Miền nhớ - Nguyễn Thị Thu Sương
Có miền đất bỗng trở thành nỗi nhớ, thành tiếng gọi thiêng liêng với bao người. Đấy là Hiệp Đức. Cuối năm bao việc vậy mà sau khi liên hệ với Huyện ủy chúng tôi đi. Gió mùa đang mạnh. Mưa từng cơn, lạnh buốt. Vẻ chừng không yên tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, Nguyễn Văn Nam điện hỏi đoàn có đến không? Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng, Phó Chi hội trưởng Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng trả lời: Có chứ! Đi đến nơi nào không thể đi được thì thôi! Đoàn tinh những cựu binh trở về chiến trường xưa: nhà thơ Bùi Công Minh, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Hành khúc ngày và đêm”. Nhà văn Thái Bá Lợi, tác giả của “Hai người trở lại trung đoàn” và rất nhiều tác phẩm viết về chiến trường Quảng - Đà. Nhà văn Trần Kỳ Trung, tác giả của nhiều kịch bản phim và tiểu thuyết viết về chiến tranh và hậu chiến...
Huyện đang kỳ tổng kết. Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Ca thống nhất với chúng tôi, ai việc nấy, người họp cứ họp, người đi cứ đi. Vậy là chúng tôi đi hết tốc lực. Sau khi thăm Đài chiến thắng Cấm Dơi, chúng tôi đến Khu căn cứ cách mạng khu V ở Phước Trà và sẽ đến làng ông Tía...
Khu căn cứ Cách mạng khu V ở Phước Trà (nay là xã Sông Trà) với cộng đồng người Cadoong nơi đây có một sứ mệnh lịch sử trọng đại: Đại hội cuối cùng của Khu ủy với những quyết sự thành công trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, giải phóng Khu V, góp phần vô cùng quan trọng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975. Sau Đại hội (15-22/12/1973), các ban tham mưu của Khu ủy cùng các địa phương, đơn vị đã mở nhiều chiến dịch lớn tấn công địch, tiến lên giải phóng Tây Nguyên làm bàn đạp giải phóng đồng bằng và các thành phố thuộc Khu V, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tại đây vẫn lưu giữ bài viết “Vai trò nghề rừng khu V” đăng trên báo Giải phóng ngày 15 tháng 10 năm 1974 của ông Trần Văn Quế, Trưởng ban Lâm nghiệp miền Trung Trung Bộ lúc ấy. Bài viết phân tích rất kỹ về địa thế, chất đất, khí hậu và khả năng phát triển kinh tế dựa trên đất rừng. Thế đấy, súng vẫn nổ nhưng ước mơ tươi đẹp vẫn vươn cao.
Nóc Ông Tía, nơi diễn ra khởi nghĩa của đồng bào dân tộc ít người vào tháng 3 năm 1960. Chỉ với dao rựa, sự mưu trí và lòng dũng cảm, đồng bào dân tộc Cadoong nơi đây đã nổi dậy tiêu diệt gọn một tiểu đội lính ngụy, thu vũ khí, rào làng chiến đấu. Tiếc rằng đường đến làng đang thi công, xe phải dừng lại bên sông Trà Nô.
Trở lại nơi từng chiến đấu, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Trần Kỳ Trung kể: Hiệp Đức lúc ấy được mệnh danh là huyện “7Đ” vì những khó khăn: đói, đau, địch, độc (chất độc da cam) đò, đường, đèo. Bom trên đạn dưới, pháo bầy pháo kích, chất độc hóa học, sốt rét, thương hàn... Bà con đói khổ nhưng chia sẻ từng hạt muối, củ sắn khoai. Có lúc ăn củ chuối, rau tàu bay, bông bạc, thài lài thay cơm. Nhiều trận đánh ác liệt tại: Núi Ngang, Núi Lớn, Liệt Kiểm, Chia Gan... Sống chết trong gang tấc nhưng vẫn sáng niềm tin chiến thắng. Những bài hát: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Mẹ vẫn đào hầm... là xúc cảm được lấy từ nơi đây. Đứng trên cầu Trà Nô, nhà văn Thái Bá Lợi chỉ cho chúng tôi nơi họa sỹ Hà Xuân Phong hy sinh vì lũ. Vài ngày sau, các anh mới tìm thấy xác họa sỹ trên một ngọn cây. Chỉ riêng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, từ những nhánh sông này về cuối dòng Thu Bồn có bảy văn nghệ sỹ đã nằm xuống. Vì lũ, vì bom, vì cầm súng kháng cự đến cùng cho đồng đội rút quân. Những người cầm bút trong chiến tranh đã hòa mình với sứ mệnh chung của dân tộc. Cùng hàng triệu người ngã xuống, những trang viết của họ để lại bao cảm xúc.
