Tái hiện nhưmột“đồng sáng tạo” - TS. MAI BÁ ẤN
(Đọc "Thu Bồn – nhà thơ trữ tình đất Quảng” của Nguyễn Kim Huy, NXB Đà Nẵng, 2011)
Từng đã nhận chân giá trị của tác phẩm Nguyễn Kim Huy - nhà thơ, nay lại đọc Nguyễn Kim Huy chuyên luận với bút pháp của một Thạc sĩ văn chương, tôi vẫn thấy một Nguyễn Kim Huy thông minh và lấp lánh sáng qua từng trang viết. Có lẽ chính lợi thế của sự kết hợp chặt chẽ "hai trong một” này mà khi đọc "Thu Bồn - nhà thơ trữ tình Đất Quảng” ta dễ nhận ra: đây là một chuyên luận vừa thủ thỉ ân tình, dễ thương lại vừa có những cô đúc khá sắc sảo, cho dù tác giả của chuyên luận đã khiêm tốn "đặt mục tiêu” ngay từ đầu, rằng: "Tập chuyên luận này được ra đời với những suy nghĩ nghiêm túc và nguyện vọng chân thành..., và cả với một hy vọng không lớn lao nhưng rất chính đáng rằng tác giả của nó sẽ góp được một tiếng nói khiêm tốn về một nhà thơ Đất Quảng tài hoa và tâm huyết luôn bùng nổ những khát vọng rực lửa về thơ ca và tình yêu, một thi sĩ đích thực đã sống hết mình cho thơ ca và hoàn toàn xứng đáng được người đời yêu mến trân trọng, không thể nào lại có thể bị rơi vào quên lãng trong dòng xoáy cuộc sống khá khắc nghiệt với thơ ca hiện nay”.
Với một chuyên luận, cho dùlàchuyên luận văn chương, giátrịkhoa học phảiđặt ngay lên hàng đầu chính làcấu trúc nội dung của nó. Gọn ghẽ, chắc nịch với ba chương: "Thu Bồn - Cuộcđời và thơvăn”,"ThơThu Bồn - Bản sắc của cái tôi trữtình”và"ThơThu Bồn - Tư duy vàphương thức thể hiện”. Cái dáng cấu trúc đơn giản này dễ thu hút người đọc bởi tên gọi ngắn gọn và chân phương của từng chương. Nó chứng tỏ người viết không có ý định "nống lên” để "rắc rối hóa” những vấn đề đơn giản (vốn là bản chất của Thu Bồn và cả thơ Thu Bồn) giữa thời buổi hội nhập với quá nhiếu lý thuyết Đông - Tây mà hiện nay không ít ngòi bút phê bình vin vào đó để biện minh một cách rắc rối cho những vấn đề vốn phong phú, đa dạng và thậm chí là phức tạp nhưng không hề rắc rối như... thơ, đặc biệt là đối với trường hợp của Thu Bồn.
Cóthểnói, thành công của Nguyễn Kim Huy ởchuyên luận này chính làởchỗ: xuất phát từlòng cảm phục vềđời người vàđời thơcủa người anh thơcùng quêhương thông qua cuộcđời vàtác phẩm của chính nhàthơấyđể viết chuyên luận chứhoàn toàn không "lấy” một hệthống lýthuyết nàođể soi vào cuộcđời vàsáng tác của Thu Bồn(mà viết) như một số nhà phê bình thường làm. Với tâm thế như vậy, người cầm bút Nguyễn Kim Huy dắt người đọc cảm nhận cuộc đời và sáng tác của Thu Bồn nhẹ nhàng, suôn sẻ như thể dòng trôi êm êm của con sông Thu Bồn vào những ngày thu đẹp. Sông Thu Bồn cứ chảy từ nguồn về biển, và trên đường về biển của mình, dòng sông ấy ghé thăm rất nhiều bến bãi. Thơ Thu Bồn cũng ăm ắp tuôn tràn, luôn bồi đắp cho ruộng đồng, bờ bãi miền Trung đất Quảng những "phù sa thơ” nồng nàn, màu mỡ vụ mùa và ngát hương hoa trái. Chuyên luận của Nguyễn Kim Huy cũng nhẹ nhàng với một cấu trúc chân phương để "lách dòng” vào những "bến bãi đời”, "nồng nàn thơ” Thu Bồn bằng những trang viết vừa là một sự tái hiện chân dung, giá trị thơ vừa là những câu chữ được chưng cất công phu như một "đồng sáng tạo”. Tôi yêu những trang viết vừa chắc tay lý luận vừa đầy rung cảm này của Nguyễn Kim Huy ở Tiểu mục "Nhà thơ mang tên dòng sông quê mẹ”: "Với mảnh đất sinh thành giàu truyền thống văn hóa, khí phách anh hùng lại đẹp xanh như một bài thơ ấy, Thu Bồn đã gửi trọn niềm yêu thương tự hào khi nhà thơ lấy tên con sông thiêng liêng, cuồn cuộn và thơ mộng, mang trong mình những truyền thuyết lịch sử và văn hóa đẹp đẽ của cả hai đất nước Chăm và Việt làm bút danh...”.
