Thu Bồn – dòng sông thi ca - Đỗ Vinh

09.05.2014

Thu Bồn – dòng sông thi ca -  Đỗ Vinh

Đất Quảng vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Trên vùng đất ấy, dòng sông Thu Bồn không chỉ mang lại sự ngọt lành trong từng câu hò điệu lý, lung linh qua từng lễ hội, đặc sắc qua từng làng nghề mà dòng sông này còn sinh ra bao người tài hoa.

            Những thi nhân của Đất Quảng, của sóng nước sông Thu đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước ta. Những vần thơ ấy vẫn sống bền bỉ với thời gian, thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Mỗi dòng sông luôn mang trong mình một số phận, một tâm hồn. Dòng sông cũng là nơi để mỗi con người gửi gắm tình cảm và những khát vọng….Thu Bồn – con sông luôn sẻ chia, luôn thấu hiểu và luôn rộng mở với những phận người. Chính vì thế mà Thu Bồn luôn là đề tài, là đối tượng được nhân cách hóa, được ẩn dụ về một tình yêu, về sự thủy chung… Nhà thơ Lưu Trùng Dương – người con của Đất Quảng đã từng có những vần thơ:

“ Như sóng nước Thu Bồn dạt dào tuôn trào ra cửa Đại;

Anh gặp em sau những ngày giông bão, sau muôn dặm thác gành

Mà tình yêu vẫn vằng vặc ánh trăng rằm

Như sông biếc trong xanh sau bao mùa lửa đạn…”

Sông Thu Bồn  là nơi để mọi người gửi gắm tâm hồn, là nơi mà những trái tim luôn tìm được sự đồng điệu. Ai đã một lần đến với sông Thu cũng không khỏi xốn xang bởi sự dịu dàng của bờ bãi, sự mênh mông của sông nước, sự thanh bình của những làng quê. Đã đến với Thu Bồn khi chia xa không khỏi bùi ngùi tiếc nuối, nhớ thương. Những cảm giác chia xa ấy cứ dâng trào, nhà thơ Bùi Giáng – người có tuổi thơ êm đềm bên sông Thu đã nhớ về quê hương trong bài thơ Thu của mình:

“Thu nay nằm nhớ Thu Bồn;

Con sông xứ Quảng linh hồn quê hương.

Quê hương xứ Quảng dịu dàng

Có cô thôn nữ có nàng tiên nga

Thu Bồn dòng sông luôn đánh thức những cảm xúc là tâm sự của lòng mình. Chính vì tình yêu quê hương, yêu con sông quê nên nhiều nhà thơ đã lấy con sông, lấy những bến sông để đặt tên cho mình và cho con của mình như một sự khắc ghi. Nhà thơ Hà Đức Trọng đã lấy tên con sông quê để đặt bút hiệu cho mình – Thu Bồn. Và anh đã viết về dòng sông quê anh:

“ Dòng sông rộng quá nên lai láng/Nhịp cầu thường tiễn ta đi xa. /Hỡi con ngựa chiến tuôn về biển./ Bất kham dừng lại hóa phù sa…”

                                                               Biết bao văn nhân nổi tiếng đã được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn. Khương Hữu Dụng – một nhà thơ, một dịch giả nổi tiếng đã từng sống  bên sông Thu để làm thơ và mở quán nước ven đường; một Bùi Giáng lãng du với đất trời và tiêu du trong hư trong thực để lại cho đời những áng thơ trác tuyệt; một Hoàng Châu Ký làm sống lại nghệ thuật sân khấu tuồng… Và sông Thu mãi rực cháy với những bản trường ca bi tráng của những thi nhân được tắm mát trên bến sông này.

Ngược dòng thời gian và ngược dòng sông Thu, dòng sông này đã sinh ra những nhà khoa bảng, những nhà yêu nước  từ những ngày đầu chống pháp xâm lược như Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh... Đó là những trí thức yêu nước và cũng là những nhà thơ đã để lại cho  đời nhiều  tác phẩm có giá trị trong tiến trình văn học cận hiện đại.

Dòng sông này đã chứng kiến bao sự cách tân đột phá trong đó có thi ca . Có thể nói, trong bước chuyển mình của thơ ca Việt Nam hiện đại có một nhà thơ, nhà văn hóa đã đặt một viên gạch đầu tiên để xây tường thành cho thơ ca mới của nước ta đó là Phan Khôi. Cùng với tiểu luận phê bình trên diễn đàn, Phan Khôi là người có công lớn trong việc  mở đường cho một dòng thơ mới đầy chất lãng mạn của thi ca Việt Nam hiện đại của bài thơ “ Tình Già” viết năm 1932.

“ Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở

Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, lấy nhau thì hẳn không đành

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau”

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, từ trong khói lửa đau thương, dòng sông này đã nuôi dưỡng trưởng thành nhiều nhà thơ.  Cuộc chiến đấu gian khổ, những năm tháng hào hùng của người dân sông Thu, đất Quảng với một tình yêu quê hương rực cháy đã được ghi lại trong  thơ Phạm Hầu, Trinh Đường, Hằng Phương, Võ Quảng, Vũ Minh….Họ là những người chiến sỹ, nghệ sỹ cầm súng và cầm bút chiến đấu cho quê hương. Những bài thơ họ viết  về sông Thu về đất Quảng vẫn còn tươi nguyên những cảm xúc. Nhà thơ Dương Đức Quảng đã viết về sông Thu rất đẹp nhưng cũng rất oai hùng:

“ Tôi cứ nghĩ về một dòng sông trong xanh

Nơi đó có con đò trong câu ca thuở trước

Cái bến sông mòn trong mắt người quen thuộc

Bãi cát vàng in dấu chân em tôi

Dòng sông Thu Bồn, dòng sông ước mong

Đêm qua sông chập chờn pháo sáng

Chiếc tàu soi rú lên điên loạn

Những đòn thù chôn trong bóng đêm

Dù sẽ trở lại đây ngày mai

Tôi xin gởi dòng sông này tất cả

Dòng sông thân yêu, dòng sông kỳ lạ

Dòng sông Thu Bồn không thể nào quên”

Trên mảnh đất trung dũng kiên cường này, biết bao thi sỹ chiến sỹ đã ngã xuống để cho dòng nước sông Thu trong xanh. Một Nguyễn Mỹ, một Chu Cẩm Phong, một Dương Thị  Xuân Quý… các anh, các chị đã nằm lại mãi mãi bên sông Thu để ngày ngày nghe sóng vỗ, nghe những giai điệu thanh bình của cuộc sống mà các anh chị đã khát khao và hy vọng.

Cố nhà thơ Trần Khắc Tám một lần trở lại sông Thu đã thốt lên:

“Tôi càng thương những ngày tháng gian lao

Bao bạn bè vì hôm nay đã ngã xuống

Như anh Định, anh Phong,  chị Quý

Những trái tim nằm lại dọc bờ sông

Những trái tim như câu thơ tựa sát vào nhau

Thành bài ca dòng sông chảy xiết”

Những mất mát hy sinh trên dòng sông này được các nhà thơ luôn khắc ghi, đó là khúc tráng ca bi hùng ghi bằng bút mực và cả máu xương mình:

“Tạm biệt dòng sông quê mẹ chúng tôi đi

Đến Quảng Nam gặp Thu Bồn thơ mộng

Dòng sông xanh đêm thường nổi sóng

Con sóng lan về phía mặt trời lên

Chúng tôi đi nuốt nước mắt vào trong

Mang thương nhớ, căm hờn về phía súng nổ

Mang nỗi đau về An Hòa, Đức Dục

Nơi đạn giặc đêm đêm rạch nát chân trời”

Đó chính là dòng tâm sự trong bài thơ “Dòng sông thương nhớ” của nhà thơ Tô Hoàn từ hậu phương Miền Bắc vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà. Và đó cũng là tâm sự của biết bao người chiến sỹ năm xưa giã biệt dòng sông quê hương đến chiến đấu trên mảnh đất sông Thu. Trên dòng sông này, họ đã yêu, đã sống và đã chiến đấu như là quê hương thứ hai. Ở nơi đó họ đã nhận ra, Thu Bồn là dòng sông thương nhớ, dòng sông của đợi chờ và cả những yêu thương. Nơi ấy, những đồng đội đã nằm lại, những cánh đồng đầy vết thương do đạn bom, nơi những mẹ già tần tảo nuôi bộ đội, nơi những cô gái đêm đêm chèo thuyền đưa bộ đội sang sông đánh giặc. Sông Thu là miền thương mến, nơi những chiến sỹ, nghệ sỹ dừng chân như duyên nợ cuộc đời.

Theo tiếng gọi của đất nước, những người con của sông Thu lên đường chiến đấu khắp các chiến trường. Dù ở đâu, trong lòng họ vẫn mang một nỗi nhớ, mang bao nỗi kỷ niệm về dòng sông, về những phiên chợ chiều, những bến đò đã tiễn họ ra đi….Những nhà thơ như Phan Đắc Lữ, Tường Linh, Trần Kim Thạch, Nguyễn Tam Phù Sa, Hướng Dương, Vu Gia, Sơn Thu, Tần Hoài Dạ Vũ, Vũ Đức Sao Biển…là những người con xa quê luôn đau đáu nhớ con sông quê hương qua từng tác phẩm của mình.