Mảnh đất thấm máu thịt bao người đã xanh mướt cao su, tràm... nhưng người đi qua cuộc chiến vẫn nặng lòng với nơi đây. Năm 2008, Đại tá, nhà văn Chu Lai và vợ là Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng, từ Hà Nội vượt gần ngàn cây số vào thăm chiến trường xưa. Anh chị mời tôi cùng đi. Chuyến đi ấy có cả nhà thơ Ngân Vịnh, cũng từng chiến đấu tại đây. Chúng tôi xác định đi như đánh trận, ngang đâu ăn đó, không nghỉ trưa, không trà lá. Cả ngày rong ruổi đến những nơi từng là trận đánh, nơi đóng quân: Cấm Dơi, Đèo Răm, Liệt Kiểm... Từng vùng núi đồi, từng khe suối tanh sực máu, khét lẹt thuốc súng. Bà con đói rét nhưng vẫn nhường cơm sẻ gạo, củ sắn, trái bắp, thuốc rê... cho bộ đội.
Tháng 3 năm 2011, tôi trở lại Hiệp Đức. Cũng cùng các nhà văn đã từng chiến đấu nơi đây. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Hoàng Hương Việt, Đại tá, nhà thơ Trần Xuân Thành... Lần này chúng tôi đi thuyền dọc sông Thu Bồn ngược lên. Thu Bồn là con sông dữ bởi có nhiều chi lưu lại bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, độ dốc cao. Có mưa là có lũ. Nhiều trận lũ lịch sử làm chết nhiều người, nhiều nhà cửa cuốn trôi đều bắt đầu từ con sông có cái tên đẹp như thơ này. Nhưng cũng chính nó tạo nên cảnh sông nước hữu tình. Núi đồi, làng xóm chen nhau. Trâu bò thung thăng. Bến sông thấp thoáng người. Nhà thấp thoáng trong cây lá. Rác rều, bùn lũ còn in ngấn bờ sông nhưng ngô đậu vừa lên, non mướt bãi bồi. Đẹp hơn cả tranh! Vẻ đẹp chỉ có được sau mùa bão lũ, rét mướt của xứ sở nhiệt đới. Mà không phải xứ sở nhiệt đới nào cũng có, chỉ riêng ta, riêng đất nước bên Thái Bình Dương lại có cái sườn tây cao lừng hứng mưa bão để rồi vượt lên.
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi... Ngọn núi của câu ca buồn hiện dần trước mắt chúng tôi. Người ta nói rằng khi hoàng hôn xuống, Hòn Kẽm ánh lên màu sáng bạc nên mới có tên ấy. Nếu Hòn Kẽm, ngọn núi mà con người muốn chiêm ngưỡng thì phải lựa chọn thời gian thì Đá Dừng chênh vênh bên dòng sông là thông điệp rõ ràng. Và câu ca đó là “cột mốc” mà người đi xa luôn nhớ. Cũng có người nói câu ca ấy là tâm trạng của cô gái lấy chồng dưới xuôi, nhớ cha mẹ khi hoàng hôn xuống. Cũng có thể là nỗi nhớ cha mẹ trong những ngày mưa tầm tã.
Có thể chúng tôi đến không đúng lúc Hòn Kẽm ánh lên màu sáng bạc nhưng cùng với Đá Dừng, nó tạo nên một bức phông chắn ngang dòng sông. Chiều tím, núi sông thanh vắng khiến tôi bâng khuâng lạ. Cách ngăn về không gian cũng đủ đem lại nỗi khổ cho con người. Một điều không phải bàn cãi, Hòn Kẽm - Đá Dừng là bức phông thiên nhiên thật kỳ vỹ. Cứ như sông chảy ra từ trong lòng núi. Theo dòng sông uốn lượn, thuyền đưa chúng tôi “lách” qua bức phông thiên nhiên. Nhà thơ Trần Xuân Thành có nhiều năm chiến đấu tại đây nói: địch đã sử dụng Hòn Kẽm - Đá Dừng để luyện tập cho các loại máy bay tối tân, hiện đại như F105, F116... Chúng thử nghiệm bay chui qua hai vách Hòn Kẽm - Đá Dừng để ra miền Bắc đánh phá.
