Cùng Nguyễn Nho Khiêm tìm lại mùa xuân…

03.07.2023
Phong Lan

Cùng Nguyễn Nho Khiêm tìm lại mùa xuân…

Nhà báo Phong Lan vừa có buổi trao đổi với nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm về 2 bài thơ “Tìm lại mùa xuân”,  “Rượu xuân” và một số nội dung về thơ, sáng tác thơ hiện nay. Tạp chí Non Nước gửi đến các bạn bài trao đổi này.

1. Tìm lại mùa xuân trong anh đã mất…

* PHONG LAN: Trong những năm qua, anh là một trong những nhà thơ của Đà Nẵng sáng tác rất đều tay. Thơ Nguyễn Nho Khiêm xuất hiện nhiều trên báo chí, trên các trang mạng xã hội. Các tập thơ xuất bản gần đây của anh cũng được nhiều bạn đọc chú ý, anh có thể chia sẻ về những tập thơ anh đã xuất bản trong thời gian qua?

* Trả lời: Đến nay tôi đã xuất bản 5 tập thơ: Tập thơ đầu tôi in năm 1994 với tên Khói Tỏa Về Trời, lúc bấy giờ tôi tuổi ngoài 30. Mười năm sau, năm 2004 tôi mới in tập thứ 2, tập thơ có tên Bên Ngoài Cánh Đồng. Tiếp theo là tập Nắng Trên Đồi, 2011. Năm vừa qua tôi in liên tiếp 2 tập thơ: Bên Cửa Sổ và Biến Thể. Trong đó, tập “Biến Thể” tôi viết về dịch bệnh Covid và thiên tai, lũ lụt. Tập thơ này được Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng trao giải thưởng năm 2022.

* PHONG LAN:  Với bài thơ “Tìm lại mùa xuân”, anh sáng tác trong thời điểm nào và anh có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ này?

* Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin đọc lại bài thơ này:

TÌM LẠI MÙA XUÂN

Anh  muốn tìm em

tìm lại mùa xuân trong anh đã mất

cầm bàn tay ấm áp trên ngực

tìm lại những ngày đánh mất suối

sông trôi

 

Anh muốn ngồi lặng im bên em

để nghe một làn gió thổi

làn gió ấy từ tương lai thổi về hay từ

quá khứ thổi đến

hay từ em hương sắc mùa xuân.

 

Anh muốn cùng em đi dọc bờ biển

 mặc sóng xoá những dấu chân qua

 để thấy cuộc sống thật ngắn ngủi

và tình yêu vô cùng

để quên đi những điều vặt vãnh.

 

Anh muốn cùng em nằm trên bãi cát

ngắm bầu trời

để thấy biển ngoài kia nhỏ nhoi

hát mãi giai điệu cũ

này em, biển cô đơn quá!

 

Rồi đến một ngày

cát bụi mù trôi

anh ở đâu, em ở đâu?

câu thơ mọc cánh bay đi không nhìn

thấy gì nữa.

 

Bài thơ này không chỉ là bài thơ tình đơn thuần, mà qua đó tôi muốn giãi bày, chia sẻ về hạnh phúc trong tình yêu, hạnh phúc của đời người. Phía sau bài thơ đau đáu một câu hỏi: Làm thế nào để cuộc sống của mỗi chúng ta có được hạnh phúc, giữ được hạnh phúc vững bền.

Bài thơ mở đầu: “Anh muốn tìm em/ tìm lại mùa xuân trong anh đã mất”. Một thời gian dài, tôi có cảm giác rằng tôi luôn chạy đi tìm một điều gì đấy thiêng liêng như Mùa Xuân, như Tình Yêu phía trước để lấp đầy bao khoảng trống trong lòng mình, để xoa dịu bớt những ngày sống trần trụi của đời mình. Nhưng tôi đã không tìm thấy nó. Nó như chiếc bóng mãi phía xa mờ.

Cuộc sống của mỗi người chung quanh tôi cũng vậy, thời gian càng đi qua, ai cũng ngoái lại nhìn và thảng thốt như vừa đánh mất điều gì lớn lao. “Đánh mất mùa xuân” là một cảm giác, một cách nói khi ta sống mà thiếu tình yêu, hạnh phúc đích thực. “Anh muốn tìm em” là một khát vọng. Từ Em ở đây, không hẳn là một người cụ thể, mà tôi muốn độc giả nghĩ đến một nghĩa bóng khác, đấy là tìm hạnh phúc của mỗi người.

