 1]. Tại di tích Đồng Dương hiện nay chỉ còn sót lại duy nhất mảng tường phía tây và một phần khung cửa bằng sa thạch của tháp Trung tâm (Tour central) mà nhân dân địa phương gọi là ‘Tháp sáng’. Tuy nhiên mảng tường này lưu giữ được chứng cứ sớm nhất của kỹ thuật xây dựng được cải tiến, vào khoảng cuối thế kỷ 9, khi đền-tháp Champa áp dụng cấu trúc kết hợp giữa gạch và đá [Hình 2].
Hình 1. Bản vẽ bình đồ di tích Đồng Dương theo H. Parmentier 1909.
Minh văn ký hiệu C.66 được phát hiện ngay tại Đồng Dương là một trong những cơ sở khoa học để tham cứu lại phức hợp đồ sộ của di tích này. Với thiết kế là một tổ hợp đền-tháp to lớn bố cục trong một không gian có chiều dài khoảng 1300 mét; và được Parmentier phân định thành ba tổ hợp chính gồm Khu I, II, và III. Trong đó, Khu I bao gồm tổ hợp đền-tháp chính của một kiết-ma mạn-đà-la, là mạn-đà-la được thể hiện bằng điêu khắc hoặc kiến trúc; Khu II là tiền đình là nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng của Phật viện, chẳng hạn, lễ quán đỉnh (abhiseka) là một trong những nghi thức chính của Mật tông; và Khu III là đại sảnh đường nơi thuyết pháp và tụ tập đại chúng trong Phật viện. Một cột đà-la-ni (dharani) bằng gạch gọi là cột ‘Xuân Sơn’ dựng phía trước Phật viện gần một ao sen vuông lớn nằm về hướng đông của phức hợp đền-tháp; ao sen này ngày nay vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn.
Ngoài những thông tin xác thực được nêu lên trong minh văn Đồng Dương, những tôn tượng chính của di tích góp phần chủ yếu để xác định tính chất tín ngưỡng đặc thù của Phật viện này. Cho đến nay, chỉ có ba pho tượng Phật lớn được phát hiện ngay tại phế tích, gồm một tượng Phật đứng bằng đồng [Hình 3]; một tượng Phật ngồi trên ngai với hai chân song song đặt vuông góc mặt đất bằng sa thạch [Hình 4]; và một tượng Phật ngồi thủ ‘trí huệ ấn’ cũng bằng sa thạch [Hình 5].
Hình 2. Tháp ‘Trung tâm’ hay ‘Tháp sáng’ hiện chỉ còn mảng tường phía tây. Ảnh Trần Kỳ Phương.
Tam bộ và tam tượng Tối thắng tôn
Minh văn An Thái, ký hiệu C.138 có niên đại 902, là minh văn Chàm duy nhất cung cấp thông tin về pháp hành/nghi quỹ (sadhanas) của Phật giáo Champa. Đồng thời để định danh cho tôn tượng của ba vị Phật chính phát hiện tại di tích Đồng Dương, nội dung của minh văn An Thái sẽ là cơ sở đối chiếu. Theo đó, Mật tông Champa nhấn mạnh một hệ thống thờ tam vị Tối thắng tôn (Jina) tức là Phật hay Như Lai, gồm Thích-ca Như Lai, A-di-đà và Đại Nhật, các ngài đã gia trì ba tối thắng xứ hay tịnh xứ (jinalayah) là Kim Cang giới, Liên Hoa giới và Pháp Luân giới để thể hiện thể tánh Không, Đại Không và Siêu việt Không.
Có thể so sánh ba tối thắng xứ trong bia An Thái với Tam bộ (Trikula) trong Thai tạng giới mạn-đà-la của Mật tông Kim Cang thừa, như sau:
- Kim Cang bộ = Kim Cang giới được gia trì bởi Thích-ca Như Lai;
- Liên Hoa bộ = Liên Hoa giới được gia trì bởi A-di-đà Như Lai;
- Phật bộ = Pháp Luân giới được gia trì bởi Đại Nhật Như Lai.
Hình 3. Tượng Thích-ca Như Lai bằng đồng. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Trần Kỳ Phương.
Hình 4. Tượng A-di-đà Như Lai bằng sa thạch. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. Ảnh Ch. Carpeaux/EFEO, 1902.
Hình 5. Tượng Đại Nhật Như Lai thủ ‘trí huệ ấn’, bằng sa thạch, phát hiện tại di tích Đồng Dương năm 1902, nay đã mất. Ảnh Ch. Carpeaux/EFEO, 1902.
