Ngụ ngôn của người đãng trí – “nghệ thuật của người điên” - Hoàng Thụy Anh

09.05.2014

Ngụ ngôn của người đãng trí – “nghệ thuật của người điên”  -  Hoàng Thụy Anh

Ngô Kha là nhà thơ để lại dấu ấn khá độc đáo, một trí thức yêu nước với số phận đầy bi kịch. Dưới thời chính quyền Sài Gòn, nhà thơ đã 3 lần bị bắt. Đặc biệt, lần thứ ba, vào ngày 30-1-1973, Ngô Kha bị bắt một cách bí ẩn. Sự việc này gây chấn động bạn bè, học sinh, sinh viên... Huế. Cho đến bây giờ, cái chết của nhà thơ vẫn là một ẩn số. Và những sáng tác mà Ngô Kha để lại như: Hoa cô độc (thơ - 1961), Ngụ ngôn của người đãng trí (trường ca - 1969), Trường ca hòa bình (Đất nước, số 12/1969, Sài Gòn), không ngừng cuốn hút bạn đọc. Trong đó, Ngụ ngôn của người đãng trí là trường ca thể hiện dấu ấn chủ nghĩa siêu thực. Nếu Hoa cô độc tuy buồn, cô đơn nhưng vẫn giữ tâm sự nhẹ nhàng thì sang Ngụ ngôn của người đãng trí, sự cô đơn được đẩy cao hơn, không còn tiếng nói của người có lý trí mà là tiếng nói của người đãng trí, lên men, nhờ đó, chiều kích của cô đơn được đẩy đến tột cùng và khát vọng tự do trào lên tột đỉnh.

Mở đầu trường ca, nhà thơ viết: “Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông/ đọc diễn văn truy tặng người đãng trí”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhận thấy nhân vật tôi, trên văn bản, dù đứng tách biệt với người đãng trí, người say rượu, người hành khất,... nhưng thực chất có sự tương đồng, giao thoa, níu kéo. Hay nói cách khác, tiếng nói của những nhân vật đó, thực chất, chính là hiện thân cho tiếng nói của nhân vật tôi. Thủ thuật phân thân này phù hợp với mạch tâm trạng vô thức, phù hợp với cái nhìn của người đãng trí, phù hợp với sự đối lập giữa thực và mộng, nhất là, phù hợp với nỗi lòng của một thi sĩ yêu nước nhưng không thể tự do ngôn luận.

Qua lăng kính của người đãng trí, hiện thực cuộc sống bị lệch pha, nhòe mờ.  Những thi ảnh vốn dĩ xa lạ nay lại trú ngụ trong một ngôi nhà, cùng hành trình vào một thế giới ma mị, kì ảo, đối nghịch hoàn toàn với hình ảnh của thực tại hiện tồn. Những hình ảnh trong Ngụ ngôn của người đãng trí đa phần không chịu bất kì sự kiểm duyệt nào của lý trí, thẩm mĩ, đạo đức, tư tưởng,... mà chỉ “phục tùng” sức mạnh của dòng chảy vô thức. Bằng thủ thuật phân thân, nhà thơ phá vỡ tuyến tính, dịch chuyển từ cõi vô hình này đến cõi vô hình khác, nhờ thế, khi chạm vào 8 phần trong trường ca là người đọc chạm đến những thi ảnh loạn nhịp, lạ lẫm.

