Một lần lên Điện Biên - Nguyễn Văn Tám
Tôi nghĩ về hưu là chấm hết cuộc đời công chức nhà nước, nhưng hưu như tôi có hậu về cuối. Tôi được bạn có chức sắc một thời ở Bộ giao thông rủ đi lên Điện Biên nhân chào mừng các ngày lễ lớn của năm. Anh Đoàn Tiến, nguyên là Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam rủ tôi cùng đi. Tất nhiên tôi “ bám càng” ăn theo vì “tay” của anh dài khắp đất nước, nói cách khác nơi nào có đường là có quân của anh.
Ai chẳng biết chiến thắng Điện Biên vĩ đại vì Điện Biên là một trong những trận thắng lớn được ghi trong sách sử thế giới. Chiến thắng Điện Biên lại gắn liền với tên tuổi vị chỉ huy thiên tài Võ Nguyên Giáp cũng tầm cỡ thế giới! Không đi tiếc lắm. Trên đường ra Hà Nội lên Điện Biên, nghĩ đến bác Giáp, chúng tôi không quên ghé qua Vũng Chùa – Đảo Yến để dâng bác nén hương tỏ lòng thành kính đối với vị anh hùng dân tộc được nhân dân tôn vinh qua đám tang lịch sử vào tháng Mười năm ngoái. Xe gần đến Vũng Chùa lòng chúng tôi dậy lên một cảm xúc khó tả. Một miếu lớn được xây cổ kính, xung quanh đồi núi và xa một chút là biển hiện ra trước mắt. Người phụ trách ở đây bảo rằng hàng ngày rất nhiều người đến viếng, đoàn trong Nam ra, ngoài Bắc vào đều mang hoa, mang hương đặt quanh mộ bác Giáp. Phải chăng những vòng hoa tươi cao ngất kia đang sưởi ấm cho bác Giáp trong lòng đất lạnh với lời nhắn gởi rằng lúc nào bác Giáp cũng có nhân dân bên cạnh?
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, tôi mới lên mười. Bây giờ tôi đã thành một ông già về hưu yên vị. Thoáng đã gần một đời người. Tôi nghĩ, có lẽ chẳng bao giờ được lên Điện Biên và một ngày nào đó sẽ mang ước mơ đến Điện Biên ra đi trong hoài niệm. Điện Biên đọng lại trong tôi là trang sử, những thước phim ngắn, là những bài thơ, bản nhạc hay của những nghệ sĩ cũng đã về nơi vĩnh hằng. Ngày ấy, đi khắp miền Bắc đâu đâu cũng vang lên bài hát Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận, Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Đường lên Tây Bắc của Văn An . Trong bài Đường lên Tây Bắc có câu: “Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng”... hoặc Qua miền Tây Bắc : “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao”… theo đó, Tây Bắc lớn dần trong tôi bởi sự hùng vĩ, lãng mạn, huyền bí và khó hiểu.
Lên Điện Biên bằng ô tô tuy vất vả nhưng cảm nhận được Tây Bắc quanh co khúc khuỷu, trùng điệp, nên thơ. Ta được kiểm chứng lại những gì ta đã biết qua văn, thơ, nhạc, họa của các bậc văn nghệ sĩ tiền bối. Ta sẽ gặp lại hoa mơ, hoa ban nở sáng rừng, thấp thoáng nhà sàn khói lam xanh biếc trên nương chiều với nắng hanh vàng và tiếng mõ trâu lốc cốc, đủng đỉnh.
Xe chúng tôi theo đường quốc lộ 6 chạy một mạch qua Hòa Bình đến Sơn La nghỉ lại. Sơn La mênh mông bát ngát với những nông trang nông trường tập thể một thời bao cấp vẫn còn phảng phất tít tắp bò dê tung tăng. Được thăm nhà tù Sơn La, gặp cây đào của nhà cách mạng Tô Hiệu và đêm đó thấy Quang Dũng sừng sững với những câu thơ mình ông đứng riêng một cõi “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” hay “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc”. Đường lên Tây Bắc mây tiếp mây, núi tiếp núi chập chùng. Năm tháng, cuộc sống và ý thức của con người đã ảnh hưởng không ít cảnh quan môi trường Tây Bắc nên thơ trong tôi. Không thấy thằng Aphủ và vợ là cô Mỵ cưỡi ngựa, cổ đeo vòng bạc đi trong mây (1). Thỉnh thoảng gặp vài chiếc xe máy đời mới do mấy cậu thanh niên mặc áo chàm, quần jean, phì phèo thuốc lá chạy vút qua. Khi ở xuôi tôi đã biết người dân tộc nói ít, chất phác, thật thà. Người dân tộc Tây nào cũng vậy chứ cứ gì phải Tây Bắc, Tây Nguyên hay Tây Nam, họ nói một là một, hai là hai, không đưa đẩy vòng vo tam quốc. Đi đến giữa dốc Pha Đin dài và cao ngất thì xe dừng lại. Đứng nơi lưng trời mây bay vun vút, phóng tầm mắt nhìn Tây Bắc bao la hùng vĩ, trong tôi chợt nảy ra ý thơ: “Tây Bắc bây giờ ta mới lên. Núi vút xa mờ núi chông chênh. Pha Đin dốc ngược mờ sương khói. Thấp thoáng ô xòe hay trăng lên...”. Hai bên đường cỏ không kịp mọc vì ai qua đây cũng dừng lại. Những người trong bản cõng đủ thứ ra bán như một cái chợ di động, chúng tôi gặp người Mường, người Tày, người Nùng áo hoa sặc sỡ như trong tranh lụa đứng bán thổ cẩm và nhiều nhất vẫn là mật ong rừng. Tôi được nghe cuộc đối thoại của bạn tôi trong đoàn với người bán mật ong:
- Đồng bào có bán mật ong rừng không?