 * PHONG LAN:  Như vậy thì bài thơ này có gắn với kỷ niệm đáng nhớ nào của anh không thưa anh? Anh chia sẻ thêm đôi điều  về bài thơ này.

* Trả lời: Nhà tôi ở gần biển Mỹ Khê xinh đẹp. Mỗi sáng, mỗi chiều tôi thường đến ngồi với biển, đi dạo cùng biển và tắm trong biển. Biển với tôi như là người bạn tri âm, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ. Mỗi ngày bên bãi biển có bao đôi lứa hẹn hò, bao tình yêu nảy nở, bao hạnh phúc sinh thành… Từ những cảm xúc đó tôi đã viết bài thơ “Tìm lại mùa xuân” với khát vọng cháy bỏng về một tình yêu đẹp, tình yêu cứu rỗi tâm hồn con người.

Anh muốn cùng em đi dọc bờ biển

mặc sóng xoá những dấu chân qua

để thấy cuộc sống thật ngắn ngủi

và tình yêu vô cùng

để quên đi những điều vặt vãnh.

Điều đáng sợ nhất của đời người là cứ tiếc nuối những gì đã qua, quá khứ sân hận, buồn đau cứ sống dậy phá hết giây phút tươi đẹp của hiện tại, làm hư hỏng quả hạnh phúc đang cầm trên tay. Hoặc “những điều vặt vãnh” cứ bu bám theo mỗi người làm tàn lụi giấc mơ.

Bài thơ “Tìm lại mùa xuân” sau khi viết xong một thời gian, tôi cho in trên tạp chí Văn nghệ, sau đó in trong tập thơ “Nắng trên đồi” năm 2011. Bài thơ này được nhạc sĩ Thu Thủy phổ nhạc. Bài hát được chính nhạc sĩ Thu Thủy đệm ghi ta và hát suốt nhiều năm qua trong các buổi sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ.

Tôi rất thích bản phổ nhạc của nhạc sĩ Thu Thủy. Nhạc sĩ vừa trung thành với ý tưởng của bài thơ, đồng thời âm nhạc đã “đồng sáng tạo” cùng thơ, đã nhấn mạnh thêm, thôi thúc mỗi người “Tìm lại” chính mình, tìm lại những gì thiêng liêng, quý báu đã bị mất trong đời sống của mình.  

Tôi có nhiều cảm xúc khi viết bài thơ này, trước hết là những niềm rung động sâu xa qua bao nhiêu năm ngồi với biển quê nhà. Lúc nào đến với biển tôi cũng thấy biển thật đẹp và tôi gửi cùng ngọn gió biển chiều, những con sóng biển dịu dàng và mặt biển xanh kia những câu thơ đẹp, những tình yêu nồng thắm.

Khi viết bài thơ “Tìm lại mùa xuân” tôi luôn tin rằng, khi đi dọc bờ biển cùng em, gió từ biển sẽ mang những nỗi buồn của cuộc đời đi xa. Khi bước chân xuống biển tắm cùng làn nước xanh cùng con sóng trắng sẽ giúp mình giũ sạch đi bụi bặm, xoa dịu nhọc nhằn giúp chúng ta sống đẹp hơn, tươi mới hơn.

Tôi mong truyền đến cho độc giả những cảm xúc này, thông qua bài thơ Tìm lại mùa xuân.

* PHONG LAN: Một câu hỏi hơi riêng tư một chút, anh đã tìm cách nào để thu thập ý tưởng và cảm hứng cho các tác phẩm thơ của mình?

Nhà thơ thì thường được coi là những người có tầm nhìn đặc biệt, nhạy cảm và sáng tạo, có khả năng sử dụng ngôn từ một cách tinh tế và tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Để công chúng hiểu được ngôn từ trong thơ đôi khi cũng rất khó và Phong Lan nghĩ rằng trong thi ca thì thường là cảm nhận riêng của mỗi người…

 Anh  muốn tìm em

tìm lại mùa xuân trong anh đã mất

cầm bàn tay ấm áp trên ngực

tìm lại những ngày đánh mất suối

sông trôi

 Anh muốn ngồi lặng im bên em

để nghe một làn gió thổi

làn gió ấy từ tương lai thổi về hay từ

quá khứ thổi đến

hay từ em hương sắc mùa xuân…

Phong Lan cảm thấy những khổ thơ này đang diễn tả một khao khát không thể thực hiện được. Và thực tế thì trần trụi, đang trượt dài qua ngày tháng. Trong chính khoảnh khắc này, người đàn ông trong thơ đang cô đơn đến cùng cực và cảm thấy bất lực trước thực tại chăng?

