Cộng sinh - Nguyễn Thị Anh Đào

07.05.2014

Cộng sinh -  Nguyễn Thị Anh Đào

Đó là một phép thử. Thử mà thành công. Kết quả là đứa con kháu khỉnh của Toàn và Mỹ. Toàn, người gốc xứ Thanh, năm nay cậu 23 tuổi với chiều cao hơn một mét bảy, bảnh bao nhưng khiếm thị. Mỹ, cô gái thấp lùn với chiều cao chưa đầy một mét. Hai con người hoàn toàn đối lập về hình thức, nhưng cùng chung nỗi đau khuyết tật. Họ đến với nhau trong một hội diễn văn nghệ của hội người khuyết tật mà lúc đó, Toàn đắm say đàn và Mỹ hát trong thăng hoa của nước mắt với những tràng pháo tay của người cùng cảnh ngộ. Họ bén duyên từ đó. Họ sống ở phố Ngâu Đông trong một phòng trọ, đúng hơn là khoảng không gian chật hẹp đủ để trải chiếc chiếu hoa. Cũng trong căn nhà đó có rất nhiều vợ chồng sống cộng sinh như Toàn-Mỹ. Chủ của ngôi nhà tên là Nghi, bà là chủ một đại lý vé số. Bà Nghi cũng là người đang cộng sinh với những số phận kém may mắn hơn mình. Bà đặt ra một giao ước với những cặp vợ chồng đến đây tìm bà, đó là số lượng vé số hàng ngày bán được bao nhiêu, ngoài tiền trả về đại lý, bà cho không khoản lời đó để các cặp vợ chồng có cái ăn cái mặc hàng ngày. Đã không ít lần bà chủ này làm luôn bà đỡ đẻ cho những người phụ nữ vượt qua cái ngặt nghèo của thể xác, vượt cạn sinh con, khẳng định thiên chức làm mẹ của mình. Đằng sau đó, bà lặng thầm dõi theo những mảnh đời dạt đến đây từ rất nhiều vùng quê, có cả phố sầm uất, có cả vùng quê hẻo lánh. Họ về Ngâu Đông sum tụ để hình thành nên một thế giới riêng biệt: Thế giới cộng sinh.

Ông Tám sính nghề đạp xe thồ, một nghề bây giờ rất hiếm trong thành phố. Ông có thói quen mỗi sáng vẫn ghé dãy quán cà phê có những cái ghế mây màu vàng của nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc, vừa nhâm nhi vị cà phê đen, vừa đọc báo. Đó là thời gian hiếm hoi ông thư thái trong ngày, vì thức dậy từ ba giờ sáng để lên chợ chở rau. Bởi vậy chỉ có lúc đó ông mới có thời gian để nhìn dòng người trôi trong buổi sáng và cũng được gặp lại nhiều mảnh đời cộng sinh. Ông thường mua vé số rồi tặng lại luôn họ. Có người nhận với lời cảm ơn, có người chỉ nhận một trong hai vé số ông mua, tiền thừa trả lại, có người không nhận, mà chỉ mời ông mua thêm rồi lần sau ông lại trở thành khách quen của họ. Ông chưa bao giờ là tín đồ nghiện vé số. Mua vé số đôi lúc chỉ để làm phước cho đời vì ông biết ông chẳng bao giờ may mắn trúng lấy một cái giải cỏn con nào. Nhưng lắm lúc thương quá những dáng hình, người thì lớn bằng tuổi cha mẹ ông, người thì tật nguyền, rồi trẻ con sớm bị đánh cắp tuổi thơ bởi phải mưu sinh bằng việc bán vé số dạo. Đôi khi tiếng mời mua vé số của họ lại là thanh âm quen mà ông không dễ từ bỏ trong cuộc sống này. Nó giống như gia vị đủ để đánh thức tiềm thức ông sau một ngày còng lưng đạp những vòng xe. Ông trở dậy và đi-về ngôi nhà nhỏ của mình nằm sát dãy hành lang bạc thếch của khu tập thể tồi tàn trong ngõ nhỏ. Sáng sớm khi ông dắt chiếc xe đạp cà tàng của mình ra khỏi con hẻm đó, cũng là lúc thanh âm chộn rộn của xóm nghèo vọng lên. Khu tập thể ông ở cạnh dãy nhà có hàng chục phụ nữ đơn thân nương nhau sinh sống. Đa phần họ có con mà không có chồng. Họ sống trong những dãy nhà dài, một vài người trong số họ có con cái được đi học đàng hoàng. Nhưng hầu hết trẻ em được sinh ra ở xóm nghèo này sớm phải mang trong mình cái khát khao được một lần biết mặt cha mình. Câu trả lời về người tạo ra hình hài mình của những đứa trẻ trong cõi đời này chỉ được đáp trả bằng giọt nước mắt mặn dài lăn trên gò má những người mẹ da mặt đầy vết đồi mồi. Họ từng cố lấp đầy đời đàn bà bằng một đêm tự hiến thân cho một người đàn ông nào đó. Họ tự nguyện xin con từ những người chưa từng quen biết, họ không có tình yêu. Đó là những đêm thẳm sâu trôi như ma mị trong phố Ngâu Đông khi thể xác và linh hồn họ thả trong gió cuộn. Họ ở rất gần biển. Gần sóng. Mọi thứ trở nên pha lãng và tróng tránh. Đó là khoảng thời gian đấu tranh giữa cái mất và được của người phụ nữ đa đoan, ít nhan sắc bằng người. Cái nghèo đeo đẳng, bám riết khiến cho hạnh phúc trở nên hững hờ và trở thành một khái niệm ít được nhắc đến. Họ cũng là những người cộng sinh nhưng tự nguyện mất đi một nửa mình từng muốn cộng sinh. Chỉ còn lại sản phẩm của những lần cộng sinh chóng vánh đó là những đứa trẻ thơ ngây. Ông cũng không thể làm ngơ hoặc trốn chạy cảm xúc thật của mình. Họ là những phụ nữ đơn thân còn ông thì mồ côi vợ, cũng không có một mụn con nào để ông có thể nương nhờ lúc trái gió trở trời của cái tuổi xế chiều sẽ rụng nhanh hơn những chiếc lá vàng. Nhưng dù đã gặp và cố gắng song ông không thể cho phép mình cộng sinh như thế.

