Ghi nhận từ Triển lãm tranh “Cảm xúc thời gian” - Trần Trung Sáng

02.05.2012

Ghi nhận từ Triển lãm tranh “Cảm xúc thời gian” - Trần Trung Sáng

Cảm xúc thời gian là tên gọi cuộc Triển lãm tranh do nhóm họa sĩ nữ Hà Nội - Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng tổ chức, khai mạc vào 29-3-2012 tại Trung tâm quản lý di sản TP Đà Nẵng 78 Lê Duẩn. Với 90 tác phẩm chọn lọc của 14 tác giả, thể hiện bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước, phấn màu, khắc gỗ..., Triển lãm giới thiệu đến công chúng một cái nhìn phong phú, đa dạng về những đề tài tình yêu đất nước con người. Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng 37 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Theo Ban tổ chức, Triển lãm Cảm xúc thời gian có thể được xem là cuộc ra mắt tác phẩm mỹ thuật rầm rộ nhất của các nữ họa sĩ trên mảnh đất miền Trung từ trước đến nay. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, nhóm họa sĩ Hà Nội đến Đà Nẵng gồm những tác giả thành danh, đã từng tham gia triển lãm và đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Với họa sĩ Mai Hiên, người vẽ tranh sơn mài theo trường phái trừu tượng, qua những tác phẩm như Hội làng, Chiều hè, Điệu ru hồn, Người mẹ tương lai... đã đem đến phòng tranh một cái nhìn mới về diện mạo và chất liệu. Tranh của chị thể hiện tự do những sắc màu theo trường phái mới mà vẫn giữ được tinh hoa của sơn mài truyền thống. Hay nói đúng hơn, chị đã rũ bỏ được sự lặp lại trong sơn mài để đem đến một cái nhìn mới về hội họa đương đại từ chất liệu sơn mài thiên về màu đỏ. Những bức tranh chị vẽ về người phụ nữ cũng đầy cá tính mạnh mẽ, dứt khoát...

Họa sĩ Đỗ Kim Đoan góp mặt với những tác phẩm: Thiếu nữ, Em bé Dao đỏ... thể hiện sự chắt lọc và cách điệu những nét đẹp trên gương mặt, đồ trang sức và trang phục vốn gắn bó với đồng bào vùng cao phía Bắc. Cũng trong mảng tranh sơn mài tương tự, các tác phẩm Ba mẹ con, Tổ thủ công mỹ nghệ... của họa sĩ Trần Thị Chiến càng đem đến người thưởng ngoạn cái nhìn ấn tượng hơn về cái đẹp mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Họa sĩ Lan Hương, với những tác phẩm Hoa lộc vừng (tổng hợp), Cánh đồng hoa, Hướng dương đỏ (gốm màu)... gợi nên sự tương phản mạnh về màu sắc và độ tinh tế của cảm xúc. Qua bố cục và đề tài trong tranh của chị, người xem liên tưởng đến một thế giới ngoài không gian mang những rung động thẩm mỹ, ấn tượng, mạnh mẽ và sâu sắc...

Ở họa sĩ Thanh Thục là những tác phẩm Chợ phiên, Đêm rằm, Đêm Hội An... bằng nghệ thuật ghép vải tạo nên một góc nhìn mới lạ, mang đậm nữ tính. Các họa sĩ Nguyên Hà với Phố nhỏ Hà Nội (bột màu), Phong cảnh (giấy dó), Hoa sen...; Nguyễn Thị Hà với Sen (sơn dầu); Bùi Mỹ Hương với các tranh sơn dầu Bức tường cổ, Tuổi thơ...; Nguyễn Thị Mỵ với Cá, Ngược dòng... đem đến một không khí nên thơ se lạnh của Hà Nội rêu phong...

Với mảng tranh của nhóm họa sĩ Đà Nẵng, người xem lại gặp gỡ những gương mặt quen thuộc như: Dư Dư, Tâm Hảo, Trần Thị Cúc... với những bài thơ sắc màu đằm thắm ngợi ca về mảnh đất, con người của thành phố bên bờ sông Hàn những ngày tháng 3. Đáng chú ý, ở dịp này, tác giả Trần Thị Cúc đã góp mặt một số lượng khá phong phú về đề tài, chất liệu với một phong cách sáng tạo trẻ trung và khỏe khoắn như các tranh: Bến Mê Kông (khắc gỗ), Xóm chồ ( khắc gỗ), Hương rừng (tổng hợp)...

Bên cạnh đó, các tác giả Mỹ Nhung với các tác phẩm: Ấn tượng Bà Nà, Màu thời gian trên phố cổ, Xóm chài nho nhỏ (sơn dầu)...; Đinh Thị Mỹ Hương với Bên sông Thu Bồn, Hồn quê, Hạnh phúc (sơn dầu)... là những gương mặt khá mới mẻ, góp phần đem đến một diện mạo đa dạng hơn về phong trào mỹ thuật Đà Nẵng.

T.T.S

Bài viết khác cùng số