Kết nối

03.07.2023
Lệ Hằng

Kết nối

Tôi nhớ khi ấy một ả đàn bà trèo qua lan can chuẩn bị gieo mình xuống. “Chết tiệt”, tôi nghĩ. Ả ta có thể sẽ phá hỏng “bản giao hưởng”, công sức cả buổi trời của tôi.

Đó là một buổi chiều tháng Tư tuyệt đẹp, tôi quyết định sẽ vẽ một bức tranh mới cho cuộc triển lãm mỹ thuật sắp tới. Nó phải là thứ gì đó thật đột phá và rung cảm. Thứ gì đó có thể khiến bạn bè họa sĩ lác mắt và đám đông thưởng ngoạn trầm trồ. Tôi gom hết các tuýp màu, loại dễ khô để vẽ ngoài trời, bỏ túi bộ cọ yêu thích rồi chất giá vẽ lên xe.

Tôi đã chọn địa điểm này từ trước. Một góc ít người qua lại ngay cạnh con sông chảy qua thành phố, từ vị trí này cây cầu bắc qua sông tạo ra những nét cắt thật đẹp. Chốc nữa thôi đèn điện hai bên sông sẽ hắt vào mặt nước và tôi sẽ có trong tay một “bản giao hưởng của tháng Tư”, tôi đã chọn cái tên này cách đó mấy hôm. Tôi bắt đầu vẽ lớp màu lót đầu tiên. Hoàng hôn đã đậm dần và mọi thứ trở nên sinh động. Tôi đốt thuốc ngồi chờ màu khô.

Tôi vẽ tiếp lớp màu thứ hai. Trong lúc tôi loay hoay để tạo những mảng màu chủ đạo, một cô gái bước đến ngồi vào ghế đá lúc nãy tôi ngồi hút thuốc. Đúng ngay hướng tôi đang ngắm. Cô gái ngồi bất động nhìn ra dòng sông, gió thổi mái tóc bay lơ thơ. Ánh hoàng hôn tạo một đường viền nơi gương mặt. Đúng là một góc nghiêng kỳ diệu. Cuộc đời tôi có lẽ chưa thấy cái gì cảm động đến thế. Bức tranh của tôi đây rồi. Tôi thầm nghĩ nhưng rồi tôi lại ngắm và cố bỏ cô gái ra khỏi tranh. Chỉ có cây cầu, dòng sông, và góc nhỏ mặt đất. Tôi đã tính bỏ đi cả chiếc ghế. Nhưng cô gái kia, chiếc ghế kia quá đầy đặn cho bức tranh. Và quá thu hút. Tôi không biết phải lấy gì để khỏa lấp khoảng trống nếu bây giờ tôi bỏ cô gái ra khỏi tranh. Nhưng sự thật là tôi chưa bao giờ thành công với một bức tranh nào có bóng dáng con người trong đó. Chuyện đã như thế từ lâu, ngay những ngày đầu tôi bắt đầu với sự nghiệp họa sĩ của mình. Dĩ nhiên tôi có thể vẽ người. Ý tôi là tôi biết vẽ và tôi vẽ tốt. Tôi là một họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng tất cả những bức tranh bán được của tôi chưa bao giờ có bóng dáng con người trong đó. Lúc còn ở trường Mỹ Thuật, một lần thầy hướng dẫn tôi bảo đại khái là nếu bỏ nhân vật đi thì bức tranh này sẽ hay đấy. Dần dần, tôi cảm thấy mỗi khi con người xuất hiện trong tranh tôi, họ lập tức trở nên lạc lõng, trở nên mất kết nối và tôi cũng thế. Tôi thường nói với chính mình cái khuyết thiếu mới đáng nhớ chứ không phải cái hoàn hảo, phải thế, phải thế mới là nét riêng có của mình. Nhưng cảnh tượng trước mắt mới thật hấp dẫn. Và cô gái kia, thật kỳ lạ cô ta không động đậy lấy một giây như thể cô ta đến ngồi vào ghế đá để làm mẫu cho tôi vẽ hay cái mà tôi đang muốn vẽ đây tự nó là một bức tranh, nghĩa là nó sẽ đứng im như thế mãi mãi.

