Người vẽ quá khứ - Phương Trà
Độc hành trên con đường trở về quá khứ, về miền tâm thức của nhân loại, họa sỹ Phan Ngọc Minh như "reo” lên khi bắt gặp những vẻ đẹp lấp lánh gọi tên từ những miền di sản và thể hiện trong tranh. Người xem thấy ở đó một chút tiếc nuối, xót xa, một vẻ ưu hoài thầm kín và vượt trên tất cả là một tình yêu cháy bỏng với những giá trị văn hóa của dân tộc đang mai một.
Đã rất lâu rồi, người ta rất khó bắt gặp Ngọc Minh chén tạc chén thù trong các cuộc nhậu hay ở những chốn đông người. Ông sống lặng lẽ, dồn hết mọi nhiệt huyết, sức lực cho những mảng màu-niềm đam mê của ông-tại căn nhà nhỏ ở đường Bàu Hạt, thuộc quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Mái tóc xoăn rất nghệ sỹ, chòm râu ria khiến ông già hơn cái tuổi 57 và khuôn mặt xương xẩu nổi bật với đôi mắt sáng luôn mở to khiến người ta vẫn nhận ngay ra ông dù trong một đám đông. Khắt khe với chính mình, tiết kiệm đến từng giây phút, kiệm cả lời nói bởi ông ý thức được cái hữu hạn của thời gian và chạy đua với nó, lao động nghệ thuật một cách cật lực, đánh dấu ý nghĩa cuộc đời mình bằng những tác phẩm có giá trị.
Nhiều người bảo Minh "tự làm khó mình” khi chọn các di sản làm đề tài để sáng tác. Ông chỉ cười, bảo đó là định mệnh. Cái định mệnh ấy bắt đầu từ khi cậu bé Phan Ngọc Minh cùng đám bạn cùng làng đi coi tuồng, hát bội vào những dịp tết. Cái định mệnh ấy đã thôi thúc cậu bé nhỏ tuổi cả đêm không ngủ chỉ để vẽ lên giấy, lên mo cau cái mặt nạ tuồng với niềm vui sướng hân hoan một cách thơ ngây. Rồi hình ảnh những con rồng, con phụng tại các nhà thờ, đình miếu trong làng quê nghèo ở vùng đất Gò Nổi của Quảng Nam của Minh luôn ám ảnh cậu trong từng giấc mơ. Đam mê với những nét cọ, những mảng màu, Phan Ngọc Minh tốt nghiệp mỹ thuật Gia Định, khoa sơn dầu năm 1991 và chọn đề tài di sản văn hóa làm lối đi cho mình. Có mặt từ những năm 80 khi Hội An còn thưa bóng người. Và triển lãm "Ký ức phố xưa” được ông thực hiện tại Hội An năm 1994 như một món quà dành tặng cho vùng đất mà ông hằng yêu mến. Trong "ký ức phố xưa”, Phan Ngọc Minh đã gọi tên được cái hồn của phố cổ. Cái hồn ấy không thể cầm nắm được. Cái hồn ấy chỉ có thể có ở người hiểu rõ, yêu nó bằng một tình yêu tha thiết. Cái hồn ấy chỉ có thể có ở người đã đến, đã sống, đã bắt gặp và cảm nhận. Gặp những ông già bán chí mà phù (món chè mè đen) vào những buổi sớm mai; gặp cái dáng chậm rãi khoan thai của bà già bán quạt, gặp hình ảnh những ly nước chè xanh ngọt mát của bà già bán bên vệ đường... Đó là những phận người làm nên hồn phố cổ dưới cái nhìn đau đáu của Phan Ngọc Minh. Với những bức ký họa bút sắt, cả một thế giới của Hội An thu nhỏ được tái hiện thật sinh động. Có cảm giác như ông đang cố gắng níu giữ ký ức, nâng niu những giá trị mà ông sợ chỉ cần tuột tay sẽ vỡ tan. Trái tim nhạy cảm của người nghệ sỹ đã rung lên trước sự hữu hạn của đời người, trước quy luật có-không của con tạo, để gặp sự đồng điệu với hồn người. Phan Ngọc Minh từng tâm sự rằng, với hình ảnh ông già bán chí mà phù, dù đã cố gắng nhưng 20 năm trước khi có triển lãm, ngòi bút cứ ngọ nguậy trên trang giấy và ông đã không thể vẽ được. Phải đến 20 năm sau, khi trở về thăm lại Hội An, ông mới có thể hoàn thành bức vẽ đã ấp ủ gần... 20 năm.