Chúng tôi cắm trại trên bến đò Trà Linh, xã Hòa Hiệp, ngay chân núi phía thượng nguồn Hòn Kẽm - Đá Dừng. Sau chương trình giao lưu văn nghệ, phát quà cho nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi đốt lửa trại. Trăng 18 ngời ngợi giữa bầu trời không một vệt mây. Những cựu binh của Hiệp Hòa, Thượng tá Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức cũng quây quần kể chuyện: Hiệp Hòa (khi ấy là xã Sơn Tân thuộc huyện Quế Sơn cũ) được giải phóng từ năm 1961 - 1962. Là hành lang huyết mạch của cách mạng nên Mỹ - ngụy tập trung đánh phá quyết liệt. Chúng dùng chiến thuật trực thăng vận. Sáng ngày 26/10/1962, địch dùng pháo 105mm từ Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức bắn vào đồng Thổ Sung, Cây Tranh, Nà Trâu sau đó cho máy bay khu trục ném bom. Đến 9 giờ sáng, 20 chiếc máy bay trực thăng từ hướng Nông Sơn - Đức Dục ngược theo sông Thu Bồn bay chui qua Hòn Kẽm - Đá Dừng quần đảo trên khu vực Thổ Sung - Nà Trâu, hạ thấp độ cao chuẩn bị đổ quân. Một trung đội của huyện và du kích xã đã triển khai đánh địch. Khi máy bay địch chuẩn bị đổ quân thì súng trường, súng trung liên của ta nhằm thẳng máy bay mà nhả đạn. Máy bay bốc cháy rơi xuống chân núi Kẽm. Trận đánh ấy ta bắn rơi 3 chiếc, làm hỏng 2 chiếc. Đây là trận đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” đầu tiên của địch trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau trận đánh ấy, địch tổ chức càn quét liên tục, đánh phá dữ dội. Nhiều lần chúng dùng B52 ném bom rải thảm, bom napan, pháo kích, rải chất độc hóa học, xúc tát dân vào khu dồn. Hết pháo kích đến máy bay B52 rải bom, máy bay Đa-cô-ta rải chất độc hóa học. Cứ từ Hòn Kẽm - Đá Dừng, chúng hạ độ cao xuống cách mặt đất khoảng 500m rồi từ hai cánh máy bay phun ra chất độc dày đặc như sương mù. Chưa kịp chạy vào hầm thì người đã ướt đẫm như bị mưa phùn, mùi nồng nặc, khét lẹt. Chúng rải buổi sáng thì đến chiều chuối ngã la liệt còn lúa, bắp đang mơn mởn sau vài ngày là vàng cháy. Cây cỏ không mọc nổi trước mưa bom và chất độc hóa học của địch. Nhiều lúc phải ăn rau củ rừng thay cơm. Ngày 24 tháng 10 năm 1968, B52 rải bom làm 30 người dân Trà Linh chết, đa số là người già và trẻ em. Những năm 1969 - 1970, các thôn Đồng Làng, Trà Linh, Bình Kiều dưới, Tân Thuận là vùng trắng dân. Một số dân sơ tán, còn lại bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”. Người dân bám trụ phải vào hang núi ẩn nấp, chiều tối mới ra đồng trồng trọt làm ăn. Vậy mà địch dùng máy bay trực thăng, tàu gáo (máy bay lên thẳng cỡ nhỏ) lùng sục các khe suối. Nếu bắt được thì chúng bắn giết, xẻo tai... Địch còn sử dụng Trà Linh làm nơi ném bom luyện tập cho các loại máy bay F105, F116... khi thử nghiệm bay chui qua Hòn Kẽm - Đá Dừng để đưa ra miền Bắc. Căm hờn lại giục căm hờn. Những năm 1970 -1972, du kích và bộ đội đã chặn đánh thủy quân lục chiến Mỹ tại Hòn Kẽm - Đá Dừng. Lợi dụng các mỏm đá, khe núi, dân quân và bộ đội đã đánh chìm nhiều xà lan, tiêu diệt nhiều lính Mỹ. Địch biết ta ém quân dưới các mỏm đá nhưng không làm gì được, phải ở dưới bãi Bà Thiêng chờ xác lính nổi lên để vớt chở về đồn Nông Sơn.
Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Hoàng Hương Việt là học sinh miền Nam được đưa ra Bắc học tập. Anh kể: Năm 1963 khi vừa vào miền Nam anh được điều lên Trà Linh. Tổ chức phân công ở nhà ông Triện. Vợ ông Triện bị mù nên cuộc sống rất khó khăn, cơm ghế sắn khoai là chính. Mỗi lần địch càn quét, đánh phá, anh được vợ chồng ông Triện dẫn vào rừng nuôi dấu. Bà Triện bị mù hai mắt nhưng vẫn tiếp tế cơm nước cho anh. Những năm 1968 - 1969, hang Ba Hang là nơi trú ẩn hơn 200 người dân và du kích. Có lần địch săn lùng, bà Năm Tịch đã bịt mũi con để bảo vệ dân làng trong hang. Đứa con yêu quý của bà mất đi nhưng hàng trăm người được cứu sống...
Nhà thơ Trần Xuân Thành nói nơi đây là hành lang chiến lược. Đi Dùi Chiêng, Tí, Sé... đều qua đây. Gặp bà con là được san sẻ sắn khoai, điếu thuốc, nhường cơm như là người trong nhà vậy...
Không gian tĩnh mịch như cùng lắng nghe câu chuyện. Hòn Kẽm - Đá Dừng ngời ngợi dưới ánh trăng. Sông Thu Bồn mải miết chảy mang theo muôn vàn ánh trăng bạc về xuôi. Đâu đó dưới chân núi là máy bay rơi. Đâu đó dưới lòng sông là xác xà lan địch. Núi, sông, khe suối đã thấm máu bao người. Những con người đói khổ mà thơm thảo, ngoan cường. Nơi đây đã thành máu thịt của bao người miền đất khác. Trở về quê hương sau cuộc chiến nhưng đất người nơi đây vẫn thôi thúc, vẫy gọi họ.
Khuya về trăng càng tỏ, thấy cả từng cụm cây trên đỉnh núi. Ngọn núi của câu ca, của bao đời thương nhớ. Núi cao sông sâu, trăng sao vạn thuở nhưng tôi cảm giác trăng sao này là một, núi sông này chỉ có một, luôn thôi thúc tôi trở lại, vượt mưa gió rét mướt mà đi.
Mảnh đất thấm máu thịt bao người đã xanh mướt cao su, keo, tràm. Hàng dãy thẳng thớm, máng chén đều tắp. Phó Bí thư huyện Nguyễn Công Bình cho biết: huyện có hơn 300 ha cao su, đã đi vào khai mủ. Các anh đưa chúng tôi thăm Nhà máy chế biến cao su Hiệp Đức tại thôn 2 xã Sông Trà. Giám đốc nhà máy, ông Đặng Văn Lai cho biết: Công suất 1000 tấn nhưng do tăng ca nên năm nay sản xuất được 1300 tấn RSS-3 và KREP. Đất và khí hậu của Hiệp Đức phù hợp nên chất lượng mủ tốt. Cho nên trong khi nhiều nơi ứ đọng sản phẩm riêng cao su Hiệp Đức sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhà máy nhỏ với gần 40 công nhân nhưng đã xuất khẩu sang Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan. Nếu hoàn tất xây dựng giai đoạn 2, số lượng công nhân sẽ tăng lên 100, sản lượng cao hơn nhiều lần.