* Trả lời: Vẻ đẹp trong cuộc sống thường ngày là nguồn cảm xúc và hình thành ý tưởng để tôi viết những bài thơ. Nhưng vẻ đẹp ấy rất tinh tế và gõ cửa tâm hồn ta rất nhẹ nhàng. Làm sao nắm bắt được vẻ đẹp ấy? Trước hết người làm thơ phải biết lắng nghe âm thanh đời sống, và để lòng mình thật trong trẻo, tinh khôi.

Từ cảm xúc đến việc hình thành một bài thơ cần nhiều yếu tố nữa, song điều cơ bản nhất là để có bài thơ hay thì cảm xúc phải thật và câu chữ phải từ đáy lòng mình chảy ra.

Tình yêu đánh mất có tìm lại được không? Hạnh phúc đánh mất có tìm lại được không? Tôi vẫn tin là sẽ tìm lại được. Vì cuộc sống nghĩ cho kỹ nó luôn công bằng, không có ai hạnh phúc mãi mãi, cũng không có ai bất hạnh trọn đời.

Những câu thơ mở đầu ấy tôi muốn gợi lên một khát vọng hạnh phúc hiện hữu trong tầm tay ngay trong hiện tại, ngay trong đời sống hôm nay từ “em hương sắc mùa xuân”.

Bài thơ này gắn với cảm xúc, và tình cảm cá nhân qua đó bài thơ muốn chia sẻ cùng độc giả: Cái còn lại trên cuộc đời này và có thể sẽ mang theo qua thế giới bên kia là Tình Yêu thương. Cuộc sống đánh mất Tình yêu thương là một cuộc sống buồn và nghĩ kỹ nó vô nghĩa lắm. Chẳng lẽ chúng ta đến trái đất này để vất vả kiếm tiền và lo toan thôi sao?

Cảm ơn Phong Lan đã hiểu thông điệp tôi muốn gửi gắm trong bài thơ. Trong bối cảnh của bài thơ có một “người đàn ông đang cô đơn đến cùng cực” tuy nhiên người đàn ông ấy vẫn tin có một ngày họ gặp được tình yêu thương hằng mong đợi.

2. Anh rót xuân thành rượu/ Em trót rượu thành xuân…

* PHONG LAN:  Phong Lan rất tâm đắc bài thơ Rượu Xuân của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm:

Em rót rượu hồng đào

Đà Nẵng nắng xuân thơm

Rượu hồng và môi đỏ

Cháy thắm chiều cuối năm.

 

Rượu hồng đào em rót

Sơn Trà xốn xang mây

Nước sông Hàn hóa rượu

Và lòng ai ngất ngây.

 

Dòng sông yêu xanh chảy

Tóc em dậy hương đồng

Qua bến bồi bến lở

Em gương phố lòng sông!

 Anh rót xuân thành rượu

Em rót rượu thành xuân

Đà Nẵng, em và anh

Chung nhau ly rượu mừng!

 Thưa anh! Xuất phát từ ý tưởng nào thôi thúc anh viết bài thơ Rượu xuân?

* Trả lời: Bài thơ này tôi mượn rượu Hồng Đào để nói về những cơn say thăng hoa. Và dưới một góc nhìn khác, những giấc say này không phải là say vì rượu thường tình, mà say từ hương men rượu có trong sông núi quê nhà, có trong tình yêu.

Từ nhỏ tôi rất tâm đắc câu ca dao “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm? Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”. Bốn chữ chưa nhấm đà say đã làm cho câu ca dao lung linh, khác lạ mà còn làm cho rượu Hồng Đào hiện lên vừa thực vừa hư, vừa như loại rượu gần gũi thưởng thức hằng ngày, vừa như loại rượu quý hiếm không dễ gì có được.

Vậy rượu Hồng Đào là rượu gì? Đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đã đi sâu tìm hiểu mà cũng chưa ngã ngũ.

Theo tôi, rượu Hồng Đào xuất phát từ một loại rượu cụ thể được chế biến, sử dụng trong dịp lễ tết đã được dân gian nâng lên thành một loại rượu mang tính biểu tượng của tình nghĩa, của yêu thương.