Trời đã tối được một lúc lâu, cô gái kia vẫn ngồi bất động. Tôi vẫn loay hoay pha và thử màu. Càng nhìn vào màu lâu mắt tôi càng sáng, dưới ánh đèn đường tôi vẫn cảm được màu một cách cụ thể theo cái cách mà chỉ cần trộn thêm đen hoặc trắng một lượng nhỏ bằng đầu tăm tôi vẫn phân biệt được. Mọi thứ xung quanh, kể cả thời gian, chỉ sượt trên đầu tôi chứ không tác động đến tôi được nữa. Khoảnh khắc ấy, chỉ có tôi và màu.

Cô gái đứng dậy. Hành động hững hờ ấy của cô như nghiến nát tim tôi. Cô đi ra phía sông. Ả kia đã trèo qua được lan can. Tôi thoáng rùng mình. Lời nguyền các ả nhảy sông tự tử không lẽ là có thật? Lâu lâu thành phố này lại xôn xao về một vụ nào đó, lý do thì vô kể: bồ đá, thi rớt, oan ức, hoặc là tâm thần… Kỳ quái ở chỗ là họ cứ chọn cái góc này mà nhảy. Vì thế, nó vắng vẻ và tôi chọn nó vì nó không có người. Tôi thả cọ chạy nhanh tới nhưng cô gái trong tranh của tôi đã đến sát bên. Tôi quay đầu ngay lập tức. Tôi chỉ chạy theo phản xạ chứ không hề biết mình nên làm gì trong trường hợp này. Tôi không biết nói chuyện, nhất là với đàn bà con gái.

Lát sau, ả ta trèo xuống và thản nhiên đi về. Đi chân không.

“Cô nói gì với ả kia mà hay thế, ả bỏ ý định ngu xuẩn đó rồi”. Tôi hỏi khi cô đi ngang qua chỗ tôi để về. Đêm đã đặc quánh trên dòng sông.

“Ông không nghe tôi nói gì, sao biết là hay? Mà cái ý định ngu xuẩn mà ông nói, nó là ý định gì thế? Sao ông biết cô ta sẽ bỏ?”.

Cô hỏi tôi với một nét mặt khó hiểu. Tôi hơi sốc. Sốc vì cả cái cách cô gọi tôi là “ông”, nét trang nghiêm trên mặt cô cứ như tôi già, già lắm. Chưa có cô gái trẻ nào từng gọi tôi như thế. Tôi có để râu và nuôi bộ tóc kha khá nhưng trông tôi chẳng ai nghĩ là quá ba lăm. Chính xác khi đó tôi hai chín. Tôi thực sự không biết nói chuyện, nhất là với đàn bà con gái. Mở miệng ra là thấy vô duyên.

“Ơ, ông vẽ tôi đấy à? Là tôi đúng không? Tôi nè, cái ghế đá nè. Lúc nãy tôi ngồi trên ghế nè!”.

“Tôi xin lỗi. Tôi…, chỉ là tôi thấy cô với cái bầu trời, dòng sông, cái ghế nữa… kiểu như nó hợp, kiểu như hòa nhập được với nhau. Ý tôi là kiểu như nó đẹp nên tôi vẽ mà chưa xin phép cô. Nếu cô không thích, cho tôi xin lỗi. Tôi xóa nó được mà”.

Tôi thực sự thấy ngượng. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi ngượng đến thế, ngượng kiểu như lần đầu tỏ tình mà bị gái từ chối. Hoặc kiểu như ăn trộm bị bắt quả tang. Bao lâu rồi tôi không vẽ con người mà tôi lại muốn vẽ một cái gì đó thật tuyệt nên tôi loay hoay suốt cả buổi, bức tranh vẫn chỉ là những mảng phác lớn chưa hề đi vào chi tiết. Có lẽ nếu cô không nói gì thì tôi sẽ xóa ngay lúc đó mất thôi nhưng cô đáp lại bằng một nụ cười lạ lẫm. Cô cười với bức tranh chứ không phải với tôi. Và cô ngắm nó với vẻ mặt của một Tắc-giăng lần đầu tiếp xúc với văn minh con người.

“Nè cô, làm sao cô thuyết phục được cô gái lúc nãy thế?”. Tôi hỏi với tất cả sự chân thành và tính tò mò bản năng.

“Tôi có thuyết phục gì đâu”. Cô đáp.

“Bức tranh này chưa xong chứ? Ông nhìn nè, ông chưa vẽ cái nơ cài tóc của tôi”.

Cô chỉ tay lên cái nơ trên đầu rồi dí vào tranh, chỗ mà đáng ra cái nơ phải xuất hiện”.

