Ngày ấy và chuyện 40 năm
NguyỄn Đình An
Nhóm các anh Đinh Trọng Quyền, Trần Mai Hạnh vào đến Quảng Đà gặp hồi ác liệt nhất. Các anh hoạt động như một cơ quan của Trung ương, có liên hệ phối hợp với chúng tôi Ban tuyên huấn Quảng Đà và các đơn vị nhưng hình như không chịu sự chỉ đạo trục tiếp của đặc khu ủy, tồn tại và hoạt động được thực là khó khăn.Thế rồi anh Quyền bị thương, phải cắt một chân và được chuyển ra Bắc, cả bộ phận TTX cũng trở ra hậu phương. Lúc này yêu cầu có một đài minh ngữ để làm đầy đủ nhiệm vụ một phân xã TTXGP trở nên bức thiết. Chỉ có vậy thì công việc cung cấp tin tức bài vở cho Tổng xã mới kịp thời và có hiệu quả. Không biết anh Nghinh (Bí thư) và các anh lãnh đạo đặc khu có báo cáo đề đạt việc này với khu ủy không? Khoảng năm 1971 khu tăng cường cho Quảng Đà một đài minh ngữ với đầy đủ báo vụ và máy móc. Đài được giao cho Ban tuyên huấn đặc khu trực tiếp quản lý.
Nhà báo Đinh Trọng Quyền (hàng trước, ngoài cùng, bên phải) với phóng viên Thông tấn xã giải phóng Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ
Chúng tôi cơ quan phía trước Ban Tuyên huấn lo luôn bộ phận biên tập tin tức bài vở rồi bằng đài minh ngữ hàng ngày chuyển cho tổng xã và ngược lại với đài minh ngữ nhận các văn bản tài liệu của Trung ương qua tổng xã. Trên chỉ cho một báo vụ là anh Hoàng Quốc Thăng, một cán bộ kỳ cựu lành nghề của đài minh ngữ khu (có mật danh là C8, bộ phận anh Hồng Sinh). Chúng tôi lo tuyển một người trẻ khoẻ phụ trách quay máy và mang vác khi di chuyển.
Như cách làm việc đã có, chúng tôi không lập một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ TTX. Các anh em công tác ở bộ phận phía trước lo bài vở nội dung 2 tờ báo, một của Ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Đà, một của Ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Đà Nẵng, lo chỉ đạo công tác tuyên truyền phát động quần chúng cùng với những việc đó lo biên tập tin tức bài vở, phản ánh mọi mặt cuộc sống cuộc chiến đấu của chiến trường Quảng Đà, đặc biệt là Đà Nẵng để hàng ngày đúng giờ đã hẹn, đài minh ngữ lại hoạt động. Ở tận Hà Nội hoặc một nơi nào đó trên miền Bắc, một đồng chí báo vụ nào đó lại nhận được những tín hiệu tạch tè quen thân, đón nhận những tin tức bài vở, những cố gắng, những chiến công của một vùng đất xa xôi vô cùng ác liệt và hết sức thân thiết.
Trong chiến tranh vấn đề sống còn với tin tức là nhanh chóng kịp thời. Có đài minh ngữ là công tác thông tấn có lợi thế đó. Không phải qua 2 lần dịch ra mật mã ở 2 đầu đi và đến. Ở chiến trường chúng tôi cố gắng biên tập cho tốt thế là tổng xã chỉ cần chỉnh sửa chút đỉnh cho phát ngay. Có khi tin vừa phát ra cho tổng xã buổi sáng, buổi trưa đài Giải phóng đã đọc. Với đài minh ngữ, việc đưa tin bài của chúng tôi như có phép màu có thêm sức mạnh. Một trận diệt ác ở Hòa Vang. Một cơ sở binh vận làm một tàu Mỹ nổ rồi chìm ở gần cầu Trịnh Minh Thế. Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng đã tập hợp được cả ngàn bạn trẻ và nhân dân chống trò hề độc diễn của Thiệu.
Những tin bài do chúng tôi cung cấp được phát trên đài Giải phóng, đài TNVN không chỉ chúng tôi những người viết và đưa lên sóng mà chính những người làm nên các chiến công ấy nức lòng. Có dũng sĩ diệt Mỹ lập chiến công rất giản dị nhẹ nhàng đã mừng rỡ đến ngỡ ngàng. Anh được cử đi họp ở căn cứ, mới buổi sáng kể cho chúng tôi nghe, thấy chúng tôi hí hoáy ghi chép, mà tối đã thấy chuyện đánh giặc của mình được đài Giải phóng đọc sang sảng. Những bài vở tin tức được phản ánh thật đầy đủ sinh động là sự cổ vũ rất lớn với những người trong cuộc, qua đó chúng tôi còn gửi gắm rất nhiều ý tưởng.