Cóhai người con tài hoa sinh ra trên đất Quảng Nam mà khi nói về đời và thơ của họ không ai có thể tách rời khỏi mảnh đất Tây Nguyên, đó là Thu Bồn và Nguyên Ngọc. Hình như cái chất Quảng khí khái, "ngang ngang” bắt gặp cái khí phách, thẳng ngay như "cây xà - nu vươn thẳng lên trời, ham tìm ánh sáng” của Tây Nguyên trộn hòa lại làm nên bản lĩnh văn chương của hai nhà văn. Nói như thế này, không biết các nhà y học có phê phán không, nhưng... tôi lại thích nói thế này về hai con người ấy: Hình như trong đời sống, đời chiến đấu, đời văn; "máu Quảng Nam” đã hòa vào "huyết Tây Nguyên” làm nên những tráng ca cuộc đời và sáng tác của Thu Bồn và Nguyên Ngọc. Mạnh dạn nói như thế vì tôi đang vin vào cái phong tục truyền thống "chích huyết ăn thề” kết nghĩa anh em mà người Tây Nguyên thường sử dụng để khẳng định lòng tin của mình về mối tình Kinh - Thượng. "Máu” là "Máu” của dòng tộc, quê hương, còn "huyết” là huyết thống giống nòi con Hồng cháu Lạc!. Chính vì lẽ đó, tôi thích những dòng đánh giá mang tính khái quát cao của Nguyễn Kim Huy: "Tinh hoa văn hóa Đất Quảng trọng nghĩa, hiếu học, yêu nước, bất khuất; tính cách Người Quảng ngay thẳng, cứng cỏi, bộc trực, nhạy cảm đã gặp gỡ với tinh thần sử thi Tây Nguyên hùng tráng, vạm vỡ; tâm hồn người anh em ruột thịt Tây Nguyên chất phác, mộc mạc và phóng khoáng, dữ dội để sinh ra và bồi đắp nên hồn thơ Thu Bồn, phong cách thơ như một cơn gió vút qua trời đất của Thu Bồn”. Tái hiện được một hồn thơ bằng những dòng như thế, chính là một "đồng sáng tạo”.
Đó là Đời, còn khi vào lĩnh vực Thơ, xét trên bình diện nội dung trữ tình và nghệ thuật trữ tình của thơ Thu Bồn, Nguyễn Kim Huy cũng có những phân tích, minh chứng, nhận xét, đánh giá khá toàn diện và có những đoạn viết độc sáng.Ở "Cái tôi trữ tình hào sảng”, tác giả cho rằng: "Đấy là cái Tôi trữ tình hào sảng, vạm vỡ, mạnh mẽ, đầy chất anh hùng ca và đầy sức lan tỏa gắn liền với tinh thần bi tráng của đất nước, nhân dân trong chiến tranh và gắn liền với những biến động của lịch sử nhân loại hiện đại”; còn với "Cái tôi trữ tình lãng mạn” của Thu Bồn, Nguyễn Kim Huy đã rất tinh tế khi nhận ra: "Thu Bồn là nhà thơ của tình yêu say đắm và nỗi cô đơn mênh mang”. Với đời và thơ Thu Bồn, "tình yêu say đắm” thì quá chính xác rồi, nhưng "nỗi cô đơn mênh mang” thì Nguyễn Kim Huy đã thật sự lắng vào thơ tình Thu Bồn để người đọc nhận thêm ra một góc cạnh khác mà theo thói thường nó như là một đối lập với cái say đắm, mạnh mẽ, ồ ạt... bên trên. Trong "Cái tôi trữ tình đậm đà chất Quảng”, tác giả đã khéo léo khi gắn "Hồn thơ Quảng” riêng hòa cùng với nhịp đập chung của đất nước, hơi thở chung của cả thời đại. Tình yêu quê hương, xứ sở hòa với tình yêu chung trên nền một lý tưởng nhân văn thể hiện ở thơ Thu Bồn.