Phố Ngâu Đông trở thành một xã hội thu nhỏ của những con người mang thân phận kỳ lạ. Kỳ lạ vì họ không giống người bình thường. Kỳ lạ vì không biết họ lấy niềm tin từ đâu để sống, để đấu tranh với nỗi bất hạnh của mình. Trở lại chuyện của Toàn-Mỹ. Ông không dám tin. Nhiều người ở phố Ngâu Đông cũng không dám tin. Khi vào một ngày cuối đông nghe tin từ bà Nghi rằng Mỹ vừa hạ sinh một bé gái khỏe mạnh, da trắng và xinh như một thiên thần. Để đến khi ông gặp cặp vợ chồng đó cùng con gái mình cười vang trên đoạn đường quen, mới chột dạ mừng thầm. Dạo đó ông thường làm người dẫn đường cho nhiều nhà hảo tâm tìm đến gặp cặp vợ chồng này, người cho cái áo, người biếu hộp sữa, ký đường, có người tặng một chiếc xe máy điện sản xuất riêng cho người khuyết tật để Toàn-Mỹ có phương tiện mưu sinh. Ông trở thành người cha tinh thần của đôi vợ chồng không lành lặn đó.

Mỹ là người phụ nữ có đôi chân tóp teo, kẹp dính vào nhau, đôi tay gầy lại trở thành điểm tựa cho cả thân thể tật nguyền. Khi sinh ra trên cuộc đời này Mỹ đã phải chịu là đứa trẻ tật nguyền. Đó là dị tật cô phải mang bởi chất độc hóa học mà bố cô đã bị nhiễm những ngày sống trong rừng. Cô mồ côi cha mẹ khi lên chín tuổi, rồi lênh đênh trôi dạt vào một trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật. Nhưng cô không sống mãi ở đó mà đã tự tìm cách hòa nhập với thế giới bên ngoài và cuộc đời đã không bỏ qua dịp may với cô khi cho cô gặp và gắn bó cùng Toàn. Ít ai trong phố Ngâu Đông biết rằng hình ảnh của Mỹ đã trở thành cảm hứng chính của nhiều cô cậu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc thực hành ký họa trong những giờ ngoại khóa ngay tại quán cà phê này. Chân dung Mỹ được khắc họa ở nhiều khía cạnh với nhiều góc nhìn khác nhau, các phác thảo của họ có một điểm tương đồng, đó là đôi mắt và nụ cười của cô. Đôi mắt biết cười. Mái tóc chấm vai mỏng tanh của Mỹ được phù phép để tạo thành những đợt sóng tóc dầy, bóng mượt. Đôi chân tật nguyền của Mỹ được giấu dưới khóm hoa dại vàng rượm. Xấp vé số trên tay Mỹ được vẽ nét nhòa, vương đầy khói sương. Cô chưa bao giờ được nhìn lại con đường mình đã đi qua, và ngắm mình trong đó, vì cô mãi bận mưu sinh. Cô là mắt, là tai của chồng. Lúc Toàn hình dung vợ, con mình bằng đôi tay. Cô đã chắp thêm cho nửa kia của mình một chân trời mới bằng tình yêu của người vợ đảm đang không thua kém gì người bình thường. Mỹ cũng chưa bao giờ được đọc những vần thơ viết về cô. Nhưng ông Tám thì rành rọt từng câu chữ đó, ông tỉ mẩn ghi vào mẩu giấy xé từ tờ lịch cũ:

Buông rơi quả cau lá trầu

 miếng duyên tình ngơ ngẩn

chim én cuối chiều nhả thóc vớt mùa xuân

con thuyền nhỏ mộc đơn trên ngọn sóng

ai cầm tay níu lại tháng năm gầy.

                                    (…)

Mỗi buổi sáng ngồi đây, ông đã quen với hình ảnh chiếc xe điện ba bánh dừng lại trước quán cà phê, Toàn dùng đôi tay khỏe mạnh nhấc bổng vợ mình ra khỏi xe và đặt nhẹ xuống lề đường, lặng lẽ khóa trái bánh xe để giữ cho xe không chạy thụt lùi. Rồi Toàn ngồi đó, đợi vợ. Còn Mỹ thì dùng hai khủy chân dị tật xỏ đôi dép nhựa màu xanh, lặng lẽ vào quán, tay cầm xấp vé số. Miệng cô luôn mỉm cười. Mắt cô ánh lên tia nhìn yêu mến dù cuộc đời xô lệch và bỏ lại cái thế giới riêng tật nguyền của mình để bước tiếp về ánh sáng. Khi nhìn hình ảnh vợ chồng Toàn-Mỹ, ông nhớ lại hình ảnh cây tơ hồng mọc đầy sau vườn nhà ở quê.

Đó là những búi tơ hồng màu vàng, leo lên bám riết lấy cả một cụm cây sim, cây me, hoặc những cây xoan đào, mọc lên thành những bức tường màu vàng. Mỗi lần cha ông dọn vườn, ông thường nói rằng trên đời này có cái loại cây tên thì rất đẹp nhưng lại sống ký sinh vào một loài cây khác. Càng cắt bỏ nó càng lên nhanh, bám trụ thành thảm chứ không phải một hai dây. Trẻ con trong làng ông hồi ấy thường dùng dây tơ hồng để diễn chơi những trò chơi dân gian chồng-vợ. Bọn trẻ chia từng nhóm cùng bứt dây tơ hồng kết thành những vòng tròn làm vương miện cô dâu, làm hoa cài áo của chú rể. Chúng kết hợp dây tơ hồng với hoa ngũ sắc, khéo léo tạo thành những vòng hoa treo trên cái cổng được làm từ mấy gốc sắn. Trò chơi chồng vợ của đám trẻ chăn trâu trong xóm ông lúc đó trong sáng và bình dị. Chính vì vậy cái dây tơ hồng trở thành một ký ức tuổi thơ khó có thể phai nhạt trong tâm trí ông. Ngay cả vườn chè của gia đình ông cũng vậy. Những gốc chè già đều ít nhiều là cột trụ bám chặt của những dây tơ hồng. Nhưng cái lạ, những lá chè ở trên những cây chè già có dây tơ hồng bám đó, lại là loại lá chè dòn rụm. Mẹ ông dạy rằng khi dùng lá chè đó om nước để uống có vị rất thơm ngon, mới thưởng thức được cái vị thanh đạm của nước chè xanh. Hồi ông nội ông còn sống cũng bảo thế. Còn riêng ông, hồi đó ông ghét cây tơ hồng vì loại cây này đã lấy của cha ông không biết bao nhiêu công sức mỗi khi ông phải dọn vườn. Nhưng hình ảnh hôm nay ông gặp ở thành phố và những con người ở phố Ngâu Đông cũng sống như loài cây tơ hồng đó, lại không phải ký sinh mà là  cộng sinh. Ông đã quan sát rất kỹ từng chi tiết, từng con người với nhiều tính cách trên phố Ngâu Đông. Mọi điều hay dở diễn ra ở Ngâu Đông, ông Tám đều thuộc nằm lòng bàn tay.

Kho tư liệu sống đó của ông được chia nhiều ngăn.

Một ngăn ông đựng cái thân phận của mình.

