Điện Biên một thời... - Lê Thanh

07.05.2014

Điện Biên một thời... - Lê Thanh

Một sáng tháng 12 năm 1953, phòng quân y nhận được lệnh của đại đoàn rời Thái Nguyên lên Tây Bắc tham gia chiến dịch. Đợt hành quân này tuy vào ban đêm nhưng đường đi bằng phẳng, ôtô qua lại được nên đỡ vất vả hơn lần trước. Trên đường bộ binh, pháo binh, các binh chủng khác cùng  nhiều đoàn dân công  nối nhau đi đông vui như  trẩy hội. Có hôm chúng tôi gặp đoàn xe  chở pháo nguỵ trang bằng những tấm cót dày, xung quanh gắn cành lá rung rung trước gió như vẫy gọi mọi người. Gặp lúc xe dừng lại, chúng tôi đến gần tò mò sờ vào, nhận ra đó là những nòng pháo mới nguyên và những lốp ôtô còn thơm mùi cao su. Lòng bồi hồi xúc động với  ý nghĩ  đây là một chiến dịch quan trọng nên thắng lợi sẽ rất lớn lao, chúng tôi động viên cánh lính pháo: "Lần này, các cậu phải bắn cho trúng đích nhé!". Anh em lính pháo cười vang đồng tình, vẫy tay chào với vẻ quyết tâm. Trông suốt đoàn quân ai cũng mũ lưới ngụy trang, mang ba lô, súng, "ruột tượng" gạo, cuốc xẻng, túi cơm, bi đông, ống tre nước, gậy để dò đường qua suối hoặc chống đỡ ba lô. Riêng tôi còn thêm cây đàn ghita có bao bọc nên rất cồng kềnh. Anh em cứ nhìn tôi cười trêu là “nhạc sĩ” ra trận. May nhờ có cây đàn nên lúc nghỉ chân, người đàn kẻ hát rộn lên khiến ai cũng  phần nào quên đi mệt nhọc.

 Trên đường đi, kẻ địch chừng cũng phát hiện ra là ta đang chuyển quân nên cho máy bay ném bom bắn phá các bến đò suốt ngày đêm nhằm chặn bước bộ đội. Vậy là mọi người vừa phải vượt qua bao khó khăn vừa phải cảnh giác với địch để bảo toàn lực lượng trên suốt đường đi. Trong  cuộc hành quân này, đại đoàn mở cuộc vận động 5 tốt: "ăn, ngủ  nghỉ, đi, bảo quản vũ khí, bí mật". Tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn đều  nghiêm túc chấp hành. Hằng ngày bộ đội được ăn cơm nóng có canh rau, giữ vệ sinh cá nhân,  nằm màn, ngâm chân nước nóng bằng cách đào hố, lót nilông cho nước nóng vào, uống thuốc phòng sốt rét, dọc đường hành quân  nếu đại tiện thì đào hố “mèo”...Các chiến sĩ vệ sinh, cứu thương, y tá, y sĩ, cán bộ quân chính luôn nhắc nhở đôn đốc kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị nên anh em đảm bảo sức khoẻ  98 %  và 100% quân số đi tới đích. Gần một tháng  ròng rã đường xa, mang nặng, Đại đoàn 308 chúng tôi đã đến Tuần Giáo rồi vào Điện Biên.

Chiến dịch này được đặt tên là chiến dịch Trần Đình. Lúc đầu chủ trương của Bộ Chỉ huy mặt trận là đánh nhanh, thắng nhanh. Bước vào chuẩn bị chiến đấu, các đơn vị của đại đoàn tham gia làm đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên và đường kéo pháo lên các điểm cao. Đại đoàn bộ  và phòng quân y đóng tại khe Hồng Lếch, dãy núi ở phía tây lòng chảo Điện Biên. Trước lúc hành quân,  phòng quân y đã bổ sung y tá, cứu thương cùng thuốc men, dụng cụ cho các tiểu đoàn và đại đội. Đội điều trị 8 của đại đoàn được tăng cường lực lượng dân công triển khai xây dựng các lán, hầm hố để tiếp đón, thu dung 400 thương binh, riêng tôi cũng phải đào một hầm ngủ dài 2m, rộng 1,5m, cao 1,8m, cửa hầm rộng 80cm, nắp hầm dày 50cm có ống thông hơi, nền lát cây con và lá cây  đủ cho 2 người ở. Do yêu cầu công việc chuẩn bị phải khẩn trương nên chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, trong tình hình bên dưới địch thường xuyên bắn pháo vào khe Hồng Lếch, trên trời  máy bay rà lượn không nghỉ, thỉnh thoảng lại  ném bom, bắn phá những nơi chúng nghi ngờ.

Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ chủ công, từ phía tây tấn công vào giữa trung tâm Mường Thanh. Chiều hôm ra quân, bộ đội trang bị đầy đủ súng ống, lựu đạn với quyết tâm chiến đấu cao.

Tôi được phân công đi cùng với một đơn vị chiến đấu. Trong khi chờ đợi đến giờ xuất kích, tôi cùng mấy cán bộ, chiến sĩ khe khẽ hát bài "Trước giờ xuất quân", một bài hát mà Hồng quân Liên Xô thường hát trước giờ ra trận: “Kèn đã rúc ngoài xa nghe chăng...Chiến y gọn gàn, nào súng lên vai hùng dũng... Tiến ra sa trường, tin tưởng mãnh liệt...”. Lời ca hào hùng ấy làm chúng tôi càng thêm phấn chấn. Tôi nhớ lại trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952, cũng trước giờ xuất quân của Tiểu đoàn 79,  tôi đã cùng một số cán bộ, chiến sĩ  hát bài này. Cuộc chiến đấu hôm đó vô cùng ác liệt, tiểu đoàn gần 500 người ra trận nhưng sau trận đánh chỉ còn hơn 40 người. Nghĩ đến trận chiến đấu này, tôi có cảm nhận chắc chắn còn ác liệt hơn nhiều. Vậy mà trông mọi người vẫn rất lạc quan tin tưởng và nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giành thắng lợi.

Sắp đến giờ xuất kích, đột nhiên có lệnh của Bộ Tư lệnh, đại đoàn phải chuyển hướng hành quân sang Thượng Lào đánh địch. Mọi người đều bỡ ngỡ không hiểu sao tình hình lại thay đổi nhanh như thế, nhưng vì “quân lệnh như sơn” nên gấp rút chuẩn bị hành quân. Đội điều trị 8 và phòng quân y đại đoàn cũng nhanh chóng thu dọn để đi cùng bộ đội. Cuộc hành quân này gặp nhiều khó khăn vì không được chuẩn bị trước, đặc biệt là không có lương thực để mang theo. Phòng cung cấp của đại đoàn phải cử một số cán bộ phi ngựa chạy trước tìm vay lương thực trong dân để cung cấp cho bộ đội. Nhớ lại hôm ra đi, tôi được phát một nắm cơm nhỏ bằng quả trứng đặt gọn trong lòng bàn tay với một bi đông nước dùng cho cả ngày. Mỗi lúc đói chỉ cắn một miếng nhỏ, nhai kỹ với ngụm nước cho đỡ đói, đến cuối ngày thì vừa hết cơm lẫn nước...Đến cuối tháng 2 năm 1954, đại đoàn được lệnh trở lại khu Hồng Lếch tiếp tục làm nhiệm vụ đào hào xây dựng trận địa. Hồi đó tôi là trợ lý phòng quân y đại đoàn, có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện phòng bệnh. Khi không có trận đánh, tôi  thường xuống các tiểu đoàn, đại đội để cùng bàn bạc thúc đẩy phòng bệnh , lấy kinh nghiệm ở đơn vị này phổ biến cho các đơn vị khác.  Khi đơn vị chiến đấu, tôi chuyển sang làm công tác điều trị thương binh ở Đội điều trị 8 như một y sĩ vừa  phụ mổ ca mổ lớn, các ca mổ nhẹ vừa tham gia cấp cứu, chống choáng... Sau mỗi trận chiến đấu có nhiều thương binh, tôi cùng anh em liên tục làm việc suốt ngày đêm, mỗi đợt từ 7 đến 10 ngày. Bấy giờ các cơ sở điều trị , phòng mổ  với 2 bàn mổ đầy đủ tiện nghi đều nằm  trong lòng đất. Xung quanh hầm căng dù trắng toát, sàn lót  thân cây phủ bạt, ánh sáng là đèn măngxông và đèn đinamô xe đạp quay tay. Các hầm cấp cứu, chống choáng  thì rộng rãi hơn  nhưng vẫn không đủ để phục vụ thương binh từ các trận địa của đại đoàn chuyển về.