Giờ thì Hội An đã nhộn nhịp, tấp nập và được biết tiếng trong nước và thế giới. Những hình ảnh trong tranh Phan Ngọc Minh có cái còn, có cái mất. Người nghệ sỹ bỗng chợt buồn, thấy mất đi một cái gì... Ông liền cất Hội An vào một góc khuất tâm hồn và tìm về với miền yên tĩnh hơn, đó là di sản thánh địa Mỹ Sơn. Ở vùng đất mới, ông lại lao mình vào khám phá, tìm tòi, nghiên cứu các tư liệu lịch sử. Ông quan niệm, vẽ di sản cũng là học về lịch sử đất nước. Và ông vẽ, vẽ như người mắc nợ, nợ cuộc đời, nợ lịch sử văn hóa dân tộc. Sau hơn 4 năm ấp ủ, thai nghén, triển lãm "Nhật ký Mỹ Sơn” của Phan Ngọc Minh đã ra mắt công chúng vào tháng 9-1998. Để có được hơn 40 bức tranh sơn dầu trình làng trong triển lãm, ông đã rong ruổi khắp dải đất miền Trung từ tháp Bằng An, Đồng Dương, Chiên Đàn, (Quảng Nam), tháp Ponaga (Nha Trang), Po Klong Garai, Po Rome (Ninh Thuận) cho đến những làng Chăm có nghề gốm truyền thống (Bàu Trúc), dệt thổ cẩm (Mỹ Nghiệp), nhập cuộc vào các lễ hội như Tết Katê, lễ hỏa táng của người Chăm... Và thế giới dĩ vãng lại một lần nữa tái hiện trong tranh ông, khắc khoải với những điệu múa thần linh mờ ảo giữa nền gạch điêu tàn của Mỹ Sơn. Ngoài nhiều triển lãm chung, Họa sĩ Phan Ngọc Minh đã có những triển lãm cá nhân gây tiếng vang về đề tài Mỹ Sơn, Hội An, Huế... với ký ức di sản cộng hưởng cái nhìn đương đại.
Cô đơn cũng là một trạng thái thú vị của người nghệ sỹ. Sống sâu trong thế giới của chính mình, người nghệ sỹ sẽ đến gần hơn với thế giới của mọi người, với dâu bể đa đoan. Người nghệ sỹ nếu không đơn độc thì không thể sáng tác. Phan Ngọc Minh cho rằng mình hạnh phúc trong sự đơn độc ấy. Bởi vậy, người ta thường thấy ông với chiếc túi vải trên vai, một mình lặng lẽ "vẽ rong” từ Hội An, Mỹ Sơn, đến Huế... Và ông mang sự cô đơn trong hành trình đến Mỹ tham gia khóa sáng tác, trao đổi, giao lưu với tư cách là họa sĩ đoạt giải thưởng hạng nhất (Winner) của Hiệp hội Họa sĩ châu Á vào tháng 7 vừa qua. Đề tài ông mang đến triển lãm vẫn là thế giới quá vãng gọi về từ những miền di sản của đất nước với cách thể hiện khác hơn. Vẫn là hình ảnh những con rối, màu vàng, màu rêu ám ảnh của Hội An. Vẫn là hòn đá, màu núi, màu rêu trên tháp cổ ở Mỹ Sơn hay sắc màu lam hoàng tộc của triều Nguyễn ở các di sản của Huế... Các mảng màu được tiết kiệm một cách tối đa, hai sắc chủ đạo là trắng và đen. Những mảng màu đỏ và vàng được điểm xuyết trong nhiều tác phẩm gợi sự liên tưởng sâu xa. Đặc biệt hình ảnh những mũi tên được ông sử dụng khá nhiều và lạ. "Ký ức vàng”, "Nhịp điệu gốm”, "Bánh mì và con rối”, "Những mũi tên đời tôi”... là những tác phẩm được người xem rất thích thú tại triển lãm mà ông là họa sỹ duy nhất được chọn trong hàng chục họa sỹ tại trại sáng tác. Cái tâm thức Việt, văn hóa Việt được ông gửi gắm trong tranh và mang đến bạn bè thế giới một cách hồn nhiên và sâu sắc.
Có lúc, người ta thấy Phan Ngọc Minh ngồi lặng hàng giờ ở quán cà phê số 43 đường Trần Bình Trọng để... đọc thơ. Ông bảo, thơ có ý nghĩa gợi hứng trong hoạt động nghệ thuật của mình. Chẳng hạn, khi đi ngang qua phố cổ Hội An, bắt gặp hình ảnh thiếu nữ ngồi bên cửa sổ, ông chợt nhớ ngay đến hai câu thơ của Lưu Trọng Lư: "Ai bảo em là giai nhân, cho đời anh đau khổ/Ai bảo em ngồi bên cửa sổ, cho nặng nợ thi nhân” và bức "Ký ức vàng” tái hiện hình ảnh cô gái ngồi bên cửa sổ với màu vàng da diết đã ra đời như thế. Là nghệ sỹ thì phải có sự liên tưởng, nhất là trong lĩnh vực hội họa. Sự liên tưởng đó đưa người nghệ sỹ đến gần hơn với người xem để cùng sẻ chia và tác phẩm được thăng hoa. Khi vẽ đến những con tứ linh trong triều Nguyễn ở Huế, Phan Ngọc Minh liên tưởng ngay đến những con voi, rắn, chim thần ở Chăm Pa. Hay cái màu vàng của mùa thu ở Huế cũng làm ông liên tưởng đến mùa thu ở Hội An, Mỹ Sơn... Lần vừa trở về Hội An, ông không giấu những khắc khoải. Những quầy bán tranh chép, tranh copy của các nghệ sỹ nổi tiếng đang dần làm mất đi hình ảnh đẹp của phố cổ. Hay còn đâu hình ảnh những cây phượng tỏa bóng sum suê, thay vào đó là những cây hoa sữa mà theo ông là không phù hợp với hình ảnh phố cổ. Và có lẽ ông sẽ mang theo những trăn trở ấy vào thế giới nghệ thuật của ông-một thế giới hoài cổ đơn độc nhưng lấp lánh những giá trị nhân văn. Mà cái đẹp thì vẫn luôn vĩnh cửu.
P.T