Từ Giáp đến một chính quyền dân sự - Trương Điện Thắng

02.05.2012

Từ Giáp đến một chính quyền dân sự - Trương Điện Thắng

Chưa thấy ở đâu trên đất phương Nam tồn tại một thứ đơn vị dân cư gọi là Giáp như ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Từ các Giáp, các làng xã được lập nên còn là bằng chứng của nỗ lực xây dựng một chính quyền dân sự từ chế độ quân quản thời chúa Nguyễn!

Tổ chức Giáp trong lịch sử

Như đã biết, Giáp từng có từ đời Khúc Hạo (905- 930). Với việc đổi hương thành Giáp, tất cả có 314 giáp trong hệ thống tổ chức Lộ, Phủ, Châu, Giáp, Xã. Theo nghiên cứu của Diệp Đình Hoa (Giáp - một tổ chức xã hội của nam giới ở đồng bằng Bắc bộ), nam giới nước ta đã có một tổ chức mạnh mẽ trước đó, việc đổi hương thành Giáp chẳng qua là đổi từ một đoàn thể mang tính xã hội sang hình thức chính trị.

Sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 từ Nghệ Tĩnh trở ra (NXB KHXH, 1981) dẫn ra tất cả 18 đơn vị hành chính gọi là Giáp, trong đó 16 đơn vị tương đương cấp thôn và 2 đơn vị như xã, phường. Đại Nam thực lục chép: "Năm 1828, đem đất Tiền Chân (do Nguyễn Công Trứ khai phá vùng đất ven biển Bắc bộ)... chia cấp cho dân nghèo thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp...”. Một năm sau, ghi: "Bắt đầu đặt ra huyện Kim Sơn, lập 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp...”. Tuy Giáp nhỏ hơn trại, nhưng là một đơn vị hành chính tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ 19 ở Bắc bộ như một đơn vị hành chính.

Theo nhà nghiên cứu Võ Thị Phương Thúy (Tìm hiểu tổ chức Giáp của làng Đông Ngạc) lại cho thấy Giáp cũng là một tổ chức xã hội. Tác giả dẫn ra bài thơ Đại nghĩ bát giáp thường đào giải văn của Lê Đức Mao (viết trước năm 1504) được phát hiện ở làng Đông Ngạc với các hoạt động liên quan đến những tiết lễ, nghi thức khác ở nông thôn, có lúc còn phụ trách luôn việc thu thuế trong làng. Các nghiên cứu của Bùi Xuân Đính về làng Nhất Giáp (Thịnh Liệt - Hà Nội) cho biết thêm: Giáp Nhất (thôn Bùi Tây) của xã Thịnh Liệt cũ, nay thuộc phường Thịnh Liệt, nằm dọc đường Thiên lý (Quốc lộ 1A): "phía Bắc giáp với Giáp Lục và Giáp Bát, phía Đông giáp với Giáp Nhị, phía Tây giáp làng Định Công Hạ và làng Đại Từ...”. Các Giáp này có những đặc điểm: Giáp vẫn là tổ chức của nam giới nhưng từ 9 tuổi trở lên đến 50 tuổi, mỗi giáp gắn liền với một tộc họ lớn. "Lệ làng Giáp Nhất con trai đến 8, 9 tuổi phải nộp tiền lệ vào hàng phe (giáp), hàng năm phải đóng góp việc làng cho đến khi khao lão ở tuổi 50 trở lên...” hoặc "... tổ chức làng xã ở Giáp Nhất không thật chặt chẽ”.

Như vậy có thể hiểu trong lịch sử, Giáp là một tổ chức hành chính, có khi là một tổ chức xã hội tồn tại ở miền Bắc nước ta cho đến trước Cách mạng tháng 8. Các đơn vị Giáp (xã hội) ở làng Đông Ngạc cho thấy có 32 người và mỗi Giáp 4 Giáp trưởng luân phiên giám sát việc thờ cúng, lý dịch và thu thuế. Ở đây cũng có 8 loại Giáp được đặt tên tùy theo công việc được phân công trong làng. Được vào Giáp là vinh dự của nam giới đến tuổi đinh và được làm Giáp trưởng tức là có chức vụ được trọng vọng trong làng. Khoán ước làng Đông Ngạc còn ghi: "Nếu ai không vào Giáp thì khi nào nhà người ấy có việc hiếu hỉ, hàng Giáp không biết”.