Trong giai đoạn chuẩn bị trận địa, đại đoàn  nhận nhiệm vụ  đào đường hào từ bản Phe Luông đến bản Cò Mỵ dài gần 10km. Lệnh của đại đoàn là mọi người đều phải tham gia xây dựng trận địa. Từ chiều, từng nhóm  bộ đội  theo nhau ra địa điểm qui định. Anh em làm việc trong điều kiện bữa ăn kham khổ, nước uống thiếu thốn. Có nhiều đêm máy bay trinh sát thả pháo sáng cho cứ điểm địch bắn vào khu vực bộ đội ta đang đào hào, có lúc lại bắn pháo chụp nổ trên không để mảnh rơi xuống gây  sát thương. Có trường hợp xảy ra thương vong khiến mọi người cảm thấy căng thẳng nhưng rồi cũng quen dần. Giai đoạn đầu chưa có kinh nghiệm tổ chức, bộ đội chưa quen sống cả  ngày lẫn đêm trong chiến hào nên tuy có hầm ngủ, hầm chiến đấu được  xây dựng vững chắc anh em vẫn không thấy thoải mái. Mọi người ăn uống thất thường, vệ sinh cá nhân kém, tóc không cắt nên dẫn đến việc phát sinh một số bệnh ngoài da, ảnh hưởng sức khoẻ.

 Giữa lúc anh em cố gắng khắc phục khó khăn để làm nhiệm vụ  thì mệnh lệnh số 1 về bảo vệ sức khỏe ở trận địa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy mặt trận được ban hành. Việc ăn ở, sinh hoạt của bộ đội được qui định nghiêm ngặt. Thực hiện ăn "2 nóng" vào buổi sáng và tối,  nơi ở giao thông hào phải giữ vệ sinh và tạo sự “bình thường hóa”  trong cuộc sống bộ đội. Các cán bộ  quân chính, quân y  nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh này. Đơn vị đã tổ chức cho bộ đội thay phiên nhau về phía sau tắm giặt, cắt tóc, chữa bệnh ngoài da, thực hiện ăn uống “2 nóng”. Trận địa được vệ sinh sạch sẽ, có hố ỉa hố đái, tăng cường sách báo trong chiến hào, có rãnh thoát nước trong hầm ở, nền lát gỗ hoặc hòm đạn ...

Những đợt theo đoàn kiểm tra của đại đoàn xuống trận địa, tôi thấy trên đường giao thông hào   sạch sẽ, hai bên có những hầm ở, hố vệ sinh, các ngã tư có mũi tên chỉ đường, các hầm đều gọn gàng, trật tự và có biển báo, tổ chức chặt chẽ như một thành phố trong lòng đất. Anh em thường đùa vui nơi này chẳng khác gì Hà Nội với 36 phố phường.  Người thì bảo ở phố Hàng Bồ, người lại bảo ở phố Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Chiếu, có người cao hứng bảo chẳng khác ở phố bờ Hồ. Sau này khi được nghe bài thơ “ Tây Tiến “ của nhà thơ Quang Dũng, trong đó có câu “ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, ngẫm lại mới thấy cảm xúc của mọi người lúc ấy cũng có phần hao hao thế...Nhìn vào một hầm ở, tôi thấy có  3 chiến sĩ tóc ngắn, mặt mũi sáng sủa đang chăm chú đọc báo. Nhìn hình ảnh ấy tôi  lại nhớ  đến câu chuyện "Thượng Cam Lĩnh" viết về cuộc chiến đấu của quân đội Trung Triều chống quân Mỹ xâm lược đã được nghe giữa lòng hào đang rung lên vì đạn pháo trong một lần cũng đi kiểm tra như thế này. Bấy giờ câu chuyện cuốn lấy tôi vừa động viên vừa thúc giục đến nao nức lòng người. Sau những lần như thế tôi càng hiểu rõ thêm vì sao anh em  đã trụ bám được ở nơi này.

