Những nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật được trao tặng/truy tặng Giải thưởng Nhà nước/Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật
Bức ảnh Quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng của Đinh Quang Thành.
Trong danh sách các văn nghệ sĩ được trao tặng/truy tặng Giải thưởng Nhà nước/Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, có không ít nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật. Đợt I tổ chức vào năm 1996 có 4 nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật được trao tặng/truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Trước hết là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (1926-1997) quê tỉnh Bình Thuận, với hai bức ảnh nổi tiếng: Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn chụp năm 1960 và Mẹ con ngày gặp mặt chụp năm 1975 - Lâm Hồng Long vốn gắn bó với Đà Nẵng khi ông bị thực dân Pháp đưa về giam ở Tourane trước khi được trả tự do sau Hiệp định Genève năm 1954 và trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975, với tư cách phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, Lâm Hồng Long cũng sớm có mặt ở Đà Nẵng để kịp ghi lại bức ảnh Quân ta hành tiến trong thành phố Đà Nẵng; ông cũng đã được đặt tên đường tại thành phố Phan Thiết vào năm 2002. Người thứ hai là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An (1916-2004) quê tỉnh Nam Định, với bức ảnh lịch sử Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê chụp năm 1950; ông cũng đã được đặt tên đường tại thành phố Nam Định vào năm 2016. Người thứ ba là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh (tên thật Vũ An Tuyết, 1907-2009) quê tỉnh Hải Dương - người chỉ chụp ảnh đen trắng, với hai bộ ảnh Phóng sự về hoạt động của Bác Hồ năm 1945 - 1946 và Phóng sự về thanh niên và nhân dân Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ năm 1950 - qua đó đã ghi lại được cảnh hai chiến hạm Mỹ đang neo đậu ở sông Sài Gòn vội vàng nhổ neo chạy biến ra khơi trước sự phản đối quyết liệt của nhân dân Sài Gòn anh dũng, cũng như ghi lại được giờ phút lịch sử khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang nói chuyện với hàng vạn học sinh, sinh viên; ông được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2015 - Võ An Ninh từng đến Đà Nẵng năm 1948 và đã chụp bức ảnh Biển bạc nổi tiếng. Người thứ tư là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản (1917-1993) quê thành phố Hà Nội, với hai bộ ảnh Đội quân Nam Tiến và Trung đoàn Thủ đô; ông được đặt tên đường ở thành phố Hà Nội vào năm 2021.
Đợt II tổ chức vào năm 2000, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật được trao tặng cho Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (1920-2003) quê thành phố Hà Nội, với bộ ảnh Bác Hồ ở Việt Bắc - Đinh Đăng Định là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Nhiếp ảnh. Đến năm 2001, trong đợt trao tặng/truy tặng đầu tiên Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có hai nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật được vinh danh: Người thứ nhất là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bộ ảnh về Điên Biên Phủ, trong đó có ảnh Toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng tung bay trên nóc hầm chụp ngày 7 tháng 5 năm 1954; người thứ hai là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Ưu phóng viên báo Quân đội nhân dân quê Hải Phòng, với bức ảnh Nữ dân quân chụp năm 1960 ở sân bay Bạch Mai và được Huy chương Vàng quốc tế tại Hungary vào năm 1961.