Mây vẫn dày. Mới 3 giờ chiều mà trời đã xám xịt. Các anh ở huyện thông báo đường đến tượng đài chiến thắng trực thăng vận bên bến Trà Linh khá vất vả nhưng chúng tôi vẫn quyết đi. Có chăng cũng chỉ vài “Đ” trong “7Đ” thôi! Nhằm nhò gì so với ngày các anh chị đi chiến đấu! Đi rồi mới thấy. Trời đã ngưng mưa nhưng sông đục ngầu, khá xiết. Thuyền máy chỉ mươi người nhưng tôi vẫn có cảm giác chờn chợn. Từ bờ sông lên tượng đài rất dốc, lổn nhổn đá, trơn tuội. Áo quần dính bùn. Giày dép bết bùn, nặng ịch. Khá khó khăn chúng tôi mới leo lên đến nơi. Tượng đài chiến thắng khiêm nhường dưới chân Hòn Kẽm do gia đình Thiếu tướng Phan Như Thạch, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng, Công ty Tư vấn thiết kế Xây dựng Sao Kim thiết kế. Tượng đài hình chiếc trực thăng đâm đầu xuống đất. Được xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng bề mặt tượng đài trông như đá sa thạch. Trao đổi với tôi, Thiếu tướng Phan Như Thạch cho biết: anh quê Điện Bàn. Ba tập kết, mẹ hoạt động trong lòng địch tại Vĩnh Yên, Nông Sơn. Tháng 7 năm 1964, bà được điều lên Trà Linh, khi ấy anh mới 10 tuổi. Cuộc đấu tranh kiên cường của người dân nơi đây đã khắc sâu trong tâm trí anh. Nơi đây trở thành quê hương, anh luôn mong muốn được đóng góp, xây dựng. Và khi có điều kiện anh đã làm hết lòng hết sức. Không chỉ ở hình tượng độc đáo, anh còn thuê thợ Sài Gòn có kinh nghiệm để làm cho thật đẹp.
Chiến công đã được định vị. Đứng bên tượng đài, tôi thấy điện giăng thẳng băng. Tôi lại nhớ đêm trăng 18 của tháng 3 năm 2011. Khi ấy Hiệp Hòa chưa có điện. Buổi giao lưu văn nghệ và tặng quà nạn nhân chất độc da cam phải dùng máy nổ. Tiếng máy vang dội, điện sáng rực cả bãi sông. Đuốc từ các ngả đường đổ về. Bà con bên sông sang, mái chèo khua nước vỗ sóng. Người ngồi trên cát, người ngồi trên những khúc gỗ được lũ đưa về. Bọn trẻ chạy nhảy quanh sân khấu, ríu ra ríu rít. Người già móm mém nhai trầu, mắt nheo nheo bởi ánh điện. Chị Dương Thị Liên, sinh năm 1958 ở Đồng Làng (nay là thôn 1 xã Hiệp Hòa) ca bài chòi “...Giặc Mỹ kia khát máu tanh hôi/ Nó giết bao người dân vô tội/ Đốt nhà, lửa khắp xóm làng/ Hận thù này con quyết rửa mẹ ơi...”. Tôi gặp chị ngay sau khi xong tiết mục. Tay cầm đèn pin vẫn run, chị kể: Lúc ấy con nít, bà già, người hủi, thậm chí giả điên mới lọt qua lưới địch. Chị đã đưa tin, tiếp tế lương thực cho bộ đội, du kích khi mới 6 tuổi. Chị nói hồi ấy ở đây rừng thiêng nước độc, sên vắt, thú dữ, sốt rét, kiết lị, thương hàn nhiều lắm. Nhiều lúc nghĩ, là nơi thương nhớ nhưng bom đạn cày xới, chất độc hóa học trút xuống ngày ngày. Rồi lại nghĩ, đất quê mình, người dân quê mình cực khổ đã rồi nhưng thương nhất là các anh chị nơi khác đến. Chiến đấu, hy sinh, bị thương, ốm đau, đói rét... Cho nên bà con coi như người một nhà, nhường khoai nhường sắn, đau ốm thì hái thuốc nam nấu cho uống. Chị cũng nói lâu lắm rồi không có các đội văn công văn nghệ. Vì vậy đau nằm liệt ba ngày nhưng chiều nay nghe thông báo có đoàn văn nghệ sỹ lên thế là chị gượng dậy. Vượt 6 cây số, qua dốc qua đò, đứng dậy để hát về tháng ngày mà người dân quê chị chấp nhận hiểm nguy, một lòng với Đảng, với cách mạng.