Tôi  cũng đã từng đi cùng cấp dưỡng mang cơm nước ra trận địa. Cơm nóng đựng trong bao vải, canh đựng trong túi ni lông, bi đông nứơc đặt trong thúng  không hết phải  treo hai đầu đòn gánh. Các anh quảy kĩu kịt hai thúng nặng men theo đường ngoằn ngoèo trong lòng hào, có chỗ hẹp phải gập người để đi, lại có đoạn đường rất trơn, pháo địch bắn bất kỳ  mọi lúc nhưng vẫn không để lỡ bữa ăn của bộ đội. Nhờ  vậy mà anh em có cơm ngon canh ngọt, đảm bảo vệ sinh mỗi ngày.

Chiến dịch mở màn ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại đoàn 312 diệt đồn Him Lam. Ngày 14 và 15 tháng 3, Trung đoàn 88 của đại đoàn diệt đồn Độc Lập rồi đánh địch phản kích, thương binh đưa về Đội điều trị 8 rất đông. Tôi được tăng cường xuống Đội điều trị 8 tham gia điều trị thương binh. Tiếp đến Trung đoàn 36 dụ địch ở đồn Bản Kéo ra hàng. Ngày 21 tháng 3, Trung đoàn 36 diệt đồn 106 nên thương binh chuyển về càng nhiều hơn. Sau 15 ngày điều trị, phòng quân y đại đoàn chuyển bớt những thương binh đã dần hồi phục về đội điều trị Cục quân y.

Từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1954, Trung đoàn 102 thay Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 tiếp tục đánh đồi A1 ở phía đông Mường Thanh. Trận đánh rất ác liệt nên bị thương nhiều, thương binh về đội điều trị rất đông. Cán bộ, chiến sĩ Đội điều trị 8 phải làm việc liên tục 24/24 giờ suốt một đợt dài trên 10 ngày. Thời gian từ đầu đến giữa tháng 4, tình hình chiến đấu tạm lắng. Tôi xuống thăm các đơn vị thấy anh em vẫn thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ giữ vững trận địa để khống chế các cứ điểm của địch.

Sau những ngày này, các đơn vị tiếp tục đào hào chia cắt sân bay và đồn địch. Ngày 22 tháng 4, quân địch phản kích 3- 4 lần vào trận địa Trung đoàn 88. Cuộc chiến đấu giằng co rất quyết liệt. Đồng chí Lăng mới 18 tuổi là chiến sĩ vệ sinh lên thay cứu thương đã dùng tiểu liên và lựu đạn đánh trả quân địch, bảo vệ cho 8 thương binh được an toàn. Đại đoàn đã phong tặng cho đồng chí Lăng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Đại đoàn. Trong trận đánh này vì trận địa của ta và địch cách nhau không xa và  luôn kiềm chế nhau nên cả hai bên đều không lấy được xác đồng đội mang về. Những xác chết lâu ngày bị trương thối ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội. Tôi được phòng quân y phân công xuống cùng đơn vị nghiên cứu tìm cách giải quyết. Theo kế hoạch, giữa khuya anh em đào hào giao thông đến tận xác anh em, kéo xuống cho vào bao nilông đưa về phía sau chôn cất đàng hoàng. Còn xác địch thì đốt rồi dùng vôi bột tẩy uế. Nhờ đó mà ngăn chặn được bệnh dịch phát sinh, sức khoẻ bộ đội ta được đảm bảo nên vẫn bám trụ tiêu diệt địch.

Sang  ngày đầu tháng 5, ta mở đợt  tấn công. Trung đoàn 36 diệt đồn 311. Ngày 3 tháng 5, Trung đoàn 88 diệt đồn 311A.. Ngày 4 tháng 5, Trung đoàn 102 diệt đồn 310. Chiều ngày 6 tháng 5, Đại đoàn 312 đánh vào trung tâm Mường Thanh bắt sống tướng Đờ Cát. Thương binh của ba trận đánh dồn về  Đội điều trị 8  nên anh em phục vụ lại càng vất vả.