“Vâng, thì chưa. Tôi có đủ thời gian đâu”.

“Vậy mai tôi ngồi trên ghế để ông vẽ tiếp nhé!”.

“Ô, thế thì còn gì bằng. Cảm ơn cô trước nhé!”.

“Ông thích vẽ nhiều đến thế sao?”. Cô hỏi.

“Cô thấy đấy”. Tôi nhún vai: “Tôi là một họa sĩ. Thế còn cô?”.

“Tôi ư, cũng không có gì hay ho đâu. Ông có thấy là con người lúc nào cũng vất vả khổ sở vì luôn cố định nghĩa mình, ý tôi là cố chứng tỏ mình là ai. Mà ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi”.

Đó là câu cuối cùng cô nói trước khi bước sang bên kia đường.

* * *

Chiều hôm sau tôi mang giá vẽ ra khá sớm. Cô đến, gần như chính xác giờ hôm qua và ngồi vào ghế đá. Cô ngồi, có lẽ không lệch một chút xíu nào so với hôm qua. Tôi tự hỏi cô đã đánh dấu trên chiếc ghế đó hay bằng cách nào mà chuẩn đến thế. Chiều tháng Tư tuyệt đẹp, hoàng hôn như lụa là gấm vóc từ chân trời đổ xuống mặt sông. Tôi vẽ một lúc hoàn thành bức tranh. Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải đọc thần chú hay cái gì đó đại loại thế để cô gái kia không phải ngồi bất động nữa. Tôi đến ghế đá ngồi xuống cạnh cô.

“Sao cô có thể ngồi đúng y vị trí cô đã ngồi hôm qua, hay thế?”.

Cô cười, không nhìn tôi.

“Cô ngắm gì ư?”.

“Ông có thấy tòa nhà màu xanh lá chuối kia không?”.

Đúng là có một tòa nhà màu xanh lá chuối thật, nhưng mà xa thế kia.

“Tôi chỉ mới biết tôi thích màu xanh lá chuối hôm qua thôi, lúc tôi ngồi đây.” Cô nói: “Nó mới thật dễ chịu làm sao. Nó thật ngoan và nó biết nói chuyện với tôi”.

Tôi im lặng nhìn theo cô.

“Ông còn muốn biết hôm qua tôi nói gì với cô ta không?”. Cô hỏi.

“Khi tôi tới nơi thì tôi thấy cô ta đang chảy nước mắt. Rất nhiều nước mắt. Tôi mới nói là à thì ra cô buồn và muốn nhảy xuống đó. Tôi nói cô ta nhảy trước đi tôi sẽ nhảy theo sau. Rồi thì tôi nói dù sao cô cũng khá hơn tôi vì cô còn biết buồn và có nước mắt. Nghĩa là cô vẫn còn kết nối được với cái thế giới này. Người ta phải có một mối quan tâm nào đó hay là một dính líu nào đó với nhau thì người ta mới buồn và khóc được đúng không ông? Rồi tôi nói tôi còn tệ hơn cô nữa kia. Tôi thấy thế giới này hoàn toàn vô nghĩa, tôi và nó chẳng dính líu gì nhau nên tôi đáng ra cần nhảy xuống hơn cả cô nữa nhưng không sao cô cứ tự nhiên. Tôi nói vậy rồi cô ta đột nhiên bảo tôi cái gì đó đại loại như: “Ai nói với cô là tôi muốn nhảy hả. Rồi thì cô ta đi về. Đi chân không, ông thấy đó”.

“Cô khéo thật đấy. Cô đã cứu một mạng người”.

“Ông đang khen tôi đấy à? Tôi chỉ nói điều tôi nghĩ với cô ấy thôi mà”.

Bây giờ thì cô quay sang nhìn tôi. Đôi mắt hồn nhiên và ráo hoảnh. Tôi cười thầm, có lẽ tôi đang nói chuyện với một bà trùm… thích giỡn.

“Vậy sao lúc cô ta bỏ đi cô không nhảy xuống dưới. Tôi thì tôi không cản cô đâu”.