“Thu Bồn ơi! Tôi đã gặp những người già suốt đời chưa kịp lên bờ

Những cánh buồm rã mục đắp mùa đông bãi sú

Mùa mưa bão bầy chim dạt hết về bên kia núi

Những chiếc ghe bầu không sinh nở nằm úp mặt chờ sông

Chảy đằng đẵng thời gian sáng sáng mưa bom chiều chiều ly tán

Chảy thản nhiên xanh mặc phía lở bên bồi”.

Đó là những cảm nhận, chiêm nghiệm của nhà thơ Phùng Tấn Đông, người đã sinh ra và lớn lên ở hạ nguồn sông Thu. Sông Thu đã sinh ra những nhà thơ trẻ như một sự kế thừa rất tự nhiên và họ đã tiếp tục bước cha anh để nuôi dưỡng những cảm xúc và đã có nhiều tác phẩm có giá trị. Họ là Nguyễn Tấn Sĩ, Phương Dung, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Đức Dũng…Những nhà thơ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất có bút lực dồi dào, có một vốn sống sâu sắc là lực lượng cầm bút khá chắc tay của nhà thơ đất Quảng hiện nay.

Dường như mỗi nhà thơ khi viết về đất Quảng đều có những trang thơ dành riêng của sông Thu. Sông Thu đi vào thơ một cách tự nhiên nhất và chân thực nhất. Nhà thơ Nguyễn Hải Triều, người con ở thượng nguồn sông Thu đã viết:

“Hòn Kẽm đá dừng lấp lối người thương

Theo gió giao mùa về xứ mẹ

Câu cho người đà trăm năm lẻ

Dòng sông tôi muôn thuở trắng đầu nguồn

Mây ngàn mờ bước đường truông

Ghé Đại Bường ngọt mùa hoa trái

Đêm nghe hát hò khoan nhân ngãi

Mai bậu về Tí, Sé, Dùi, Chiêng

Xôn xao bóng mấy làng cũ Giáng Hòa

Bến nớ Vân Ly chừ ngổn ngang bờ sóng

Có một Thu Bồn khát vọng

Bão giông cho đất thắm tình người..

Và không phải hiển nhiên, một thế hệ trẻ sinh ra từ bóng nước quê hương, từ những cánh đồng phù sa sau những năm mưa bom bão đạn, họ đã cầm bút như một duyên nghiệp. những vần thơ của những cây bút trẻ hôm nay có dư âm của quá khứ và khát vọng của tương lai. Chúng ta có thể bắt gặp một Đỗ Thượng Thế, Phạm Tấn Dũng… là những nhà thơ như thế.

 

“Đem một khúc sông đi rồi chẳng đem về

Ký ức ở trần bỏ quên mất áo

Lau bói đã xanh tràn  biền bãi…

Chòng chành tuổi tác cập vào đâu?

Hôm sớm tuồng như sầm sập qua cầu

Bóng đò khuất bảy đời dương còn neo tiếng ới

Thương nhớ chóng bồ bồ chỗ đợi

Đời người vuốt mặt đời sông…”

Đây là những hình ảnh mới mang một chút phá cách về sông Thu mà Nguyễn Đức Dũng – một cây bút trẻ đã viết trong tập thơ “Áo giấy cho sông” mang đậm phong cách Quảng.

Trải qua bao thăng trầm dâu bể, sau bao mùa bão lũ, sông Thu vẫn miên man trong màu xanh của nước biếc, của nhịp bình yên. Sông đi vào thơ, sông sinh ra thơ, sinh ra những con người mà tâm hồn họ luôn dậy sóng và cuộn trào trên những ngọn bút. Những người cầm bút cứ nối tiếp nhau, từ những chí sỹ yêu nước đắm mình trên sông quê đến những chiến sỹ vai choàng súng, đêm vượt sông đánh giặc, vang lên những bản hùng ca bất tử. Và hôm nay, những đứa con của phù sa lại được sống và được viết về sông Thu với một sức sống căng tròn, với những câu hò điệu lý không hòa chung tiếng súng nổ, tiếng bom rơi…

Thu Bồn, dòng sông sinh ra những thi nhân đất Quảng, dòng sông mà mỗi con sóng đều hóa thành thơ, dòng sông mà mỗi bến bãi, mỗi ngôi làng đều có tên trong thi ca Đất Quảngvà tên gọi Thu Bồn là dòng sông thi ca.

 

                                                                         Đ.V