20 năm Câu lac bộ thơ Thái Phiên
Trong những năm qua, CLB Thơ Thái Phiên tổ chức một số hoạt động bổ ích như tổ chức thi thơ, bình thơ, xuất bản báo tường, tổ chức tham quan thực tế sáng tác tại Bà Nà, Bãi Bụt, Biển Đông, Suối Lương. Câu lạc bộ còn tạo được mối giao lưu với các đơn vị bạn như: Câu lạc bộ Thăng Long-Hà Nội, Nguyễn Trãi-Hải Dương, Bạch Đằng-Hải Phòng, Hàm Rồng-Thanh Hóa, Phú Xuân-Huế, Đường 9-Quảng Trị và Câu lạc bộ hưu trí-Thái Nguyên, Hoài Phố-Hội An…
Đặc biệt CLB Thơ Thái Phiên trong 20 năm qua đã xuất bản nhiều tập thơ của hội viên và tuyển thơ của Câu Lạc bộ chất lượng ngày một nâng cao.
Cảm hứng sáng tác chính của các tác giả đi vào đề tài lịch sử hào hùng của dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nổi bật vẫn là tình yêu đồng đội, nỗi đau và niềm vui của chiến trường.
Bài thơ Ngày về của anh Trương Anh Ta là một biểu hiện:
Ai ra đi ngày ấy
Ngã xuống vẫn mỉm cười
Ai về còn sót lại
Bật khóc giữa ngày vui!
Một khía cạnh khác, nỗi đau mất mát khi đồng đội của mình ngã xuống, lời thơ là tiếng lòng của người còn sống, qua bài Đám tang giữa mùa lũ của anh Phạm Phát, để chúng ta thấu hiểu sự nghiệt ngã của chiến tranh:
Đơn vị vượt suối dữ
Một đứa sẩy chân trôi
Chỉ kịp "ối” một tiếng
Lũ đã cuốn mất rồi!
Thương bạn bày lễ đưa
Giá như người không mất
Nhưng không dễ tự lừa
Cái chết luôn rất thật!
Bài Hai nửa yêu thương, Huy Lộc đã lưu lại cuộc chia tay giữa người lính trẻ với cô gái hậu phương khi tình yêu của hai người mới chớm nở. Nhưng rồi họ phải xa nhau do chiến tranh gây ra. Cái màu ly biệt của bài thơ không làm cho ta ủ rủ của nhớ thương còn mất:
...Đành lỡ hẹn khói hương đưa ấm lại
Sống với đời bằng hai nửa yêu thương
Chiến trường xưa có bao nhiêu đồng đội
Mãi không về với cô gái hậu phương!
Tình yêu và gia đình cũng là một chủ đề được các tác giả khai thác trong nhiều tập thơ. Trong tình yêu có hạnh phúc và khổ đau, có họp mặt và chia ly. Qua bài Lời tâm sự của chị Thanh Tùng cũng là lời tâm niệm của người vợ đối với người chồng quá cố:
...Anh đã đi rồi, em quá thương
Đá vàng trĩu nặng gánh tơ vương
Đôi ta chia cách dòng ly biệt
Cuốc lẽ thâu canh nẫu... đoạn trường
Nếu quả thật rằng có kiếp sau
Luân hồi điểm hẹn dẫu lâu mau
Tương phùng giây phút anh chờ nhé
Trăm tuổi phiên em cũng chuyến tàu!
Chị Thanh Minh với ý nguyện muốn để lại cho con cháu sau này những ân tình đằm thắm, qua bài Đọc lại thư xưa. Đây là kỷ niệm thời chiến tranh Nam-Bắc chia hai miền:
…Anh ở chiến trường B, em đi A
Thương người ở lại, nỗi xót xa
Thư viết đôi trang lòng lai láng
Khắc khoải tin chờ mỗi chuyến ra.
Khi ấy, mỗi lá thư vượt Trường Sơn ra Bắc, biết được tin nhà còn gì vui sướng cho bằng, những ngày tháng mong chờ chị lại giở chồng thư cũ ra đọc, bắt gặp nét chữ rõ ràng, màu mực chưa phai và cứ ngỡ như thư mới nhận được để tình già trẻ lại với thời gian.
Và nếu ai đó vui đùa nói rằng, tuổi cao sức yếu làm sao viết nổi thơ tình, xin hãy nghe anh Ngô Thời Cúc với bài Lỡ đò, áng chừng như anh đang suy nghĩ về ai đó, cũng lơ mơ, bất chợt thế thôi:
Tôi đi giữa phố phường bụi bặm
Nhìn cây xanh chợt nhớ xa xăm
Thời gian lùi dần ai mong đợi
Bóng mát, mây che được mấy tầng
Mải miết trông theo chiều bóng ngã
Con đò xưa cũ gội gió sương
Sang ngang bỏ dở đành lỡ hẹn
Ai người chờ đợi bến Sông Thương?
Anh Lê Đào, chỉ một Chiều thu năm nào, anh đã để lại trong lòng người đọc mối tình lãng mạn, êm đềm như một biểu tượng của thời gian. Vì chiều thu năm ấy, trăng cũng chưa hé vàng:
…Nhớ ngày ta bạn đội mưa
Chiều thu năm ấy trăng chưa hé vàng
Nỗi niềm ngày mỗi sang trang
Thu ơi! Có nhớ mộng vàng…ngày xa.
***
20 năm, Câu lạc bộ Thơ Thái Phiên đã xuất bản 17 tập văn thơ và gần 100 tập thơ của hội viên. Ngoài ra còn có tập Thơ tình bốn câu, Thơ tình lục bát đánh dấu một bước phát triển của Câu lạc bộ. Thơ là một dòng chảy không ngừng cùng cuộc sống, hy vọng thơ của anh chị CLB Thơ Thái Phiên tiếp tục có nhiều dòng chảy mới, tìm kiếm những vùng đất mới để ngôn ngữ nghệ thuật của thơ không ngừng phát triển trên chặng đường tiến về phía trước.
MINH QUANG