Xuất phát từ rượu Hồng Đào trong câu ca dao trên, tôi đã viết bài thơ Rượu Xuân.

* PHONG LAN: Tại sao anh lại chọn tên bài thơ là Rượu xuân thưa anh?

* Trả lời: Một hôm vào dịp cuối năm, bạn bè muốn có một buổi tất niên. Lúc bấy giờ, năm 1997, đời sống còn nghèo, có một em gái đem rượu tự pha chế ở nhà đến góp vui. Rượu màu hồng trong chai thủy tinh, khi em rót ra ly có màu sóng sánh rất đẹp, uống thơm ngon. Tôi chợt nghĩ có lẽ đây là một loại rượu Hồng Đào chăng?

Từ cảm xúc thực tế đó, tôi đã viết bài thơ này, viết rất nhanh trong một dòng cảm xúc.

Bài thơ này tôi viết trong những ngày rạo rực đón xuân mới, đó là mùa xuân trong thời điểm thực, nhưng chữ Xuân trong “rượu xuân” có nghĩa rộng hơn, đó là vẻ đẹp mê say của dòng sông Hàn, của ngọn núi Sơn Trà, và của tình yêu trong lòng người: Rượu hồng đào em rót/ Sơn Trà xốn xang mây/ Nước sông Hàn hóa rượu/ Và lòng ai ngất ngây…”

* PHONG LAN: Rượu Hồng Đào là loại rượu rất nổi tiếng của quê hương đất Quảng. Anh nghĩ sao về việc phản ánh văn hóa, truyền thống hoặc lịch sử trong tác phẩm của mình?

* Trả lời: Nhân đây tôi nói thêm về loại rượu Hồng Đào của xứ Quảng. Rượu Hồng Đào không phải là một thương hiệu rượu cụ thể của Quảng Nam xưa. Rượu Hồng Đào cũng không phải ngâm từ quả đào, vì xứ Quảng không phải là vùng đất có ưu thế phát triển đào. Ngày xưa người dân đều dùng rượu gạo, những tiệc tùng, giỗ quảy người ta cũng thường tặng nhau chai rượu gạo. Nhưng rượu cho lễ hỏi, lễ cưới chẳng lẽ cũng đi rượu trắng? Do đó, rượu cưới, người ta lấy rượu gạo ngâm với trái dâu hoặc các loại quả tương đương để có màu hồng. Cặp rượu hồng được bọc trong giấy hồng điều, bỏ trong trong cái “quả” làm lễ vật cưới hỏi. Loại rượu hồng đó được gọi là rượu hồng đào.

Ngày tôi cưới vợ năm 1988, tôi cũng đãi bạn bè bằng loại rượu hồng đào bằng cách pha màu cho rượu gạo trắng.

Những giá trị văn hóa truyền thống như thế sẽ được tiếp nối, chan hòa trong thơ tôi, để hình thành tứ thơ mới, ngôn ngữ mới phù hợp với dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ trong tâm thức dân tộc.

* PHONG LAN: Anh có thể giải thích rõ hơn về thông điệp mà anh muốn gửi gắm trong những câu thơ này:

 

Em rót rượu hồng đào

Đà Nẵng nắng xuân thơm

Rượu hồng và môi đỏ

Cháy thắm chiều cuối năm.

 

Rượu hồng đào em rót

Sơn Trà xốn xang mây

Nước sông Hàn hóa rượu

Và lòng ai ngất ngây

 

* Trả lời: Tôi viết những dòng thơ trên với lòng yêu tha thiết thành phố Đà Nẵng quê hương. Tôi thấy cả thành phố đã hiện lên trong “nắng xuân thơm”, sống trong thành phố ấy thật thú vị. Và tôi đã thấy những vẻ đẹp vô ngần từ những đám mây trên dãy núi Sơn Trà. Và với tình yêu trong mắt kẻ si tình, thấy dòng nước trong lòng sông Hàn hóa thành rượu chảy mênh mang…

Từ vẻ đẹp của thành phố, tôi muốn ca ngợi tình yêu. Đà Nẵng thành phố của tình yêu thơ mộng. Anh rót xuân thành rượu/ Em rót rượu thành xuân… cứ thế mà say.

* PHONG LAN: Anh nghĩ sao về vai trò của thơ trong cuộc sống của mỗi người và xã hội hiện đại ngày nay?