Ở "Tư duy thơ”, tác giảđã đề cập đến kiểu tư duy "bản năng trực cảm mạnh mẽ” của Thu Bồn. Có thể nói, đây là một thế mạnh của Thu Bồn trong suốt hành trình sáng tạo của mình. Dù rất yêu quý Thu Bồn ở bản năng thơ, nhưng Nguyễn Kim Huy đã biết tiết chế để nhận ra những "mặt trái” của bản năng thơ ấy và đưa ra một đánh giá đáng ghi nhận, tập trung vào những sáng tác giai đoạn đầu của nhà thơ: "Thu Bồn như một người đi đãi vàng sa khoáng nhưng lại nâng niu tất cả những vật thể mà mình tìm được, không kể đó là đồng, chì hay kẽm, hay đá quý, miễn chúng có cảm giác tạo ra sức nặng của kim loại. Dù đấy là điểm mạnh hay hạn chế, thì tổng hòa lại, chúng đã làm nên một phong cách thơ Thu Bồn không thể lẫn lộn với bất cứ ai trong sự hào hứng tràn trề sinh lực thơ của nó”. Ở giai đoạn thơ sau một Thu Bồn bản năng đã dần dần chuyển sang một Thu Bồn chiêm nghiệm với kiểu tư duy thơ khá mới mẻ. Có thể nói nếu bản năng thơ mạnh mẽ, tuôn trào, ồ ạt tạo nên phong cách riêng trong những trường ca sử thi và thơ Thu Bồn thời chiến thì những bài thơ trong đoạn cuối đời cùng với trường ca "Người vắt sữa bầu trời” là một tư duy thơ trầm tĩnh, đầy chiêm nghiệm tạo nên giá trị văn chương bền vững của Thu Bồn. Nguyễn Kim Huy cũng đã rất bình tĩnh và chiêm nghiệm khi nhận xét: "Có thể nói, kiểu tư duy thơ đột phá cuối đời là một bước ngoặt trong tiến trình thơ Thu Bồn, và đã giúp cho nhà thơ những câu thơ tuyệt tác nhất, rung động nhất và cũng mang nhiều ý nghĩa chiêm nghiệm, dự cảm lớn lao, có sức chinh phục lòng người nhất! Nhìn suốt quá trình, tư duy thơ Thu Bồn luôn năng động, đa chiều và có những biến chuyển nhạy bén theo từng giai đoạn sáng tác của nhà thơ và đã đem lại cho ông những thành công đầy ấn tượng”. Bên cạnh tư duy thơ, ở phần phương thức thể hiện, tác giả tập chuyên luận cũng đã công phu thống kê và tìm đến những nét riêng của Thu Bồn trong việc sử dụng các thể thơ, trong ngôn ngữ và giọng điệu thơ. Nhưng theo tôi, vấn đề thể thơ không phải là điểm mạnh của sáng tác Thu Bồn, nếu tác giả chuyên luận chú tâm tìm và đưa ra những hình ảnh, biểu trưng tiêu biểu của thơ Thu Bồn để lẩy ra phong cách nghệ thuật của nhà thơ thì chương 3 của chuyên luận sẽ trọn vẹn và sâu sắc hơn. Nhưng không sao, mỗi nhà nghiên cứu văn học khi tiếp cận tác gia, tác phẩm đều có một cách tiếp cận theo cái lý của riêng mình, miễn là việc tiếp cận, nghiên cứu được thực hiện một cách kỹ lưỡng, công phu, tâm huyết và tin rằng sẽ có đóng góp, dù nhỏ về đời và thơ của một thi nhân. Nguyễn Kim Huy đã làm được việc ấy với lối viết nhẹ nhàng, đượm tình và sâu sắc: "Những từ ngữ rất bình thường của cuộc sống, trong đó có những từ địa phương vùng Đất Quảng, khi xuất hiện trong thơ Thu Bồn bỗng mang một sắc thái mới, đầy sức biểu cảm trong ngữ cảnh mà nó được sử dụng. Và trong những hoàn cảnh khác nhau, chính ý nghĩa và vẻ biểu cảm của nó cũng thay đổi”. Trong một chuyên luận, có được những nhận xét như thế để đưa ra lời bình mang dấu ấn cá nhân của người viết về thơ Thu Bồn, đó được xem như một "đồng sáng tạo”: "nét độc đáo của Thu Bồn là, cũng chính những động từ bình thường ấy, khi ông đưa vào một kết hợp mới, bất ngờ nó đã tạo ra nhiều ý nghĩa nói lên tâm trạng, nỗi niềm, tình cảm: "Cô em ngồi vót chông tre/ Vót cả nắng trưa hè/ Ửng hồng lên đôi má”. Cách kết hợp độc đáo ấy tạo nên thế chủ động của vật vô tri hoặc của một hiện tượng đời sống”.
Làmột người anh đồng hương Tam Mỹ,đồng môn từthời phổthông đến cảgiảng đường đại học; cái ân tình, sâu lắng trong đời và thơ Nguyễn Kim Huy, tôi may mắn đã cảm nhận được từ lâu. Giờ đọc chuyên luận này, không giấu nỗi vui mừng, khi nhận ra thêm một Nguyễn Kim Huy tiểu luận - phê bình cũng rất có duyên và biết chọn đúng hướng đi để chinh phục được người đọc cho dù đây là chuyên luận về một người anh thơ đã quá quen thuộc và nổi tiếng với những người đọc miền Trung, xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung.
Xin chia vui cùng thành quảcủa Nguyễn Kim Huy vàxin được giới thiệu chuyên luận này cùng bạnđọc.
M.B.A