Một bước tiến mới trong thơ Ngân Vịnh - Thanh Quế

09.05.2014

Một bước tiến mới trong thơ Ngân Vịnh - Thanh Quế

                                    (Đọc tập Sương đẫm lá khộp khô, NXB Văn học - 2014)

 

Vào những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, tôi vô cùng mừng rỡ khi đọc chùm thơ của Ngân Vịnh, bạn tôi từ chiến trường Căm pu chia gởi về đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đó là các bài: Tôi đi tìm anh, Qua cơn mưa rừng, những bài thơ thật xúc động nói về tình đồng đội của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Căm pu chia. Tiếp đó, Ngân Vịnh được giải nhì trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội với bài thơ dài Tự khúc. Từ đó đến nay, tuy đã giải ngũ, về hưu, nhưng Ngân Vịnh vẫn tiếp tục viết về đề tài quân tình nguyện Việt Nam tại Căm pu chia. Và đây, tập thơ Sương đẫm lá khộp khô là tập thơ anh viết suốt 30 năm qua về chiến trường mà anh tham gia chiến đấu. Có thể nói thêm rằng: đây là tập thơ hiếm hoi chỉ viết mỗi một đề tài về người lính.

Lật từng trang sách, ta bắt gặp tâm sự của những chiến sĩ quân tình nguyện. Ta hãy nhớ lại rằng: vào những năm sau giải phóng miền Nam, khi dân ta đang hưởng cuộc sống hòa bình, nhiều gia đình sống trong cảnh đoàn tụ thì ở phía tây nam Tổ quốc, bọn Pôn Pốt đang xâm lấn biên giới nước ta gây nên bao cảnh đầu rơi máu chảy. Một bộ phận chiến sĩ chúng ta lại phải ra trận để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, để cứu nguy cho dân tộc Căm pu chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Biết bao suy nghĩ, tâm sự, dằn vặt khi họ vừa trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ lại phải tiếp tục chịu đựng gian khổ, ác liệt hy sinh trong khi những người khác lại được sống trong cảnh hòa bình, yên ấm bên vợ con, gia đình. Biết bao lo toan cho người thân vừa mới được đoàn tụ lại phải chịu cảnh chia ly nảy ra trong lòng người chiến sĩ. Một cuộc đấu tranh dữ dội trong mỗi bản thân họ, khác nào một cuộc chiến tranh nữa. Và họ đã chọn con đường hy sinh cho Tổ quốc:

Có bao nhiêu khó khăn

Từ bình yên đi tới miền súng nổ

Dù hành trang chuẩn bị đủ đầy

Và đôi chân sẵn sàng đi bộ

Vậy mà lòng tôi

Không giấu nỗi xúc động trước bao dòng lệ

Khi chia tay với những người thân

Chia tay với bờ biển cả sóng xanh

Và nhà ga sáng đèn.

Trái tim của người lính lại giàu có hơn khi họ biết mình đi chiến đấu để bảo vệ cuộc sống bình yên của Tổ quốc mình và cứu lấy nhân dân Căm pu chia thoát khỏi họa diệt chủng:

Tổ quốc nơi bình yên nơi khói lửa

Người lính biết mình

biết cả sự hy sinh…

Giữ Tổ quốc bình yên

(Tự khúc)

Và cho:

Căm pu chia trở về Căm pu chia

Sẽ không còn chết chóc

Biển Hồ Tôn Lê Sáp

Giành cho tình yêu, giành cho các con thuyền

(Tiếng lá rụng)

Từ đây, những cuộc hành quân gian khổ của cuộc đời người lính hiện ra:

Cắt rừng chúng tôi hành quân

bươn trong gai cỏ đôi chân dép mòn

Những người lính đồng đội tôi

Những khuôn mặt sốt rét gầy còn  xanh.

Những lúc nằm công sự chờ giặc giữa rừng gai bị kiến cắn:

Xung quanh công sự chúng tôi đặt súng

Buổi sáng bốc lên mùi lá khô

Trên lưng trên cổ kiến bò

(Rừng ô rô)

Những người lính chịu bao gian khổ thiếu thốn:

Sau trận mạc

Thương bạn áo quần rách tươm

Gió lùa đầy ngực

Các anh đuổi giặc giữa rừng mùa khô thiếu nước, đang quằn quại trong cơn khát:

Nước cõng trên lưng tôi đi tìm anh

Tố ơi Tố ơi có nghe tôi gọi

Tiếng tôi gọi vang trên rừng núi

Anh giờ mang cơn khát nằm đâu

(Tôi đi tìm anh)

Các anh khiêng bạn bị thương giữa rừng mưa dầm dề dai dẳng:

Cơn mưa ập bốn phương trời

Giữa rừng nước trút lên tôi từng dòng

Chân tôi bước đẫm nát bùn

Tay tôi vuốt nước ướt đầm mặt tôi

(Qua cơn mưa rừng)

Các anh đau đớn đến quặn lòng khi đồng đội hy sinh:

Tôi cúi lạy

Rừng ba lần cúi lạy

Anh đã đi xa thật rồi…

(Nỗi buồn trong cơn mưa)

Hay:

Vài ngôi mộ nằm bên bờ đồng

Chiến sĩ trung đoàn 812

Các anh nằm lặng im như cỏ

(Vài ngôi mộ)

Các chiến sĩ chúng ta sau giờ chiến đấu ác liệt vẫn điềm tĩnh, lạc quan nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên:

Tôi ngồi với những người lính trẻ

Không một ai cười nói một lời

Mắt dồn cả lên con sóc nhỏ

Sau những giờ nổ súng sục sôi

(Con sóc nhỏ)

Tuy gian khổ hành quân, đuổi giặc các anh vẫn nhận ra vẻ đẹp đầy thi vị của đất nước chùa Tháp. Đây là vùng Pôi Pét:

Pôi Pét ôm vai tôi

Bằng một làn sương sớm

Bằng cánh đồng Bát Đăm Boong rộng lớn

Bằng tượng chú voi quay đầu không dám tới Cao Mê Lai

Hay cảnh sắc ở Ăng Co Thơm:

Ăng Co Thơm những ngôi đền bốn mặt

Có gì như trái tim cô độc

đang mài mòn ngọn gió mùa đông

(Đền Ăng Co Thơm)

Khó có thể kể hết ra đây những cảnh sắc của đất nước Căm pu chia qua các vùng đất Tà Sanh, Pai Lin, Bát Đăm boong, Siêm Riệp, Kông pông chư năng… Bước chân các anh đến đâu đất nước chùa Tháp cũng hiện lên với những cảnh đẹp đang bị vùi dập dưới gót giày bạo tàn của bọn Pôn Pốt. Người chiến sĩ thông cảm với nỗi đau thương của những người dân Căm pu chia:

Chiều sẫm nắng sau tiếng nổ đanh

Rừng lồ ô ngã rạp

Trái mìn bọn Pôn Pốt

Giết một người con gái Bò Văn

(Bò Văn chiều)

Cho đến khi đã giải phóng, người đàn bà Căm pu chia còn đau khổ:

Người đàn bà ngồi khóc âm thầm

Khóc cho sự cô đơn

Khóc cho người chồng bị bọn Pôn Pốt giết

(Người đàn bà ngồi khóc)

Người lính ước mong cảnh thái bình trên xứ sở Căm pu chia:

Mai sau tôi chỉ mong

Lúc trở lại (Căm pu chia) tôi là một ông già

Vẫn cùng các bạn uống say

Cốc rượu thốt nốt ngấm men trời đất

(Khi xa đất nước này)

Tôi khó có thể trình bày hết những suy nghĩ, tâm tình của những người chiên sĩ quân tình nguyện trong cuộc chiến đấu đánh đuổi bọn Pôn Pốt xâm phạm biên giới nước ta và tàn hại đất nước Căm pu chia qua thơ Ngân Vịnh. Tập thơ này còn cho ta hiểu nhiều điều hơn thế nữa khi chúng ta đọc nó. Có điều, trước đây Ngân Vịnh như nhiều nhà thơ chống Mỹ khác thường miêu tả giãi bày tình cảm, sự việc dài dòng thì ở tập thơ này, anh đi thẳng vào diễn tả tâm hồn người lính trong cuộc chiến. Vì thế, viết về cuộc chiến đấu nhưng thơ anh không có cảnh “bom rơi đạn lạc”, “những thân người gục ngã” mà anh viết lên những tâm tư, nguyện vọng của người chiến sĩ, viết về mối tình đoàn kết giữa hai dân tộc cũng như những mong ước ngày mai thanh bình ở hai đất nước. Điều đó càng làm cho thơ anh giàu ý nghĩa và sâu sắc hơn, có tầm khái quát hơn.

Mỗi bài thơ của Ngân Vịnh có một tứ riêng, gọn chắc, khi đặt vào tập này nó như một đoản khúc trong trường ca liên hoàn, nói lên một chủ đề về người lính trong cuộc chiến tranh Căm pu chia. Ở tập thơ này Ngân Vịnh chú ý đến việc lập tứ thơ, gọn, chắc, cách diễn đạt tinh tế, giàu hình ảnh, âm thanh, màu sắc, có nhiều chi tiết đắt giá tạo cho câu thơ có sức ám ảnh lâu bền. Những bài thơ: Tôi đi tìm anh, Qua cơn mưa rừng, Tự khúc, Rừng ô rô, Con sóc nhỏ, Chiếc tổ chim, Gặp bãi dâu da…là những bài thơ hay và xúc động. Theo tôi, đây cũng là những bài thơ đỉnh cao trong đời thơ Ngân Vịnh. Có thể nói tập thơ này là một bước tiến mới trong thơ Ngân Vịnh. Tôi tin tập thơ sẽ để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng người đọc.

Chúc mừng nhà thơ Ngân Vịnh với tập thơ mới thành công: Sương đẫm lá khộp khô.

 

   Tháng 3-2014

T.Q.