Dấu chân người lính từ Đà Nẵng đến Điện Biên - Nguyễn Nhã Tiên

07.05.2014

Dấu chân người lính từ Đà Nẵng đến Điện Biên - Nguyễn Nhã Tiên

Sáu mươi mùa xuân đã trôi qua, hoa ban bao mùa nở trắng trong những giấc mơ đường về Tây Bắc. Vậy rồi đêm nay, không phải đêm tôi nằm mơ được chạm trên tay mình cái giấc mơ huyền thoại Điện Biên, mà là đêm tôi được chạm từng hiện thực qua ký ức lấp lánh hồi quang của người lính Điện Biên năm xưa. Nói chính xác hơn, cái đẹp, cái bi tráng của đỉnh điểm cuộc chiến lịch sử Điện Biên chứa đầy trong bao trái tim của từng người lính chưa được phơi mở trải lòng. Và vì thế, bản trường ca hào hùng và bi tráng nhất của đỉnh điểm cuộc chiến tranh vệ quốc năm xưa còn tầng tầng ẩn khuất, như những tầng vỉa văn hóa lịch sử bị che phủ bởi lớp lớp thời gian .

            Vâng, người đang nằm cạnh bên tôi trên căn gác xép đêm nay, anh nguyên là chiến binh của Sư đoàn 316 lừng lẫy Điện Biên. Hồ Viết Lan – tên của anh, sinh ra tại Thạc Gián - Đà Nẵng, một trong những người Đà Nẵng hiếm hoi có mặt từ buổi đầu trong những đoàn quân tiên phong làm nên tượng đài Điện Biên cao ngất trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc. Tôi đã từng đọc bao nhiêu trang sách, xem bao phim ảnh về Điện Biên Phủ, nhưng để được đối thoại hay nói đúng hơn được nghe những sự thực mười mươi về Điện Biên thì quả đây là lần đầu. Mới hay ra, có những sự thực trong đời còn đẹp hơn những kịch bản hay những thước phim ảnh nói về họ. Có thể niềm xúc động đã làm thăng hoa ý nghĩ, và cũng có thể, thời gian nhuốm màu tóc bạc kia đã làm lộng lẫy thêm hồi ức một đời chiến binh đầy ắp bao kỷ niệm suốt cuộc trường chinh gian nan kháng chiến…

-Sáu mươi năm, ôi chao để cho mình nhớ lại cái đã. Anh Hồ Viết Lan bắt đầu chậm rãi từng lời kể theo cái trí nhớ, mà anh bảo với tôi, nhớ gì nói nấy…, và tốt nhất là lần lại nhớ từ đầu, cũng có thể gọi đó là con đường từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ vậy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng sau Cách mạng tháng Tám lại trở thành bộ đội ở Huế (anh Lan vốn người gốc Huế). Từ đơn vị tiểu đoàn 509, trung đoàn Trần Cao Vân, còn gọi là Trung đoàn Nam Tiến, lẽ ra tôi sẽ có mặt ở các chiến trường phía Nam hoặc Tây Nguyên đúng như tên gọi đơn vị, nhưng  rồi anh Thân Trọng Một bị thương nặng trong một trận đánh tại khách sạn Morin Huế, tôi được lệnh của anh Hà Văn Lâu đưa anh Một về trạm cứu thương ở Điện  Hòn Chén. Khi quay về, mặt trận Huế vỡ, thất lạc đơn vị, tôi chuyển qua làm liên lạc cho Tỉnh đội, rồi lại được lệnh bảo vệ đồng chí Trương Minh Huấn ra họp tại Cục Dân quân ở Việt Bắc. Và cuộc đời bộ đội của tôi bước qua nhiều bất ngờ lớn kể từ chuyến đi này.

