Màu tím hoa sim - bài thơ tình đau thương nhất thế kỷ

02.05.2012

Màu tím hoa sim - bài thơ tình đau thương nhất thế kỷ

Trương Văn Khoa

Hai năm trôi qua kể từ ngày thi sĩ miền Nga Sơn – Thanh Hoá ra đi mãi mãi, để lại một màu tím biền biệt của cuộc tình định mệnh và nghiệt ngã. Nỗi đau tận cùng với thăng trầm, dâu bể của cuộc đời, Hữu Loan đã để lại cho nền thơ ca Việt Nam những tác phẩm bất hủ.
Ông thanh thản về với cõi vĩnh hằng, với người vợ bé bỏng chiều quê ngày ấy, khép lại những năm tháng nhọc nhằn, khắc khoải cả thể xác lẫn tinh thần. Thế hệ đời sau sẽ nhớ mãi ông, một thi sĩ tài hoa, bất hạnh và đầy nhân cách.

Tình yêu thời chiến

Hữu Loan sinh năm 1914, trong một gia đình tá điền. Năm 24 tuổi, Hữu Loan rời quê nhà lên Thanh Hóa dạy học. Lúc bấy giờ, ở Thanh Hóa có cửa hàng bán vải và sách của bà Tham Kỳ (tên thật là Đái Thị Ngọc Chất, vợ của ông Lê Đỗ Kỳ, kỹ sư canh nông, có thời làm Tổng Thanh tra canh nông Đông Dương). Hữu Loan thường qua lại nơi đây để xem và mua sách.

Ông được ông bà Lê Đỗ Kỳ mời về dạy học. Gia đình ông bà có 3 người con trai:

"Nàng có ba người anh đi bộ đội

Những em nàng

Có em chưa biết nói

Khi tóc nàng xanh xanh…”

Ngày ấy, ông 26 tuổi, đêm đầu tiên ông đến nhà, bà Kỳ đã hạ sinh một đứa con gái, cô bé ấy sau này mắt luôn mở to nhìn ông không dứt, đó chính làem gái của côLê Đỗ Thị Ninh mới 10 tuổi. Ngày ấy, Hữu Loan và Ninh còn tắm chung với nhau trong thùng gỗ, ông xem cô như em gái và cô cũng rất quý mến ông.

"…Tôi người Vệ quốc quân

xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái

Ngày hợp hôn

Nàng không đòi may áo mới…”

Sau một thời gian ông lên Hà Nội thi Tú Tài và đỗ hạng ưu. Người Pháp muốn mời Hữu Loan vào làm thư ký ở Phủ Toàn quyền với lương rất cao nhưng do không thích Pháp nên Hữu Loan trở về Thanh Hóa dạy học. Cô Ninh càng lớn, càng nết na và xinh đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện. Mặc dù gia đình rất giàu, có tới 500 mẫu ruộng và gần năm chục người làm công nhưng riêng quần áo của Hữu Loan cô không cho mọi người đụng đến mà tự tay giặt ủi và xếp, cất vào tủ. Hữu Loan không biết rằng bà Chất rất quý mến ông nên đã có ý gả cô em gái xinh đẹp tên Nga cho ông, nhưng do cô Nga không muốn vương vấn chuyện đời mà muốn xuất gia theo đạo nên bà lại chuyển sang muốn gả đứa con gái mình. Lúc ấy, Hữu Loan có bao giờ nghĩ chuyện tình yêu với Ninh, Hữu Loan hơn Ninh đến 16 tuổi, lại xem cô ấy như em gái nuôi.

Cuối mùa đông năm ấy, Hữu Loanlên đường đi kháng chiến. Hôm tiễn ông, người em gáicứ theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Lên đến bờ đê, nhìn xuống đầu làng, Ninh vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Cô giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim vẫy Hữu Loan. Ôngđi và ngoái đầu nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy cô nữa.

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng Hữu Loan có nhận được tin tức từ quê lên, ông biết Ninh vẫn khỏe và đã khôn lớn. Chín năm sau, Hữu Loan trở lại Nông Cống tìm cô. Hôm gặp Ninh ở đầu làng, ông hỏi cô, hỏi rất nhiều nhưng cô không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Ninh giờ đây không còn là cô học tròbướng bỉnh nữa rồi. Ninh bây giờ đã là một cô gái xinh đẹp. Một tuần sau đó, Hữu Loan và Ninh kết hôn. Đám cưới thật đơn sơ:

"…Tôi mặc đồ quân nhân

đôi giày đinh

bết bùn đất hành quân

Nàng cười xinh xinh

bên anh chồng độc đáo

Tôi ở đơn vị về

Cưới nhau xong là đi…”

Hạnh phúc quá ngọt ngào. Hai tuần phép của Hữu Loan trôi đi nhanh quá. Hôm tiễn ông lên đường, Ninh vẫn đứng ở đầu làng, nơi tám năm về trước cô đã đứng. Chỉ có điều giờ đây Ninh không còn là cô bénữa mà đã là người bạn đời yêu quý của Hữu Loan. Ông đi,quay đầu nhìn lại... Nếu như tám năm về trước Hữu Loan đi,nhìn lại và chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác thì lần này ông thực sự đau buồn. Đôi chân ông như quỵ xuống... Ninh cũng như quỵ xuống...

