Những trang viết mơ ước hướng về tuổi thơ- PHƯƠNG MAI
Trong xu thế như vậy, nhìn lại những thập niên qua, tại thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những nỗ lực của nhiều lĩnh vực trong hoạt động văn học, phải nhìn nhận đã có không ít các đơn vị, tổ chức xuất bản và đặc biệt là một đội ngũ cầm bút có những đóng góp không mệt mỏi, để đem đến tuổi thơ những tác phẩm tâm huyết nhất của mình. Về lĩnh vực thơ có thể nhắc đến những tác giả với nhiều tác phẩm có tiếng vang như: Ngân Vịnh, Đồng Trình, Huy Lộc, Trương Văn Ngọc, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Xuân, Trần Khắc Tám, Hoàng Minh Nhân... Về văn những tác giả thường xuyên có tác phẩm viết về thiếu nhi như: Đà Linh, Nguyễn Kim Huy, Thanh Quế, Quế Hương, Nguyễn Thị Thu Hương, Trần Trung Sáng, Bùi Tự Lực, Trần Kỳ Trung...
Do một số điều kiện khách quan, như công tác in ấn, phát hành, quảng bá trên các phương tiện truyền thông... có nhiều hạn chế, nên nhiều tác phẩm của các tác giả nêu trên còn chưa phổ cập rộng rãi, so với các cây bút chuyên viết thiếu nhi ở hai đầu đất nước Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong số họ, tỉ lệ tác giả và tác phẩm dành vị trí cao qua Giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc hằng năm là rất đáng khích lệ.
Nhìn lại những thành tựu về văn học thiếu nhi, sau 15 năm thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính độc lập (1997-2012), đặc biệt, ở lĩnh vực văn xuôi, với những tác phẩm đã ấn hành, được bạn đọc tuổi nhỏ đón nhận và yêu mến, chúng ta có thể nhắc đến một số gương mặt điển hình như sau:
Nhà thơ Thanh Quế tác giả của trên 30 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại phong phú. Tuy nhiên, trong đó, các tác phẩm của anh viết về thiếu nhi, vẫn thường được nhắc nhiều hơn. Cụ thể, ngoài tiểu thuyết Cát cháy từng đạt giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, anh còn có các tác phẩm Hái tiếng chim (thơ), Cuộc phiêu lưu của con chó nhỏ, Những truyện rút từ túi áo (truyện thiếu nhi)...
Truyện của Thanh Quế, dù viết cho người lớn hay trẻ em, thường dễ đón nhận từ tiếng ngân đầy sức rung động của âm hưởng một bài thơ. Ngôn ngữ truyện và ngôn ngữ nhân vật đan xen hài hòa giữa chất sinh động đời thường của truyện và sự êm dịu giàu biểu cảm của thơ. Chính từ điều đó, người đọc tin tưởng rằng, anh sẽ dành nhiều trang viết rộn ràng tươi trẻ dành cho các em.
Nhà văn Quế Hương vốn xuất thân là cô giáo dạy văn. Dường như chị chỉ chính thức gia nhập làng văn khoảng hơn 15 năm nay. Thế nhưng, trong khoảng thời gian ấy, Quế Hương đã để lại trong trí nhớ của người đọc một ấn tượng khó quên, bởi những mẩu chuyện nên thơ, đầy xúc động, đôi khi rất lạ lùng và cũng rất đời thường bằng một giọng văn rất bản sắc của người phụ nữ miền Trung. Đặc biệt, ở mảng sáng tác viết về thiếu nhi, chị càng thể hiện một nội lực tiềm tàng, hứa hẹn. Một số tập truyện của chị được nhiều người biết như: Quán búp bê được giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam 1998; Bí đỏ và... được giải thưởng Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2001 và liên tiếp những năm sau đó, chị đoạt các giải cao trong các cuộc thi truyện ngắn của Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Trẻ. Với nhà văn Quế Hương, khi ngồi trước trang giấy, cần phải có một tấm lòng trong sáng, giọng văn phải thật gần gũi và tự nhiên, nếu giả tạo thì không thể thu hút các em được.