“Ông có muốn cũng chẳng cản tôi kịp. Tôi biết ông quay lại rồi mà. Chẳng qua là đột nhiên tôi thấy mình vẫn còn thích cái tòa nhà màu xanh lá kia. Tôi nói rồi, tôi đã thấy mình không có một dính líu nào với cái thế giới này. Mọi thứ cứ sượt qua tôi và trôi đi như chẳng có gì liên quan đến tôi cả. Kể cả cái chết của người thân tôi. Tôi chỉ thấy là họ chỉ như đi từ sự sống sang cái chết, giống như đi từ nước này sang nước khác trong một kỳ nghỉ dưỡng dài, chỉ có thế. Lúc tôi thấy cô ta, ông biết không, tôi ngưỡng mộ cô ta luôn ấy. Sao cô ta có thể có nhiều nước mắt đến thế chứ! Tôi đã nghĩ là nếu mình chẳng có gì để làm với cái thế giới này thì mình đi qua thế giới khác, biết đâu sẽ thú vị hơn mà nếu không thú vị hơn thì cũng không thể vô vị hơn đâu, ông nhỉ?”.

Tôi nhìn cô, có lẽ là sửng sốt hay kiểu thế. Cô nhìn lại tôi, nghiêm nghị hay kiểu thế.

“Này, sao ông nhìn tôi kiểu đó? Ông đang nghĩ là tôi bị tâm thần chứ gì? Cũng vài người nói tôi như thế”. Cô im lặng vài giây. Tôi cũng im luôn.

“Ông biết không, người tỉnh không bao giờ nhận mình điên và người điên cũng chẳng nhận mình điên. Mà ông không biết được trong chúng ta ai tỉnh ai điên đâu”.

Gáy tôi chợt lạnh. Trong quận này có một trại an thần và những chuyện tương tự thế này vẫn diễn ra. Nhưng mà cô ta nói đúng. Toàn những điều tôi thích nghe.

“Tôi đang thấy cái tòa nhà màu xanh lá cây kia thật hay ho thì ông đến phá hỏng chuyện của tôi rồi. À, bức tranh có tôi ở trong thế nào rồi? Xong hẳn rồi đúng chứ? Cái nơ cài đầu của tôi thế nào? Ông đã vẽ cái nơ này, đúng màu xanh này vào chứ?”.

Cô chỉ tay lên đầu, nói tiếp.

“Thật ra lúc tôi có nó tôi đã thích nó rồi nhưng cảm giác lúc đó chỉ là thứ gì đó lạ lạ, thinh thích tự nhiên thôi vì khi ấy tôi chưa biết tôi thích màu xanh lá chuối đâu. Tôi nói chuyện này rồi nhỉ. Tôi lại xem tranh đây”.

Tôi gần như choáng váng. Tôi đã ước cho bức tranh ấy bằng con đường nào đó mà cũng hãy biến khỏi thế giới này hoặc là tôi có thể gieo quách nó xuống sông đi. Lúc ấy tôi đã bắt đầu tin những gì cô nói, một nỗi sợ mơ hồ nhưng khủng khiếp dâng lên. Trời ơi, tôi đã không vẽ cái nơ màu xanh lá chuối ấy vì đó là màu tôi ghét nhất và vì nó không thể hòa sắc với toàn bức tranh mà tôi đã cật lực pha màu được. Nhưng chi tiết này có thể phải đổi bằng một mạng người. Ai biết được trong đầu cô còn có những gì chứ. Tôi hoang mang, tôi giải thích cho cô về màu sắc trong tranh, về ánh sáng, về hòa sắc, về màu chủ đạo, màu trung gian, màu tương phản, màu tương đồng, vân vân mây mây. Tôi không nhớ nổi là mình đã nói những gì, có lẽ là moi móc hết kiến thức tôi đã học trong trường Mỹ Thuật ra cốt cho cô hiểu là tôi có lý do và đã khổ sở thế nào khi không quẹt vào đó cái màu xanh lá chuối, xanh lét xanh lè như cái nơ trên đầu cô mà thay bằng một màu khác.

“Ông luôn nguyên tắc như thế mỗi khi vẽ? Ý tôi là ông rất sách vở. Có khi nào ông thấy chán?”.

“Có”. Tôi thú nhận: “Nhiều khi chán muốn chết”.

Cô gỡ cái nơ trên đầu xuống ngắm nghía.

“Cho tôi xin lỗi nhé, tôi không cố ý làm cô thất vọng đâu, tôi chỉ là…”.

“Chỉ là không thích thôi nhỉ. Ý tôi là ông không phải xin lỗi tôi đâu, tôi làm gì có lỗi để mà cho ông xin. Nhưng tôi bắt đầu thấy màu sắc thú vị”.