Dù là tổ chức hành chính hay xã hội, Giáp ở Bắc bộ vẫn thể hiện rõ mối quan hệ dân sự của một xã hội tương đối đã ổn định, nề nếp.

Dấu vết Giáp trong các gia phả

Các sử gia như Lê Quý Đôn và Phan Khoang sau này đều không thấy đề cập đến các đơn vị Giáp ở Đàng Trong. Li Tana trong Xứ Đàng Trong viết có 7 giáp ở tổng Điện Bàn vào năm 1776 (thời chúa Nguyễn Phước Thuần). Trần Hữu Quýnh trong luận án Tìm hiểu chế độ ruộng đất ở Việt Nam dẫn ra các đơn vị Giáp ở hai tổng An Lưu và Điện Bàn (đều thuộc phủ Điện Bàn) thời Khải Định. Tác giả Ngô Văn Lệ, trong Làng và quan hệ dòng họ ở Nam Bộ lại xác nhận không thấy có làng nào ở Nam bộ có Giáp do mối quan hệ thân tộc lỏng lẻo của vùng đất mới.

Trên thực tế, đến nay ở huyện Điện Bàn vẫn còn tên gọi từ Nhứt Giáp, Nhị Giáp... đến Lục Giáp, kéo dài theo một vòng cánh cung ở phía Bắc huyện lỵ Điện Bàn, tức dinh trấn Thanh Chiêm từ thời chúa Nguyễn. Các Giáp đó ngày nay là tên các làng, hoặc thôn thuộc hai xã Điện An và Điện Thắng Nam. Trên địa bàn các Giáp này, ngày xưa là những cánh đồng rộng chưa được khai phá, chưa có dân cư. Các Giáp được thành lập để vừa canh tác lương thực vừa làm nhiệm vụ bảo vệ lỵ sở của dinh trấn Thanh Chiêm cách đó không xa. Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng (Trung tâm quốc gia khoa học Pháp) cho rằng đó có thể là tổ chức dân binh gắn liền với chế độ quân quản thời chúa Nguyễn. Tuy nhiên chưa thấy tài liệu nào nói về các Giáp này có từ bao giờ? Đó là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu chưa hề đá động tới.

Trong dịp điền dã ở Điện Bàn, tôi đọc được một bản thảo đánh máy mang tên "Tìm hiểu họ Hà vào đất Điện Bàn trong thời kỳ nào?” của tác giả Hà Phụng, viết năm 1996 do một bô lão trong họ Hà cung cấp. Công trình không chỉ dừng lại trong tìm hiểu về nội tộc, mà còn đối chiếu các văn bản cổ, các gia phả (sao chép, dịch lại) còn giữ lại của các tộc Trần ở làng Nhứt Giáp, tộc Võ ở làng Ngũ Giáp, tộc Nguyễn Hữu ở làng Thanh Quýt và các quan hệ thân hữu, thông gia giữa các vị tiền hiền, hậu hiền ở các tộc liên quan. Ông Phụng cũng khá dày công khi đối chiếu với các sự kiện lịch sử về quá trình di dân, các tước hiệu thời phong kiến đã được ghi chép trong chính sử...

Một văn bản của tộc Trần làng Nhứt Giáp bằng chữ Hán và Nôm "Khai hiệu cựu xã hiệu” được dịch lại cùng các phương pháp đối chiếu của ông Phụng cho thấy: 24 vị sau này là tiền hiền các làng thuộc khu vực 6 giáp mà chúng ta đang đề cập đã vào định cư ở Điện Bàn khoảng từ năm 1624 đến năm 1633 (thời chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên). Đến ngày 12 tháng 10 năm Ất Dậu, 1645, các ông đã lập bản giao ước phân chia đất đai cho 6 xã mà trước đó đã là Nhứt Giáp đến Lục Giáp. Theo thứ tự các xã mới là: Phong Đại, Phong Trung, Ngọc Ba, Châu Minh, Phong Niên và Khả Phong.