Mùa hè 1972, chúng tôi đưa tin về cuộc chiến đấu giữ vững thành cổ và những tổn thất nặng nề của quân đội Sài Gòn, có nhiều tin bài về chuyện thân nhân thương phế binh đi tìm chồng con ở Tổng y viện Duy Tân như những gợi mở về mũi tiến công mới được hưởng ứng nồng nhiệt, cả những người không có người thân trong quân đội Sài Gòn cũng tham gia.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, những ngày đầu có nơi có những biểu hiện ảo tưởng mơ hồ mất thế tấn công, chúng tôi đưa tin bài về cuộc đấu tranh quyết liệt cắm cờ giành đất giành dân, chống lấn chiếm với phân tích Mỹ đã rút nhất định Ngụy sẽ nhào, những loạng choạng dần dần được khắc phục. Có đài minh ngữ cung cấp tin bài cho tổng xã như một sự câu thúc thường trực, yêu cầu chúng tôi phải siêng năng giữ đúng các phiên làm việc dù người làm việc với chúng tôi là ai, nào có biết. Chúng tôi ngầm hiểu nếu mình không làm việc, ngoài ấy không bắt được tín hiệu các đồng chí có thể nghĩ là chúng tôi đang bị đánh phá, có thể đã hi sinh và chẳng bao giờ nên để các đồng chí ngoài ấy lo lắng nghĩ ngợi về mình. Đó là chiều phát đi, chiều quan trọng nhất. Những tài liệu văn kiện mà tổng xã tung lên sóng, đài minh ngữ chúng tôi thu nhận được thật là quí. Trước đây khi chưa có đài minh ngữ chúng tôi thường phân công một người theo dõi ghi lại bản tin đọc chậm của đài Giải phóng, đài TNVN. Nhiều lúc nghe không rõ ghi sai đến tức cười. Như hồi chép bài thơ Theo chân Bác của Tố Hữu có câu "con cá rô ơi chớ có buồn” lại được chép là "con cháu thơ ơi chớ có buồn”.
Nay có anh Thăng ghi qua đài minh ngữ chính xác hơn và nếu có chỗ nào chưa rõ anh có thể điện hỏi và được trả lời ngay. Nhờ có đài minh ngữ bộ phận phía trước của Ban tuyên huấn đặc khu Quảng Đà có đầy đủ tài liệu cần thiết như các lời kêu gọi, các bản tuyên bố, các chương trình của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Chúng tôi khỏi phải tự biên tự diễn như trước, tất nhiên chúng tôi luôn tự nhắc nhở mình phải làm thế nào để nội dung công tác gắn bó với cuộc sống thực tiễn nơi chiến trường.
Chúng tôi với đài minh ngữ có khi còn đưa những tin về những sự kiện cần phải có nhưng vì lý do khách quan không thể có như "Ngày…tại một địa điểm ở vùng giải phóng, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Đà Nẵng đã tổ chức một cuộc mit-ting ủng hộ nhân dân Cu Ba”.
Chúng tôi cũng có thể tung lên sóng những tin tức có dụng ý gây nhiễu, đánh lạc hướng dư luận như kiểu "Những ngày qua ở Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều truyền đơn của tổ chức lực lượng nhân dân Đà Nẵng tranh thủ hòa bình hòa giải nêu rõ trước hết Thiệu phải từ chức…”. Tất nhiên khi dùng đến chiêu này chúng tôi đều được sự chỉ đạo cao nhất của các đồng chí lãnh đạo cao nhất đặc khu.
