Đôi dòng hồi ức về Giáo sư Hoàng Châu Ký

03.07.2023
Trường Lưu

Đôi dòng hồi ức  về Giáo sư Hoàng Châu Ký

Nhân dịp GS Hoàng Châu Ký được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Non Nước trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết của Trường Lưu “Đôi dòng hồi ức về Giáo sư Hoàng Châu Ký”.

Cho đến nay, trong các giới văn hóa, nghiên cứu, hầu như ai cũng biết Hoàng Châu Ký là Giáo sư Sân khấu học và là Viện trưởng Sân khấu đầu tiên của nước ta. Tuy vậy, không mấy ai được biết cái thực chất của vị Giáo sư, Viện trưởng này, trừ những người có dịp theo dõi cuộc đời hoạt động phong phú của ông.

Đó là vị Giáo sư được đào tạo theo nhiều hình thức từ Hán học đến Tân học trong thời thuộc Pháp, được quê hương đào tạo qua cái nôi nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, và chủ yếu, không ngừng tự đào tạo nghệ thuật, tìm tòi, so sánh, đối chiếu khi đã kinh qua nhiều loại kịch bản sân khấu vào loại tiêu biểu đó đây trên thế giới. Tất cả các dạng, các mặt đào tạo trên đây chỉ để nhằm mục đích duy nhất: Nhận thức cho được đặc trưng nghệ thuật Tuồng. Từ nền tảng văn hóa, văn hiến dân tộc mà nhìn vào kịch bản Tuồng, và từ kịch bản Tuồng liên hệ đến văn hóa dân tộc qua các triều đại Việt Nam, là một trong nhiều mặt về phương pháp nhận thức mà Hoàng Châu Ký rất quan tâm. Đọc lại các công trình nghiên cứu cơ bản của ông như: Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng (NXB Văn hóa, 1973), Tuồng cổ, nghiên cứu hiệu đính văn bản (NXB Khoa học xã hội, 1990)… đã cho ta những cảm nhận về đặc tính dân tộc của nghệ thuật Tuồng trong mối quan hệ ràng buộc với tinh hoa văn hóa dân tộc.

Nếu không phải Hoàng Châu Ký (và kế đó là Mịch Quang) dễ mấy ai có thể biên soạn các mục từ trong bộ Từ điển Bách khoa. Cũng vậy, công trình Từ điển nghệ thuật Hát Bội Việt Nam của ông (có sự hợp tác của GS. Nguyễn Lộc, con rể ông) đã trở thành cẩm nang cho các lớp hậu sinh muốn đi sâu vào loại hình nghệ thuật bác học này.

Trước kia, khi chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về nghệ thuật Tuồng, một số người đã ngộ nhận coi đây là loại hình sân khấu phong kiến, chủ yếu để phục vụ vua quan hoàng tộc trong cung đình. Rất nhiều người công tác ở Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp, đã được chứng kiến tài hùng biện của GS. Hoàng Châu Ký khi bác bỏ các nhận thức sai lệch về Tuồng và văn hóa truyền thống.

Đó là giai đoạn các vấn đề lý luận văn học nghệ thuật cách mạng còn mới mẻ ở ta, đặc biệt mới mẻ đối với các chiến trường xa trung tâm đầu não của Trung ương như Liên khu V, song Hoàng Châu Ký đã có những quan niệm khá hợp lý về văn nghệ phản ánh hiện thực, không giáo điều, khiên cưỡng và cứng nhắc. Bề dày sách vở được tích lũy trong tiềm thức đã giúp ông có cái nhìn cởi mở hơn với Tuồng, không thể quan niệm phản ánh một cách đơn sơ. Ông suy nghĩ thế và nghĩ đến vấn đề văn nghệ phản ánh hợp lý theo đặc điểm của hoàn cảnh. Là con đẻ của xứ sở “cãi cho đến cùng kỳ lý”, ông không khoan nhượng những ai có tư duy nghệ thuật hẹp hòi, máy móc.

Còn nhớ, tại lớp học văn nghệ do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tổ chức ở An Thường (Bình Định) năm 1951, giảng viên bộ môn sân khấu Lê Ngọc Cầu rất tâm đắc với quan điểm văn nghệ cởi mở và có tính mực thước của Hoàng Châu Ký khi giảng viên liên hệ với tư tưởng kịch nghệ của Tào Ngu và nhiều nhà viết kịch nổi tiếng khác. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được giá trị của nghệ thuật Tuồng và văn hóa truyền thống dân tộc, là nhờ những người có cái nhìn đúng đắn, cách mạng và khoa học, như bậc đàn anh Hoàng Châu Ký và các vị lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu V mà Hoàng Châu Ký là người phụ trách Đảng Đoàn.

