Đà Nẵng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn

03.07.2023
Vân Trình

Đà Nẵng trong cuộc đời hoạt động  cách mạng của đồng chí Lê Duẩn

Chân dung đồng chí Lê Duận do mật thám Pháp chụp năm 1940.

Từ năm 1987 có một con đường ở trung tâm thành phố Đà Nẵng - điểm đầu trên đường Trần Phú, điểm cuối tại ngã ba Cai Lang, giao với đường Điện Biên Phủ - vinh dự được mang tên Lê Duẩn, đi các quận Thanh Khê, Hải Châu. Có lẽ ít ai biết rằng, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, thành phố bên bờ sông Hàn chính là "chiếc nôi" giúp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp cận với hoạt động công nhân, tiếp thu xu hướng tiến bộ và cách mạng, đồng thời rèn luyện phong cách, bản lĩnh để sau này trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta và người học trò kiệt xuất của Bác Hồ kính yêu.

Đầu năm 1925, anh thanh niên Lê Duẩn đến Đà Nẵng khi vừa đậu Primaire (tiểu học). Sau mấy tuần tìm việc, anh được nhận vào làm nhân viên kiểm soát (facteur) tại nhà ga Đà Nẵng.

Đà Nẵng lúc bấy giờ là nơi tập trung nhiều công ty lớn của tư bản nước ngoài nắm độc quyền kinh doanh (như các công ty hàng hải Messageries Maritimes, Chargeurs, Réuris, công ty bốc dỡ vận chuyển hàng hóa Sacric, hãng ôtô Staca, các công ty dầu lửa Shell, Socony, Mobil oil…). Bên cạnh đó, còn có các công ty và hiệu buôn của người Việt (như công ty bông vải, buôn bán đồ sắt, buôn sơn, cửa hàng thuốc tây…). Là thành phố nhượng địa, Đà Nẵng trở thành nơi thu hút đông đảo nhân lực ở miền Trung. Nhiều học sinh ở Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã lặn lội vào Đà Nẵng tìm việc làm. Canh cánh trong lòng nỗi nhục mất nước và mặc cảm vì bị người Pháp miệt thị dân tộc, người dân thành phố luôn nung nấu lòng yêu nước và chí khí quật cường. Tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu) vào tháng 6/1924 của liệt sĩ Phạm Hồng Thái cảnh cáo tội ác của tên Merlin - Toàn quyền Đông Dương đã có tác động mạnh đến ý thức của các tầng lớp nhân dân. Cùng lúc đó, sách báo cách mạng hợp pháp và bất hợp pháp, nhất là từ Pháp sang, đã được thanh niên, học sinh bí mật chuyền tay nhau đọc, càng thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng và gây men cho mọi người về ước mơ một xã hội tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái…

Đến Đà Nẵng, đồng chí Lê Duẩn đã nhanh chóng tìm đến tiếp xúc với một nhóm thanh niên ái quốc gồm toàn anh em lái xe: Phan Văn Định (Hà Tĩnh) - sau này là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Hữu Trợ (Thanh Hóa), Phan Hữu Mỹ (Thừa Thiên), Nguyễn Bình (Nghệ An), Trần Đình Hồng (Đà Nẵng). Nhóm này hay tụ họp chuyện trò, trao đổi tư tưởng và thường xuyên liên hệ với nhóm Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Sơn Trà (đều làm việc ở nhà Giây thép (Bưu điện Đà Nẵng) để mượn sách báo bí mật và công khai từ trong Nam ngoài Bắc và cả ở Pháp gửi tới.

Từ khi có đồng chí Lê Duẩn gia nhập, nhóm lái xe sinh hoạt sôi nổi hẳn lên. Ngoài những trao đổi tình hình thời sự trong và ngoài nước qua sách báo, tranh luận tìm hướng đi, các thành viên trong nhóm còn kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra hàng ngày trong anh em công nhân lái xe, công nhân ngành xe lửa và những hành động đối xử dã man, bất công của bọn chủ hãng người Pháp và binh lính thực dân đối với công nhân và đồng bào ta. Nhóm tổ chức thăm chí sĩ Phan Bội Châu khi cụ vào Đà Nẵng ở nhà bác sĩ Phạm Doãn Điềm và rất tâm đắc với lời khuyên của bậc tiền bối: “Làm nghề gì bây giờ cũng làm nô lệ cho Tây. Ngay bác sĩ Điềm ở đây cũng là nô lệ của chúng. Anh em  trai trẻ, sức dài vai rộng nên tìm cách giải thoát cho đồng bào khỏi ách nô lệ”. Nhóm còn tranh luận vạch trần luận điệu mị dân “Pháp - Việt đề huề”. Tại các buổi tranh luận, đồng chí Lê Duẩn luôn chỉ cho mọi người thấy đây chỉ là “hỏa mù che kiếp mất nước” và khẳng định: Đế quốc Pháp là kẻ thù không đội trời chung của dân ta, không thể đề huề được. Muốn thoát ách nô lệ, phải đánh Pháp!