***
Nhớ về những hoạt động của đài minh ngữ và TTX ở chiến trường Quảng Đà tôi càng tha thiết nhớ anh Thăng. Anh là người Hải Dương đang công tác báo vụ trong ngành bưu điện thì xung phong vào chiến trường, năm 1964 anh đã có mặt ở đài minh ngữ của khu V. Anh được phân công về phụ trách đài minh ngữ Quảng Đà năm 1971 sau khi bộ phận TTX của anh Đinh Trọng Quyền bị tổn thất và trở ra Bắc. Anh là một báo vụ kì cựu rất vững tay nghề. Trong chiến tranh ác liệt anh vẫn giữ được phong cách một viên chức mẫn cán. Cứ đúng giờ quy ước là anh ngồi vào máy im lặng tập trung như tọa thiền. Khi phát thì tay nhấp đều manip, khi thu thì tay cầm bút mê mải ghi, có khi đeo một cặp tai nghe. Dù là ở giữa rừng Trường Sơn hay trong các lùm tranh bói ven sông Thu Bồn, thấy sự yên ắng đến trang nghiêm ấy, ai cũng tôn trọng, không gây ồn.
Nhưng ngoài giờ chuyên môn, anh là một chiến hữu chí tình. Anh ít nói, rất ít nói vậy mà luôn được anh em quí mến tin cậy bởi anh quan tâm chăm lo đến mọi người, luôn tìm cách để đời sống anh em được tươi lên một chút. Anh có tài săn bắn và câu cá. Ở vùng núi Đại Lộc sau một đêm lặn lội, anh câu được một con cá chình lớn đường kính thân chừng hơn 10 phân. Anh em chúng tôi được mấy bữa cá béo thơm ngậy. Có người nói không có anh Thăng, có lẽ cả đời không biết mùi cá chình. Anh cười nhỏ nhẹ và hướng dẫn cách câu chình, cách sửa soạn bộ đồ nghề câu chình. Hồi còn công tác tại đài minh ngữ khu V ở Kỳ Yên, anh đã hạ được một con hổ lớn nặng hơn 150 cân, không chỉ đài minh ngữ mà cả Ban tuyên huấn khu và bà con địa phương cũng được thưởng thức thịt chúa sơn lâm. Có lần vào dịp tết Kỷ Dậu 1969 trên đường chuyển quân từ Quảng Nam ra Quảng Đà (A9-A10) anh bắn được một con trút (tê tê) chừng 4 ki lô góp phần cho bữa liên hoan tết thêm phong phú.
Ngay từ khi đoàn TTX có đài minh ngữ do anh Quyền phụ trách có mặt ở chiến trường, chúng tôi đều biết đài minh ngữ là mục tiêu dễ bị địch phát hiện và cơ quan ở liền với đài minh ngữ khó tránh khỏi tổn thất. Nhưng có đài minh ngữ công việc của chúng tôi mới thông suốt, mới gắn với trung tâm chỉ đạo và có hiệu quả, chúng tôi không đặt vấn đề lựa chọn giữa an toàn với công việc bởi chúng tôi đã xác định như mọi người khi tham gia chiến đấu ở miền Nam đã có một sự lựa chọn rồi.
Chúng tôi thường bảo phải có hầm chắc chắn, có hang đá, thường xuyên di chuyển, cố len lỏi ở sát nách địch (và cả nói vui tự an ủi mỗi người đều có số mệnh) động viên nhau chấp nhận hi sinh đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Thế rồi cái thời khắc định mệnh ấy đã đến: đêm 21 rạng 22 tháng 5 năm 1972 ở vùng núi Duy Xuyên một căn cứ gần đồng bằng nhất, nơi chúng tôi thường nhìn thấy rõ Đà Nẵng "cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy” (thơ Lê Anh Xuân).
Hôm đó, Ban tuyên huấn Quảng Đà có cuộc hội nghị giao ban với các huyện… cuộc họp do anh Trần Văn Đán, Phó Bí thư đặc khu, Trưởng Ban tuyên huấn chủ trì.
Chúng tôi bàn nhau về làm thế nào tiếp tục giành dân đánh bại âm mưu Việt Nam hóa, khuyếch trương và phối hợp với trận quyết chiến giữ thành cổ đã được 23 ngày. Đây cũng là ngày Nít Xơn đến Mạc Tư Khoa (3 tháng trước y đã đến Bắc Kinh) thực hiện mưu đồ dùng sức ép ngoại giao để có lối thoát trên chiến trường, chúng tôi phải đẩy nhanh tuyên truyền trong dân "Thắng lợi của đàm phàn được quyết định bởi chúng ta, bởi chiến trường”.