Freud cho rằng, vô thức được xây dựng bằng các giấc mơ. Các nhà siêu thực lại xem sự tồn tại của các giấc mộng là cơ sở để khẳng định cái tôi, cái bản ngã thuần khiết nhất. Ngô Kha đã “đem thời gian đổi lấy chiêm bao”, cất lên “khúc hát ngu ngơ” và “nói bằng âm hao” của người đãng trí để che giấu mạch ngầm của một cái tôi tràn đầy khát vọng tự do: “tôi xây mái linh hồn/ cho thân thế tôi trú ngụ”. Những thi ảnh thoát thai từ cơn mộng mị được hôn phối một cách “tự động”, hầu hết, hoàn toàn không có bất kì một sự kết dính nào, nhưng vẫn cuốn hút, tự nhiên, tạo hiệu ứng “va đập chói lòa”. Khó có thể chia tách đường biên hư - thực, vô thức - hữu thức. Bởi ở đó, nội giới và tâm giới hòa quyện đến mức như sự phi lý ấy không có gì lạ mắt, như tất thảy chúng ta đang sống, tồn tại trong thế giới “mộng du của người đãng trí”, trong thời gian và không gian của linh hồn. Con người, sự vật hiện tượng như khoác vào chiếc áo của huyền thoại. Theo Robert Bréchon, có 3 cấp độ để xây dựng những thi ảnh khác lạ, gây sự bất ngờ. Ngụ ngôn của người đãng trí đa phần vận dụng cấp độ 1 (kiểu so sánh A như B) và cấp độ 2 (A và B đặt cạnh nhau, A là B). Trong “sự tự do tuyệt đối”, nhiều hình ảnh thơ hoàn toàn thiếu vắng tính chất lôgic tạo sinh một thế giới khác thường (“sau tàng cây khổ hạnh người say rượu lõa thể như một chiếc lá sen”, “mùa thu sương mù như dĩ vãng”, “tôi như tiếng khóc mù mọc đôi cánh”, “tuổi thơ tôi/ chỉ là những đốt xương trắng”, “quê hương giờ này đã vùi thân/ trong chiếc nôi vú già của ánh trăng”,...), làm nảy sinh những chiều kích khác của không gian và thời gian. Chính những thi ảnh được vận dụng bằng kĩ thuật cắt gián, phân mảnh, lắp ghép đã dội vào không gian, khoác vào không gian một hình hài mới, vừa gần gũi vừa xa lạ: “dòng sông đen bắc cầu qua núi”, “... khúc ai từ mọc trên cánh đồng quê”, “... trăng non rung trên tấm hình hài rã mục”, “đêm rụng đầy những hạt nước mắt ngọc trai”,... Nhạc giáo đường đem đến những giai điệu ám ảnh, những chiều kích mới cho không gian: “nhạc giáo đường trôi trên thi thể của hoàng hôn/ của hư vô của niềm tuyệt vọng cháy sáng/ nhạc hoang đường trôi vào miền vô thức/ giữa không gian u tịch với từng bước linh hồn/ đàn chim lưu đày mang cánh hoa lys bay lên/ trên bầu trời sợi tóc mun đã bay đi làm gió”.  Không gian ngập tràn những thi ảnh của tiềm thức, vô thức: “khúc hát ngu ngơ của bông lau/ tháng giêng giã từ thuốc đắng đi tìm cỏ may/ tôi không thấy nàng mặc áo chim/ chỉ có người hư vô và mặt trời/ tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu/ có những con đường mang tên em chưa ra đời/ những con đường mọc đầy cây ma túy”. Không chỉ mang đến lãnh địa lạ của không gian, Ngụ ngôn của người đãng trí còn mang đến dấu ấn lạ của thời gian. Thời gian được khám phá bằng một cảm quan mới, được tổ chức trên đường ray của chiêm bao, mộng mị: “cây long não đã bao lần/ đi qua các mùa bi quan của thời tiết”, “thời gian ngủ trong vùng cô liêu khi cơn say ngã xuống”, “thời gian đóng băng trong tĩnh mịch”,... Ngụ ngôn của người đãng trí, nếu không gian được nới rộng thì thời gian lại ngưng đọng. Trong khoảnh khắc ngưng lại của thời gian, người đọc như được dạo chơi, được sống với một không gian kì bí, một thực tại cao hơn: “tôi đem thời gian đổi lấy chiêm bao/ hằng đêm thắp nến đi vào giấc ngủ/ trang sách mở trên gối/ tôi thấy những cánh đồng bình thản vô cùng/ những chiếc chân mọc dài của thảo nguyên/ những vầng trán ưu tư của cha mẹ, người yêu và bè bạn/ những cửa sổ của bầy cừu/ trên dòng suối có tiếng đàn lục huyền”.

Sau tết Mậu Thân năm 1968, thành phố Huế gánh trên vai những ngột ngạt, nặng nề, mà sau này, trở thành một vết thương không bao giờ liền da trong lòng người dân cố đô. Trong hoàn cảnh ấy, phải chăng, để chống lại sự kiểm duyệt của chính quyền Sài Gòn, chỉ bằng tuyên ngôn của người đãng trí, lái tác phẩm mình theo khuynh hướng siêu thực, nhà thơ mới có thể đứng ngoài mọi sự kiểm duyệt? Giã từ Hoa cô độc với những bịn rịn trần thế, Ngô Kha bước vào thế giới của vô thức, của “lối viết tự động”. Nhưng không có nghĩa là đoạn tuyệt hoàn toàn với thế giới thực tại của lý trí. Bởi trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, bản thân đã từng nhiều lần bị bắt giam, khát vọng tự do luôn thường trực trong trái tim nhà thơ. Đằng sau những câu chuyện, lời thơ huyền hoặc, chúng ta vẫn thấy sợi chỉ tình xuyên suốt của một thi sĩ “vốn mang trong người muôn quả tim”. Ngôn từ người đãng trí “... ở ngoài vùng phán xét/ không còn ai hiểu được/ ngôn ngữ của người yếm thế/ những tiếng nói mọc đầy gai/ những âm thanh của bão tố” nhưng không thể cưỡng lại được nỗi lòng yêu nước, căm phẫn trước âm mưu, thủ đoạn của một chính thể đã ruỗng mục, nhói buốt trước thân phận con người đang bị đe dọa, bất công, ngang trái chồng chất. Hình ảnh người đãng trí thấy từng “vết thương mưng mủ trong mạch máu quê hương” đã phần nào thể hiện ý thức chống chiến tranh:

ôi quê hương chúng mình

cho tôi thương vô cùng nên hằng đêm thèm tự sát

ôi đất mẹ điêu linh

những con sông chảy qua cánh đồng mang thây người

chôn vùi vô vọng

ôi dòng máu lênh đênh

hai mươi bốn giờ đi qua những tử thi còn mở mắt

có những người lính âm thầm đưa chân dung mình đến huyệt

Những vết hằn bom đạn không làm nguôi ý chí, khát vọng được tự do, hòa bình của thi sĩ Ngô Kha. Người hành khất đeo kính đãng trí nhưng vẫn diễn thuyết với tất cả mọi người, với đoàn tử tù về “niềm hi vọng”. Đoàn tử tù trước khi đi vào cõi chết vẫn “chất vấn về hạnh phúc”, hát vang “bài bản thể”. Dẫu “thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu”, bị kìm gọng, kiểm soát nhưng không thể dập tắt được dòng máu sôi sục tự do, đấu tranh vì con người đang chảy rần rật trong huyết quản nhà thơ. Vì thế, Ngụ ngôn của người đãng trí không chỉ là tiếng lòng thầm kín, nhức buốt, xót xa của nhà thơ mà còn là tiếng nói căm hờn, uất hận trước những mất mát, khốc liệt của chiến tranh ngay trên mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình.

Sống trong thế giới của mộng mị, nhân vật tôi trong Ngụ ngôn của người đãng trí “mang trái tim người say rượu”, “uống ánh mặt trời và dòng phù sinh vô tận” vẫn không che giấu được nỗi cô đơn: “tôi là thuyền độc mộc”, “ta chỉ là loài phù phiếm”, “lòng ta như chiếc đình hoang”, “tôi vẫn là người chỉ còn một giác quan đơn độc”, “chỉ có mình tôi với rong rêu ưu phiền”,... Tâm trạng cô đơn còn được đẩy lên cao với những cụm từ mang sắc thái trầm buồn: phiền não, chết, từ giã, tuyệt mệnh, vĩnh biệt,... Cái chết như là sự dự báo cho ngày Ngô Kha bị nhà cầm quyền Thừa Thiên bắt lần thứ ba và thủ tiêu một cách mờ ám: “tôi sẽ chết như mùa đông trút lá cây hờn tủi/ con ngựa ô già ngã gục/ trên chiếc thảm nhung của loài ốc sên/ ta cầm trái tim em lay gọi/ chỉ có máu đen chảy trên vùng cô độc”. Ngô Kha là một trong số những trí thức trẻ quyết liệt kêu gọi sự tham gia của quần chúng, hòa vào phong trào của quần chúng, đứng lên chống lại chính quyền Sài Gòn, đòi quyền tự do, dân chủ cho dân tộc. Do đó, việc nhà thơ mượn cái chết, mượn sự tồn tại của linh hồn cũng chỉ để chất vấn về những điều không thể trực ngôn. Cho nên, tuy có âm hưởng của nỗi buồn, chết chóc, “thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu”, song trường ca của Ngô Kha vẫn vương vấn với đời, với thơ bằng những ngôn từ ma mị, bằng một tâm hồn khôn nguôi khát khao về tự do, hòa bình:

tôi chỉ còn hồn tôi trong gió lốc cuồng si

với vần thơ hoang đường cưu mang nhục thể

như khúc hát độc huyền của kẻ câm

xin đừng trách tôi là người phù thủy

ngôn ngữ đã phí phạm thần kinh tôi như một lũ con hoang

Ngụ ngôn của người đãng trí, đậm dấu ấn của trường phái siêu thực. Thế giới “siêu hiện thực” trong trường ca là một thế giới của sự kì bí, ảo diệu. Thi ảnh nào cũng mờ nhòe, phi lôgic, nhưng vẫn đủ để người đọc nhận ra tiếng nói của “một kẻ vong thân/ khát tình thương chẳng thiết phân trần”. Sự phân thân này góp phần đẩy Ngụ ngôn của người đãng trí đến sự “minh triết của người điên”, “nghệ thuật của người điên”.

 H.T.A