Một ngăn ông dành cho thế giới cô độc trong căn phòng chật ám hơi người ở phố Ngâu Đông

Ngăn còn lại, đó là thế giới vui nhộn nhất, đông đúc nhất. Thế giới của những người cộng sinh. Những người đời đàn bà đơn thân, góa bụa. Những đứa trẻ vô tư sống trong nỗi mong chờ có một người cha.

Thành phố nơi ông sống không có cây tơ hồng. Ở đây những xóm nhà tạm bợ hoang vắng ngày ông mới vào lập nghiệp giờ đã được thay mới bằng nhiều dãy nhà chung cư. Những con phố mới với hàng chục con đường rộng thênh với nhiều sắc hoa, cây cỏ. Như một người gom nhặt thời gian, ông đã không biết mình may mắn hay bất hạnh khi gặp ở đây nhiều cảnh đời cộng sinh trong vô số góc hiếm muộn đời người. Đã nhiều lần ông muốn chuyển nhà trọ đi khỏi con phố Ngâu Đông để không còn gặp lại những cuộc đời ký thác, những căn hộ liền kề thường đóng cửa sớm trước chín giờ đêm, những con người vịn vào nhau mà đứng dậy sau những vấp ngã đa đoan với cuộc đời. Nhưng rồi ông vẫn lại chọn xóm Ngâu Đông để gắn bó. Một khi bản thân ông cũng là một kẻ cộng sinh để sống, thì ông nên sống trong một xã hội có nhiều người cùng cảnh ngộ, nhiều người chọn cách cộng sinh để tồn tại. Cái nghề đạp xe đạp thồ như ông, cũng là một cái nghề rất hiếm hoi giữa thành phố bây giờ. Nhớ lại một dạo ông thường đi lượm những chiếc lốp xe máy, xe đạp được chủ nhân thay mới bỏ lại trong từng góc quán sửa xe, hoặc bên vệ đường cạnh thùng rác công cộng. Có hôm khi đang chở đầy lốp xe cũ, qua vòng cua đường rẽ về nhà, ông đã loạng choạng ngã vật xuống lòng đường, mấy chiếc lốp cũ cứ thế tranh nhau lăn tứ tung, mỗi chiếc chạy về một ngả. Nhiều người đi đường nhìn ông ái ngại, người thì chậc lưỡi, nguýt lườm, nhưng có người lại dừng xe, đỡ ông dậy rồi lặng lẽ gom dùm ông số lốp xe cũ đó. Sau sự cố đó, ông bỏ nghề buôn lốp xe cũ, chuyển qua nghề đạp xe thồ chở rau, củ, quả cho mấy bà ở chợ đầu mối về chợ xép ở phố Ngâu Đông. Công việc khiến ông cảm thấy an tâm và có thời giam ngẫm suy về thân phận đời người. Trong thế giới cộng sinh, mỗi người được sống trong một thế giới riêng với những ngôi sao hy vọng luôn phát sáng…

 

Lời ký giả…

Tôi là một ký giả, thường lui tới thành phố này và tìm về những góc khuất đã bị bỏ quên đó của thành phố để tích lũy vốn sống và làm đầy thêm nguồn cảm hứng từ những mảnh ân tình hiếm thấy ấy. Tôi đã gặp người đàn ông làm nghề đạp xe thồ  đó. Trong những giờ rỗi rãi hiếm hoi của ông ở góc quán cà phê cóc có ghế mây màu vàng đó, ông Tám kể cho tôi rằng, đừng tưởng những người không lành lặn, không may mắn như mình họ cần lòng thương hại. Đừng đem cho họ những thứ mà người thường đã dùng hoặc cho đi một chút tiền lẻ như một sự bố thí. Không ai có thể mua được lòng tự trọng của họ ở con phố Ngâu Đông này… Những ngày mưa tới tấp mùa đông năm ấy, tôi đã trở lại thành phố ấy và nhiều lần một mình dầm mưa đạp xe tìm ông Tám trên những con đường quen. Mới hay tin ông Tám đã qua đời vào một ngày trời biển dâng trong gió bấc. Trong đám tang của ông Tám, chính đôi vợ chồng Toàn-Mỹ và cháu Hồng Ân đã chít khăn chịu tang cho ông. Người phố Ngâu Đông kể rằng, trong ngày thành phố mưa rũ đó, khi vừa chạy một cuốc xe chở rau về chợ, ông Tám đã liều mình cứu bé Hồng Ân khỏi tay tử thần do Toàn loạng choạng tay lái, Mỹ rơi xuống đường trơn vì một chiếc xe tải chạy ngược chiều quẹt phải. Ông Tám đã rời bỏ cuộc đời cộng sinh của mình ở tuổi bảy mươi.

N.T.A.Đ