Nhà có bông Vạn Thọ - Mang Viên Long
Lần đầu tiên Hân đến ngôi nhà ấy là vào đầu tháng chạp, cách nay gần bốn năm. Có việc phải ra ngoại ô thị xã để thăm người bạn vừa đi mổ tim ở Sài Gòn về, lúc rẽ qua đường bê tông dẫn vào xóm, nhìn qua hàng rào chè tàu thấp phẳng phiu, anh thấy khu sân vườn nhà bên đường đang bày nhiều chậu bông Vạn Thọ còn non. Vốn thích bông Vạn Thọ từ nhỏ, và tò mò, Hân ghé vào thăm - gặp ngay người trồng hoa đang lom khom chuyển cây con vào chậu. Sau lưng ông - ở một góc vườn, là cô gái trạc hai mươi hai tuổi đang cần mẫn, đổ đất đã tơi xốp được ủ sẵn vào những chậu trống đang sắp hàng nằm chờ.
Hân hỏi: “Anh ơi! Những cây Vạn Thọ con này đã được gieo mấy tháng rồi anh?”.
Người đàn ông dừng tay, quay lại - thản nhiên nhìn Hân:
- Tôi đang trồng hai giống Vạn Thọ - Vạn Thọ lùn và Vạn Thọ cao, giống đã được ươm từ 15 đến 20 ngày rồi!
- Anh trồng đến hai giống vậy sao? Vạn Thọ có lâu ra hoa không anh?
- Loại lùn, để vào chậu nhỏ, bán giá rẻ. Loại cao vào chậu lớn, giá đắc hơn... Kể ra thì cũng không lâu, nhưng phải biết chăm sóc, hoa mới nở đều và đẹp - nhất là đúng thời gian mình cần, ví dụ như dịp Tết.
- Vậy cũng khó quá chứ anh?
Ông đưa tay móc trong túi áo pyjama ra bao thuốc Bassto đỏ, thong thả lấy một điếu - châm lửa hút:
- Chớ đâu có gì “dễ ăn”, cậu? - vẫn giọng chân tình - Khi cây được 35 ngày tuổi đã có 6 -7 cặp lá, thì bấm đọt để cây không vượt quá mức và giúp các chồi nách phát triển để tạo bông sau này sẽ đều mặt và đẹp. Khi cây được 45 ngày tuổi thì tất cả các ngọn đã có nụ, và hoa bắt đầu nở - nở hoa hoàn toàn là 60 - 65 ngày.
Hân cười vui - tâm sự:
- Tôi thích bông Vạn Thọ từ thời mẹ tôi còn sống ở quê. Là đàn bà, nhưng năm nào bà cũng trồng Vạn Thọ quanh sân, hình như hoa nở quanh năm. Hoa có một màu giản dị, đằm thắm và nở lâu, phải không anh?
Ông nhếch cười:
- Vạn Thọ cao có thể trồng quanh năm, nhưng vụ chính là dịp Tết nguyên đán! Nhà quê ta vẫn thường trồng Vạn Thọ ở sân vườn, hình như nhà nào cũng có vì rất dễ trồng. So với nhiều loại hoa như Cúc, Thược Dược, Hồng, Huệ... thì Vạn Thọ nở hoa lâu hơn nhiều.
Cô gái đang ngồi vô đất cho các chậu thỉnh thoảng dừng tay, liếc nhìn Hân, có vẻ vừa lạ lẫm vừa thích thú. Có lẽ nàng thấy Hân là người đầu tiên ghé thăm vườn hoa Vạn Thọ của anh em cô hơi lâu, mà hỏi nhiều câu vớ vẩn như thế.
Hướng mắt nhìn vào góc vườn, chỗ cô gái đang ngồi - Hân cười: “Vườn hoa nhà anh cũng có cô công nhân phụ việc nhỉ?”.
Ông quay nhìn em - cười:
- Em gái út của tôi.
- Anh có bao nhiêu anh chị em?
- Tôi là anh cả - trưởng nam, sau tôi là ba cô em gái.
- Hai cô đầu chắc là đã...
- Có chồng!
- Cô Út chắc là...
- Chưa! - Ông kể, năm học xong lớp sáu, là bị sốt tê liệt. Thuở ấy, bệnh viện tỉnh cũng chịu thua! Tôi gom góp hết tiền ẵm bồng nó vào Sài Gòn chữa trị cả tháng, bây giờ mới đi đứng được.
