Độc đáo tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh

03.07.2023
Nguyễn

Độc đáo tranh Thủ ấn họa  của Duy Ninh

Chân dung họa sĩ Duy Ninh.

Thủ ấn họa, một thuật ngữ chuyên môn trong nghệ thuật tạo hình tương đối còn khó hiểu đối với một số người, bởi thuật ngữ này ít được phổ biến do rất hiếm họa sĩ thể nghiệm khai phá phương pháp sáng tác này. Thủ ấn họa ở Việt Nam là một phương pháp sáng tác tranh có nguồn gốc vào năm 1953 được họa sĩ Tú Duyên khai sáng. Ông sinh năm 1915 tại làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Là một họa sĩ thuộc lớp họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, bạn học cùng thời với họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc. Ông sở trường về tranh khắc gỗ. Tác phẩm của ông là một cách tân từ tranh mộc bản dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống…

Tranh Thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên, được khắc trên mặt các bản gỗ, âm dương, rồi phủ màu và dùng tay xoa, ấn, vuốt lên giấy, đặc biệt là lụa, tạo đậm nhạt, sáng tối cho bức tranh, khác với tranh mộc bản truyền thống, in bằng trục lăn, đều màu… Tranh của ông thường lấy cảm hứng từ các nhân vật là anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt, từ trong ca dao, các tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm… Tranh Thủ ấn họa của ông được xem là tranh khắc gỗ độc bản. Với một vài bản khắc nét, khắc màu, ông đã tạo ra nhiều sắc độ màu trên tranh qua kỹ thuật và bàn tay điêu luyện của mình, nên một đề tài có hàng chục bức cũng không có bức nào giống nhau… Mỗi bức được đánh số từ 1 đến 20, 30. Tranh Thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên đã được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước lưu giữ.

Tại thành phố Đà Nẵng có họa sĩ Duy Ninh nổi tiếng về dòng tranh Thủ ấn họa nhưng về kỹ thuật và phương pháp sáng tác lại rất khác biệt với tranh Thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên.

Tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh với thủ pháp in - vẽ, vẽ - in lặp lại nhiều lần trên một mặt phẳng, không hạn chế phải là bản gỗ với các bản khắc âm dương. Bản khắc rất đa dạng, có thể là giấy bìa, vải, plastic, kính… không cần phải là bản gỗ như truyền thống để mỗi tranh có nhiều phiên bản; mà thường chỉ một tác phẩm cho một bản khắc, bởi màu vẽ rất mỏng được phủ lên trên mặt bản in không có độ sâu như bản khắc gỗ… Chính việc sử dụng bản khắc đặc biệt này là không khắc sâu trên mộc bản, mà bản in chỉ là lớp màu in mỏng và hình vẽ được tạo ra các nét khắc, tẩy xóa bằng dao, bay, các họa cụ tự chế làm nên sự khác biệt của kỹ thuật tranh Thủ ẩn họa của họa sĩ Duy Ninh. Hơn thế nữa, kỹ thuật và phương pháp Thủ ấn họa của Duy Ninh còn đòi hỏi chất liệu màu in phải được nghiên cứu, điều chế, pha trộn thích hợp, tùy vào mỗi tác phẩm có độ đậm nhạt, khô ướt, lan tỏa khác nhau để tạo ra hiệu ứng, không gian, nhịp điệu… cho từng tác phẩm.

Ngoài phương pháp dựng hình truyền thống, bố cục theo phác thảo để khắc, vẽ… Tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh phần lớn không phải calque hình, sắp xếp bố cục trước, mà tất cả đều đã được hình dung, định trước hoặc thả rong tư duy hình tượng để rồi hình thành và biến đổi theo cảm xúc cùng nét khắc, sắc màu… Đây là một thủ pháp độc đáo. Tác phẩm được sáng tạo qua ý tưởng có khi được suy nghiệm qua một thời gian dài, hoặc chợt đến trong phút chốc khi cảm xúc dâng trào. Nhiều tranh, có khi phải vẽ, in đi in lại hàng chục lần, nhưng cũng có tranh chỉ một vài lần chỉnh sửa là hoàn thành.

