Ý thức hòa hợp Việt - Chiêm ở đất Quảng trong hành trình Nam tiến của dân tộc Việt - Vân Trình

02.05.2012

Ý thức hòa hợp Việt - Chiêm ở đất Quảng trong hành trình Nam tiến của dân tộc Việt - Vân Trình

Trước hết, xin được điểm lại vài mốc lịch sử lớn liên quan đến mối quan hệ Việt - Chiêm. Năm 1306, với cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị Chế Mân- Huyền Trân, hai Châu Ô, Lý của Chiêm Thành đã trở thành "đất phên giậu” của Đại Việt với danh xưng mới là Thuận Châu và Hóa Châu. Thế nhưng, vùng đất "sính lễ” này suốt mấy chục năm trời chưa hề được yên ổn. Sự bất phục tùng và chống đối của người Chăm khá gay gắt. Các vua Trần phải liên tiếp mở nhiều cuộc Chiêm phạt nhưng không phải lần nào cũng thắng lợi. Đặc biệt, vua Chiêm Chế Bồng Nga đã gây cho Đại Việt nhiều phen khốn đốn khi xua quân đánh phá, cướp bóc miền duyên hải từ Nghệ An đến Ninh Bình. Thậm chí, có tới 4 lần quân Chiêm vào tận kinh thành Thăng Long.

Chỉ khi nhà Hồ lên thay nhà Trần, với chiến thắng Chiêm Thành của Hồ Hán Thương năm 1402, cuộc Nam tiến của dân tộc ta mới có bước đột phá: vùng đất mang tên Chiêm Động và Cổ Lũy được sáp nhập vào Đại Việt và được chia thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Nhưng nhà Hồ chỉ tồn tại một thời gian ngắn (1400-1407). Dưới thời thuộc Minh, vùng đất trên lại thuộc sự quản lý của người Chăm.

Đền thờ Bà Chúa Ngọc/ Thiên Y Ana tại Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam)

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông có ý định khôi phục lại 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa nhằm củng cố lưng dựa vững chắc ở phía Nam. Nhân cớ vua Chiêm là Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy lộ đánh chiếm Hóa Châu, nhà vua quyết định mở cuộc Chiêm phạt. Ngày 7 tháng giêng năm Tân Mão (1471), Lê Thánh Tông thân chinh dẫn hơn 1.000 chiến thuyền, 70 vạn tinh binh dựng cờ thiên tử, đánh trống reo hò tiến vào đất Chiêm. Đại quân ta tiến vào cửa Thị Nại, bao vây kinh đô Trà Bàn, bắt sống vua Chiêm cùng 50 người trong hoàng tộc. Chiến thắng Trà Bàn chẳng những khôi phục được đất Đại Việt có từ thời nhà Hồ mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến miền Vijaya. Tháng 6.1471, Thừa tuyên Quảng Nam đạo - Thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt được thành lập gồm 3 phủ và 9 huyện. Lúc này, những lưu dân Việt mới cơ hội thực hiện vai trò chủ nhân trên vùng đất mới mà không cần phải thích vào tay tên đất nơi cư trú như dưới thời Hồ.

Trong hành trình Nam tiến lâu dài, khó khăn và phức tạp như vậy, ý thức hòa hợp Việt - Chiêm được tổ tiên ta thể hiện rõ nét nhất, sinh động nhất trên đất Quảng ở nhiều khía cạnh.