Tối hôm đó có chiếu phim phục vụ. Một số anh chị em ở các cơ quan gần đó cũng đến xem phim. Buổi chiếu bắt đầu được một lúc thì có tiếng máy bay nặng nề và rồi những tiếng nổ của bom B52 rền vang. Dù biết rằng các vụ rải thảm của B52 đều được trinh sát trước, có lập trình chứ không phải là phản ứng linh hoạt. Chúng tôi vẫn cho dừng chiếu phim. Mọi người ai về chỗ ngủ của mình. Bố trí cho các đồng chí ở các huyện và anh Đán nghỉ ở hầm lớn (hội trường) đâu vào đó. Đi quanh với chiếc đèn pin, thấy anh chị em cơ quan đã đều có chỗ ngủ ổn định, tôi mới về chỗ của mình. Hang báo chí rộng nhưng thấp không cột võng được, tôi lại không thích nằm sạp nên lấy võng cột ở cửa hang. Bên cạnh tôi là võng của Thi, một em nhỏ vừa được rút lên từ Điện Tiến. Cha em đã thoát li và đang công tác ở Ban Tài mậu đặc khu. Em đang đi học chữ và học nghề sửa đồng hồ ở Đà Nẵng. Ông rất sợ em lớn chút nữa sẽ bị bắt lính nên tìm cách rút lên căn cứ và gửi cho chúng tôi. Thi có đem theo một chiếc lồng với một chú chim nhỏ và em thường cột ở đầu võng khi ngủ.
Rừng đêm im lặng. Một loạt bom kinh hoàng như nổ ngay trên đầu, mặt đất nghiêng ngả. Nhiều tiếng kêu khóc vang lên. Chúng tôi biết ngay lúc đó có 5 đồng chí hi sinh. Chị Hồng (cấp dưỡng), em Lê Thị Toán (được cơ quan cử đi học báo vụ về phục vụ đài minh ngữ, gặp ngày trạm không đưa khách em quay lại cơ quan!), em Ấn (công vụ), em Phô (giao liên) và anh Tân (cán bộ cơ quan Hội Phụ nữ sang xem phim ở lại ngủ với mấy bạn). Còn 5 đồng chí ngủ trong một hang đá bị các tảng đá lớn chồng lấp, có thể nhìn qua những khe hở thấy một phần thi thể. Anh Hoàng Kim Tùng, Bí thư chi bộ cơ quan phía trước Ban tuyên huấn, anh Hoàng Quốc Thăng, anh Nguyễn Bá Tiệp (đội trưởng chiếu bóng), anh Võ Văn Thu (nhân viên quay máy phát 15W), anh Vinh (nhân viên chiếu bóng).
Nhìn thi thể 5 đồng chí nằm kề bên nhau, tất cả như còn nguyên vẹn, như đang ngủ, đau xót quá chừng. Đây là trận tổn thất lớn thứ hai của Ban Tuyên huấn đặc khu Quảng Đà. Trước xuân Mậu Thân, đoàn Văn công Quảng Đà đang tập dượt ở Tư Phú, Điện Quang chuẩn bị cho những đêm diễn ở Đà Nẵng, bị một loạt bom quét. 10 đồng chí đã hi sinh, trong đó có anh Văn Cẩn, nhạc sĩ sáng tác ca khúc Ai lo tăng gia…… vừa tốt nghiệp ở nhạc viện Bắc Kinh về vào chiến trường, được cử ra Quảng Đà với kế hoạch cùng đoàn văn công vào Đà Nẵng. Được sự chi viện của lực lượng cảnh vệ cơ quan thường vụ đặc khu ủy và nhiều cơ quan chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi đã ổn định được tình hình tiếp tục lo công việc. 5 đồng chí hi sinh còn thi thể được chôn cất nghiêm chỉnh ở một vạt đất phẳng gần đó. Các đồng chí bị thương được đưa đến các bệnh xá. Cơ quan đã di chuyển đến chỗ mới, chỉ còn 5 đồng chí nằm lại trong hang đá. Chúng tôi không biết nói sao, gần như im lặng, đành chịu sự bất khả kháng này. Ít lâu sau, Ban Tuyên huấn khu V bổ sung cho chúng tôi một đài minh ngữ với đầy đủ các thiết bị kèm theo và 1 báo vụ anh Mai Cường, người Nghệ An. Mọi công việc thu phát lại được tiếp tục như trước ngày anh Thăng hi sinh, lặng lẽ và hiệu quả. Thế rồi chúng tôi tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Rồi quân ta tiến vào Sài Gòn 30/4/1975. Toàn thắng. Một thời kỳ mới, một cuộc sống mới. Mọi người trở về đời thường với bao lo toan cho mình, cho gia đình và cho công việc. Gặp nhau chúng tôi luôn nhớ về những ngày gian lao ấy và về nấm mồ chung nằm sâu trong hang đá ở một nơi nào trên núi Duy Xuyên với rất nhiều day dứt.