Qua những lần đi kiểm tra ở các đơn vị, tôi còn được nghe nói nhiều về những cán bộ quân y đã dám xả thân dưới làn đạn địch để đưa thương binh về phía sau. Có nghe có thấy rồi mới biết những cán bộ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ đâu chỉ gián tiếp mà còn thực sự  tham gia chiến đấu khi cần thiết và số người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ không phải là ít. Dẫu biết là trong chiến tranh mọi việc không thể mang ra để so sánh, định lượng nhưng phải nói trong suốt chiến dịch,  công việc mà  họ đảm nhận thật chẳng nhẹ nhàng gì. Họ cứ lặng lẽ làm việc dù ở nơi ác liệt hoặc yên bình với tất cả tinh thần và trách nhiệm để giành lại sự sống cho chiến sĩ. Chiến công của họ không ghi bằng trận đánh mà ghi bằng sự cứu sống mỗi mạng người. Ngẫm ra mới hay tay dao tay kéo cũng chẳng kém gì tay lê tay súng trên chiến trường.

Trưa ngày 7 tháng 5, sau một đêm đi kiểm tra tình hình dịch kiết lỵ ở một bản địa phương gần trận địa ta, tôi về lại đơn vị. Khoảng 2 giờ chiều, tôi được nghe tin từ quân báo của đại đoàn là thấy trong lô cốt địch xuất hiện nhiều lá cờ trắng. Lúc này đại đoàn được trên giao nhiệm vụ tiếp quản Mường Thanh nên đã tổ chức một đoàn cán bộ xuống Mường Thanh do đồng chí Lê Vinh Quốc, Phó chính ủy  phụ trách. Tôi cũng được lệnh tham gia trong đoàn đó. Ý nghĩ  vậy là chỉ còn  vài  giờ đồng hồ nữa  thôi sẽ được theo đoàn đặt chân đến sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch khiến tôi nao nao suốt thời gian chờ đợi lên đường.

Ba giờ sau khi nhận lệnh, đoàn công tác tiến vào khu vực sở chỉ huy khu Mường Thanh. Công binh phải tháo gỡ mìn, cắt rào mở đường đi qua các đồn địch để vào bên trong. Ngừơi sau lần theo vết chân người trước lặng lẽ, thận trọng trên lối đi vừa mở. Tuy đã rất cẩn thận nhưng  một đại đội phó trong đoàn vẫn vướng dây mìn khiến anh chết ngay tại chỗ. Cả đoàn lặng đi  trong  ý nghĩ cho đến lúc thắng lợi rồi mà  vẫn chưa hết đổ máu. 

Chúng tôi vào hầm tướng Đờ Cát. Khắp hầm căng dù trắng toát trông thật lạnh lẽo. Giữa phòng làm việc chễm chệ bộ salông bọc nhung đỏ trông cứ hừng hực. Có lẽ  chỉ với chừng ấy thôi cũng  đủ cho những người có mặt trong hầm cảm nhận được bản chất lạnh lùng và hiếu chiến của chủ nhân căn phòng. Theo sự phân công, mọi người trong đoàn thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong lúc kiểm tra vệ sinh trận địa, những lá cờ trắng vật vờ lay ở các lỗ châu mai bỗng đập vào mắt tôi. Nhìn chúng, tôi chợt chạnh lòng. Để kẻ địch phải giương những lá cờ này lên thì biết bao chiến sĩ ta đã  phải ngã xuống, mang theo cả giấc mơ ngày trở lại thủ đô. Gió từ đại ngàn chợt  nổi lên. Chẳng biết có phải đấy là  hương hồn của các anh đã về đây để chứng kiến giờ phút thất bại thảm hại của kẻ thù.

Sau khi chiến đấu ở Điện Biên rồi tiếp quản vùng Mường Thanh, đại đoàn tôi hành quân  trở lại đồng bằng.

Mãi đến những năm sau này, khi tiếp tục học để trở thành bác sĩ quân y, rồi  vào chiến trường B tham gia đánh Mỹ  suốt 11 năm trời, trên các chặng đường hành quân, ở mỗi điểm tập kết, trong lúc làm nhiệm vụ, tôi vẫn thường nhớ về khoảng thời gian làm cán bộ phòng bệnh ở Đại đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi nhận ra chính nhờ vào những năm tháng ấy mà tôi đã trưởng thành.

                          L.T

(ghi theo lời kể của đ/c Vũ Quang Dũng

nguyên y sĩ phòng quân y, Đại đoàn 308)