Đêm ấy tôi cũng gặp vợ chồng chị Thanh bồng cậu con trai đứng xem phía cuối. Họ đến trễ vì qua sông rồi đi đón cậu con trai Nguyễn Anh Quốc mới 6 tuổi nhưng ở trọ bên này. Họ muốn con học một cách “chuyên” hơn cái lớp kết hợp lớp 1 đến lớp 5 cùng một phòng tại làng. Nhưng muốn con học đàng hoàng mà không phải ngày ngày nơm nớp lo đò giang thì phải ở trọ. Sáng thứ 2, Quốc mang sách vở, gạo mắm đi. Thứ 7 Quốc mới “tan trường” về với cha mẹ. Chị Thanh có miếng gì ngon thì gói ghém mang sang sông cho con. Tôi nhìn cậu bé 6 tuổi đã lều chõng đi học. Biết làm sao, bến đò Cà Tang cách nơi này chỉ vài mươi cây số đã xảy ra vụ chìm đò làm chết 18 học sinh vào ngày 19 tháng 5 năm 2003. Mấy chị đứng cạnh nói: học hành, chợ búa... muôn việc đều sang sông. Xưa nay tiền đò một năm là 3 ang lúa nhưng bây giờ chủ đò đòi lấy tiền theo chuyến. Chủ đò nói vậy mới công bằng, hơn nữa, giá lúa lên thì ít, xuống thì nhiều. Sắp tới thôn sẽ họp để quyết định việc này. Chị Liên đi tới, hóa ra chị là bà ngoại của Quốc. Nghe chuyện, chị nói: Có cái cầu cho con cháu được ở nhà. Ngày trước vì đánh nhau mà ông bà phải bỏ nhà vào núi chớ hòa bình rồi mà tụi nhỏ vẫn phải ở đậu ở nhờ chỉ vì học. Cả tuần chớ đâu ít. Nó nhớ mình ít nhiều không biết chớ mình nhớ nó lắm. Một chị khác lại nói: chưa có cầu thì có điện cũng được, chớ ca sỹ Quang Hào ở cùng thôn, nổi tiếng cả nước mà tụi tôi đâu được nghe, đâu được xem! Ca sỹ Quang Hào là con ông Trần Văn Thắng đó!
Tôi đã dự nhiều chương trình có ca sỹ Quang Hào hát. Đó là giọng hát truyền cảm, đầy nội lực. Anh cũng là ca sỹ có phong cách riêng. Với ngoại hình đẹp rất hiện đại nhưng anh lại theo đuổi dòng nhạc dân gian. Hình như làng quê xứ sở đậm tình này đã thấm đẫm người nghệ sỹ.
Trời lại đổ mưa. Chúng tôi rời tượng đài chiến thắng trực thăng vận. Đò cập bến, tôi gặp hai cậu học sinh lớp 7 ôm sách chờ đò. Rất muốn nhưng rồi tôi không dám hỏi những người qua sông trả tiền đò bằng gì.
Tôi nhìn những trảng ngô đậu non mướt kề các triền keo tai tượng rồi nhìn lên tượng đài chiến thắng trực thăng vận và lại nhớ đến bài báo ở Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Khu V ở Phước Trà. Cao su đã lên. Keo, tràm đã lên. Điện đã băng sông. Nếu có chiếc cầu thì ước mơ của bao người thành hiện thực. Điều đó cũng có nghĩa bớt đi một cái “Đ” buồn thâm căn cốt đế để những người đã nằm xuống vì đất này được yên lòng. Và hơn hết, để khi “ngó lên” ai cũng thấy vui, thấy ấm lòng.
Mưa của gió mùa từng cơn nhưng lạnh và xám xịt trời đất. Đâu đó là Núi Ngang, Núi Dựng. Đâu đó là Liệt Kiểm, Đèo Răm... Phải qua đông giá mới đến mùa xuân!
Chiều tối chúng tôi mới về đến huyện. Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Ca nói anh nhận nhiệm vụ này mới hơn 1 năm, công việc còn nhiều lắm. Hiệp Đức có tiềm năng nhưng rất cần nhiều nguồn ủng hộ để bật khỏi cái mặt bằng của nghèo đói và chiến tranh quá nặng nề.
Chúng tôi chia tay trong trời mưa nặng hạt. Những cái bắt tay không muốn rời. Chưa đi nhưng tôi lại muốn trở về.
N.T.T.S