Bản quán thơ của Hạnh - Ngô Minh

02.05.2012

Bản quán thơ của Hạnh - Ngô Minh

Đọc Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, NXB Hội Nhà Văn, 2011.

Hiện nay có quá nhiều "trường phái” thơ, nào siêu thực, tượng trưng, hậu hiện đại... Có nhiều bài thơ tôi đọc thấy không xúc động chút gì cả, cũng không thấy hình ảnh thơ mới, "chữ thơ” mới đâu cả. Có lẽ do cái "tạng” của tôi chắc. Tôi thì thích loại thơ đọc nổi da gà, thích thú, chứ chẳng nề "cũ”, "mới”. Tôi nghĩ mỗi nhà thơ đều có bản quán thơ của mình. Nghĩa là thơ có địa chỉ tâm linh. Nguyễn Ngọc Hạnh là một người làm thơ như thế.

Nguyễn Ngọc Hạnh đã có 30 năm làm thơ, đã in ba tập thơ. Thơ Hạnh lặng lẽ như sông, hiền lành như ngôi làng quê thân thuộc Xứ Quảng hẻo lánh, nơi đầu nguồn của dòng sông Vu Gia, Đại Lộc, với núi non điệp trùng bao bọc. Nên thơ anh là hồn quê, là thứ viết cho mình, không ồn ào câu chữ, không khoe khoang cấu trúc, chẳng cần hiện đại hay hậu hiện đại gì cả; chỉ cần tình đời, tình người cho sâu đậm là được. Không còn thì thôi xin đành / Người ơi tôi cúi hôn mình trên sông (Về quê). Hôn mình trên sông là hôn nỗi cô đơn thầm lặng.

Dường như dòng sông ấy, ngôi làng ấy là bản quán thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Tình yêu cũng từ đó, hạnh phúc cũng từ đó và nỗi đau cũng từ đó đi ra với anh vào cuộc đời rộng lớn. Có điều Hạnh không hề hay biết làng quê đã thành hồn vía, máu thịt tim óc của mình, giọng nói của mình, đến khi viết văn làm thơ thì mới hay "Giờ làng sống trong tôi”:

"Cái làng ấy ra đi cùng tôi. Mà tôi nào hay biết. Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết. Con sông quê bóng núi cứ chập chờn. Xưa tôi sống trong làng
Giờ làng sống trong tôi.”
(Làng)

Giản dị lắm mà cũng ý vị lắm. Nguyễn Ngọc Hạnh viết rất nhiều thơ về mẹ, về dòng sông và làng quê mình. Ngay cả khi nhìn những bông hoa trên đường quê, Hạnh cũng nghĩ ngay đến những người con đã hy sinh trong chiến tranh ở quê mình: Nhớ về một thời xa xôi / Có bao người đi không về /Nằm lại ven bờ sông ấy/ Thành hoa nở dọc làng quê (Hoa ven sông). Đó là cái bao la, cái ý thức nguồn cội của một tấm lòng. Ngỡ là sông trong / Ai hay dòng đục / Lỡ tắm một lần/ Một đời ray rứt (Bài thơ chưa đặt tên). Đó là sự ray rứt trước sự đời thật giả. Hay: Con đường quê dài như đời mẹ / Tuổỉ thơ buồn trôi giữa mù khơi / Mẹ nhớ ai như sông nhớ suối / Sông dạt dào lòng mẹ, đời tôi (Quê nhà). Không gọi đò, con gọi mẹ ơi! / Sông thì hẹp mà vô bờ đến vậy / Con đi qua hết một thời trai trẻ / Từ chiếc đò lòng mẹ / Qua sông (Qua đò, nhớ mẹ). Qua đò không gọi đò, lại gọi "Mẹ ơi”. Câu thơ làm ta giật mình, nghĩa là mẹ đã hóa thành con đò ấy, dòng sông ấy chở mình đi hết một đời.

Nguyễn Ngọc Hạnh có những câu thơ về nông dân đẹp mà xót xa thăm thẳm: Ai hiểu được dưới vành nón lá - Một mặt trời mọc giữa ruộng sâu "( Nông dân). Mặt trời mọc dưới ruộng sâu là hình tượng thơ mới, chưa ai nói tới. Không sống sâu đậm với làng không thể có hình tượng thơ lớn như thế. Kỷ niệm về Mẹ, về làng quê là những kỷ niệm đẹp nhất của mỗi đứa con tha hương. Hạnh có thơ viết về triền dâu, bãi mía, về mùa hoa đỏ bên sông thật da diết, cật ruột: Ngày em đi hoa đỏ dòng sông. Nhớ khi bồi, thương hơn ngày lở. Có không ít người làm thơ mà suốt đời không viết nổi một bài thơ về mẹ, về làng quê. Tôi không tin vào tấm tình thơ của người làm thơ như thế.