Dễ thấy nhất là bên cạnh việc sử dụng các quan lại, quý tộc người Chiêm để cai quản (như trường hợp ông Phan Công Tiên, nguyên là quý tộc Chăm chạy sang lánh nạn ở Đại Việt được vua Trần cho mang họ Phan, gả con gái Việt và phong chức Đô Chỉ huy kinh lược chiêu dụ xứ trí sứ), người Việt rất tôn trọng các vị thần bản xứ. Theo các tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia trong cuốn "Địa chí Đại Nghĩa”, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người chủ động trong việc chấp nhận thờ thần Chăm trong hệ thống thần linh mang tính chất hỗn dung văn hóa. Ông có xu hướng đi tìm cho mình một vị thần bảo hộ khác với các vị thần Việt, đó là vị chúa xứ phương Nam. Năm 1572, khi quân Lập Bạo của nhà Mạc theo đường biển tấn công vào, Nguyễn Hoàng đã cầu cứu đến thần sông Ái Tử: người đàn bà mặc áo xanh. Năm 1601, chúa Tiên cho dựng chùa Thiên Mụ. Thực ra, ngôi chùa này đã được nói đến trong cuốn "Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, tức là đã có trước khi Nguyễn Hoàng vào Nam và đây là cơ sở tín ngưỡng của vị nữ thần có y phục "áo đỏ quần xanh”, đã tỏ rõ uy linh bao trùm cả vùng "Ô Châu ác địa”. Một điều khá thú vị nữa là các vị thần Chăm còn được Việt hóa với các cấp độ khác nhau. Bà Phường Chào được xem là một "hoá thân” của nữ thần Thiên Y Ana (Mẹ xứ sở của người Chăm). Theo thần phả, vị nữ thần này sinh năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái, nay thuộc xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam). Dân gian từng cho rằng bà Phường Chào là "chị em” của Bô Bô phu nhân: Bô Bô nói với Phường Chào/ Xem tôi với chị bên nào hiền hơn. Bô Bô là nữ thần Chăm, được nhà Nguyễn phong làm Trung đẳng thần. Gốc tích chữ "Bô” được lý giải như sau: "Pô”- tiếng Chăm là "ngài” với ý nghĩa trân trọng, tiếng Việt âm P phát thành B, do đó từ "Pô” được đọc thành "Bô”. Đền Bô Bô phu nhân nằm cạnh dòng sông rộng lớn nhất và đẹp nhất của đất Quảng; và không rõ từ lúc nào, vị thần linh bảo trợ của cộng đồng này được khoác một cái tên mới thuần Việt - Bà Thu Bồn!

Tục cúng tá thổ cũng là một biểu hiện đẹp của văn hóa khoan dung Việt ở đất Quảng. Tá thổ nghĩa là mướn đất hay thuê đất, dân gian thường gọi là cúng đất. Theo thường lệ, lễ cúng tá thổ được tiến hành mỗi năm một lần vào khoảng trung tuần tháng 3 âm lịch, nghĩa là cuối mùa xuân. Thần đất được mời về trong lễ cúng vốn là thần Chăm có tên là Ngu Man Mương. Có khá nhiều vị "tiên dân” khác cũng được mời "đồng lai cộng hưởng”: ma Chăm, ma Chợ, ma Mọi, ma Rợ, ma Lạc, ma Lồi, Thổ Lạc, Thổ Lồi, Thổ Mạnh, Thổ Trọng, Thổ Tôn, Thổ Tế...(đây chính là những sắc dân- cựu chủ nhân đã tạo dựng nên vùng đất này). Lễ vật dâng cúng toàn là những món đặc trưng Chăm như: khoai lang củ nấu chín, ngọn rau lang luộc, chén mắm cái, đĩa đậu phụng sống, con cua sống... Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một hiện tượng độc đáo trong phong tục tập quán của người dân xứ Quảng. Độc đáo ở lối ứng xử khiêm nhường khá kỳ lạ của người chiến thắng đối với đối phương đã bị mình đánh bại. Theo cuốn "Tìm hiểu con người xứ Quảng” (Nguyên Ngọc chủ biên), hành vi cúng tá thổ là "một thứ khả năng tế nhị về chính trị, một kiểu ứng phó về chính trị vừa nhuốm màu nhân văn, vừa giàu sách lược, đã sớm hình thành do những điều kiện không chút dễ dàng của yêu cầu trụ bám trên vùng đất còn nhiều thù nghịch”. Tác giả Tạ Chí Đại Trường trong cuốn "Thần, người và đất Việt” nhận xét: "Lưu dân vốn từng dọc ngang nhưng vẫn biết ngoài "thần của mình”- có khi chưa có bao nhiêu- còn phải kể đến "thần của người khác” đầy dẫy nên phải tìm cách ứng xử cho phù hợp với thực tế, dù là ở vị thế của kẻ chiến thắng hay thuộc phe chiến thắng”. Cũng xin được nhắc thêm rằng, không chỉ các vị thần Chăm được trọng vọng mà các tộc họ người Chăm cũng được người Việt kính cẩn thờ cúng. Đơn cử, ở đình làng Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam An, thành phố Tam Kỳ)- một ngôi đình được xây dựng sớm nhất (cuối thế kỷ XV)- đã và đang thờ tiền hiền là người họ Ung (gốc Chăm đã Việt hóa) trong khi đó 5 họ Việt (Đống, Phan, Nguyễn, Võ, Cao) chỉ được thờ ở vị trí hậu hiền!

