Lão Đen - Đỗ Nhựt Thư

29.08.2018

Lão Đen - Đỗ Nhựt Thư

Dùng dằng mãi lão Đen mới tổ chức ngày gặp mặt bạn học cùng lớp từ xửa xưa.

Cuộc đời lão cũng khá may mắn, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi ở một vùng quê nghèo xơ xác đầu những năm 50. Gia đình bần nông tự bao đời, cha mẹ là tá điền cho bọn địa chủ, nhưng vùng bán sơn địa huyện Hành này ruộng đất có bao lăm, nhận cấy 5 sào ruộng nhưng mỗi mùa gặt lão địa chủ lấy mất 2 phần 3, sau khi trả lúa mượn để chi dùng không còn đủ giáp hạt, những cái Tết thiếu đói ăn khoai sắn cầm hơi trong khi mấy thằng con bọn hào lý xênh xang quần là áo lượt. Đang chăn trâu cho lão địa chủ, Đen biến mất theo lời khuyên nhủ tham gia cách mạng để đổi đời của các anh từ phía tây xuống.

Năm sau nhờ lanh lợi Đen được cho đi học tại trường đào tạo cán bộ của tỉnh. Bạn bè cùng hoàn cảnh nên thương nhau như anh em ruột, đồng cam cộng khổ, ốm đau săn sóc, củ sắn chia đôi. Những kỷ niệm hằn sâu vào lòng gã thanh niên còn chưa vướng bận tình cảm gái trai nên sâu đậm lắm, cả đời lão cứ trăn trở.

Năm 1954 trên động viên cho mấy gã lấy vợ, Đen tót về quê lấy người bạn cùng chăn trâu thuở còn để chỏm nhưng cũng là một du kích can trường.  Cuối năm gã được lệnh tập kết ra Bắc, người vợ nén nước mắt vào lòng cố cười vui tiễn đưa  chồng đi vạn dặm, mong 2 năm sau sẽ đoàn viên trong hòa bình hoan hỉ, cô giấu chồng cái thai đang ngọ nguậy, sợ chồng lưu luyến mà ảnh hưởng đến công tác vì độc lập của Tổ quốc mà họ quyết hy sinh.

Đen được quan tâm cho đi đào tạo chỉ huy cấp đại đội. Năm 1964 lại vào Nam bổ sung vào Trung đoàn 1 khu 5. Đen ra công dò hỏi về vợ mình nhưng làng quê ấy đã tan hoang trong cuộc chiến, dân làng bị dồn vào khu tản cư dọc quốc lộ và loáng thoáng nghe đội du kích ấy đã hy sinh gần hết. Bao năm tìm kiếm vẫn bặt vô âm tín. Đen nguôi ngoai dần, đặt hết tấm lòng vào cuộc chiến dữ dội.

Sau trận Ba Gia nổi tiếng trung đoàn được mang tên là Trung đoàn Ba Gia. Chiến dịch hè thu năm 65 của khu 5 là mở rộng vùng giải phóng và chiếm tỉnh Quảng Ngãi, địa đầu quân khu 1 Sài Gòn, lực lượng mỏng. Đồn Ba Gia cách tỉnh đường chỉ 12 km là 1 trong 3 căn cứ bảo vệ tỉnh lỵ của vòng cung bắc - tây - nam. Ngày 28 tháng 5/1965 ta  đánh nghi binh làng Phước Lộc, dụ tiểu đoàn 1/51 ở đồn đi cứu viện và lọt vào ổ phục kích để tiêu diệt, 4 giờ sáng 29 tấn công đồn và đến 6 giờ đã chiếm lĩnh trận địa.

Sau đó là những ngày cùng các đơn vị bạn đánh phòng ngự ác liệt với lực lượng thiện chiến của Sài Gòn, từ lính dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân,... tăng viện nhằm tái chiếm Ba Gia. Chỉ 2 ngày 30, 31 đã quần thảo sống chết với các tiểu đoàn 37 biệt động quân, tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến, trung đoàn 51 bộ binh và làm chủ chiến trường.

Nhưng sau đó chúng tăng quân, lực lượng áp đảo quyết lấy lại Ba Gia để khỏi mất mặt với quan thầy Mỹ nên ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng.

Hai bên đều thương vong, chiến tranh mà, chết sống không biết đường mà lần, chỉ thấy toàn đau thương và mục tiêu thì xa vời vợi. Đen bị thương trong trận đánh ấy, đi khập khiểng, được rút về ban Tham mưu  khu.

Hòa bình lập lại Đen đã là một cán bộ cấp tá, được đưa về Bộ. 40 tuổi trẻ trung, cốt cán; một vị lãnh đạo người bắc miền trung thương mến gã cô gái lớn lở thì làm vợ. Cô mới 25, cõi lòng đang tan nát vì anh người yêu đã cạn tình đi du học tận xứ Bạch dương xa tít và không ước hẹn một lời, có lẽ do cô sống bản năng và từng trải quá thì phải.