Trong thời gian đầu đồng chí Lê Duẩn làm việc ở Đà Nẵng, ông cụ thân sinh từ Quảng Trị vào thăm con. Khi nghe đồng chí và anh em trong nhóm bộc bạch tâm tư của mình, ông hỏi: “Rứa bây chừ các chú định tính sao?” Rồi ông cụ bảo: “Bàn chuyện đánh Pháp thì cứ bàn nhưng phải cẩn thận”. Lần thứ ba cũng là lần cuối ông cụ đến thăm và chào tạm biệt anh em lái xe. Ông khuyên: “Các chú còn trẻ, hiểu biết nhiều, có chí lớn muốn đánh đuổi Pháp, giành độc lập cho đất nước, bác mừng lắm. Nhưng đuổi Pháp mà chỉ có các nhóm đọc báo, nói thế sự như ri thì không được đâu. Các chú phải liên hệ rộng hơn, tìm người tin cậy, lập tổ chức mới mần ăn nên chuyện”. Từ sự gợi ý đó và chịu ảnh hưởng tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, năm 1926, đồng chí Lê Duẩn và nhóm Phan Văn Định đã xúc tiến vận động thành lập Hội Ái hữu lái xe toàn Trung Kỳ (Hội này về sau trở thành một tổ chức quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở tỉnh Quảng Nam) nhằm trước hết tập hợp anh em lái xe, thiết chặt tình đoàn kết và thương yêu nhau trong cùng nghề nghiệp. Gần 250 lái xe trên tuyến đường Đà Nẵng - Nha Trang đã gia nhập Hội. Hội phân công hội viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động thành lập Hội Ái hữu ở công sở mình làm việc. Sau một thời gian ngắn, nhiều ngành nghề đã phát triển được tổ chức Hội, nâng số lượng hội viên lên đến hàng ngàn người. Ban trị sự Hội tìm mọi cách khéo léo tuyên truyền cho anh em công nhân về giai cấp công nhân Việt Nam, về lòng yêu nước, yêu độc lập, rồi hướng dần vào những hoạt động chống Pháp. Hoạt động nổi bật trong năm 1926 là anh em công nhân trong các Hội Ái hữu cùng một số người có thanh thế ở Đà Nẵng lúc bấy giờ (như Nguyễn Tùng, Phạm Doãn Điềm, Nguyễn Đình Thuần, Huỳnh Thị Bảo Hòa…) đứng ra tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh rất trọng thể, có tới hàng mấy ngàn người tham gia.

Nhận thấy tinh thần yêu nước của công nhân và nhân dân Đà Nẵng đang lên cao, đồng chí Lê Duẩn bàn với Ban trị sự Hội Ái hữu lái xe Trung Kỳ nên tìm một sơ hở của bọn chủ tư bản Pháp để tổ chức một cuộc đấu tranh bãi công đòi không được khinh miệt, chửi mắng, đánh đập công nhân, không cúp lương, không bắt làm quá giờ… Đáng tiếc là chưa thực hiện được kế hoạch này thì sang năm 1927, đồng chí bị điều ra làm việc ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội).

Nói về vai trò quan trọng của đồng chí Lê Duẩn trong thời gian hoạt động cách mạng ở Đà Nẵng, trong hồi ký Mầm giống (in trong Buổi đầu gieo hạt do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng và Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1980), đồng chí Phan Văn Định cho biết: “Tôi còn nhớ hôm gặp chia tay anh Duẩn, chúng tôi bùi ngùi không muốn rời nhau. Anh Duẩn có dặn chúng tôi: “Các cậu ở Đà Nẵng có phong trào tốt, điều đó quan trọng lắm. Mình tin thế nào các cậu cũng mần ăn được. Điều sống còn là phải đoàn kết thương yêu nhau”. Thế là, nhóm chúng tôi ở Đà Nẵng vắng mất một người bạn tâm huyết, sục sôi ý chí Cách mạng và thường giúp cho chúng tôi nhiều ý kiến sắc sảo, quý báu trong phương pháp tổ chức hoạt động của mình.

Đúng như nhận định của đồng chí Lê Duẩn, dưới sự hướng dẫn của Hội Ái hữu Trung Kỳ và tiếp theo đó là sự lãnh đạo của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, phong trào đấu tranh của công nhân Đà Nẵng ngày càng mạnh mẽ, nhất là ở hãng ô tô Staca. Tại đây, tháng 3/1928, 50 lái xe chính và lái phụ đã bãi công đòi phụ cấp thêm tiền công mỗi chuyến chạy xe và sau mỗi chuyến đi được nghỉ có lương. Cuộc bãi công được anh em đồng nghiệp ở Quy Nhơn, Nha Trang tiếp sức nên sau 3 ngày bọn chủ phải nhượng bộ. Hơn một năm sau đó, tháng 7/1929, nhân xảy ra vụ chủ hãng Staca đánh đập rất tàn nhẫn người phụ máy còn nhỏ tuổi, cuộc bãi công lại nổ ra, kéo dài tới 7 ngày để phản đối chủ đánh đập, đòi không được cúp lương công nhân… Đông đảo công nhân ở nhà máy đèn, nhà máy gạo, hỏa xa và Hội nữ công Đà Nẵng đã tích cực hưởng ứng cuộc lạc quyên để ủng hộ thợ Staca bãi công. Cuộc bãi công lớn và nhiều ngày này làm chấn động cả thành phố, cuối cùng đã giành thắng lợi. Bọn chủ phải cử người thương lượng, xin  lỗi và chấp nhận các yêu sách của công nhân.

V.T