           Ngày ra đến Thanh Hóa tôi bị một trận sốt nặng, đồng chí Huấn gởi tôi ở lại Tỉnh đội Thanh Hóa. Sau hơn ba tháng, không thấy anh Huấn đi họp về đón, tôi lại được chuyển vào đoàn 44 Quân khu 4, rồi sau đó được sáp nhập về sư đoàn 317 hành quân lên Thái Nguyên học tập chỉnh quân. “Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế. Gió qua rừng đèo Khế gió sang” là những tháng năm này đây.Vì chỉ là người chiến sĩ nên thường ít ai được biết đến những kế hoạch to tát của chiến dịch mà chỉ biết thực hiện theo mệnh lệnh. Học tập chỉnh quân xong, đơn vị tôi hành quân cấp tốc qua Phú Thọ. Từ đây bao núi đồi đèo dốc tôi đi qua: đèo Khế, đèo Chẹn, đèo Lũng Lô, núi rừng Tây Bắc mênh mông và thăm thẳm cao vời. Trên vai người lính nào cũng lỉnh kỉnh soong nồi, lương thực và súng đạn. Chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng hình như sư đoàn tiến về giải phóng Lai Châu. Sư đoàn 316 của chúng tôi lúc này có đủ mặt 3 trung đoàn: 174, 176 và trung đoàn 98 của tôi đang có mặt trên địa bàn Tây Bắc. Thực lòng mà nói, dù rằng tình đồng chí, đồng đội, nhưng tôi vẫn có phần lẻ loi, vì hầu như đơn vị tôi đa số là người Thổ và các dân tộc anh em Tây Bắc, chỉ mỗi mình tôi là dân miền Trung ở xa xôi tít tận Đà Nẵng.

Trận đánh đầu tiên trên đường tiến quân là diệt gọn đồn Mộc Châu, giải phóng toàn bộ vùng Mộc Châu. Đến đây đơn vị chia làm nhiều cánh quân, trung đoàn 174 hành quân về hướng Mai Sơn vượt qua sông Mã giúp bạn Lào, trung đoàn 176 tiểu phỉ ở vùng biên giới, riêng trung đoàn 98 của tôi hành quân qua Thuận Châu, rồi vượt đèo Pha Đin tiến về hướng thị xã Lai Châu. Đêm dừng chân dưới chân đèo ở Tuần Giáo, đồng bào các dân tộc Thái đen, Thái trắng, người Hoa và cả người Kinh vây quanh đoàn quân mừng đón chúng tôi như đón những đứa con xa trở về. Bao nhiêu gà vịt nếp gạo đồng bào mang đến ủng hộ chiến sĩ. Nhờ đồng đội  là người các dân tộc Tây Bắc, tôi cũng líu lo bập bẹ tiếng Thái: Chào êm ải ( chào cha mẹ), tính ca pí nọn ( tất cả anh em), chào hậu khản ( chào mạnh khỏe)…Bao nhiêu câu chuyện tình quân dân sôi nổi đã rút ngắn đường dài, đèo dốc, tiến quân về giải phóng thị xã Lai Châu.

           Những người lính trung đoàn 98 sư đoàn 316, tất cả không ai có thể quên được trung đoàn trưởng Vũ Lăng gan góc của mình. Là chiến sĩ, nên ít ai tiếp xúc trực tiếp với ông hàng ngày, nên tinh thần chiến đấu của ông đã huyền thoại lại càng thêm huyền thoại. Theo gương thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ cùng tiến ra mặt trận với một khí thế hào khí ngất trời. Tiểu đoàn trưởng Hồ Hải Nam của tôi bị thương ở chân trên đường đánh vào Lai Châu, nhưng anh cũng quyết theo đơn vị  truy kích địch. Tôi vừa dìu anh vừa cùng đồng đội xung phong. Chỉ sau hơn một giờ chiến đấu, ta bắt gọn và tiêu diệt hầu hết địch ở Lai Châu. Đó là một ngày trung tuần tháng 12/ 1953, cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc thị xã Lai Châu, chấm dứt một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Sau khi thu dọn chiến lợi phẩm và cùng nhân dân vui mừng chiến thắng, trung đoàn 98 trở lại Tuần Giáo để chuẩn bị cho trận chiến đấu mới tại mặt trận Điện Biên Phủ.

          Sư đoàn 316 vào những ngày cuối năm 1953 đã hội quân đông đủ trên đường Tuần Giáo- Điện Biên Phủ. Trung đoàn tôi dừng chân ở Pu San. Trên đường hành quân qua các bản Ta Cơn, bản Kép, bản Bánh, bản Búng, đồng bào các bản kéo ra chào mừng bộ đội vừa đánh tan giặc Pha Lăng ( giặc Pháp). Đường ra trận mà đi như trẩy hội. Dân công lớp lớp, xe thồ hàng hàng, người Thái, người Nùng, người Thổ, người Kinh. Lương thực ra chiến trường, súng đạn ra chiến trường. Đâu đó băng đồi hay vượt suối, í ới tiếng nữ dân công cất giọng hò khi nhìn các anh nuôi lỉnh kỉnh nồi niêu: Suốt đời em chẳng yêu ai/ Chỉ yêu anh bộ đội có mang hai cái nồi. Các anh nuôi cũng không hề chịu thua kém: Em về nói với bầm, bũ, với cô/ Đong cho nhiều gạo…sắm xe thồ mà đuổi với anh.