Cô khó tính lại nhiều lời và chanh chua quá, được bố chạy vào làm việc ở một cơ quan ở trung ương, cô trở thành bà hoàng. Sau giờ làm việc cô cứ than mệt và nằm dài trong phòng nghe các băng cát-sết nhạc sến của miền Nam, loại nhạc ướt át não tình rên rỉ mà cô lại mê thích nghe suốt ngày đêm. Đen phải trần thân lo liệu mọi việc, thời bao cấp khốn khó ấy dù là cán bộ của Bộ nhưng họ vẫn cực như nhau, tiêu chuẩn tem phiếu có cao hơn nhưng phải xếp hàng mua từ sáng sớm lại bị mấy cô mậu dịch viên câng câng cái mặt coi thường, lại đến chợ giành giật những bó rau héo úa, rồi cơm nước, nhà cửa, lại 2 cô con gái mè nheo ỉ ôi. Cuộc sống cơ cực hơn cả những ngày chăn trâu cho địa chủ.

Đời Đen cứ luẩn quẩn như thế, chẳng ai còn quan tâm đến một chiến sĩ vào sống ra chết, nhiều gã trẻ trai lại nhìn Đen với cặp mắt coi thường. Và chung quanh cứ sôi lên danh lợi, khen thưởng, lên chức, lên lương, mỗi cuối năm bình bầu lại giành nhau danh hiệu Chiến sĩ thi đua hoặc phải là lao động tiên tiến - có cái giấy chứng nhận ấy mới được lên lương cơ mà, nhiều nhà treo lên tường la liệt những giấy khen đại trà ấy mà cứ tự hào ta đây giỏi giang, tích cực (!).

Cả cơ quan mình Đen là người xứ Nghĩa, chẳng ai đỡ đầu nhất là khi bố vợ về hưu. Đen buồn tình xin về nghỉ hưu sớm. May là có được ngôi nhà mặt tiền trên con đường thuận lợi, Đen mở quán bán nước cũng lợi đôi bề. Sau đổi mới vợ chồng Đen cho thuê tầng dưới hằng tháng thu được cả cây vàng, cuộc sống trở nên khá giả.

Rảnh rỗi Đen hay nghĩ về những kỷ niệm cũ, về người vợ không rõ còn sống hay đã chết, về những người bạn trong sáng sinh tử có nhau. Lão bao lần nói với vợ để lão về quê nhưng vợ lão sau 1 lần về quê chồng thì cạch mặt, bà bảo: - Còn ai nữa mà ông về. Bà con như diều đói, cứ than khổ để xin xỏ này nọ. Khiếp.

Nhưng lão cũng lang thang đi dò hỏi thông tin về lũ bạn thân ấy, rồi cũng tìm ra từng manh mối, lão ngậm ngùi thương cảm, hơn 30 thằng giờ chỉ tìm được 5 thằng nhưng mỗi người một phận, khác nhau nhiều quá. Một bận, thằng  bạn nay làm Nông trường phó ở 1 tỉnh miền núi phía Bắc về thăm, anh em bổ bả, bà vợ nhăn nhó ra mặt, nói nhiều lời bất nhã, hắn ôm lão rưng rưng: “Tao quý mày lắm nhưng vợ mày tao không chịu được, thôi để tao đi. Sau này nếu gặp bọn mình nên vào quán ngồi và tao tìm nhà nghỉ cho tiện. Ngoài này nhà họ rộng nhưng lòng họ hẹp lắm.” Lão khóc.

Lão kiên quyết tổ chức họp mặt lớp cũ mặc mụ vợ nghiến ngẫm đủ điều, già rồi sợ gì nữa, cả đời ta sống vì nước vì vợ con quá nhiều rồi, phải sống cho mình một chút để khi nằm xuống an lòng nhắm mắt và được ít lời thương tiếc chân thật chứ? Vả lại lão là cán bộ cao nhất lại khá giả nhất lớp ấy, không đứng ra mặt mũi nào nhìn anh em bè bạn.

Năm 2002 kỷ niệm 50 năm ngày vào trường lão mời anh em ra thủ đô gặp mặt. 5 thằng phần lão lo tiệc mặn thì chỉ 5 triệu là thong thả, tháng đó lão không nộp lương hưu cho bà vợ, mụ tru tréo đay nghiến: “Không có tiền thì ra quán mà ăn nhá! Bà này không dại mà vất tiền tào lao đâu đấy nhá!” Mặc, chút nhân sĩ còn rơi rớt lại của chất Quảng thuở lưu dân đã nổi lên, lão rẽ rọt: “Chúng ta nên chuẩn bị ly dị đi là vừa.” Rồi mặc áo cút thẳng. 

