Tuổi trẻ với đường vào nghệ thuật hát bộ - Trương Đình Quang
Chuyện về nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Nho Túy
Nguyễn Nho Túy lúc nhỏ có tên là Thủ, đội Tảo, sinh năm 1899, quê ở Điện Bàn, mất năm 1978 tại thành phố Đà Nẵng. Cha ông là nghệ sĩ hát bộ tài hoa, được tuyển vào đoàn hát bộ cung đình ở Huế, truyền nghề cho ông.
Đến tuổi thiếu niên, sau khi học đóng những vai kép em, đào, ông được cha cho học nghề với những bậc thầy tài danh khác, rồi làm diễn viên ở trường hát của cụ Tuần An quán Nguyễn Hiển Dĩnh. (1) Ông được công chúng ca ngợi là "con rồng trên sân khấu”, "người đội được cả dàn mão”, nghĩa là hát diễn hoàn hảo các loại vai.
Năm 1952, ông về đoàn hát bộ Liên khu 5. Năm 1954, ông chuyển ra miền Bắc. Vẫn tiếp tục hát diễn, nghiên cứu lý luận, truyền nghề, đóng góp lớn cho nghệ thuật hát bộ.
Sau năm 1975, trở về quê hương, ông tiếp tục nghiên cứu và truyền nghề cho diễn viên.
Năm 1984, ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
N |
hà Nguyễn Nho Túy nghèo. Mẹ chăm lo ruộng vườn, làm thuê gánh mướn, nuôi nấng 5 con. San sẻ bớt gánh nặng gia đình cho chị, cậu ruột đón Thủ về. Ngoài thì giờ học chữ nho, làm việc vặt của nhà, Thủ chăn trâu.
Lên 6 tuổi, đã mê xem hát bộ. Khi cha chưa ra Huế, ông với gánh đi hát nơi nào, cậu cũng đòi đi theo. Xem họ diễn, đến thức trắng đêm, quên cả ăn, cố bắt chước họ, hát cho thuộc lối, làn điệu. Cố học cử chỉ, điệu bộ, động tác hình thể, cách diễn của những vai tướng để đối xử với con trâu. Một làn roi, một tiếng thét, một câu hát tẩu, hát khách, cũng đưa vào việc sai khiến con trâu.
Khi ngồi chễm chệ trên lưng trâu, hát một câu nam hay câu khách, để tỏ nỗi vui buồn của mình, cậu thấy quá sung sướng. Xem hát diễn, thấy tướng đuổi giặc là hát câu tẩu mã:
Nể ô lụy tả Nam sơn trúc
Tẩy uế trường lưu Bắc hải đào
(Tội ác của mày, trúc Nam Sơn ghi không hết
Cái xấu xa của mày, sông Bắc Hải không rửa sạch,)
Bấy giờ, làm sao hiểu được ý nghĩa của câu hát. Ấy thế mà, mỗi lần con trâu trở chứng, chạy rong ăn lúa, cậu lại hát câu tẩu mã này, rượt theo nó, như tướng đuổi giặc, thấy lòng phơi phới, oai hùng, chẳng kém ông tướng trên sân khấu.
Cất lên tiếng hát, cậu thấy như có gì san sẻ với cậu trong phận nghèo nàn.
Lên tám tuổi, suốt bốn mùa trên mình trâu, đã thuộc lòng những làn hát bộ như nam xuân:
Như vầy mới gọi là trai
Hiếu trung vẹn giữ, chi nài gian nan
hoặc nam ai:
Khéo líu lo con đò tạo hóa
Xui nên người rời rã gia cang
Nhờ những làn điệu hát diễn ấy, bạn bè chăn trâu yêu mến, quí trọng cậu. Thấy bóng Thủ ra đồng, là chúng reo mừng, quây quần lại, bảo cậu hát bộ cho chúng nghe. Cậu sung sướng khi chúng chăm chú nghe những làn điệu học được từ cha. Hào hứng, Thủ hát diễn. Đôi lúc, có cả người lớn đến xem, nghe.
Sau những lúc hát như thế, bạn bè có miếng gì ăn thì chia cho cậu, người lớn khen ngợi, biếu trái bắp luộc, củ khoai nướng, vài hạt mít lùi tro; hoặc có khi đỡ tay cho cậu những việc nặng nhọc! Trong tâm trí cậu, là những kỉ niệm không thể phai mờ.
Một ngày nọ, bạn bè chăn trâu bảo cậu hát diễn cho chúng xem, chúng giúp coi trâu. Cậu mê hát, chúng mê xem. Con trâu được thả lỏng, tạt xuống đồng, ăn lúa.
Thật không may cho cậu! Chủ ruộng bắt được. Thế là cậu bị trói và phải đền tiền. Cậu thưa với bác nông dân, là do lũ trẻ kia bắt phải hát bộ cho chúng xem. Bác nông dân biết tài năng của cậu, bảo: "Thằng Thủ hả? Mày múa hát hay, thì tau tha cho nghe!”.
Được cởi trói, vào vai diễn, nghiêm sắc mặt, cậu chỉ con trâu, vung roi, cất lên câu hát khách:
Phản tặc kia, tội mày khôn thứ
Gươm thiêng dành trừ khử loài gian!
Người chủ ruộng vỗ tay, cười sảng khoái, tha cho cậu dắt trâu về. Lũ trẻ vui sướng, hoan hô.
Từ dạo ấy cậu cảm thấy sức hấp dẫn mạnh của hát bộ quá thân thiết với cuộc đời của cậu, mà tuổi lên tám chưa thể hiểu được. Lòng say mê hát bộ của cậu như được nhen nhóm, bồi đắp dần qua những năm tháng vắt vẻo trên mình trâu như thế.
T.Đ.Q