Đáng lưu ý là bản dịch "khai hiệu cựu xã hiệu” cho thấy "Phong Đại xã Nhất hiệu”, "Phong Trung xã Nhị hiệu”, Ngọc Ba xã Tam hiệu”... nhưng đáng tiếc là hoàn toàn không còn nói tới yếu tố Giáp nữa!

Trong khi đó, hai tờ đầu của Gia phả tộc Võ làng Phong Ngũ (hay Ngũ Giáp) được cho là do chính cụ tiền hiền Võ Văn Đợi viết cho thấy ông này là xã trưởng lập ra xã hiệu vào năm Canh Thìn 1640 trước đó 5 năm với tên xã Phì Nhiêu do "Hà tướng quân phụng chiếu ủy ngu vi xã trưởng và chỉ nhắc đến "Ngu thứ thê Lê Thi Sự tại Thanh Quýt xã, sinh hạ...”.

Ông Hà Phụng xác nhận: "Qua gia phả họ Võ ta cũng không thể nhận định các xã Nhứt Giáp, Nhị Giáp... Lục Giáp được thành lập từ lúc nào?” (trang 35).Nhưng khi dựa vào tài liệu của họ Trần, tác giả thừa nhận: "Căn cứ vào vị trí của 6 xã liền nhau và cách đặt tên... chúng ta nghĩ rằng 6 xã đã được thành lập cùng một lúc. Tài liệu của họ Trần đã xác định điều đó. Trong khi xã Thanh Quýt tuy ở kế cận nhưng đã được thành lập ở một thời kỳ khác.” (trang 17).

Từ những tài liệu mới phát hiện, ta thấy rằng:

Nhất GiápPhong Đại xã Nhất hiệu hay Giáp BaNgọc Ba xã Tam hiệu... phải chăng ẩn chứa một sự kế thừa trong lịch sử khi chuyển từ đơn vị Giáp theo hình thái quân quản đã có từ trước năm 1645 dưới triều chúa Nguyễn Phước Tần, khi các chúa Nguyễn tổ chức dân đinh đi khai khẩn và bảo vệ vùng đất mới, lên đơn vị hành chính có tính xã hiệu sau này!

Với yếu tố đó, phải chăng các xã được lập ra như tài liệu lưu truyền của tộc Trần ở Nhứt Giáp vào năm Ất Dậu 1645 là một bước kế thừa và phát triển nền hành chính, nội trị đàng Trong từ cuối thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần... Và các Giáp ấy như một tổ chức của các đơn vị dân binh, hoàn toàn khác với Giáp ở Bắc bộ, đã được thành lập từ sau khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Quảng Nam (1570)! Và vì chưa phải là các đơn vị hành chính nên các Giáp này đương nhiên không có tên các làng ở Điện Bàn trong Ô Châu cận lục (1555) như các làng Cẩm Sa, Thanh Quýt hay Bất Nhị gần đó!

Nhưng điều quan trọng hơn là: Sự kiện mất đi của 6 Giáp để thành lập 6 xã mới vào năm 1645 với việc phân chia lại đất đai cho mỗi xã cho thấy đây là bằng chứng của nỗ lực từng bước dân sự hóa từ khá sớm một chính quyền quân quản kéo dài của Đàng Trong sang chính quyền dân sự, dù đã rất khó khăn do chiến tranh xảy ra liên tục. Điều này tương ứng với việc mở các khoa thi từ năm 1646 đến năm 1695 để tuyển dụng gần 300 quan chức bổ sung vào bộ máy hành chính lúc đó nhằm giảm dần các căng thẳng của một chính quyền quân quản kéo dài mà Lê Quý Đôn đã từng phê phán trong Phủ biên tạp lục!

T.Đ.T

Bài viết khác cùng số