        Ngồi tựa vào bàn viết nghe anh Lan kể miên man, tôi không dám chen vào một tiếng nào sợ sông suối ký ức anh nghẽn dòng tuôn chảy. Không biết trên thế giới này có cuộc chiến đấu nào lãng mạn như những người lính Điện Biên ở ta không? Chợt nghe anh Lan cười ha hả, bảo tôi:

       - Phiên phiến thôi nghe, cái nào ghi được thì ghi chứ chắc không thể nào nhớ hết nói hết.

       - Vâng, tôi xem phim Điện Biên không hay bằng nghe anh kể. Nhưng Điện Biên Phủ mới là đỉnh điểm lấp lánh cuộc đời bộ đội của anh phải không ?

       Anh Lan bảo rằng tất cả chuyện kể từ đầu đến giờ đều là chuyện về Điện Biên Phủ, có điều trận đánh 55 ngày đêm thì giờ mới bắt đầu…

        Những ngày đầu Xuân Giáp ngọ (1954) đơn vị tôi lo tổ chức xây dựng trận địa, đào hầm hố rướm máu cả bàn tay mà không được phép ngừng nghỉ. Cũng có khi tôi được tăng cường cho đơn vị kéo pháo vào trận địa, rồi lại quay về đào hầm. Mọi con đường mặt trận lở lói hố bom, cỏ cây xơ xác. Từng mét giao thông hào cứ lặng lẽ tiến lên siết chặt vòng vây thung lũng Mường Thanh. Giặc Pháp biết được hiểm họa đó đã tổ chức phản công quyết liệt hòng san lấp hầm hố và giao thông hào của ta. Một ngày giáp Tết, một đơn vị  chúng tiến về phía đồi Xanh, nơi trận địa trung đoàn 174 (sư 316). Đây là trận đánh xáp lá cà đầu tiên của ta đã làm cho địch kinh hoàng. Cứ thế, các hướng tiến công vừa đánh trả mỗi khi địch nống ra mở vòng vây, vừa đào hầm xây dựng trận địa. Nhưng tất cả chỉ là những trận đánh nhỏ, trên toàn bộ mặt trận các sư đoàn quân chấp hành mệnh lệnh “ đánh chắc tiến chắc”, ẩn mình trong hầm ngụy trang đợi chờ giờ quyết định nổ súng. Ngay cả sở chỉ huy chiến dịch cũng phải nhiều lần thay đổi. Lúc đầu ở hang Thẩm Púa, thuộc cây số 15 trên đường Tuần Giáo- Điện Biên, lần hai chuyển đến bản Nà Tấu, ngang cây số 62, và cuối cùng ở Mường Phăng- rặng núi phía đông Mường Thanh. Là sau này tôi mới nghe nói lại thế, chứ trong vị trí chiến đấu của mình làm sao biết nổi bộ não của chiến dịch ở đâu.

      Gọi sư đoàn là theo cách gọi bây giờ chứ hồi ấy còn gọi là đại đoàn. Sư đoàn 312 là đơn vị được giao đánh vào Him Lam, một cứ điểm mạnh của Pháp ở hướng Đông- Bắc Điện Biên Phủ. Lịch sử đã ghi lại chiến thắng vang dội này. Trận đánh mở màn vào Him Lam thắng lợi đến không ngờ. Tiếp sau ngày đánh Him Lam là ngày đánh đồi Độc Lập, nhiệm vụ này do sư đoàn 308 đảm nhận. Cũng như Him Lam, đồi Độc Lập sau một ngày tiến công, lá cờ quyết chiến quyết thắng của ta đã tung bay trên cứ điểm này. Tiếp đó đồn Bản Kéo tự tan rã. Cửa ngõ hướng Bắc - Điện Biên Phủ đã được khai thông. Nhưng khu trung tâm với nhiều cao điểm dọc hai bên bờ sông Nậm Rốm mới chính là những trận đánh quyết định số phận Điện Biên Phủ.