Ý thức hòa hợp Việt - Chăm còn hiển hiện đây đó trong hoạt động cộng cư và xen canh. Ở đất Quảng, làng xã của những lưu dân Việt được hình thành và phát triển chồng lên lớp phế tích cũ nhưng tên làng vẫn giữ lại dấu ấn Chiêm như: Trà Quế, Trà Nhiều, Trà Đỏa, Trà Nô, Trà Kiệu, Đà Lý, Đà Sơn, Đà Bàn, Cà Tang, Cà Chớ, Chiêm Sơn, Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm), Thanh Chiêm, Thi Lại... Dẫu là kẻ có thế lực hơn nhưng trong sản xuất nông nghiệp, người Việt vẫn trọng nguyên tắc: Phần ruộng ai khai phá nấy đặt tên. Chẳng hạn, trên các cánh đồng ở Phú Hưng, Trường Xuân, Phú Xuân, Chiên Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam), bên cạnh những tên thuần Việt như xứ Đồng Đế, Đồng Lưới, ruộng Cây Cốc, Cây Sanh, Cây Thị ... còn có những địa danh mang nguồn gốc Chăm như: xứ Ma Ngá, Bà Mông, Trà Phê, Trà Nê, Trà Bé, Ma Vang, Trà Chóa, Ma Nay, Trà Quơ...

Phải chăng ý thức hòa hợp Việt- Chăm có cội nguồn sâu xa từ cốt cách bản sắc văn hóa lâu đời của người Việt: "Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” (Huy Cận), "Đạp quân thù xuống đến đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi), "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đó cũng là hệ quả của giá trị văn hóa "mở”: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần” dẫu biết rằng: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chính nhờ nét đẹp văn hóa độc đáo này mà người Việt thích nghi và trụ lại được một cách bền vững trong bối cảnh vùng đất mới, chẳng những là nơi trú ngụ của những "thành phần phức tạp” trong xã hội bấy giờ như: "nguyên nô tì của Nhà nước, những quan lại ngụy, thổ quan chống đối mà ra hàng, những kẻ cha là người Ngô, mẹ là người Việt, bọn giặc ác phản nghịch” (theo Đại Việt sử ký toàn thư) mà còn là nơi sinh sống của đa số người Chăm ở lại, không bỏ đi về phía Nam sau chiến thắng Trà Bàn (1471).

Sự chung sống khá êm thấm giữa lưu dân Việt và người bản địa (chưa thấy lịch sử ghi lại những cuộc tranh chấp lớn giữa đôi bên) là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự ổn định về chính trị-xã hội ở đất Quảng trong một thời gian dài: "Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, đêm ngủ ngoài cửa không phải đóng. Thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá... Ai cũng cố gắng, trong cõi an cư lập nghiệp”. Đời sống khấm khá của cư dân Quảng được tác giả Dương Văn An miêu tả khá cụ thể và sinh động trong cuốn "Ô Châu cận lục” như sau: "Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp lúa, xe tiện chuyên chở đường bộ, ghe thuyền thuận lợi đường sông. Vườn ở Mạc Xuyên trồng lắm hoa hồng, người Lang Châu dệt nhiều lụa trắng. Làng Hóa Khuê, Cẩm Lệ trồng loại gỗ để ngăn cá sấu; làng Lỗi Sơn, Chiêm Sơn dựng rào gỗ để ngăn cọp dữ. Phụ nữ mặc quần vải Chiêm, đàn ông tay cầm quạt Tàu”.

Ngày nay, giá trị văn hóa sâu sắc về ý thức hòa hợp Việt - Chăm mấy thế kỷ trước ở đất Quảng, thiết tưởng là bài học quý, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và con cháu muôn đời sau luôn coi trọng, giữ gìn và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, chung tay, góp sức bồi trúc cho giang sơn cẩm tú của các vua Hùng ngày càng rạng rỡ hơn trong thời đại Hồ Chí Minh anh hùng!

V.T

Bài viết khác cùng số