Riêng tôi những năm 80-90 ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thường phải làm việc với các đoàn MIA của Mỹ tôi lại da diết nhớ anh Thăng, anh Tùng và các anh chị. Có lần, không chỉ một lần, tôi đã kể với họ về trận bom B52 đêm 21/5/1972 ấy và nói với họ tôi không thể biết dưới những tảng đá lớn ấy giờ có còn gì, bởi mưa gió, nước chảy, khí hậu nhiệt đới ẩm nóng và các loại thú rừng có thể làm thay đổi biến đi tất cả. Và làm thế nào để tìm được hài cốt cùng những di vật của đồng đội, các xe ủi máy xúc không thể leo lên núi, còn nếu làm đường để các phương tiện ấy đến đó được thì quá tốn kém, phức tạp. Nếu dùng mìn phá đá để bóc gỡ dần thì có khi chính sức mạnh của các chất nổ sẽ làm cho những cái muốn tìm lại tan biến thành cát bụi. Vấn đề là ở đó dưới những tảng đá lớn có còn gì. Nhưng thời gian trôi đi không thể làm phai nhạt lãng quên những kỷ niệm sâu sắc của thời chiến, tình nghĩa với những đồng đội đã ngã xuống luôn sống dậy trong những ngày hòa bình yên ấm.
Tháng …. năm…., chúng tôi tổ chức một cuộc hành quân về nguồn thăm lại nơi 10 đồng chí đã hi sinh. Cảnh vật thay đổi quá nhiều và chúng tôi cũng thay đổi quá nhiều. Mới ngày nào đường Cây Khế, ranh núi Duy Xuyên, chúng tôi đi phăng phăng, nó chẳng là gì so với dốc Ông Thủ, dốc Gió. Vậy mà bây giờ nhiều người đi không nổi. Đi hoài trời nắng hầm hập mệt không thể tả, anh em đành chấp nhận đặt lễ vật, rồi thắp hương đèn ở một chỗ mà tin là rất gần nơi các đồng chí nằm xuống, khấn vái, gắn lên vách đá tấm bia ghi tên 10 người, rồi lấy những nắm đất ở đó cho vào mười cái hòm nhỏ đưa về nghĩa trang Điện Bàn. Chúng tôi không thể bằng lòng. Nhưng lúc ấy cũng không thể làm gì hơn. Chúng tôi vẫn giữ liên hệ mật thiết với chị Thọ vợ anh Tùng và cháu Tuấn Anh (còn có tên là H"ru, anh Tùng đặt tên ấy theo Đất nước đứng lên) nay đã là một cán bộ chủ chốt của Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị và có 2 con. Cháu trai tên là Duy, để nhắc nhở về Duy Xuyên nơi ông nội hi sinh. Nhiều lần chị và gia đình vào Đà Nẵng cùng chúng tôi nhìn về phía núi Duy Xuyên. Không thể không xúc động đến nao lòng khi nghe người vợ liệt sĩ, một giáo viên cấp III ở Quảng Trị, cuộc đời mang nặng bao đau thương, héo hon chỉ còn một nhúm xương thổ lộ "tôi không còn hi vọng tìm được hài cốt anh Tùng. Tôi chắc là không đi được nhưng các anh làm sao để Tuấn Anh và con nó đến được nơi anh Tùng yên nghỉ”. Và rồi không có một Nghị quyết, một cam kết nào anh em đồng đội của anh Tùng, anh Thăng bảo nhau nhất định phải trở lại núi Duy Xuyên tìm bằng được đích xác nơi các đồng chí đã hi sinh. Không ai có thể nói là khỏe, nhưng tất cả đều quyết tâm. Những cái tên Di Lộc, Cây Khế, Trà Lý, Hòn Đá Đà Nẵng, Hòn Quắp, Hòn Cóc dốc Bà Son, Cầm Kỳ Ba Ao … gợi nhớ những ngày với ta núi cũng là nhà. Những người đi thì nguyện nhất định không bỏ cuộc và cầu mong trời phật phù hộ để chân cứng đá mềm. Những người không đi được thì theo dõi từng giờ từng phút, may mắn sao hành trình quanh co nhọc nhằn ấy hầu như nằm trong vùng phủ sóng điện thoại di động.