- Cũng bình thường chứ anh?
- Không! Do dự giây lâu - ông tiếp, tất cả đều ổn, nhưng chỉ có chân trái bị nhỏ hơn, đi khập khiễng.
Hân nhìn vào gương mặt hơi xanh tái của nàng, thấy rất dễ thương, và nhu mì. Cô gái bỗng liếc nhìn lên phía Hân, bắt gặp tia mắt anh - vội cúi đầu, cắm cúi dùng chiếc bay lớn băm nhỏ phần đất trước mặt. Vẻ lúng túng và ngạc nhiên đến khó chịu hiện lên trên nét mặt có vẻ lầm lì an phận của nàng. Có lẽ Ngà - tên cô gái, nghĩ bụng: “Đang không lại đi hỏi chuyện của người ta, mà sao anh Hai lại...”. Ngà chợt ngẩng cao nhìn thẳng vào mắt anh mình - kêu lên: “Anh Hai”.
Trước Tết một tuần, vào buổi chiều, Hân lại ghé thăm nhà người đàn ông trồng bông Vạn Thọ để chọn mua hai chậu đón Tết. Nhân tiện, anh đem đến biếu cho ông một hộp trà Ô Long Cầu Tre của học trò vừa gởi cho.
Buổi sáng, tình cờ gặp Ngà ngồi ở khu chợ bán hoa với những chậu bông Vạn Thọ khiêm tốn, ẩn nhẫn - Hân bỗng có cảm giác rất lạ; như được gặp lại người thân đã lưu lạc xa cách bấy lâu. Một niềm vui mơ hồ, nhưng cũng rất đằm thắm. Anh dừng xe lại, mua hai chậu bông Vạn Thọ lùn, bỏ vào giỏ xe - hẹn sẽ nhờ xe ba gác ra nhà chở thêm hai chậu hoa cao. Lần này, Hân nhận ra trong đôi mắt giận dỗi hôm trước đã biến mất, thế vào là những ánh nhìn dịu hiền, trìu mến của một người em gái. Ngà có nét nhỏ nhắn, bé bỏng, mong manh trong trí nhớ của Hân từ sau ngày gặp lần đầu. Hình bóng Ngà không réo gọi quyến rũ như những người con gái Hân đã gặp, mà êm ái, lặng thầm, sâu lắng.
Người đàn ông tỏ ra rất vui khi thấy dáng Hân đi vào sân. Ông vội bước ra đón anh với nụ cười hiền: “Chào Cậu! Đã nghỉ Tết rồi chứ?” - “Dạ, nghỉ theo Ông Táo”. Hân trao hộp trà cho ông, giọng thân mật: “Lộc của học trò, chia cho anh”. Ông đỡ lấy hộp trà, ngắm: “Cảm ơn! Cậu bày vẽ quá!”.
Nhìn một lượt những chậu hoa còn lại trong sân, Hân nói: “Nhờ anh chọn cho hai chậu”.
- Những chậu này sẽ nở đúng Tết, chơi tới rằm.
- Mẹ tôi khi mất, cũng dặn, nên cúng bông Vạn Thọ cho bà ấy, không cần hoa đắt tiền, sang trọng - Hân cười, được nhìn chậu hoa đang nở rộ, đều mặt này, chắc bà ưng bụng lắm đây.
Hân ra ngõ kêu người đi ba gác đã dặn chờ sẵn, nhờ khiêng hai chậu ra xe. “Anh chở giúp về nhà, để ở hiên nhé!”.
Hân quay vào gởi tiền hai chậu hoa, bắt tay ông, hẹn sẽ đến thăm trong ba bữa Tết.
- Mời cậu! Giá mà được cậu đến xông đất đầu năm mới thì năm tới sẽ làm ăn khấm khá.
- Tôi nghèo, đâu phải “thần tài”, anh?
- Nghèo mà có tấm lòng thì quý hơn chứ cậu.
Ngà từ ngõ bước vào, tình cờ gặp Hân. Nàng ngẩng nhìn, rồi cúi đầu, lúi húi bước từng bước khập khiễng lên sân. Hân lên tiếng: “Chào em! Em đã bán hết hoa rồi sao?” - “Dạ!”.
- Được giá không em?
- Dạ, được!