Nhà văn Trần Trung Sáng, là cây bút có quá trình gắn bó lâu dài với văn học thiếu nhi. Dường như hầu hết các tác phẩm đầu tiên của anh đều viết về thiếu nhi. Đó là các tập Ngày chủ nhật tuyệt vời, Ông Hoàng đu đủ, Cổ tích họa sĩ mù và Con chim xanh, Búp bê phiêu lưu ký... Truyện của anh thường viết về những chuyện bình thường, gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống, nhưng sống động, thú vị, dễ đọc, dễ nhớ rất hợp với lứa tuổi. Trong những năm gần đây, bạn đọc nhận thấy Trần Trung Sáng ra mắt một số tập sách có thiên hướng người lớn. Thế nhưng, anh cho biết, những trang viết mơ ước nhất của ngày mai, với anh vẫn là viết về thiếu nhi.
Bùi Tự Lực, một trong những cây bút xuất hiện khá muộn, so với những người cùng thời. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, với vài tập sách mỏng, anh đã nhanh chóng được nhiều người biết như một cây bút chuyên thiếu nhi, về đề tài truyền thống cách mạng. Đặc biệt, trong đó, tác phẩm Nội tôi (truyện vừa 2001) được tặng giải nhì của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2001 đã được tái bản nhiều lần. Nội dung tác phẩm này, có tính chất tự truyện của người cháu (tức là Bùi Tự Lực) viết về bà nội mình, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bằng giọng văn xúc động, giàu chi tiết sống, Bùi Tự Lực đã dựng lên hình ảnh một Bà mẹ Việt Nam anh hùng vô cùng sống động và riêng biệt không lẫn với các bà mẹ khác. Ngoài Nội tôi, Bùi Tự Lực còn có các tác phẩm viết về thiếu nhi khác như: Trên nẻo đường giao liên (Giải A, của Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, năm 2003) và tập truyện ngắn Cái ống phốc và trái banh chuối, năm 2005...
Nhà văn Trần Kỳ Trung, tác giả xông xáo trong các lĩnh vực tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản phim... Thế nhưng, anh cũng đã dành thời gian nhất định để đến với các em bằng tập truyện vừa Cuộc phiêu lưu không hẹn trước (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2000), cùng nhiều truyện ngắn mang hoài niệm tuổi thơ sống động bằng giọng văn hóm hỉnh. Trần Kỳ Trung cho biết: "Có một mảng đề tài tôi hay quan tâm, đó là chuyện kể cho thiếu nhi. Hình thành nhân cách tốt cho các em, tôi nghĩ, người lớn chúng ta phải quan tâm, không phải bằng những bài chính trị sáo rỗng, kể lể thành tích, đòi hỏi ở các em quá cao hoặc những bài lịch sử khô khan toàn lý luận, với sự kiện... Mà dạy các em từ những việc đơn giản nhất. như thế nào thể hiện một đứa trẻ hiếu thảo, những câu chuyện kể về lòng dũng cảm, trung thực... để các em dễ hình dung, học tập. Các em chỉ có thể trở thành người công dân tốt, một người yêu nước thực sự, một con người để bố mẹ tin tưởng khi các em đó biết kính trọng ông, bà, bố mẹ, họ hàng,biết cúi lạy thành kính trước bàn thờ tổ tiên, biết nhớ, biết yêu lũy tre làng và những cánh cò bay mỗi chiều trên cánh đồng... Những câu chuyện kể của tôi, cũng cố gắngthực hiện điều đó”.
Điều đáng khích lệ, bên cạnh những tác giả điển hình vừa nêu, vẫn không mệt mỏi dành những trang viết mơ ước hướng về tuổi thơ, thì những năm gần đây số lượng người cầm bút về đề tài này cũng một đông thêm. Đặc biệt, tại một số Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức vào các dịp hè đã phát hiện nhiều cây bút triển vọng, có những tác phẩm được công chúng chú ý. Thời gian đến, nếu có sự quan tâm đúng mức hơn nữa về các điều kiện đầu tư in ấn, quảng bá tác phẩm..., chúng ta tin rằng, mảng văn học thiếu nhi thành phố sẽ khẳng định được chỗ đứng xứng tầm cùng cả nước.
P.M