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh dân dã, chân thật nhưng đầy chiêm cảm. Chính những chiêm nghiệm ấy làm cho câu thơ của anh có sức nặng, sức sống lâu bền hơn. Từ những hình ảnh thơ quan sát được, Hạnh lẩy ra những triết lý ẩn chứa. Viết về mẹ dưới trăng, Hạnh phát hiện ra hình tượng: Trăng nghiêng bóng mẹ trên đầu rẫy/ Như gửi niềm đau xuống đất này” (Quê mẹ). Bóng mẹ già nghiêng xuống nơi đầu rẫy như là bức tranh về thân phận người thôn quê Việt Nam bao đời cay cực.

Trong bài thơ Thơ đề trên mộ, Nguyễn Ngọc Hạnh có phát hiện rất sâu sắc: Mỗi người đều có cuộc đời riêng / Nhưng nấm mộ không còn riêng ai cả. Đó là sự chiêm nghiệm về sự vĩnh hằng của cái chết, là cõi mà con người giống nhau nhất.

Tôi rất thích hai câu thơ Vét cạn lòng giếng ấy / Chỉ nghe tiếng gàu rơi... trong bài "Đợi mưa”. Đó là nỗi đau khi trời khô hạn, cũng có thể là nỗi đau của chàng trai khi đã cạn lời cầu xin mà nàng thì cứ dửng dưng. Cũng có thể là sự vô vọng của con người khi thời thế không theo ý mình. Thơ ấy là thơ đa nghĩa. Với bài thơ "Dưới trăng cùng KAZIK”, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạc được bức tượng điêu khắc gia Ba Lan giúp ta trùng tu Tháp Mỹ Sơn, rất đẹp, đẹp như tháp Mỹ Sơn vậy:

...

Cổ tháp kia sẽ lặng lẽ cùng ông

Về những đổ vỡ trinh bạch

Những vụn nát đền đài...

Làm sao có thể kiệm lời. Trước thần Shiva và tượng mất đầu. Giữa hằng hà thiện ác.

Mấy câu kết bài thơ như là sự tổng kết cuộc đời, cũng là lời nhắn nhủ với Kazik về chiều sâu của di sản Mỹ Sơn, về những cái đã mất và những gì còn lại.

Đọc thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, tôi thấy có nhiều câu thơ rất giản dị mà có sức vang, làm cho ta bâng khuâng ngẫm ngợi, như câu: Mưa Tam Kỳ thật buồn. Câu thơ diễn tả tâm trạng giống như câu thơ của Vĩnh Mai: Mùa thu dừng lại ở Long Biên / Để một mình tôi lên Vĩnh Yên. Hạnh có câu thơ buồn mà thật gợi:

Cỏ cây

Và chỗ em ngồi

Là sân ga nhỏ

giữa đời quạnh hiu.

Thì ra thơ không cần nói chuyện to tát, không cần câu chữ rắc rối khó hiểu. Chỉ một chỗ ngồi của em thôi, cũng là nơi để đi và đến và để nhớ hoài. Tôi rất thích Nguyễn Ngọc Hạnh dùng chữ "giao thừa” trong câu thơ: Phút này rồi cũng xa xôi / Tôi giao thừa với lở bồi đêm xuân. Đó là cách tu từ, làm mới nghĩa cho chữ giao thừa, làm cho câu thơ như găm vào lòng người.

Gần đây Hạnh có một số bài thơ có người khen là mới, là hiện đại. Nhưng tôi lại nghĩ hiện đại hay không là cái hiệu quả truyền cảm của thơ. Cứ cái làng quê đầu sông Vu Gia ấy mà viết, còn khối cái xúc động lòng người. Ở làng quê này, Nguyễn Ngọc Hạnh mới là Nguyễn Ngọc Hạnh, không lẫn vào người khác.

Vâng, Nguyễn Ngọc Hạnh đã lặng lẽ tìm mình bên dòng sông quê, nơi bãi mía nương dâu ngàn đời thân thiết. Hạnh hãy tiếp tục về đó để dựng nên bức chân dung làng bằng thơ, bằng trái tim của đứa con son sắt.

N.M

Bài viết khác cùng số