“Thật sao? Cô sẽ không nghĩ đến nó nữa chứ, ý tôi là nhảy xuống chỗ đó”. Tôi nhìn ra phía sông. Mặt sông sóng sánh mát rượi.

“Không, không. Tôi nói rồi tôi bắt đầu thấy có liên quan, ông hiểu chứ. Cái màu xanh lá chuối của tôi ấy, và cả bài vở về màu sắc mà ông vừa nói nữa. Tôi sẽ vẽ. Tôi sẽ vẽ hết màu xanh lá chuối. Ông nghĩ là tôi có thể không?”.

“Dĩ nhiên là có, tôi nghĩ là cô sẽ vẽ đẹp đấy”.

Tôi vẫn cảm thấy bất an và cố gắng làm điều gì đó như thể chuộc lỗi hay là bù đắp cho cô.

“Chiều mai cô lại ra đây nhé. Tôi sẽ mang cho cô ít tài liệu để cô học vẽ. Tôi vẫn chưa cảm ơn cô về bức tranh, cho tôi tặng cô ít màu và cọ vẽ nữa nhé. Nhé! Quyết định thế nhé!”.

Cô đồng ý. Cài lại cái nơ lên tóc, cô chào tôi về.

“Tôi đã vẽ xong tranh mà vẫn chưa biết tên cô. Cô tên gì nhỉ?”.

“Tên tôi ư, cũng không có gì hay ho đâu. Ông có thấy là con người luôn bất hạnh và mệt mỏi vì lúc nào cũng cố gắng để người khác nhớ tên mình không?”.

Đó là câu cuối cùng cô nói trước khi bước sang bên kia đường.

* * *

Và đó là câu cuối cùng tôi nghe được từ cô.

Tôi ngồi trên ghế đá nhìn cái tòa nhà màu xanh lá cây cho đến khi mắt tôi nhòa đi. Chiều tháng Tư nắng ngọt, mặt sông vẫn lênh lang hoàng hôn như hai hôm trước và khi đêm đã xuống đậm thì lung linh như một thế giới thần tiên. Tôi ngồi đợi cho đến khi thấy mình đông cứng thành bức tượng, một bức tượng đăm đăm nhìn cái tòa nhà màu xanh lá cây. Đó là đêm cuối cùng tôi ở thành phố này. Ba tôi đã sắp xếp cho tôi một vị trí ổn thỏa ở quê, tôi sẽ được kết nạp vào Hội Mỹ thuật của tỉnh và có thể sẽ có phòng tranh cho riêng mình hay cái gì đó đại loại thế. Cho đến thời điểm ấy, bấy nhiêu là quá hạnh phúc cho tôi rồi. Một sinh viên tốt nghiệp trường Mỹ Thuật hạng trung, mọi thứ của tôi luôn được xếp ở mức trung bình khá, ngay cả tình yêu, ước mơ, đam mê cũng thế.

Sáng hôm sau, tôi rời thành phố thật nhưng không phải để về quê mà là để đến một thành phố lớn hơn, nơi tôi vẽ và lăn lộn với cuộc đời bằng những gì mình có, như chính con người mình. Tôi sống qua không biết bao nhiêu cái tháng Tư rực rỡ trên đất nước nhỏ bé này, sống qua hết mọi vùng miền, sống để vẽ và vẽ để sống, cuộc đời chưa bao giờ dễ dàng với tôi (cũng như với bất kỳ ai khác) chỉ là tôi thấy nó nhẹ nhàng hơn vì tôi không còn gồng mình lên để định nghĩa chính mình cũng như không nỗ lực để người khác nhớ đến tên mình nữa.

Chiều tháng Tư tuyệt đẹp, hoàng hôn vẫn như lụa là gấm vóc đổ xuống mặt sông nhưng tòa nhà màu xanh lá cây ấy thì không còn nữa. Có lẽ ai đó đã thấy cần phải sơn cho nó một màu khác, hay ho hơn chẳng hạn, nhưng tôi thì vẫn nhớ cái màu xanh lá của tôi. Lần này tôi về có làm một triển lãm nhỏ trong thành phố. Ngay chính giữa phòng trưng bày, có bức tranh mà bất cứ ai có kiến thức sơ đẳng về mỹ thuật cũng đều thấy kỳ cục. Một mảng màu xanh lá chuối bật khỏi tranh.

L.H