Trong Kim Cang thừa có hai mạn-đà-la chính gọi là ‘Kim Thai Lưỡng bộ’ được thiết lập để thực hành nghi thức quán đỉnh đó là Thai tạng giới mạn-đà-la và Kim Cang giới mạn-đà-la. Tương hợp với Thai tạng giới, thiên về Tam bộ, là Kim Cang giới thiên về Ngũ bộ, trong đó bao gồm Phật bộ do Đại Nhật Như Lai làm bộ chủ, Kim Cang bộ do Bất Động Như Lai làm bộ chủ, Bảo bộ do Bảo Sanh Như Lai làm bộ chủ, Liên Hoa bộ do A-di-đà Như Lai làm bộ chủ, và Nghiệp bộ do Bất Không Thành Tựu Như Lai làm bộ chủ. Thai tạng giới mạn-đà-la, tượng trưng cho Đại Bi; còn Kim Cang giới mạn-đà-la, tượng trưng cho Đại Trí là hai bánh xe vận chuyển cỗ xe Đại thừa.
Tam bộ của Thai tạng giới mạn-đà-la Đồng Dương
Dựa theo sự phân bố tổ hợp đền-tháp của di tích Đồng Dương, được thể hiện bằng bình đồ kiến trúc của Parmentier, đối chiếu với nội hàm của một Thai tạng giới mạn-đà-la, Tam bộ của mạn-đà-la này đã được các kiến trúc sư Champa đương thời thiết kế theo một bố cục giản lược hơn cho phù hợp với cấu trúc của Phật viện Quán Thế Âm Laksmindra như sau:
Phật bộ, gồm ba ngôi đền lớn ở trung tâm, thuộc hàng dọc, xét theo trục tây-đông: [1] Phật đường chính hay ‘Tour principale’ nơi thờ tôn tượng Thích-ca; [2] Tháp Trung tâm hay ‘Tour central’ (Tháp sáng) nơi thờ tôn tượng A-di-đà đặt chính giữa, cả hai thuộc Khu I nằm về phía tây di tích; và, [3] Giảng đường lớn nơi thờ tôn tượng Đại Nhật thuộc Khu III nằm về phía đông di tích.
Liên Hoa bộ, thuộc hàng ngang trên trục bắc-nam, gồm Quán Âm viện là tháp Bắc hay ‘Tour nord’ nằm về phía bắc Phật đường chính, thể hiện Đại Bi. Trong viện này, đức Quán Thế Âm hay Liên Hoa Thủ là viện chủ. Mặc dầu cho đến nay chưa tìm thấy tôn tượng nào của đức Quán Thế Âm tại Khu I, tuy nhiên pho tượng đồng kiệt tác của Lục Độ mẫu hay Syama Tara, phát hiện tại Đồng Dương năm 1978, là minh chứng sinh động cho sự hiện hữu của ngài trong viện này. Theo kinh Đại Nhật, Bồ tát Tara sinh ra từ nước mắt của đức Quán Thế Âm, vì thế, trong Quán Âm viện, Tara được bài trí về phía sau Quán Thế Âm. Ngoài ra danh hiệu của Quán Thế Âm cũng được xưng tụng trong minh văn An Thái.
Kim Cang bộ, thuộc hàng ngang trên trục bắc-nam, gồm Kim Cang Thủ viện là tháp Nam hay ‘Tour sud’ nằm về phía nam Phật đường chính, thể hiện Đại Trí. Trong Kim Cang Thủ viện, ngài Kim Cang Thủ là viện chủ, danh hiệu của ngài được xưng tụng trong minh văn An Thái.
Tam thân Phật và mật chú ‘Oṃ Maṇipadme Hūṃ’ của Quán Thế Âm mạn-đà-la
Xét về Tam thân Phật (trikāya) thì cách bài trí của Phật viện Quan Thế Âm Đồng Dương bao gồm, Pháp thân Phật là Đại Nhật Như Lai; Thọ dụng thân Phật hay Báo thân Phật là A-di-đà Như Lai; và Ứng hoá thân Phật là Thích-ca Như Lai hay đức Phật lịch sử. Tổ hợp kiến trúc của Đồng Dương được bài trí theo tinh thần của Thai tạng giới mạn-đà-la, bao gồm cả Quán Thế Âm mạn-đà-la hay Đại Bi mạn-đà-la. Vì vậy đức A-di-đà ngự ở trung tâm mạn-đà-la; đức Đại Nhật ngự ở phương đông; và đức Thích-ca ngự ở phương tây. Trong mạn-đà-la Đồng Dương, Phật Thích-ca thay thế cho Phật Bất Động hay Phật A-súc-bệ ngự ở phương tây, vì đức Bất Động là Thọ dụng thân Phật hay Báo thân Phật nên có thể hoán chuyển bằng đức Thích-ca là Ứng hoá thân Phật, bởi vì tất cả chư Phật đều có Tam thân Phật là Pháp thân, Thọ dụng thân hay Báo thân, và Ứng hoá thân. Hơn nữa, có thể suy luận rằng, mạn-đà-la Đồng Dương chính là cõi Tịnh độ của A-di-đà nên ngài toạ lạc ở trung tâm cảnh giới này để thuyết pháp.
