Hội âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Ngôi nhà chung của nhạc sĩ tâm huyết và sáng tạo - Trần Ái Nghĩa

09.05.2014

Hội âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Ngôi nhà chung của nhạc sĩ tâm huyết và sáng tạo -  Trần Ái Nghĩa

Cùng với sự chuyển mình và phát triển của thành phố Đà Nẵng thân yêu, từ khi chia tách và trở thành đô thị loại I, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã đi qua hai nhiệm kỳ (2002 – 2007) và (2008- 2013). Có thể nói nhiệm kỳ I là sự khởi đầu với những bước đi còn nhiều bỡ ngỡ… với cơ chế, vóc dáng của một Đô thị loại I, thì nhiệm kỳ II chính là sự tập trung cho việc ổn định tổ chức, sự tìm kiếm, phát triển nhân lực và bắt đầu cho những hoạt động sáng tạo, phát triển và gìn giữ vốn liếng âm nhạc của quê hương và đất nước.

Với những bước khởi động nhiều hy vọng và đầy cảm hứng từ sự chuyển mình của một Đà Nẵng năng động và phát triển có nhiều thay đổi tốt đẹp… Hội Âm nhạc Đà Nẵng với quyết tâm nâng cao ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên có điều kiện tích lũy vốn sống và sáng tạo.

 

Hơn năm năm qua, xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với thành phố, Hội đã cử hội viên đi thực tế tại các quận huyện như: Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu… Ở đâu các nhạc sĩ cũng đã để lại những tác phẩm âm nhạc gắn bó với đời sống và con người nơi đó. Đặc biệt tại huyện Hòa Vang, với chủ trương “Xây dựng nông thôn mới” các nhạc sĩ đã đi thực tế sáng tác và đã có được một số tác phẩm hay phản ánh đời sống nhân dân, khơi dậy tình yêu quê hương, mở ra nhiều ý tưởng cho một vùng nông thôn mới đầy sức sống… Phát huy kết quả đó Hội đã phối hợp với huyện in thành tuyển tập ca khúc và thực hiện một số chương trình trên sóng phát thanh và truyền hình.

Vượt ra ngoài phạm vi thành phố là những chuyến đi xa, dài ngày theo chủ trương của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng hay Hội Nhạc sĩ Việt Nam anh chị em cũng đã đến: Măng Đen (Kontum ), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Hải Phòng, Gia Lai và miền Đông Nam bộ, Nam Bộ, Tây Nam bộ… Xa hơn nữa là các chuyến đi viết về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số nơi hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại Bằng Tường, Liễu Châu, Nam Ninh, Quế Lâm, Quảng Tây Trung Quốc… Song hành cùng những chuyến đi ấy, việc tham gia các Trại sáng tác tại Đà Lạt, Tam Đảo, Phú Thọ, Đại Lải,Vũng Tàu hầu hết đều có Hội viên Âm nhạc Đà Nẵng dự và đóng góp vào trại những tác phẩm đạt chất lượng tốt.

Các cuộc giao lưu VHNT và giới thiệu tác giả - tác phẩm với thành phố Hải Phòng, Huế, Kontum, Lạng Sơn, Nam Bộ hay xâm nhập sâu vào các trường Trung học, Cao đẳng và Đại học với đối tượng học sinh – sinh viên đã để lại cho các nhạc sĩ nhiều dấu ấn sâu sắc, cùng những tác phẩm đầy cảm xúc, chân thật, phong phú và đa dạng phong cách thể hiện.

Hội Âm nhạc thành phố hàng năm tích cực tham gia Liên hoan Âm nhạc miền Trung – Tây Nguyên và Đông Nam bộ, cùng các tổ chức hoạt động khác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Đặc biệt năm 2009 tại thành phố Đà Nẵng, Hội Âm nhạc đã cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các đơn vị tham dự Liên hoan cũng như công chúng yêu âm nhạc Đà Nẵng.

Cùng với những hoạt động trên, Hội đã chú trọng, mở rộng tầm nhìn và rút tỉa những kinh nghiệm, nhận thức về quan điểm, vai trò của âm nhạc trong từng hội viên. Những cuộc tọa đàm “Làm thế nào để có bài hát hay” do nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu chủ trì, hay tọa đàm “Bài hát Việt” do Đài Truyền hình Việt Nam kết hợp tổ chức. Gần đây, trong dịp giao lưu – tọa đàm với các Hội Âm nhạc của những thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh…do Hội Âm nhạc Đà Nẵng phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức, đã mở rộng tầm nhìn, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp với đề tài Kinh nghiệm sáng tác những ca khúc viết về địa phương.