Anh em chúng tôi đã đến đích, sau không dưới 10 lần đi về tìm kiếm. Những người sống sót từ cái đêm định mệnh ấy đã nhìn thấy, đã cầm được những đoạn dây điện, những hộp phim… mà cách đây gần 40 năm họ nghĩ đó sẽ là những đồ tuỳ táng vĩnh viễn cùng xương thịt các đồng đội thương yêu. Một lễ tưởng niệm giản dị xúc động diễn ra ngay tại đúng nơi các đồng chí hi sinh, tên 10 liệt sĩ khắc trên một bảng đá được gắn vào vách núi với sự có mặt của nhiều đồng đội ngày ấy và những cán bộ Tuyên huấn hôm nay. Tuấn Anh và cháu Duy mới 11 tuổi cũng có mặt. Và Hoàng Hữu Nam, con liệt sĩ Thanh từ Hải Dương vào Đà Nẵng cũng kịp tới dự lễ. Nam đã nối chí cha tham gia quân đội. Rồi cũng vì tìm cha hơn cả "treo ấn từ quan, mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua”, anh xuất ngũ băng bộ vào đất Quảng đi khắp nơi gặp nhiều người lần tìm, những tưởng trở về trong vô vọng thì được tin cuộc tìm kiếm đầy quyết tâm của các đồng đội cha anh đang đi tới triển vọng. Nam đã ở trong vòng tay của những đồng đội ấy, nhìn Nam ai cũng nói "như gặp lại anh Thăng”. Chúng tôi bắt tay vào việc cất bốc ngay phần mộ các liệt sĩ có thi thể và đã được chôn cất ngay sau đêm ấy. Các anh chị sẽ về với quê hương sau mấy chục năm ở nơi đầu non góc núi. Cũng không hẳn là dễ dàng tìm thấy ngay phần mộ. Nhưng rồi đi dọc về ngang trở qua trở lại chúng tôi đã tìm thấy, đã nhận rõ hài cốt từng người và tất cả được chuyển về yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Chúng tôi hẹn với nhau sẽ trở lại núi Duy Xuyên không chỉ là về với một địa chỉ đỏ mà là để tìm mọi cách khai quật, cất bốc những gì còn lại đã chìm sâu trong hang đá gần 40 năm. Phải nói là chúng tôi được sự ủng hộ hết mình của Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng. Các đồng chí chủ động đề xuất với BCH Quân sự thành phố cử người khảo sát lập phương án. Các đồng chí quân sự luôn xem những người đã nằm xuống dù thuộc đơn vị dân chính là những đồng đội cùng đơn vị ruột thịt. Phương án được chọn là dùng mìn phá những khối đá lớn mà hướng chuyển dịch tạo thuận lợi cho anh em thợ chẻ đá địa phương tách bóc để tiếp cận được điểm xác định là có hài cốt, tránh không gây các va đập lớn và cố sàng lọc rà tìm dù chỉ là một chút di vật, di cốt.
Như có sự phù hộ của tâm linh, ý nguyện các liệt sĩ và lòng thành của chúng tôi, mọi việc diễn ra như mong đợi. Gần 1 tuần lễ, 100 ký thuốc nổ, mấy chục công chẻ đá, anh em đã tìm được gần như nguyên đủ các vật dụng, máy móc: máy phát điện 15W, manip, máy chiếu phim, đèn pin, lọ lương khô, võng, tấm vải dù, dép su, dép nhựa, bút máy, lược… nhưng hài cốt thì chỉ còn một vài lóng xương, mấy chiếc răng. Chúng tôi nhận rõ đồng hồ của anh Tùng, đồng hồ của anh Thăng. Dương Đức Quảng, lúc ấy là phóng viên thường trú của TTX Giải Phóng ở Quảng Đà (sau này là Vụ trưởng Báo chí Phủ Thủ tướng) đã không cầm được nước mắt khi nhận ra tấm vải dù của mình. Chẳng là anh Thăng vào chiến trường rất sớm đã trụ bám 7, 8 năm ở những nơi gian khó ác liệt, sức khoẻ giảm sút, tổ chức đã chuẩn bị cho anh ra Bắc điều dưỡng. Quảng có một tấm đắp bằng vải dù hoa Mỹ nhờ anh Thăng đem ra Hà Nội, làm quà chiến trường, tặng người cha, một nhà giáo lão thành. Cách ngày 21 ấy không lâu, Quảng đưa anh Thăng tấm vải dù và nói lời chia tay đi công tác Đại Lộc. Nếu ở nhà đêm ấy anh sẽ cùng chung số phận với anh Thăng bởi anh thường ngủ cùng hang. Thế là cuộc tìm kiếm đầy gian khó nặng nhớ thương kéo dài gần 4 thập kỷ đã đến hồi kết. chúng tôi đã xác định đích xác nơi 10 đồng chí hi sinh, đã đưa được 5 đồng chí về an nghỉ ở quê hương. Và bây giờ những câu hỏi, những trăn trở của chúng tôi, của thân nhân các liệt sĩ về thi hài và những gì còn lại của 5 đồng chí bị chôn chặt trong hang đá suốt hơn 14 ngàn ngày đã có lời đáp, đã được giải mã, không như chúng tôi mong đợi nhưng cũng hơn những gì chúng tôi mong đợi. Chắc rằng ở chốn vĩnh hằng các đồng chí cũng thông cảm với chúng tôi có người có lúc đã lãng quên những đều không được phép quên lãng. Nhưng ở nơi sâu thẳm nhất của lòng mình hình ảnh các đồng chí cùng với những kỷ niệm về những ngày chiến đấu luôn là những gì đẹp nhất và bất tử.