Trong truyền thống kinh chú Bí mật tập hội, mật chú nổi tiếng xưng tụng Bồ tát Quán Thế Âm là Oṃ Maṇipadme Hūṃ, bao hàm đủ ‘tam mật’ là Thân, Khẩu, Ý hay Hành, Ngữ, Ý. Theo đó, Đại Nhật Như Lai chủ về Thân/Hành mật, chủng tự (bija) là Oṃ thuộc âm đầu; A-di-đà Như Lai chủ về Khẩu/Ngữ mật, chủng tự là Āḥ thuộc âm giữa; và Bất Động Như Lai hay Thích-ca Như Lai chủ về Ý mật, chủng tự là Hūṃ thuộc âm cuối. Vì thế, Maṇipadme tương đương với chủng tự Āḥ của A-di-đà Như Lai ở trung tâm của cõi Tịnh độ. Do đó, có thể luận rằng, tam tôn tượng Phật của mạn-đà-la Đồng Dương, nơi Bồ tát Quán Thế Âm Laksmindra-[Lokesvara] là thần chủ, được bài trí thứ tự theo tinh thần của mật chú Oṃ Maṇipadme Hūṃ, như sau: Oṃ hay Đại Nhật Như Lai, phương đông; Maṇipadme [Āḥ] hay A-di-đà Như Lai, phương trung tâm; Hūṃ hay Thích-ca Như Lai/Bất Động Như Lai, phương tây.
Tứ đại Minh vương của Phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương
Cũng theo nội dung của Thai tạng giới mạn-đà-la, Khu II của di tích Đồng Dương có thể là Trì minh viện. Viện này bài trí tôn tượng của Tứ đại Minh vương bao gồm Đại uy đức Kim Cang [Hình 6]; Bất động Minh vương; Hàng tam thế Kim Cang; và Thắng tam thế Minh vương. Bốn vị này là hoá thân của đức Đại Nhật Như Lai, được bài trí trong bốn hốc tường tại các góc phía nam và phía bắc của Tháp cổng Khu II và của Tháp cổng Khu III. Các ngài đứng trên bốn con linh thú tiêu biểu, đối diện nhau, đều hướng về phương đông.
Hình 6. Tôn tượng Đại uy đức Kim Cang hay Yamāntaka. Ngài đứng trên một con trâu, tay phải cầm chuỳ, tay trái thủ vô uý ấn. sa thạch, cao 216 cm. Hiện được bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh Ch. Carpeaux/EFEO, 1902.
Như vậy mặc dầu được giản lược cho phù hợp với thiết kế kiến trúc của một Phật viện, mạn-đà-la Đồng Dương vẫn thể hiện được những nội dung chính của Thai tạng giới mạn-đà-la bao gồm những viện chủ yếu của mạn-đà-la này dựa theo hướng dẫn trong những kinh văn nòng cốt của Mật tông.
Vào thế kỷ 8-10 tại Trung Hoa và Nhật Bản, Kim Cang giới mạn-đà-la và Thai tạng giới mạn-đà-la, hay Kim Thai Lưỡng bộ, được thiết lập phối hợp với để thực hành các nghi thức quán đỉnh. Còn tại Đông Nam Á, trong những di tích Phật giáo Mật tông, Thai tạng giới mạn-đà-la được thiết kế phối hợp với Kim Cang giới mạn-đà-la, tiêu biểu là những ngôi đền Mật tông quan trọng ở đồng bằng Prambanan miền trung Java, Indonesia, là Candi Borobudur và Candi Mendut. Như vậy, sự phối hợp Kim Thai Lưỡng bộ là một hiện tượng phổ biến tại các quốc gia Mật tông ở châu Á được thực hiện bởi sự hướng dẫn trực tiếp của chư tổ và được sự bảo trợ của hoàng gia sở tại.
Tạm kết
Theo thánh sử Mật tông, Bồ tát Long Thọ được kế thừa các thánh điển Mật giáo từ đức Kim Cang Tát Đoả Như Lai trong một ‘Tháp Sắt’ tại Nam Ấn, sau đó ngài đã trao truyền các kinh điển này cho Long Trí. Vào thế kỷ 8 những vị tổ Mật tông như Kim Cang Trí, Bất Không Trí và Trí Huệ đã từ Nam Ấn đến Đông Nam Á và Trung Hoa để truyền dạy Mật tông; và cũng từ đây các ngài đã trở lại Nam Ấn hoặc Sri Lanka nhiều lần để tiếp tục thỉnh kinh. Tại đó, các ngài đã được truyền dạy những kinh điển quý hiếm như kinh Đại Nhật và kinh Kim Cang đỉnh; và được thụ lễ quán đỉnh bởi chư tổ Mật tông.
