Sân Khấu Đà Nẵng - Đôi điều trăn trở... - Lê Huy HẠnh
Trên sân khấu ca nhạc Đoàn ca múa nhạc Tiên Sa cũng đã tạo nên một sắc thái riêng khi tham gia các liên hoan với nhiều ca khúc làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân (Chuyện tình Tiên Sa của nhạc sĩ Phan Ngọc, Cô du kích Đà Nẵng của Thanh Anh, Thương em chín đợi mười chờ của nhạc sĩ Minh Đức...). Và trong những niềm vui chung ấy là sự ra đời của Đoàn kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng với nhiều kịch bản để đời của Lưu Quang Vũ như "Lời thề thứ 9”, "Đường bay”... với sự tham gia của đạo diễn Lê Hùng, Lê Chức, họa sĩ Lê Huy Quang, Nguyễn Hồng, Lê Huy Hạnh, Đức Hải, Quang Phiến, nhạc sĩ Cao Việt Bách, Ngô Quốc Tính, biên đạo múa Trần Qùy và dàn diễn viên trẻ như Lê Nga, Nguyễn Văn Tình, Hoài Nam, Minh Hằng, và không thể không nhắc đến những đạo diễn trẻ tài năng, tâm huyết như Quang Khánh, Hoàng Tú Mỹ... đã tạo nên một dấu ấn, nếu chưa thể nói là một phong cách riêng nhưng thực sự đã gặt hái nhiều giải thưởng cao của tập thể và cá nhân trong những liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.
Điểm lại đôi nét để nhớ về cái thời vàng son ấy, lòng lại chợt buồn khi nghĩ về thực trạng sân khấu Đà Nẵng hôm nay. Chỉ còn duy nhất một đoàn nghệ thuật Tuồng truyền thống (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) và đây cũng chính là điểm sáng và được mọi người nhắc đến nhiều mỗi khi nghĩ về sân khấu Đà Nẵng.
Mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn luận, cân nhắc và đầu tư thích đáng nhưng không thể phủ nhận những thành quả mà Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã làm được trong thời gian qua để duy trì lịch biểu diễn thường xuyên tại nhà hát vào tối thứ 4, thứ 7 hàng tuần phục vụ người yêu nghệ thuật Tuồng và khách du lịch. Tuy nhiên đôi khi cũng thấy chạnh lòng khi mình chưa biểu diễn những trích đoạn mang tính nghệ thuật cao mà lệ thuộc hay bị động theo yêu cầu của tua du lịch. Rồi những buổi biểu diễn cho các lễ hội văn hóa, lễ hội cầu ngư... đã đáp ứng được một phần lớn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật Tuồng truyền thống của nhân dân thành phố Đà Nẵng kể cả vùng sâu vùng xa... và tạo thêm thu nhập cho anh chị em nghệ sĩ nhưng nếu chia đều số tiền bồi dưỡng hàng đêm thì thực sự còn có quá nhiều vất vả mà bản thân mỗi người cần phải nỗ lực nhiều mong tìm ra cách vượt.
Để giữ gìn nền nghệ thuật truyền thống, hiện nay Nhà hát vẫn thường xuyên tham gia các liên hoan sân khấu chuyên nghiêp toàn quốc đạt giải thương cao mà đặc biệt là bằng khen tặng cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo diễn viên trẻ của nghệ thuật Tuồng truyền thống và nhiều diễn viên đoạt huy chương vàng, bạc trong liên hoan tài năng trẻ như Phan Văn Quang, Huỳnh Thị Minh Hải, Thúy Hằng, Bích Phượng... nhiều diễn viên theo học các lớp đạo diễn chính quy, các lớp đại học tại chức các chuyên ngành để có thêm nhiều kiến thức mới và một tín hiệu vui là được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành, trong thời gian tới nhiều diễn viên và nhạc công trẻ bổ sung cho Nhà hát Tuồng. Nhà hát sẽ phối hợp với Trường Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng sẽ mở lớp đào tạo diễn viên và nhạc công trẻ bổ sung cho nhà hát Tuồng.