Tất nhiên bấy giờ Hoàng Châu Ký chưa thể nhận thức sâu sắc và chặt chẽ như sau này về nghệ thuật phản ảnh và phản ảnh luận, khi đề xuất nhiều luận điểm khoa học trong nghiên cứu nghệ thuật Tuồng. Tuy vậy, có thể nói không sợ sai, rằng Hoàng Châu Ký là người có công đầu trong việc làm sống lại và nâng cao vị thế nghệ thuật Tuồng. Vạn sự khởi đầu nan là thế.

Có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu thành công, người ta chỉ nghĩ đến tác giả, đạo diễn và diễn viên, chứ có ai nghĩ đến người mở đầu cho các phương pháp thể nghiệm. Đó là trường hợp vở Tuồng Chị Ngộ. Nếu không có sự dung hòa tư tưởng lần “tranh luận” về Tuồng, không cân nhắc suy nghĩ để tìm ra tính hợp lý tương đối trong tư tưởng chỉ đạo theo hoàn cảnh, như Hoàng Châu Ký đã làm, thì Chị Ngộ đâu có được sự thành công như ta đã biết. Mặc dầu vậy, ông vẫn cho rằng, Chị Ngộ chỉ là thể nghiệm nhất thời. Hệ giá trị và tinh hoa của nghệ thuật Tuồng nằm ở các phương diện khác mà ông đã khảo sát, khảo tả qua các công trình nghiên cứu của mình. Sự hấp dẫn của ông qua các bài giảng, bài nói với giảng viên, sinh viên và cử tọa trong nhiều giảng đường đại học và câu lạc bộ, là từ những hệ giá trị và tinh hoa của nghệ thuật Tuồng mà ông nhuần nhuyễn trong đầu và đã truyền lại hứng thú đầy mỹ cảm cho người nghe.

Cũng cần thấy rằng, tâm hồn nghệ sĩ là một thế mạnh tạo hứng khởi cho cốt cách uyên bác, cho tài hùng biện của GS. Hoàng Châu Ký. Ông không phải là người từ bên ngoài nhập cuộc vào một bộ môn nghệ thuật để nghiên cứu mà là từ “gan ruột Tuồng” đề xuất các vấn đề cần lý giải, tổng hợp, đúc kết và rút ra những đặc trưng mang tính bác học của nghệ thuật. Trong các buổi thuyết trình, trong vai trò diễn giả, ông đã tự minh họa cái bi, cái hùng, cái hài như một diễn viên. Cuộc đời các nhân vật với những số phận khác nhau, qua nhận thức và diễn đạt học thuật của ông, đã tạo ra những nét dáng thẩm mỹ có nhiều sức thuyết phục về mặt trí tuệ. Ngược lại, các nhân vật trong các vở Tuồng do ông chỉnh lý và cải biên, như Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu  Nghêu Sò Ốc Hến (Tuồng đồ) đã mang lại cho khán giả những khoái cảm thẩm mỹ độc đáo.

Hoàng Châu Ký, đó là con người đầy bản lĩnh và tự tin, tài hoa và tài năng toàn diện. Đó là chưa nói đến con người thi sĩ trong ông.

Ông đã để lại cho đời hai bài học đích đáng:

  1. Niềm vinh quang lớn nhất của đời người là sự cống hiến hết lòng cho một sự nghiệp mà mình đam mê. Và chính lòng đam mê đã mang lại thành công cho ông nhiều mặt khi sống thủy chung với nghệ thuật Tuồng.
  2. Vượt qua cái thường tình về bước đường công danh, quyền lực để đến với sự nghiệp mà mình đam mê. Là Đảng viên Cộng sản, từng nếm trải lao tù của thực dân Pháp, từng giữ vai trò quan trọng trong nhiều cấp ủy..., nếu không say mê nghệ thuật Tuồng, có lẽ Hoàng Châu Ký đã là một nhân vật cao cấp của đất nước. Ấy thế mà con người này từ khá sớm đã chọn con đường tiến thân bằng tâm huyết và tình yêu nghệ thuật Tuồng.

T.L