Những chuyến hải trình dài ngày từ Nam Ấn đến Trung Hoa, thường bị chậm trễ vì gió mùa đầy chướng ngại, vì thế các nhà hành hương Phật giáo đã phải lưu trú tại các vương quốc có hải cảng thiết lập dọc theo các vùng duyên hải, và truyền đạt tư tưởng Mật tông đến những cộng đồng Phật tử sinh sống nơi đây. Cùng thời với sự phát triển các tuyến hàng hải nối kết giữa Nam Á và Đông Á, hệ thống cảng-thị Champa đã cung cấp những trạm lưu trú lý tưởng, tiếp tế thực phẩm và nước ngọt cũng như các mặt hàng lâm thổ sản cao cấp cho các hải đoàn. Từ thế kỷ 7-10, hệ thống hàng hải đã thiết lập những mối liên kết giữa các vương quốc Khmer, Champa, Java, bán đảo Mã Lai với Trung Hoa. Ngoài ra, Phật giáo Mật tông cũng đã đóng một vai trò tích cực trong việc thiết lập những mối liên kết chính trị và thương mại chặt chẽ giữa những địa phương của vùng Đông Nam Á. Vì thế việc giải mã Phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương là thể hiện mạn-đà-la Mật tông sẽ mang lại ánh sáng mới để soi chiếu vào những hoạt động sôi nổi của Phật giáo Champa, vào thế kỷ 9-10, trong thời kỳ sinh động nhất của những trào lưu Phật học được truyền bá rộng rãi khắp châu Á đương thời.
T.K.P và N.T.A
Tài liệu tham khảo
Acri, Andrea, Roger Blench and Alexandra Landmann (2017), Spirits and Ships: Cultural transfers in early moonson Asia. Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute Publishing.
Chou, Yi-liang (1945), ‘Tantrism in China’, Harvard Journal of Asiatic Studies (Vol. 8, No. 3/4, Mar., 1945): 241-332.
Chutiwongs, Nandana (2005), ‘Le Bouddhisme du Campā’, Trésors d’art du Vietnam: La sculpture du Campā, V-XV siècles (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zéphir): 65-87. Paris: Musée Guimet.
Grotenhuis, Elizabeth (1999), Japanese Maṇḍalas Representations of Sacred Geography. Honolulu: University of Hawai'i Press.
Huyền Thanh (soạn dịch) (2010), Thai tạng giới man đà la. Hà Nội: Nxb. Phương Đông.
Kiyota, Minoru (1978), Shingon Buddhism: Theory and Practice. Los Angeles-Tokyo: Buddhist Books International.
Mabbett, Ian (1986), ‘Buddhism in Campā’, Southeast Asia in the 9th to 14th centuries (eds. David G. Marr and A. C. Milner): 289-313. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.
Majumdar, R. C. (1927), Campā: history and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East 2th -16th centuries AD. Dehli: Gian Publishing House.
Missions archéologiques françaises en Annam: les monuments du Campā (2005). Paris: Les Indes Savants-Musée Guimet.
Parmentier, H. (1909), Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam: vol. I. Description des monuments. Paris: Leroux (Publications de l’École française d’Extrême- Orient 11).
Sharrock, Peter D. and Emma C. Bunker (2016), ‘Seeds of Vajrabodhi: Buddhist Rituals Bronzes from Java and Khorat’, Esoteric Buddhism in Mediaeval Maritime Asia: Networks of Masters, Texts, Icons (eds. Andreas Acri): 237-252. Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute.
Snodgrass, Adrian (1985), The Symbolism of the Stūpa. Ithaca: SEAP, Cornell University.
Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh (2022a), ‘Nghệ thuật Phật giáo Mật tông Champa trong bối cảnh Đông Nam Á thế kỷ IX-X: Khảo cứu ngẫu tượng Vajrapani thờ tại hang động Non Nước-Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng’, Hương Tích: Phật học Luận tập, tập 9/2022: 73-108.
Tuệ Sỹ (dịch) (2008), Tinh hoa Triết học Phật giáo (Việt dịch tác phẩm ‘The Essentials of Buddhist Philosophy’ của Junjiro Takakusa, Asia Publishing House, New Delhi 1956). Hà Nội: Nxb. Phương Đông.
Tuệ Sỹ (2016), Tuệ Sỹ văn tuyển (Tập I: Phật học; sưu tập Hạnh Viên). Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.
Wayman, Alex and R. Tajama (1992), The Enlightenment of Vairocana. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.
Woodward, Hiram (2011), ‘The Temple of Dong Duong and the Kārandaravyūha-Sūtra’, Beyond the Eastern Horizon: Essays in Honour of Prof. Lokesh Chandra. Satapitaka Series, Vol. 68: 33-42.