Chúng tôi ngàn lần biết ơn những năm tháng chiến đấu, những ngày đi tìm đồng đội, những ngày sống với những kỷ niệm chiến tranh. Bây giờ có thể có người hỏi tại sao có đài minh ngữ có hoạt động chiếu bóng là như gánh thêm cho mình hiểm nguy khi đã có quá nhiều nguy hiểm. Vậy mà chúng tôi luôn ao ước có thêm những phương tiện đó để đem lại những món ăn tinh thần và vũ khí chiến đấu cho nhân dân để có điều kiện làm tốt hơn nhiệm vụ cách mạng đã giao. Bởi vì tất cả chúng tôi và tất cả những người tham gia chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đều hiểu sự có mặt của mình ở tuyến đầu này là để chiến đấu, là sẵn sàng hi sinh. Nơi chân núi Duy Xuyên hôm ấy, ngay trên đám bạc hà ven hồ sen, chúng tôi quây quần bên nhau và bên những gì có được sau cuộc khai quật. Những bà con (và lớp con cháu họ) ở vùng ven chân núi Xuyên Hòa, Xuyên Khương, Xuyên Trà, Xuyên Thanh… từng bám đường cảnh giới địch, từng tiếp tế cho chúng tôi và đêm đêm nghe rền vang những tiếng nổ phía núi lại nhói đau lo cho chúng tôi. Những đồng chí lãnh đạo từng công tác ở Ban tuyên huấn đặc khu Quảng Đà thời chống Mỹ, những người yêu thương nhau như ruột thịt, chia sẻ gánh vác của Đảng, của dân và những đồng nghiệp hôm nay. Thân nhân các liệt sĩ đến từ Hải Dương, Quảng Trị, Đại Lộc… như nhắc nhở một chân lý biết bao người con của mọi miền đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Tất cả hướng về phía núi nơi rất gần gũi và thân thiết với tất cả. Anh Thận, nguyên Bí thư đặc khu ủy, ngồi trên xe lăn, tôi và có lẽ nhiều người không thể trở lại nơi ấy một lần nữa. Chúng tôi đang cùng với địa phương chuẩn bị cho hồ sơ đề nghị công nhận căn cứ Duy Xuyên là di tích quốc gia và lập quy hoạch cho một vùng du lịch: tháp Mỹ Sơn, hồ Vĩnh Trinh, ThỦy điện Duy Xuyên, chiến khu Hòn Tàu và nơi các anh chị hi sinh. Chúng tôi nhất định trao truyền cho thế hệ nối tiếp tình yêu với mảnh đất thấm đẫm máu huyết này. Và tất cả chúng tôi lại thấy ngời sáng sống động lời dạy của Người không có gì quý hơn độc lập tự do. Không có thể tính toán được cái giá máu xương đã trả để có ngày hôm nay. Đó cũng chính là điều chúng tôi gửi gắm cho những thế hệ trẻ mà chúng tôi tha thiết mong họ sẽ cảm nhận được trên từng bước đi ở vùng núi Duy Xuyên này, trong các chuyến du lịch kỳ thú.
N.Đ.A