Đến năm 2007, trong đợt trao tặng/truy tặng thứ hai Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có 17 nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật được vinh danh, trong đó có Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Văn Sắc phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với hai bức ảnh Đường ra tiền tuyến và Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc chụp trong những năm 1965-1968 ở tuyến lửa Khu IV; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Phong phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bốn bức ảnh Niềm hạnh phúc trong khắc nghiệt của chiến tranh, Khiêng nhà về làng cũ, Du kích đội rơm ngụy trang tiếp cận địch, Binh lính Sài Gòn hốt hoảng trút bỏ quân trang quân dụng tháo chạy trong ngày 30/4/1975; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bảo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bức ảnh Từ ‘thần sấm’ xuống xe trâu; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với hai bức ảnh Bác Hồ thăm đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đang trực chiến, Bác Hồ với các anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tạo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bức ảnh Hiên ngang; Nghệ sĩ nhiếp ảnh - Liệt sĩ Hai Nhiếp/Trần Bỉnh Khuôl (1913-1968) quê tỉnh Sóc Trăng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, với hai bức ảnh Tấn công đồn Cái Keo, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, Du kích Cà Mau kéo pháo để tấn công và chiếm cứ điểm Cái Keo của Quân Nam Việt Nam 1965 - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bình Khuôl được đặt tên đường ở thành phố Bạc Liêu vào năm 2013; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Trường phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bức ảnh Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Ngọc Thông phóng viên Thông tấn xã Việt Nam - qua đời năm 2002 - với bức ảnh Chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân với ba bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị từng đoạt Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1972, Trên đồi không tên từng đoạt Giải Nhất Hội Nhà báo Việt Nam năm 1973 và Giải Nhì Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1971, Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu từng đoạt giải thưởng lớn kèm Huy chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo O.I.J; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan với bức ảnh Uy thế không lực Hoa Kỳ sau đổi thành O du kích nhỏ chụp ngày 21 tháng 9 năm 1965, từng được Tố Hữu vịnh ảnh bằng bài thơ tứ tuyệt: O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu… và đến năm 1967 thì bức ảnh này được lên tem bưu chính; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ba phóng viên báo Quân đội nhân dân với bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù chụp ngày 13 tháng 12 năm 1966 từng đoạt Giải thưởng Lớn tại cuộc thi ảnh quốc tế ở Liên Xô năm 1967; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Lợi với bức ảnh Xung phong - tên ban đầu là Trận Phố Ràng - chụp tháng 6 năm 1949 và từng được tặng Huy chương Vàng quốc tế tại Cuba vào năm 1969; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nghi (1918-1991) quê Nam Định, với bộ ảnh Bình dân học vụ và bộ ảnh Bác Hồ; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam/Nguyễn Hữu Thống - quê Bắc Ninh, phóng viên ảnh báo Tiền Phong, đã qua đời vào năm 2016 - với ba bức ảnh Cảnh giác, Chạy đâu cho thoát và Đi trực chiến và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Linh/Phạm Quốc Trụ với bức ảnh Bác Hồ với thiếu nhi và bức ảnh Bác Hồ với Nghệ sĩ Trà Giang chụp ngày 1 tháng 12 năm 1962.
Đến năm 2012, trong đợt trao tặng/truy tặng thứ ba Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có hai nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật được vinh danh, trong đó có Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Khánh Hồng (1944-2018) với Cụm ảnh Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ, Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu trên đường Trường Sơn - từng đoạt giải nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu bộ đội và những cánh rừng Trường Sơn, Đoàn xe vận tải vượt trọng điểm Km 33 đường “K” Tây Trường Sơn, Xe bọc thép phóng từ rà phá bom mìn trên trọng điểm đường Tây Trường Sơn, Tổ trinh sát Công binh trên trọng điểm đỉnh đèo Tha Mé Tây Trường Sơn - Nam Lào, Sức sống và vẻ đẹp Trường Sơn.
Đợt V Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật tổ chức vào năm 2017 đã vinh danh Nghệ sĩ nhiếp ảnh - Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934-1972) quê Hà Nội, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bộ ảnh Những khoảnh khắc để lại gồm 5 tác phẩm Lửa vây máy bay Mỹ chụp ở Hải Dương ngày 4 tháng 7 năm 1967 từ độ cao của đài quan trắc radar, Nữ pháo binh Ngư Thủy chụp hồi tháng 5 năm 1968, Đưa xe tăng vào trận địa và Xốc tới chụp ở mặt trận đường 9 Nam Lào cuối năm 1971, Đánh chiếm cứ điểm 365 chụp ngày 30 tháng 3 năm 1972 - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng cũng từng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007 với bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu - tên gọi ban đầu là Phân đội 13 pháo binh Vĩnh Linh trút bão lửa xuống căn cứ địch ở Dốc Miếu chụp vào tháng 1 năm 1968.
Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vào năm 2017 cũng vinh danh bốn nghệ sĩ nhiếp ảnh: Một là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Thanh Kiểm/Hứa Kiểm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, với bộ ảnh Đường 20 Quyết thắng; hai là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với năm bức ảnh Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua, Vượt Trường Sơn, Biệt động Sài Gòn, Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân, Thần tốc tiến về Sài Gòn; ba là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết phóng viên báo Tiền Phong với cụm ảnh Hậu phương thời chiến gồm năm bức: Gái làng tiễn trai làng Phú Xá tòng quân, Em đến lớp nơi sơ tán, Đón con sau giờ trực chiến, Học sinh trường Trung cấp nông nghiệp Hà Tây học và hành nơi sơ tán và Vựa ngô chống Mỹ huyện Khoái Châu; bốn là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Cấy với chùm ảnh gồm năm bức Đoàn đại biểu Quân Giải phóng miền Nam vượt qua bom đạn ra viếng Bác, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo khác trên Lễ đài, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng an ủi các cháu thiếu nhi và Cả một biển người, một rừng cờ tang trên Quảng trường Ba Đình đau thương nhớ Bác.
Đợt VI Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật tổ chức vào năm 2022 đã vinh danh hai nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật: Một là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bộ ảnh Hai người lính gồm bốn bức Tay bắt mặt mừng, Hai người lính, Cầu Quảng Trị và Những bàn tay lưu luyến chụp ở Quảng Trị năm 1973 - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cũng từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vào năm 2012 với cụm tác phẩm Từ ngục tối thắng lợi trở về, gồm bốn bức ảnh Thoát khỏi ngục tù, Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về, Hạnh phúc của những người chiến thắng và Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng ghi lại hình ảnh về sự kiện trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn năm 1973 những ngày đầu thi hành Hiệp định Paris; hai là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh/Võ Nguyên Nhân (1936-2023) quê tỉnh Cà Mau, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với bộ ảnh Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang gồm 10 ảnh - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh cũng từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007 với ba bức ảnh Phóng lựu đạn vào đồn địch, một phát minh độc đáo của chiến tranh nhân dân, Hàng vạn nhân dân 3 xã Trần Thới, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông biểu tình tuần hành ủng hộ bản tuyên bố 8 điểm với thiện chí hòa bình của đoàn đại biểu tại hội đàm Paris, Trạm Quân y dã chiến.
Năm 2022 cũng là năm các nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật trao tặng/truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Lộc phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, với bộ ảnh Phụ nữ miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm 8 ảnh; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Thính phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, với hai bức ảnh Cầu người và Trên vành đai thép Tây Ninh; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Tuấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, với bộ ảnh Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân gồm 8 ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đặng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, với bộ ảnh Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc gồm 10 ảnh và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, em ruột Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, với bộ ảnh Địch phá ta cứ đi gồm 5 ảnh - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cũng là tác giả bức ảnh Quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng là một trong những tấm ảnh được chụp sớm nhất vào ngày 29 tháng 3 năm 1975 trên đường phố Đà Nẵng (xem ảnh bên dưới, ở góc trái của tấm ảnh này có bảng tên đường Hùng Vương và biển hiệu của Nhà thuốc Trung Nguyên nằm ở góc đường Phan Châu Trinh - Hùng Vương).
Năm 2023 là một năm có nhiều ý nghĩa đối với giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng: Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam 1953-2023, Đại hội lần thứ V Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố nhiệm kỳ 2023-2028. Nhìn lại thành tựu sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh được trao tặng/truy tặng Giải thưởng Nhà nước/Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật từ năm 1996 đến nay cũng là cách tạo động lực để giới nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng phát huy cao nhất năng lực sáng tạo nghệ thuật, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương với tư cách những công-dân-nghệ-sĩ, vừa phục vụ cho sự phát triển của bản thân nền nhiếp ảnh nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào việc gầy dựng thương hiệu Đà Nẵng luôn trân trọng nâng niu cái Đẹp.
B.V.T