Tuy nhiên việc tuyển chọn cũng không phải dễ dàng gì vì chúng ta chọn các em khi tuổi còn nhỏ, có thể là rất đam mê hát Tuồng nhưng khi các em đã lớn, tốt nghiệp cấp ba hay dự định theo học các trường đại học thì chưa chắc các em đã nộp đơn theo học hát Tuồng hay là nhạc cụ dân tộc. Và thời gian đào tạo không lâu, hay người ta vẫn thường gọi là "ăn xổi”, vì nếu so sánh với bộ môn nhạc, múa, họ đào tạo từ rất nhỏ, từ lớp sơ cấp, trung cấp có khi đã hơn mười năm rồi còn học đại học, sau đại học. Và một điều bất cập nữa trong việc đào tạo diễn viên khi có ý kiến lại cho rằng diễn viên nghệ thuật truyền thống nói chung trình độ văn hóa không cao và khi bàn về điều này chúng ta phải lưu ý trên thực tế năng khiếu nghệ thuật thường xuất hiện sớm ở độ tuổi 13-18, vì vậy muốn chọn được diễn viên thì chỉ có ở độ tuổi này mà lâu nay chúng ta thường chỉ chú trọng đào tạo nghề, chưa quan tâm đào tạo về kiến thức văn hóa cho các em dẫn đến tình trạng có nhiều diễn viên giỏi lại không đạt ngưỡng để theo học các lớp đào tạo chuyên sâu cao hơn, từ đó nảy sinh là lương thấp, đời sống khó khăn, không có cơ hội thăng tiến....
Khi viết đến những dòng này tôi lại chợt nhớ mình đã may mắn được xem vài buổi biểu diễn múa rối nước tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đây là một loại hình nghệ thuật vô cùng hấp dẫn từ kịch bản đến nghệ thuật biểu diễn của ông cha ta từ ngàn xưa và mong sao trong quy hoạch tổng thể của khu du lịch Non Nước (Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng) sẽ xây dựng một nhà hát múa rối nước và việc xây dưng là có cơ sở vì chúng ta có đội ngũ diễn viên có nghề và kinh nghiệm biểu diễn, nghĩa là đỡ mất công và kinh phí đào tạo, nếu được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất như mặt bằng và thiết nghi về vốn xây dựng nhà hát sẽ huy động sự đóng góp của những người yêu nghề, những mạnh thường quân và các doanh nghiệp, kết hợp với việc xã hội hóa sân khấu để thỏa mãn niềm đam mê không phải của những khán giả nhỏ tuổi mà của tất cả những người yêu nghệ thuật vì thông qua loại hình nghệ thuật độc đáo này mọi người dân Đà Nẵng và khách du lịch trong và ngoài nước sẽ hiểu đủ đầy, sâu sắc và thêm tin yêu con người miền Trung thật thà, chất phác với một nền văn hóa phong phú đa dạng đáng trân trọng, nâng niu và gìn giữ từ bao đời và những ai đã từng về với Hà Nội ghé thăm nhà hát múa rối nước Thăng Long mới thấy lượng khách trong và ngoài nước, người lớn và trẻ em đến xem biểu diễn ngày đêm, càng thấy đươc sức hấp dẫn kỳ lạ của nghệ thuật độc đáo này.
Nói đến sân khấu Đà Nẵng, không thể không nhắc đến vai trò chủ đạo của Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Đà Nẵng với những suy nghĩ và trăn trở nhằm tạo nên những hoạt động sân khấu. Đó là kết quả khi tổ chức thành công lớp hô hát dân ca, giúp dấy lên phong trào sâu rộng của các quận huyện, tạo được nhiều hạt nhân cho phong trào văn nghệ quần chúng và với việc ra đời Câu lạc bộ sân khấu Đà Nẵng đã dàn dựng, ghi hình và phát sóng nhiều vở diễn kịch nói, dân ca gây được sự chú ý của người xem, tuy nhiên cũng cần ghi nhận cái khó muôn thuở của sân khấu là kinh phí. Và thành công của một vở diễn là sự chung tay góp sức của cả một tập thể từ đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, cả âm thanh và ánh sáng và một cái vướng mắc không thể dễ dàng vượt được chính là sự thiếu vắng, hay nói đúng hơn là sự khủng hoảng của những kịch bản hay mang hơi thở của cuộc sống. Đó không phải chỉ riêng của Đà Nẵng khi nhìn lại những liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đều thiếu vắng những kịch bản hay ở mọi thể loại cụ thể là liên hoan sân khấu chèo vừa diễn ra ở Quảng Ninh, bên cạnh sự thành công còn có nhiều vấn đề gây bức xúc, tranh cãi về giải thưởng và một lỗ hổng quá lớn chưa thể lấp đầy là kịch bản có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật.
