Văn học, nghệ thuật Việt Nam - những bài học lớn(*) - Hữu Thỉnh
Tài năng làm nên tác phẩm. Tác phẩm làm nên thành tựu, thành tựu làm nên truyền thống. Nhìn lại thành tựu và truyền thống vẻ vang của văn học nghệ thuật nước nhà 70 năm qua, chúng ta có thể rút ra những bài học lớn sau đây.
- Bài học thứ nhất là: Văn học nghệ thuật luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc.
Đó là truyền thống nhập thế tích cực của ông cha ta từ ngàn xưa, được các thế hệ thời nay đưa lên tầm cao mới. Chúng ta đi vào đời sống, như thơ Xuân Diệu đã viết: “tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi, cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu”. Bền bỉ đi vào đời sống để tiến hành cuộc chuyển hóa gian khổ về nhận thức, tư tưởng, tầm nhìn và cách nhìn, sở thích và cảm quan nghệ thuật, từ đó mà tìm thấy nhân vật, vấn đề từ những nguyên mẫu, những chất liệu vô cùng quý giá mà không một sức tưởng tượng nào dù phong phú đến đâu có thể tạo ra được. Đi vào đời sống là một phương thuốc chữa bách bệnh, trước hết là bệnh tẻ nhạt, phù phiếm và bế tắc. Chúng ta nhớ lại những chuyến Nam tiến, những cuộc tòng quân, những đợt tham gia các chiến dịch của các văn nghệ sĩ hồi chống Pháp, những chuyến đi vào sông Tuyến, về các hợp tác xã, đến với các công trường, nhớ những chuyến đi vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Miền Nam trong chống Mỹ, không một chiến trường nào, không một mặt trận nào, không một chiến dịch nào vắng bóng văn nghệ sĩ và gần đây là liên tiếp những chuyến đi ra Trường Sa, trở về chiến trường cũ, về các trọng điểm kinh tế lớn. Với những chuyến đi đó, văn nghệ sĩ chúng ta đã biến những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhất thành nơi gặp gỡ giữa cuộc sống và nghệ thuật, sự thật và cái đẹp, anh hùng và nghệ sĩ. Gắn bó với đời sống không phải là một thao tác nghề nghiệp mà là một thái độ sống, một tư thế nghệ sĩ - chiến sĩ. Đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo. Đến với đời sống, đã có biết bao văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh như những người anh hùng bên cạnh đồng bào, đồng chí, đồng đội.
Bài học thứ hai là: Kết hợp với nhuần nhuyễn giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ.
Bộ phận nòng cốt buổi đầu của Hội Văn hóa Cứu quốc, Hội Văn hóa Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam là những người đã thành danh và nổi tiếng từ trước Cách mạng, xuất thân từ các tầng lớp tân học, nho học, tiểu tư sản thành thị, những người được gọi là làm nghề tự do trong xã hội cũ. Kháng chiến đến với họ là vô cùng thiêng liêng nhưng cũng vô cùng bỡ ngỡ, mới mẻ. Hội đã công phu tổ chức nhiều Hội nghị học thuật về các vấn đề đặt ra như mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, văn nghệ và đời sống, văn nghệ và tuyên truyền, nội dung và hình thức, dân tộc và hiện đại, khoa học và đại chúng, truyền thống và cách tân,... Biết bao vấn đề không thể giải quyết ngay trong một lúc, nhưng qua thảo luận và tranh luận cởi mở, dân chủ nhiều vấn đề dần dần được sáng tỏ giúp chúng ta khắc phục những biểu hiện giản đơn, sơ lược, giáo điều, máy móc buổi đầu, làm cho văn nghệ sĩ nhẹ nhõm, tự tin tập trung nâng cao tính tư tưởng và tầm khái quát của tác phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả nghệ thuật.
- Bài học thứ ba là: tôn trọng tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ.
Đây là vấn đề rất quan trọng, một tư tưởng nhất quán đã nhiều lần được thể hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng. Tôn trọng tự do sáng tác là mở rộng không gian suy tưởng, chiêm nghiệm, phát hiện, khám phá những vấn đề mới đang đặt ra cho xã hội, cho con người. Vừa phản ánh, vừa ngợi ca, vừa dự báo, vừa cảnh tỉnh. Đó còn là sự mở rộng cánh cửa đón nhận những tìm kiếm, thể nghiệm cái mới, mở đường cho tài năng phát triển. Trong lao động nghệ thuật tìm được cái mới đích thực, một bước nhích lên trong nghề nghiệp là kết quả của không biết bao nhiêu khổ công, thao thức, nhọc lòng, có khi phải đánh đổi cả một đời người. Nhưng cuộc sống không ngừng chỉ ra rằng, tự do sáng tác không phải vì tự do sáng tác, mà để muốn làm tăng thêm sự mầu nhiệm của văn học nghệ thuật đối với việc xây dựng con người. Đó là trách nhiệm, là tính tích cực xã hội của văn học nghệ thuật. Chúng ta tôn trọng quyền tự do sáng tác, nhưng ta cũng luôn luôn tự hỏi công chúng đang cần gì, nhân dân đang cần gì, Tổ quốc đang cần gì.