 

Về hoạt động biểu diễn các Hội viên là ca sĩ hầu hết đã tham gia nhiều chương trình, các sự kiện của thành phố, trên sóng phát thanh và truyền hình của thành phố và khu vực.

Đặc biệt nhiều hội viên thuộc chuyên ngành biểu diễn tham gia nòng cốt trong các chương trình “Âm nhạc đường phố” hàng tuần theo chủ trương của lãnh đạo thành phố và nhiều chương trình phối hợp với các Đài PT-TH và VTV Đà Nẵng giới thiệu nhiều chương trình Tác giả - Tác phẩm, các chương trình sinh hoạt Văn nghệ - Đời sống v.v…

Những tuyển tập tác phẩm in, Audio CD hay album âm nhạc tuy không nhiều nhưng việc hoàn thành việc in và phát hành các tuyển tập như: Trại sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng 2011, Tuyển tập kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Âm nhạc Huế, Audio CD mp3 Tình yêu Đà Nẵng và phối hợp với Đài PT-TH và VTV Đà Nẵng giới thiệu hàng chục chương trình tác giả - tác phẩm và Văn nghệ - Đời sống v.v…đã chắp cánh cho hằng trăm ca khúc là sáng tác của hội viên được đến với đông đảo công chúng.

Đặc biệt những cuộc thi mang tầm Quốc tế như trình diễn Pháo hoa, Hội cũng đã cử các nhạc sĩ tham gia sáng tác kịch bản văn học , kịch bản âm nhạc, sáng tác và phối khí, hòa âm các thể loại nhạc không lời làm nền cho pháo hoa với các chủ đề : Huyền thoại sông Hàn (2010), Lung linh sông Hàn (2011), Sắc màu Đà Nẵng (2012). Trong đó có hai nhạc sĩ được mời tham gia Ban giám khảo.

 

Cùng với lực lượng sáng tác, đội ngũ các hội viên ngành đào tạo đã tham gia đều đặn việc giảng dạy các loại nhạc cụ, thanh nhạc và âm nhạc phổ thông cho hơn 500 học viên là thiếu nhi và quần chúng yêu âm nhạc trong toàn thành phố. Đội ngũ hội viên này nhiệm kỳ qua cũng đã có những công trình, giáo trình biên soạn công phu, thiết thực, một số đã được in ấn và xuất bản và được phổ biến rộng rãi.

Song hành cùng sáng tác, biểu diễn, đào tạo, lực lượng nghiên cứu – lý luận – phê bình 5 năm qua cũng đã có những đóng góp đáng trân trọng với những công trình in thành sách và các bài nghiên cứu in trên báo chí. Tiểu biểu như tập sách “Âm nhạc Chăm – những giá trị đặc trưng” của nhạc sĩ Văn Thu Bích, “Âm nhạc dân tộc Chăm – Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt” của nhạc sĩ Trần Hồng v.v… “Với làn điệu và tiếng hát quê hương” của nhạc sĩ Trương Đình Quang…

 

Năm năm qua, từ tổng số 53 hội viên, trong đó có 24 hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam của nhiệm I, đến nay con số hội viên đã phát triển lên 75 hội viên , với 33 hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam.

 

Từ những hoạt động và kết quả vừa trình bày ở trên, đã trở thành những yếu tố quan trọng, làm động lực cho Hội Âm nhạc Đà Nẵng tích lũy kinh nghiệm, làm nguồn cảm hứng trong sáng tạo tác phẩm. Nhờ đó, nhiều hội viên có tác phẩm tham gia các cuộc thi sáng tác ở trung ương và địa phương đều đoạt nhiều giải thưởng.

Với những cống hiến và sáng tạo trên, những năm qua các nhạc sĩ: Phan Ngọc, Thanh Anh, Trần Hồng, Trương Đình Quang được tặng Giải thưởng Nhà nước. NS Mạnh Tấu, Minh Chính, Nguyễn Hoàng, Đình Thậm và ca sĩ Kim Oanh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Các NS Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Minh Đức được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam v.v…

 

Mỗi hội viên chúng ta cần có sự cố gắng không ngừng, sự bền bỉ trong lao động và sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, là người nghệ sĩ công dân gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm với quê hương và Tổ quốc. Có như thế mới xây dựng được một Hội Âm nhạc Đà Nẵng vững mạnh để thực hiện một sự nghiệp lâu dài và vinh quang : Gìn giữ và phát huy Âm nhạc của quê hương và đất nước.

 

T.A.N