Biểu diễn nghệ thuật tại Hội Hoa Xuân Đà Nẵng 2012
Một trong những hoạt động sân khấu trong những năm qua là tạo một sân chơi với sức hấp dẫn mới, giúp các em học sinh các trường tìm đến với nghệ thuật tuồng, chính là việc mở nhiều lớp cho các em tìm hiểu về nghệ thuật tuồng, dàn dựng biểu diễn báo cáo nhiều trích đoạn tuồng kinh điển, có giá trị nghệ thuật cao như "Trần Quốc Tuấn”, ‘Trưng Trắc đề cờ”, "Kim Lân biệt mẹ”... từ đó giúp các em trong suy nghĩ tình cảm đối với nghệ thuật tuồng đầy chất nhân văn qua từng số phận của nhân vật và với mục đích góp phần bảo tồn di sản văn hóa và hợp lòng dân. Những trích đoạn mà các em đã tham gia không phải là sự mua vui mang tính giải trí mà nó còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa, giáo dục chính trị và xã hội.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, Đà Nẵng xứng đáng được nhìn nhận về sự trẻ trung và năng động, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn để duy trì và phát triển các bộ môn nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật. Khi Đà Nẵng không còn tồn tại đoàn kịch nói nữa thì không thể nói là kịch nói đã chết. Bởi vì trên thực tế hiện nay bằng những kinh nghiệm của những năm tháng miệt mài trên sàn tập và các buổi biểu diễn, tham gia và gặt hái nhiều thành công trong các kỳ liên hoan kịch nói toàn quốc, chính những diễn viên gạo cội đang đóng vai trò chủ đạo trong việc tham gia các liên hoan sân khấu, các hội diễn nghệ thuật quần chúng của thành phố và trung ương. Dù là diễn viên nhưng do nhu cầu nghề nghiệp và đời sống, họ phải tự học thêm để vừa viết kịch bản, vừa dàn dựng, chọn nhạc và thậm chí kiêm luôn thiết kế sân khấu cho chương trình để đạt hiệu quả cao, lại tiết kiệm kinh phí.
Năm nào cũng có hội diễn của các ngành, nhà máy, cơ quan, trường học. Phải kể đến Văn Phàn, Lê Tất Thành... mỗi người phải lo dàn dựng hàng chục chương trình với phần thi kiến thức (hùng biện) và cái khó hơn là thi ứng xử tài năng và đó chính là tiểu phẩm với nhiều loại hình như dân ca, hò ve, tuồng nhưng chủ yếu vẫn là kịch nói. Điều đó chứng tỏ rằng mọi người vẫn muốn thông qua kịch nói, như một dòng chảy ngầm trong lòng người yêu nghệ thuật để chuyển tải nhanh nhất, hiệu quả nhất nội dung muốn tuyên truyền như: phòng chống ma túy, tội phạm, an toàn giao thông, bạo lực gia đình, 5 không, 3 có, gia đình văn hóa, môi trường thành phố xanh sạch đẹp... với một thành phố trẻ trung và năng động, là điểm sáng để mọi người đang tìm đến với văn hóa và du lịch như Đà Nẵng mà không có một đoàn kịch nói thì thật là một điều hết sức vô lý.
Đã mười lăm năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, đó là khoảng thời gian không dài nhưng trong sự hội nhập và phát triển, Đà Nẵng đã tự khẳng định mình là thành phố trẻ năng động và đầy sáng tạo, người dân cần cù, chất phác, chung thủy, kiên cường ... vì vậy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, là điểm nhấn về đầu tư và phát triển vượt bậc của khu vực miền Trung và không phải riêng tôi mà tất cả những người dân yêu nghệ thuật vẫn mong tạo nên một sự cân bằng giữa đời sống kinh tế, văn hóa nói chung và sân khấu nói riêng, tin rằng trong một tương lai gần - sẽ có thêm những đoàn nghệ thuật như kịch nói, múa rối, dân ca... để mọi người trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng sẽ có thêm niềm tự hào về một nền văn hóa Đà Nẵng mang sắc thái riêng, để họ thêm yêu mảnh đất và con người khúc ruột miền Trung nắng rát mưa chan này. Tôi xin mượn những câu thơ thay cho lời kết:
...Có nhà hát đỏ đèn hằng đêm
giữa lòng thành phố
Trong âm thanh của nghìn bàn tay vỗ
Tiếng trống chầu vang lên
Đưa ta về với cội nguồn...
L.H.H