* Trả lời: Trong cuộc sống mỗi người trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người nghĩ rằng thơ không còn ai quan tâm. Nhưng thực ra đời sống xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì cuộc sống con người càng bận rộn bấy nhiêu, càng đánh mất những giá trị sống bấy nhiều. Ở các nước phát triển, nhiều ngươi lao vào sản xuất vật chất quá mức, có lúc đều đặn như một cỗ máy.

Làm sao cho con người tỉnh thức hơn, lắng sâu hơn, giàu có về đời sống tinh thần hơn; làm sao cho con người không tự đánh mất mình trong cơn bão phát triển khoa học công nghệ… Rất nhiều câu hỏi “làm sao” đó, tôi nghĩ thơ sẽ góp một phần nhỏ. Tôi tin, những câu thơ hay, những câu thơ thật thà sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con người xanh tươi hơn.

* PHONG LAN:  Có bao giờ anh trăn trở việc đưa thơ đến gần hơn với công chúng bằng các buổi giao lưu trực tiếp với khán giả, tác giả trực tiếp đọc thơ của mình và giữ được sự tập trung của họ trong suốt buổi đọc thơ?

* Trả lời: Trong những năm qua, các đơn vị xuất bản, các Hội văn học nghệ thuật, các nhà thơ… tổ chức nhiều hình thức giới thiệu thơ, giới thiệu tác phẩm mới đến với bạn đọc thông qua các buổi sinh hoạt trực tiếp.

Đây là hình thức cần thiết, cần tiếp tục phát huy. Tôi thấy các buổi sinh hoạt Thơ ở các Thư viện, các đường sách, các Câu lạc bộ, hoặc trong các quán cà phê… đều thu hút nhiều độc giả đến chia sẻ, giao lưu, tạo được hiệu ứng tốt.

Trong thực tế cách đọc và hiểu tác phẩm của các độc giả có khác nhau. Mỗi loại độc giả sẽ có cách cảm thụ thơ khác nhau do sở thích, do năng lực và thị hiếu tiếp nhận. Thơ hiện nay rất đa dạng về hình thức thể hiện. Có hình thức thơ thiên về cảm hứng ca ngợi, viết thật dễ hiểu; Có loại thơ viết đa tầng nghĩa, trong đó nghĩa bóng mới là tầng nghĩa chính mà tác giả gửi thông điệp trong đó… Lớp trẻ có xu hướng thích loại thơ sáng tạo mới về hình thức và nội dung, đây là dòng thơ chủ đạo sẽ có cơ hội phát triển và được nhiều độc giả yêu thích.

Là nhà thơ phải luôn tìm chữ mới, ý mới. Người đọc có tiếp nhận cái mới đó hay không là việc khác.

Qua Hội nghị những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng năm vừa qua, tôi thấy hiện nay nhiều tác giả trẻ viết rất hay, rất mới. Ở Đà Nẵng hiện nay có bạn trẻ Lê Hải Kỳ, Lệ Hằng là những cây bút thơ triển vọng.

Về sáng tác thơ, tôi không cho là nghề nên không có khái niệm “chuyên nghiệp” hay “nghiệp dư”, bởi người làm thơ viết thơ theo nhu cầu tự thân, muốn sẻ chia chứ không thể viết theo yêu cầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể diễn đạt ý tưởng bên trong mình thành thơ được, do đó người làm thơ thực sự rất ít. Thơ đến một cách tự nhiên, tôi mong các bạn trẻ đừng bao giờ cố làm thơ hoặc ảo vọng về những bài thơ.

* PHONG LAN:  Anh có những kế hoạch gì cho tương lai trong việc sáng tác thơ của mình, có thể chia sẻ cho khán giả được biết không ạ?:

Trong năm 2023 này tôi dự định xuất bản tập thơ mới, có nhan đề “Tiếng chim xanh biếc”, đây là tập thơ mới viết trong những năm gần đây. Tập thơ này tôi gửi đến độc giả những bài thơ viết về những vùng đất tôi đã đi qua, trong đó dành nhiều bài viết về đô thị cổ Hội An và vùng đất quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng.

Dự kiến tập thơ sẽ phát hành quý IV năm 2023 này.

 * Phong Lan xin chúc cho những dự định sắp đến của anh sẽ sớm trở thành hiện thực. Và ước mong độc giả sẽ quan tâm và yêu mến thơ nhiều hơn.