      Sư đoàn 316 của chúng tôi vẫn đêm ngày đào các đường hào cho pháo binh dễ cơ động và bộ đội bớt thương vong khi tiếp cận địch. Hướng tiến công của sư đoàn là các cao điểm A1, C1 và C2. Mỗi mét chiến hào đã phải tốn bao xương máu hy sinh của bộ đội ta dưới làn pháo và bom đạn của địch. Có thể nói, địch đã huy động toàn bộ khả năng bom đạn và sức phản kích đánh vào trận địa của ta từng giờ, từng ngày, hòng phá cho bằng được những đường giao thông hào của ta thọc sâu vào khu đầu não của chúng. Pháo binh của ta từ trên các dãy núi Tà Lèng, cũng như các cao điểm vừa chiếm được đã dội lửa xuống khu trung tâm Mường Thanh, sở chỉ huy Đờ Cátxtơri.

     Cùng với các sư đoàn quân nổ súng tấn công các dãy cao điểm phía Đông, trung đoàn 98 nhận lệnh đánh C1. Bộc phá mở rào xé tung, chúng tôi lao lên. Ngay từ đầu tôi bị thương ở trán, nhưng không hề một cảm giác đau đớn gì, tôi vẫn ôm trung liên nhả đạn. Vết thương nhẹ, tôi cùng đồng đội lăn xả vào trận chiến mặc cho pháo và những đợt phản kích của chúng. Áo quần rách bươm bởi đạn và kẽm gai. Chỉ độ một giờ sau, chúng tôi đã cắm cờ trên cao điểm C1. Vừa giải quyết C1 xong, lệnh trung đoàn trưởng Vũ Lăng, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng trung đoàn 174 tiến đánh A1. Qua bao trận đánh lớn nhỏ từ đầu chiến dịch đến đây là trận chiến gay go và thương vong nhiều nhất. Địch và ta giằng co từng mét đất. Có lúc ta vừa chiếm một vị trí đã phải rút lui vì hỏa lực của địch quá mạnh. Đại bác của chúng từ Mường Thanh, Hồng Cúm trút xuống bão lửa trên đầu, nhất là hệ thống hầm ngầm kiên cố của địch. Ở thời điểm này, các cao điểm C1, D1, E1 đã kết thúc các trận đánh, địch chỉ còn A1- cao điểm gần như quyết định trận địa Điện Biên Phủ nên địch đã dùng tất cả hỏa lực quyết sống còn với ta.

     Từ cao điểm C1, trung đoàn 98 cho một đơn vị tổ chức tấn công đồi C2. Đây cũng là cao điểm khá kiên cố, với hệ thống chiến hào và dày đặc bãi mìn, thép gai, gây cho ta nhiều trở ngại buộc phải tổ chức đánh lâu dài hơn kế hoạch đã đề ra. Tại cao điểm D2, một đơn vị của sư đoàn 312 tiến đánh cũng tương tự như tình hình C2, A1. Địch tăng viện quyết đánh bật ta ra khỏi những cao điểm này. Cuộc chiến đấu vì thế càng ác liệt hơn, thương vong nhiều hơn. Trước sự phản kích của xe tăng, pháo binh và bộ binh của chúng, các đơn vị bộ đội ta chiến đấu quên mình, hết đẩy lùi đợt này qua đợt khác. Có một chi tiết cao đẹp như thế này, hình như tôi chưa từng thấy sách báo phim ảnh nào ghi chép lại.

     Chưng hửng ngừng tay ghi chép, tôi hỏi anh Lan:- Chi tiết nào vậy hở anh ?

    -Gì thì gì, nhưng có những ngày đói và khát nước đến cháy cổ. Vậy rồi khi có được tiếp tế ít nước uống lại không dám uống, anh biết vì sao không ?