- Có!
- Mật ong có pha nước suối không?
- Có!
Cuộc đối thoại cộc lốc cái gì cũng “có” làm tôi bật cười. Năm tháng làm cho thật giả không biết đâu là ranh giới. Sau này, ngồi với nhau trên xe, anh bạn lái xe kể rằng: Một lần em gặp anh thanh niên người dân tộc từ trong rừng bước ra mặt mày lem luốc, mồ hôi nhễ nhại, trên lưng gùi một gùi mật ong. Mấy anh trong đoàn tranh nhau mua mật ong về xuôi làm quà cho người thân. Mua xong hí hửng về tới Hà Nội mở ra thấy toàn mật ong giả...
Xe cứ ôm sườn đồi nghiêng nghiêng chạy một mạch quá mười hai giờ trưa thì đến thành phố Điện Biên. Trước mặt tôi là một thành phố Điện Biên nhang nhác giống như thành phố Phú Thọ, Việt Trì hay Thái Nguyên. Phố xá ở đâu chẳng vậy. Xe rẽ phải, rẽ trái bỗng đổ xịch bên đường. Lái xe bảo với anh em trong đoàn : “Tới rồi, mời các bác xuống!”. Tôi không hiểu tại sao đang đi giữa phố lại bảo xuống, mà lịch của chuyến đi là đến hầm Đờ Cát đầu tiên. Trước mặt tôi vẫn là phố, những cửa hàng vây quanh một khu đất trống khoảng mấy héc ta và…nhìn kỹ thấy mấy vòm thép màu gạch, màu nâu xanh cao hơn mặt đất một chút, bên hầm có cây sung lớn tỏa bóng. Xung quanh là những cửa hàng bán đồ lưu niệm căng bạt, bảng hiệu xanh đỏ trồi sụt. Mấy ông tây ba lô đứng chụp ảnh cười nói thích thú. Tôi cứ nghĩ hầm Đờ Cát phải ở một khu đất trống nhìn mút mắt mà trong phim tài liệu và ảnh tôi đã xem nhiều lần. Tôi đang ngỡ ngàng thì anh lái xe chỉ về phía bên kia và nói: “Kia là đồi A1”. Theo hướng tay anh chỉ, chúng tôi thấy một vài chiếc xe tăng chứng tích nằm bất động. Sáu mươi năm vật đổi sao dời, tôi thầm nghĩ: Điện Biên của tôi là đây.
Trên đường đến Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ phải ngang qua khu vườn hoa rất rộng có tường rào che chắn là khu nghĩa trang của các chiến sĩ Điện Biên đã hy sinh. Vào cổng, nghĩa trang đồ sộ trang nghiêm nghi ngút khói hương. Các dãy mộ thẳng hàng và dọc theo hai dãy hành lang bên phải và bên trái được gắn phiến đá granit to ghi tên các liệt sĩ ở các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên… nhưng nhiều nhất là liệt sĩ của tỉnh Thanh Hóa. Tôi đi nhè nhẹ dọc hành lang tìm kiếm và dừng lại trước tấm bảng của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng của mình vỏn vẹn có bốn liệt sĩ nằm lại chiến trường Điện Biên. Trong hương khói và nắng hanh vàng tôi chầm chậm đi qua các ngôi mộ nhưng không tìm được mộ các anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh Bế Văn Đàn nghiến răng chịu đựng lấy thân làm giá súng, anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... Với người dân Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung thì Tượng đài chiến thắng là một niềm tự hào, một biểu tượng của ý chí, lòng quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược của người dân đất Việt. Ai đó nếu đặt chân lên Tây Bắc mà chưa kịp lên Tượng đài, phóng tầm mắt ra xung quanh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đồi, cảnh sắc vùng lòng chảo Mường Thanh thì coi như chưa lên Điện Biên. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên đồi D1, cao trên 16m, chất liệu bằng đồng, với khối tượng 3 bộ đội đứng áp lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Bệ tượng cao gần 4m kết cấu bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau...Khối tượng hoành tráng này đúc ở tận Nam Định, chia làm ba thớt, thớt nặng nhất là 60 tấn để dễ vận chuyển và lắp ghép. Anh Đoàn Tiến nói với tôi rằng vận chuyển khối tượng này rất phức tạp, phải đi qua nhiều cung đoạn. Đoàn xe đi từ Nam Định lên Hòa Bình bằng ô tô, từ Hòa Bình lên Sơn La bằng đường thủy, từ Sơn La lên Điện Biên bằng xe siêu trường siêu trọng do công ty vận tải đa phương thức thực hiện. Như vậy tất cả các cây cầu trên dọc đường đi phải gia cố lại bằng chồng nề gỗ. Những đoạn đường có bán kính nhỏ phải mở rộng vòng cua cho xe container dài mười mấy mét đi được. Anh nói mệt lắm, nhức đầu lắm, như thực hiện một trận đánh nhưng đi tới đâu nhân dân các dân tộc cũng đón chào như chiến thắng Điện Biên lần thứ hai.
