Những ca khúc nồng thắm tình quê hương - Trương Đình Quang

09.05.2014

Những ca khúc nồng thắm tình quê hương -  Trương Đình Quang

Nghĩ về nền âm nhạc của đất nước hiện nay, tôi thấy đời sống âm nhạc thiếu những tác phẩm hay, thể tài lớn như: nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng, hợp xướng.

Tại cuộc tọa đàm về nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn của âm nhạc vào ngày 7/9/2013 tại thành phố Việt Trì, do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ tổ chức, ông Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận xét về những sáng tác hiện nay: “…Chủ yếu là ca khúc, mà trong số đó, ít ca khúc hay, đề cập những vấn đề quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc… vẫn còn có những tác phẩm không phản ánh được những tình cảm trong sáng, lành mạnh, mà đi sâu vào những vấn đề đời tư, mặt tiêu cực của đời sống xã hội”[1]

Năm nay,về thể tài ca khúc, Hội đồng xét thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: Chủ đề chính vẫn là ca ngợi quê hương, đất nước.

Từ những ý kiến đó, tôi lại nghĩ đến Hội âm nhạc của thành phố Đà Nẵng.

Các nhạc sĩ viết  đều tay, đã cho ra đời nhiều ca khúc với chất lượng và phong cách nhuần nhị tính dân tộc, phát triển cái mới, gắn liền với hiện thực đời sống xã hội, đoạt nhiều giải thưởng, được đón tiếp và ứng xử nồng hậu… tác phẩm được công chúng yêu quí, khen ngợi.

Trong các ca khúc gửi dự xét giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm nay, có 7 ca khúc trúng giải. Mỗi ca khúc đều có cái hay riêng.

 

Tiếng vọng đại ngàn (nhạc: Trịnh Mạnh Hùng, thơ: Thuận Tình) thể hiện tình cảm yêu thương về những nỗi đau ở quê hương:

Trổ I, tha thiết, băn khoăn, dữ dội:

Người ơi! Vì sao dòng sông cạn?Còn đâu?Còn đâu con nước vơi đầy?

…              …         …

Trổ II, khuyên răn, nhắn nhủ:

Vàng đâu?Vàng đâu? Chẳng thấy! Tan hoang đất trời!

Vì sao?Vì sao?Người trấn nước người. Người phá môi trường sống người.

…              …         …

Ca khúc “Mùa bão”  của Thái Phú, thơ: Lê Huy Hạnh tái hiện những cơn bão lũ tàn bạo dồn dập đổ vào miền Trung, gây tang thương, đau khổ.

Tình cảm sâu lắng ở trổ I:

Đâu chỉ có 4 mùa, đâu chỉ có 4 mùa, xuân hạ thu đông

Miền Trung quê tôi còn có thêm mùa bão

…              …         …

Sức gắng gượng ở trổ kết, nhịp rock sôi nổi, vươn lên:

Quê tôi mùa bão gieo neo, chơi vơi mái tranh nghèo

Ai về nơi đây tâm bão, nghe tim mình đau nhói

Mong trời một mùa bình yên, yên vui mãi, quê mình ơi!

Với vùng biển đảo, ở Trường Sa –tiếng gọi thiêng liêng của Phạm Quang Trung, trổ I với giai điệu mềm mại, sóng nước mênh mang… rồi chuyển nhịp vững chắc, khoẻ khoắn, câu kết nhắc lại:

Trường Sa, Trường Sa thắm máu cha ông, khắc ghi sử vàng

Trường Sa luỹ thép sáng trong lòng người

Cả đất nước cùng lên tiếng

Nguyện sát cánh bên nhau

Tay trong tay gìn giữ biển trời

Cho ngân vang ngàn khoan rực hồng

Thắp đuốc sáng trong nguồn sáng quê hương

Và, từ Thư cho anh lính đảo của Ngọc Dũng thắm thiết yêu thương:

Em vẫn muốn em luôn bên anh, có anh

Những đảo xa nghìn trùng, em đếm từng mùa cây thay lá, mùa chim én bay.

…  …         …

Vì anh vẫn hiên ngang đứng nơi đầu sóng

Em thầm gọi: Đảo yêu ơi! Bài ca tình yêu, em hát cho anh trọn đời.

Những ca khúc viết về tình yêu, tình yêu thành phố, với người yêu thì giai điệu trở nên trữ tình, dịu hiền.

…  …         …

Tan ca chiều nay, em tan vào phố

Anh theo đàng sau, em đâu nào hay

Gót nhỏ qua cầu, em về bên ấy

Bờ tây sông Hàn gợi nhớ miên man

Để dòng sông Hàn, anh hát tình ca

Tình ca trên đất lành

(Tình ca trên đất lành, Mai Danh)

Chất tươi trẻ, cái mới sôi nổi ở giai điệu của Nguyễn Đức trong Thành phố bên bờ biển xanh.

Thành phố bên bờ biển xanh, giang tay mời gọi bạn bè năm châu

Ngời sáng ngàn hoa sắc thắm, bừng lên sức trẻ kết tinh ý chí

Biển sóng vỗ vẫn dạt dào, ngẩn ngơ vút cao trời mây

Công trình thời đại qua bao phố dài soi bóng hào hoa sông Hàn

…  …         ….

Hội đồng xét giải thưởng khen những tác giả của ca khúc thiếu nhi, nhất là các ca khúc viết cho lứa tuổi nhi đồng với các chủ đề mới, ngôn ngữ thơ ngây.

Trương Duy Huyến, thắm thiết với thiếu nhi, cùng hát, rất hồn nhiên, từ Non nước quê em:

… …         …

Ngũ Hành Sơn như năm viên ngọc quí

Như bàn tay năm ngón xoè ra

Núi Ngũ Hành lắng nghe tiếng gọi

Ngàn năm vẫn vọng mãi tên Rồng

…  …         …

*

*     *

Vui mừng với các tác giả được giải thưởng, bạn làm nghệ thuật, nghe và hát, trò chuyện bên cốc rượu, bên ly cà phê, nhận ra các ca khúc không vướng vào “khẩu hiệu, panô, apphic” dễ thương, đang cất cánh.

Tôi vẫn còn băn khoăn, những năm gần đây, các bài hát “hot” được giới trẻ yêu thích, thì lại không được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Và ngược lại, các ca khúc được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và trao giải thưởng, lại không có đất sống trong công chúng.

Tôi ước mong và tin rằng các ca khúc của nhạc sĩ thành phố sẽ dược công chúng đón nhận.

 

T.Đ.Q

 

 



[1]Để vun đắp “mầm cây” âm nhạc trong mỗi con người –  Báo Văn nghệ số 37, thứ bảy 14/9/2013.