    Trong lúc tôi đang há mồm chẳng hiểu vì sao mà nói, thì giọng anh Lan chợt như xa xăm một niềm hoài cảm – Đói khát cũng đánh, súng đỏ rực nòng, đạn bắn ra như rơi trước mũi, làm sao tiến lên được, vậy là người phải nhịn cho súng “ uống”, có bao nhiêu nước tiếp tế chúng tôi cố nhịn để dành nước đổ lên nòng súng cho nguội để đường đạn bay thẳng về hướng địch. Mọi quyết tâm cao nhất đều dốc vào C2 và A1. Vấn đề là thời gian và cố gắng hạn chế tối đa sự hy sinh của cán bộ và chiến sĩ. Đợt tiến công cuối cùng, sư đoàn 316 có nhiệm vụ bằng mọi cách phải tiêu diệt địch ở đồi C2 và A1. Trung đoàn 98 đã làm chủ C1 và một phần đồi A1. Ta và địch đã giằng co nhau từng ngày trên cao điểm này. Kế hoạch đào đường hầm để đưa cả tấn thuốc nổ vào phá hầm ngầm của địch đã được triển khai. Mặc cho máy bay và pháo chúng trút bom đạn dồn dập, từng mét hầm hào không ngừng tiến lên thu ngắn khoảng cách tiếp cận kẻ thù. Đơn vị tôi được tăng cường phối hợp cùng trung đội công binh của anh Xuyên Khung. Bao gian nan và hy sinh mất mát đã đến lúc trút hơi thở nhẹ nhàng khi đường hầm và cả tấn thuốc nổ đã được chia từng gói nhỏ đưa vào dưới hầm ngầm của địch.

      Buổi sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, chúng tôi được lệnh rút lùi xa đồi A1. Và tiếng nổ của tấn bộc phá trên đồi A1 sẽ là hiệu lệnh tổng tiến công toàn chiến trường Điện Biên Phủ. Sau tiếng nổ của ngàn cân thuốc súng, trên các hướng bộ đội ta dồn dập tiến công địch. Pháo binh, hỏa tiễn, DKZ từng mũi tiến đánh A1, C2, Mường Thanh, và tất cả mọi cứ điểm còn lại. Trung đoàn 98 của tôi gặp sức kháng cự quyết liệt của địch trên cao điểm C2 . Lúc này cờ chiến thắng của trung đoàn 174 đã tung bay trên đồi A1. Sau khi chiếm A1, trung đoàn 174 được lệnh chi viện  tiêu diệt địch và chiếm lĩnh hoàn toàn cao điểm C2. Sư đoàn 316 hoàn thành nhiệm vụ, lại tiếp tục cùng những đơn vị khác tiến công vào sở chỉ huy đầu não của địch ở Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 cùng ngày, sư đoàn 312 thông báo cho toàn mặt trận biết Đờ Cátxtơri đã treo cờ trắng đầu hàng. Sau 55 ngày đêm chiến đấu đầy gian nan và cũng rất anh hùng, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Thư chúc mừng của Bác được đọc cho cả đơn vị nghe vào ngày hôm sau. Chúng tôi ôm nhau reo mừng sung sướng đến trào nước mắt. Nhưng sư đoàn còn phải ở lại thu hồi chiến lợi phẩm, riêng trung đoàn 98 của tôi thì phải ở lại lâu dài hơn để tháo gỡ bom mìn của địch đã cài xung quanh các cứ điểm A1, C1, D1, C2, Him Lam, Hồng Cúm, dọc hai bờ dòng sông Nậm Rốm và quanh sở chỉ huy Đờ Cátxtơri…

     Kể ra như thế, có lẽ cũng chỉ một phần nhỏ nhoi của cả một chiến dịch Điện Biên Phủ lừng danh khắp địa cầu, nhưng còn bao nhiêu cán bộ chiến sĩ Điện Biên nữa, anh có sức mà ghi chép cho hết. Lịch sử chiến tranh, suy cho cùng, phần ghi chép được chỉ là phần nổi, phần lộ thiên còn trông thấy được, cái phần chìm, phần lắng sâu của tất cả những hy sinh của đồng bào và cán bộ chiên sĩ mới là vô tận.

     Tôi gấp sổ ghi chép lại, cám ơn anh Hồ Viết Lan. Vâng, làm sao ghi chép hết được những gian nan và anh dũng của những chiến binh Điện Biên năm xưa. Mọi ghi lại đều giới hạn, chỉ có tinh thần của cuộc chiến đấu hùng vĩ ấy là vĩnh cửu cùng dòng chảy sáng rực hồi quang lịch sử của toàn dân tộc .

N.N.T