5 thằng ôm nhau vừa khóc vừa cười, cứ oang oang mày mày tao tao loạn xị và rượu như nước lã, cả nhóm đều là những chiến sĩ thời chống Pháp còn rơi rớt lại, là những cán bộ trung cao về hưu, danh lợi đều đạt thì có gì mà ngại thằng tây nào. Mấy gã trung niên ngồi gần đó khó chịu lắm, một thằng nói to: “Rõ nỡm.” Lão Đen điên tiết xổ qua nắm áo vặn chéo siết cổ dựng đứng lên, mấy thằng kia đứng dậy, mấy lão qua, chỉ khoa tay là nhào đựng, lão lại rút cái thẻ đỏ choé ra dí vào mặt hắn gằn giọng Quảng đặc sệt: “Cả đời bọn tao đánh Pháp từ thời để chỏm, nay mới gặp lại, có quá một chút cũng được. Mày hỗn.” Thả tay ra, bọn kia thất sắc lí nhí: “Con xin lỗi bố.”

Mấy lão khật khừ say. Lão Bê nhìn bạn: “Sao sau thống nhất mày không về tìm vợ con?” Lão Đen giật nảy mình tỉnh hẳn lập cập: “Bả còn sống ư? Con nào?”

Thì ra vậy. Bà bận sinh rồi nuôi con dại nên bị dồn xuống khu tản cư, mở quán bán lặt vặt độ nhật. Thằng ấp trưởng cứ bám riết, bà không tránh mặt được, nó cho thuốc vào ly nước của bà, thế là bà gần như vợ hờ của hắn và có thai, lại bị mụ vợ lớn đánh ghen một trận bán sống bán chết. Sinh thêm một thằng con cho hắn. Bà chẳng còn mặt mũi nào nhìn đời.

Thằng con lão năm 1972 lại bị bắt lính, tự bắn vào chân, bị bỏ tù, rồi đi lao công đào binh, cực không kể xiết, chết sống không ai hay.

Giải phóng nó về với mẹ, thằng em được cha nó dẫn chạy mất tích. Hai mẹ con phải ở luôn dưới thị trấn tránh mặt dân làng lam lũ kiếm ăn. Lão Bê tình cờ gặp bà ấy trong lần về khánh thành nhà thờ tộc năm 1995 ở ngay làng đó mới biết rõ sự tình.

“Bà ấy đã chết cách đây khoảng 3 năm, nghe là mắc bệnh trọng mà không có tiền chạy chữa.” Lão Bê giọng nhẹ như gió thoảng nhưng đã làm cho lão Đen nằm gục xuống bàn tức tưởi khóc, mặt mày cả bọn trông bơ vơ thấy lạ.

Lão lấy một phần tiền thuê nhà trong tháng ấy và mượn thêm bè bạn rồi bươn bả xách gói về quê, bà vợ với theo: “Đi hẳn đi nhá! Đồ khùng!” Lão quay lại quắc mắt, giơ tay lên, mụ vợ tái mặt lùi dần, lão buông thõng: “Đồ khỉ.”

Thằng con đã 47 không nhìn mặt lão. Lão cứ ở lì với hắn và may là thằng cháu nội mới 17 rất quyến luyến lão. Đúng một tháng nghe bà dì điện vào tru tréo gọi lão ra làm thủ tục ly dị hắn mới nhận cha. Cúng vợ xong lão dẫn hắn về lại làng cúng cha mẹ và nhận họ mạc, lão thấy là mình không thể bỏ quê hương.

Vợ chồng lão rồi cũng chỉ ly thân, già cả rồi. Dốc hết sổ tiết kiệm lão gởi về quê cho thằng con thuê cả cái đồi để trồng rừng mưu chuyện làm giàu. Bươn bả đến 5 năm đi về cùng con chăm sóc rừng cây mà lão tưởng như sống thêm một đời nữa.

Nhưng sao đời lão đen đến vậy? Vợ chồng thằng con đã vĩnh biệt thế gian khi lái chiếc công nông lần đầu chở cây thành phẩm xuống đồi trong một chiều mưa dông mù mịt.

Lão không còn nước mắt để khóc, ôm thằng cháu nội vào lòng lão quyết định: ly dị bà vợ thiếu chất người ấy, mấy đứa con gái giống mẹ như đúc thì coi như không có, từ giã cái xứ vốn ngàn năm văn vật nhưng nay đã tạp nhiễm lòng tham của dân tứ xứ nên gần như vô cảm ấy, đem số tiền được chia về đây lo cho đứa cháu côi cút này.

Từ hôm lão về trời cứ mưa suốt.

Đ.N.T