- Bài học thứ tư là: mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại.
Tính dân tộc mà chúng ta quan niệm không phải chỉ là vấn đề hình thức dân tộc, mà trước hết là nội dung dân tộc, bao gồm truyền thống bản sắc, bản lĩnh, cốt cách, khí phách, tâm hồn dân tộc... thể hiện qua cách sống, qua phong tục, tập quán, qua ngôn ngữ, nghệ thuật đủ sức để cho các dân tộc khác nhận biết dân tộc mình. Với tinh thần kế thừa và phát triển các di sản của quá khứ, chúng ta đã dày công sức sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật, công bố nhiều công trình lớn về nền quốc học vô cùng quý giá của cha ông. Chúng ta phê phán những quan điểm và việc làm sai trái nhằm xuyên tạc, bóp méo, giải thiêng lịch sử. 70 năm qua, chúng ta vui mừng đón nhận biết bao tài năng của các dân tộc thiểu số anh em, tạo nên bức tranh văn nghệ đa dạng trong thống nhất, một điều chưa từng có trước Cách mạng. Chúng ta đã chủ động tổ chức rất nhiều hoạt động giới thiệu tinh hoa văn hóa nước ngoài với công chúng Việt Nam và ngược lại. Chúng ta tìm mọi cách để tiếp thu tinh hoa của nhân loại, nhưng chúng ta cũng biết rất rõ, tiếp thu nhân loại để làm giàu cho cái gốc dân tộc và vì phát triển văn hóa dân tộc mà chúng ta mở ra với thế giới.
- Bài học thứ năm là: coi vấn đề phát hiện, tài năng trẻ là một vấn đề trọng yếu để phát triển đội ngũ.
Chúng ta nhận ra rất sớm điều này và đưa nó thành một chương trình hoạt động có kế hoạch. Đó là những lớp học ở Quần Tín (Thanh Hóa) những năm đầu kháng chiến, đến Hội nghị văn nghệ toàn quân, Trường văn nghệ nhân dân ở Thái Nguyên, Trường Mỹ thuật ở Tuyên Quang thời chống Pháp, đến các lớp học ở Quảng Bá (Hà Nội) thời chống Mỹ. Các hội chuyên ngành và các địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi, tổ chức các giải thưởng, để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Nhiều tài năng trẻ được cử đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài, sau này hầu hết trở thành những chuyên gia đầu ngành, những nghệ sĩ có tên tuổi, góp phần làm cho nền văn học nghệ thuật nước nhà phát triển hài hòa, trưởng thành nhanh chóng về đội ngũ và chuyên môn bắt nhịp được với khu vực và quốc tế. Ngày nay chúng ta có thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc, bồi dưỡng tài năng trẻ.
Qua 70 năm phấn đấu, xây dựng, toàn giới văn học nghệ thuật đã có 367 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 1000 Nghệ sĩ ưu tú, có 75 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 173 người được tặng Giải thưởng Nhà nước, có 5 Hội chuyên ngành được tặng Huân chương Sao vàng, nhiều Hội được tặng Huân chương Độc lập. Riêng Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mở ra một chân trời rộng lớn đón nhận mọi khát vọng, mọi nghị lực, mọi cống hiến. Trong khi đó bối cảnh quốc tế và trong nước cũng xuất hiện bao vấn đề mới, thậm chí có những vấn đề như muốn thách thức sự sáng suốt và tỉnh táo của chúng ta... Chúng ta tận dụng những năng lượng và thời cơ do sự nghiệp đổi mới đem lại để mở rộng không gian suy tưởng, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác làm cho đời sống văn học nghệ thuật trở nên sống động, nhiều sinh khí mới, đa dạng, phong phú như chính cuộc sống. Tuy vậy, công chúng nghệ thuật vẫn còn đang chờ đợi, đòi hỏi ở văn học - nghệ thuật trên nhiều vấn đề, trong đó vấn đề bức xúc nhất là vấn đề xây dựng con người...
Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm, toàn giới văn học nghệ thuật chúng ta cùng nhau vững bước trên chặng đường mới với biết bao triển vọng tốt đẹp của đất nước, đề cao khát vọng sáng tạo và tính tích cực xã hội, mạnh mẽ đi vào đời sống, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm là giải pháp tốt nhất hướng tới những mùa bội thu mới.
H.T
(*) Tên bài viết do Ban biên tập Non Nước đặt.