Lên Điện Biên mà không lên Mường Phăng – Nơi Bộ chỉ huy Tổng tham mưu của Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp là một thiếu sót lớn. Khi bác Giáp còn sống có lần bác nhắc khéo đại ý rằng: Chúng ta đầu tư vào những công trình trọng điểm ở Điện Biên là đúng, tại sao quan tâm tu bổ và nâng cấp nơi kẻ thua cuộc mà không đầu tư tu bổ nơi Bộ tham mưu chiến dịch, những người chiến thắng?. Sau đó người ta thi công con đường “bị bỏ quên” từ trung tâm Điện Biên đến Mường Phăng dài 30 km, rộng 3,5m và các công trình của Bộ chỉ huy ở Mường Phăng. Cánh rừng Mường Phăng vẫn còn nguyên sinh với những cây rừng lâu niên. Trong lòng đồi là địa đạo chằng chịt. Có những nơi được đào mở rộng cho những cuộc họp đông người để bàn bạc chỉ đạo chiến dịch. Các lán chỉ huy của bác Giáp được lợp lá với những cây tre bằng nhựa rất giống cây tre thật. Đứng trên Mường Phăng thấy toàn bộ cánh đồng Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm. Từ đây ban chỉ huy đề ra những phương án chiến lược, chiến thuật; chủ trương từ đánh nhanh, thắng nhanh thành đánh chắc, thắng chắc; thay đổi chiến thuật kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra khiến địch khó đoán định và một phần đánh lừa máy bay trinh thám cũng như mật thám của địch.... Mặt khác các chiến trường trong toàn quốc như Khu V, Khu VI, Nam Bộ cũng đồng loạt chiếm đánh các cứ điểm trọng điểm của địch. Ngẫm lại càng thấy sự vĩ đại của trí tuệ nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đã được Bác Hồ và Đại tướng đúc kết thành phương án tác chiến thần kỳ. Thắng lợi này là cả một quá trình lịch sử, là cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược.
Xung quanh Điện Biên lác đác những chứng tích mà nơi đó đã ghi đậm những trận đánh ác chiến mà tôi không thể nào nhớ hết. Những điểm ấy bây giờ được dựng lên những khu tưởng niệm, di tích, những tổ hợp tượng đài hoành tráng tầm cỡ quốc gia. Những tổ hợp tượng này một lần nữa tái hiện lại những chiến công trong đó có tướng lĩnh, cán bộ, trí thức, công binh, cơ giới, chiến sĩ, dân công, người Kinh, người dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử. “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn! Những đồng chí chèn lưng cứu pháo. Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…” (1). Hình như trong đó có cả bóng dáng “Bầm ơi có rét không bầm. Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn” (2). Chiến thắng nào mà không có hình ảnh người mẹ đứt ruột sinh ra những đứa con anh hùng đã làm nên một dân tộc anh hùng!
Mai sau và mai sau, dẫu cuộc sống này lên cung trăng và xa hơn thế nữa, chúng ta vẫn nhớ lại có một thời liệt oanh như chiến thắng Điện Biên. Đó là kết tinh ý chí của cuộc chiến tranh nhân dân từ đời này sang đời khác. Là ba lần chiến thắng quân Nguyên. Là trận đánh Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền. Là trận Đống Đa lịch sử của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Là chiến thắng mùa xuân 1975 chói lọi.
Rời Điện Biên về tôi ngẫm ngợi mãi về tượng đài chiến thắng ở Điện Biên với hình tượng ba anh bộ đội Cụ Hồ. Phải chăng hình ảnh anh bộ đội cầm súng đăm đăm nhìn ra phương Bắc như nhắc với chúng ta biển Đông vẫn còn dậy sóng. Đi ngang qua Vũng Chùa nhìn lại núi hoa tươi cao ngất – nơi yên nghỉ của người anh hùng của tất cả những người anh hùng cộng lại, trong tôi dậy lên niềm tự hào đó là vị tướng không những của nhân dân Việt Nam mà của cả thế giới: Võ Nguyên Giáp.
N.V.T