Dòng sông định mệnh

Ngày 29/5/1948 (âm lịch), ngày định mệnh, Ninh đưa quần áo ra giặt ở sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống). Đoạn sông này gần đổ ra biển nên nước chảy xiết. Buổi trưa bà Chất rủ cô Ninh ra tắm nhưng cô đã tắm buổi sáng nên mang quần áo ra giặt. Đang giặt, cô bỗng trượt chân, chới với giữa dòng nước, người mẹ quay lại chỉ thấy tóc con mình xấp xõa trên mặt nước. Mãi 3 ngày sau thi thểmới nổi lên không xa chỗ bến nước trong khi ở đây vốn nước chảy mạnh. Có người nói do cô bị kẹt ở dưới đáy, có người bảo cô Ninh vương vấn gia đình nên không muốn đi xa... Cô Ninh hay mặc áo màu tím, ông cũng đã có lần dẫn cô đi chơi lên những đồi hoa sim tím và ngẫu nhiên, dọc bờ sông nơi cô chết cũng mọc đầy những hoa sim tím.

Ba tháng sau, Hữu Loan nhận được tin dữ, vợ qua đời. Ninh chết thật thảm thương. Ông chạy về đến nơi thì mọi việc đã xong hết từ lâu, người mẹ ngồi khóc bên mộ con, chiếc bình ngày cưới nay được dùng để làm bình hương:

"…Chiếc bình hoa ngày cưới.

thành bình hương

Tàn lạnh vây quanh…”

Chiếc bình hương đặc biệt ấy ông Hữu Loan vẫn giữ đến tận bây giờ, đặt trên bàn thờ cô Ninh. Trước đây bàn thờ có một tấm ảnh cô Ninh chụp năm 10 tuổi, nhưng vào một đêm bão lớn, nước tràn từ mái nhà xuống bàn thờ đã phá hỏng tấm ảnh duy nhất đó.

Ba người anh của cô Ninh mà ông Hữu Loan đã dạy học và được nhắc đến ở ngay đầu bài thơ lúc đấy đều xung phong đi bộ đội và đang ở chiến trường Đông Bắc. Không hiểu thư từ đi lại khó khăn ra sao mà họ nhận được thư báo tin em gái mất, rồi ít lâu sau mới nhận được thư báo tin người em gái lấy chồng. Ít ai biết được về ba người anh đấy, người anh cả Lê Đỗ Khôi là Chính ủy tiểu đoàn, hy sinh chỉ vài giờ trước khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Người thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Đình Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, còn người anh thứ ba là Lê Đỗ An tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn - Phó Ban Dân vận Trung ương.

Trở về doanh trại với nỗi đau xé lòng, Hữu Loan như người bị mất hồn. Một hôm, tất cả những nỗi đau đớn mất người vợ trẻ đã được Hữu Loan viết ra nhanh chóng chỉ trong có vài giờ, những câu thơ như đã được ghi khắc sẵn trong tim, cứ thế tuôn ra trên giấy, bài thơ khóc vợ của ông sau đó đã lan truyền nhanh chóng.

Mãi đến những năm 1993, ông sửa lại bài thơ, thêm vào vài đoạn ở cuối. Gần 50 năm sau, lời thơ của ông vẫn ai oán như của ngày xưa:

"…Ai hát

vô tình hay ác ý với nhau

Chiều hoang tím

có chiều hoang biết

Chiều hoang tím

tím thêm màu da diết…

nhìn áo rách vai

tôi hát trong màu hoa:

"Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh mất sớm…”

Màu tím hoa sim tím

Tình tang lệ rớm…

Ráng vàng ma và sừng rúc

điệu quân hành

Vang vọng chập chờn

theo bóng những binh đoàn

biền biệt hành binh

vào thăm thẳm chiều hoang màu tím...

Tôi ví vọng về đâu

Tôi với vọng về đâu?

- Áo anh nát chỉ dù... lâu!

Phần thêm vào một thời cũng gây xôn xao, có những người thích phần thêm nhưng có người chỉ muốn bài thơ nguyên thủy đã ăn sâu vào tâm khảm. Hữu Loan giải thích rằng việc ông viết thêm chỉ để làm cho rõ thêm ý cuối bài.

Bài thơ đã được Phạm Duy phổ nhạc với tên gọi "Áo anh sứt chỉ đường tà” (1971), còn Dzũng Chinh cũng đã phổ nhạc thành bài "Những đồi hoa sim” (1960) với điệu boléro da diết. Dù với hai phong cách đối ngược nhau hoàn toàn, cả hai bản nhạc đều được rất đông người biết và hát.

Khi người ta hỏi Hữu Loan rằng ông thích bài hát nào nhất trong số 2 bài trên thì ông chỉ im lặng, ánh mắt nhìn ra vườn, đáp hững hờ: "Tôi không để ý chuyện người ta phổ nhạc tôi”. Bà Nhu, vợ ông giải thích: "Ông ấy không thích bài nào cả, vì khi phổ nhạc người ta đổi lời mất mấy đoạn rồi”.

Và như thế, từ đó đến nay, ông không bao giờ bước chân ra khỏi cổng nhà. Mỗi ngày, ông ra chiếc võng trong vườn, nằm nhìn ngắm các cây cối xung quanh. Gần đây người con út của ông bắt đầu tìm cách sưu tầm lại các bài thơ còn thất lạc của ông, cũng có người đưa trả lại, nhưng chủ yếu do ông Hữu Loan nhớ ra và đọc lại. Không biết bao giờ tập thơ mới xuất bản nhưng tên tuổi Hữu Loan đã gắn chặt với "Màu tím hoa sim”, bài thơ được xem như một trong những bài thơ tình đau thương nhất của thế kỷ 20.

T.V.K

Bài viết khác cùng số