Tầm nhìn, bản lĩnh năng tác giả bộc lộ trong chọn lựa điểm dừng để kết thúc, hoàn thành tác phẩm.

Qua những lần triển lãm, tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh đã được ghi nhận: …“Kỹ thuật Thủ họa của Duy Ninh khai thác những bất ngờ trong đường nét, bố cục màu, có thể nói với sự thả rong tư duy hình tượng, anh đã đạt được một thế giới có chiều sâu tư tưởng”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận xét: “Xem tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh tôi cảm nhận ba yếu tố tối ưu, luôn cố gắng thu gọn để ẩn mật công phá trong tranh của anh, đó là: Bố cục chặt chẽ, chi tiết đường nét tinh tế và màu sắc tương biệt, thấu cảm. Ba yếu đó trong một bức tranh đã tạo ra thế chân vạc, cộng với sự tiết chế kiềm nén tối đa… Nhưng cảm nhận thế mà phân tích vào mỗi đường nét tranh Duy Ninh không hề dễ. Dường như tất cả những gì đa đoan, phức tạp của cõi người, hay linh ẩn, huyền nhiệm từ vũ trụ mà tâm hồn anh nhận biết quy nạp và thu lực nén xả qua mỗi bức tranh. Trên mỗi nét khắc, mảng màu, dài ngắn, lớn nhỏ, của tranh các kích chiều tương hợp được căng ra đau đớn, quặn thắt và lộng lẫy”1

Tác giả Huyền Trang cũng nhận định về sự độc đáo của tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh: “Tranh Thủ ấn họa của Duy Ninh khó lẫn cùng ai, do lối vẽ, cách pha màu, đặt chủ đề, biến tấu sắc màu độc đáo... Dường như, Duy Ninh tung hứng như nhiên, thời điểm bố cục thay đổi một cách tinh tế, phong phú qua kỹ năng chạm khắc, khai phá thủ pháp của chính mình”2

Thủ ấn họa ở Việt Nam được rất ít họa sĩ nghiên cứu, sử dụng; và khi trưng bày trong các cuộc triển lãm được ghi là tranh in độc bản, thường dịch là Monoprint hay Hand Printed chỉ dành cho nghệ thuật đồ họa… Với Duy Ninh tranh Thủ ấn họa là tranh độc bản, cũng là khắc bằng tay (Thủ), cũng in (ấn) nhưng còn có thêm vẽ (họa) nữa, và chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại.

Có thể nói, tranh Thủ ấn họa Duy Ninh bên ngoài, phần xác là đồ họa, bên trong, phần hồn là hội họa. Kỹ thuật và thủ pháp hòa quyện trong mỗi tác phẩm làm nên nét độc đáo nghệ thuật sáng tạo này…

Cái hay của Thủ ấn họa là khi mới nhìn tranh, ta nhận được qua từng đường nét, vết cào xước, đậm nhạt của màu, độ buông thả của hình, thẳm sâu của không gian như một tác phẩm đồ họa. Khi ngắm kỹ, từng chi tiết, hình thể, đường nét, màu sắc và hòa hợp, chuyển động của bố cục, hình tượng, ta chợt nhận cái tinh túy, hồn vía của một tác phẩm hội họa.

Nói cách khác, khái niệm Đồ họa trong tranh Duy Ninh được phá vỡ bởi kỹ thuật và phương pháp Thủ ấn họa để thăng hoa thành một tác phẩm hội họa… Chúng ta cần ghi nhận sự sáng tạo này như một đóng góp vào ngôn ngữ, chất liệu mới cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.

N

Một số tác phẩm Thủ ấn họa của Duy Ninh:

Một cõi người (Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, 56 x 65 cm). 2019.

Tình yêu biển cả (Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, 55 x 110 cm).

Đối bóng (Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, 65x85 cm).

Cổng XXI (Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 60 x 90 cm).

Thiên thần XXI (Tranh Triển lãm Khu vực miền Trung & Tây Nguyên, 60 x 80 cm).

Biến đổi gen (Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, 55 x 75 cm).