- Công trồng khổ vậy, mà bán rẻ quá - Hân cười lớn, giá như anh trồng được, anh bán giá gấp ba.
Ngà chợt dừng lại, nhìn Hân - cười: “Vậy cho nên anh đâu có trồng được”.
- Sang năm, anh sẽ ra “học nghề anh Hai” trồng hoa, sẽ trồng cho em coi.
- Vậy là hoa của em chắc sẽ... ế rồi - Ngà lại che miệng cười.
Về nhà, Hân cứ mãi phân vân về câu nói của Ngà “Vậy là hoa của em chắc sẽ ế rồi!”. Nếu anh trồng bông Vạn Thọ được, sẽ bán với giá gấp ba của nàng, sao hoa của nàng sẽ ế? Nàng là một cánh bông Vạn Thọ quê mùa, mộc mạc, không ai để ý? Hân nghĩ đến cái nghĩa ẩn giấu sau câu nói lạnh lùng có chút ngậm ngùi của nàng.
Chiều ngày hôm sau, Hân quyết định đến thăm Ngà. Ra sân đón anh là Ngà, chứ không phải người anh.
- Anh Hai đâu rồi em?
- Anh ấy vừa đi ăn giỗ nhà hàng xóm - nàng cười, nhà quê “mục” đi ăn giỗ là thường mà anh!
- Anh vào nhà chơi, ngồi chờ được không?
- Dạ, mời anh.
Ngà kéo ghế ở bàn khách mời Hân, rồi mở hộp trà Ô Long hôm anh đem biếu ra, lấy một bì, cắt, bỏ trà vào bình - nói: “Anh Hai kêu trà này chỉ để tiếp khách”.
- Vậy anh đâu có phải là khách mà em lấy trà ra?
- Chớ anh là gì?
- Là người nhà - Hân cười, nhìn gương mặt Ngà bỗng tươi hồng dần. Nét xanh xao lạnh lẽo vì ít ra ngoài và cuộc sống khép kín, cô độc của Ngà ngày anh mới gặp, đã dần thay đổi.
Ngà ngồi đối diện Hân, trông nàng đĩnh đạc và tươi trẻ. Anh đã lắng nghe nàng kể lại cuộc đời nàng sau ngày bị bệnh. Cái mặc cảm tật nguyền lúc còn nhỏ đi học qua cấp ba, vào trường Cao đẳng sư phạm, không làm nàng buồn tủi bằng khi đã tốt nghiệp, cầm mảnh bằng đi kiếm việc, có nơi nói thẳng trước mặt nàng, là không nhận giáo viên bị tật nguyền. Họ nhìn vào chân trái khập khiễng của nàng như nhìn vào vật gì lạ lẫm, kỳ dị. Sau vài lần cố gằng nhẫn nhịn không kết quả, nàng quyết định ở nhà phụ anh việc nội trợ, vườn tược, gà heo. Mỗi lần ra đi kiếm việc trở về, nhìn thấy gương mặt nàng buồn hiu, anh nàng cũng lặng thầm đau xót.
Ngồi nghe nàng, nhìn ngắm gương mặt trong sáng, hồn nhiên của nàng, mà sao Hân cứ nghe lòng xao xuyến rưng rưng. Hân nhẩm tính, Ngà ra trường Cao đẳng phải là năm 20 tuổi. Hai năm đi tìm xin việc, là 22; ba năm ở nhà phụ việc anh, là 25; ba năm được anh xin cho một chỗ làm thư ký ở trường Mẫu giáo với mức “bồi dưỡng” tám trăm ngàn, là 28 năm. Ngà đã 28 tuổi. Không phải hai mươi hai như lần đầu Hân phỏng đoán. Hai mươi tám năm đã đi qua.
Anh Hai lững thững bước vào, mặt hơi đỏ - Hân đứng dậy: “Chào anh!”. Ông đưa tay vẫy vẫy: “Chào cậu! Cứ ngồi chơi tự nhiên”.
Ngà nói:
- Anh lại uống rượu rồi?
- Cũng vui vài ba ly với bà con - Ông nhìn Hân, phải không cậu?
Hân cười:
- Dạ! Ở quê mình, vào đám giỗ, không cầm ly, anh em họ buồn.
Ông dừng trước cửa ra nhà sau, ngoái đầu lại:
- Uống chút cho đỡ buồn mà cậu - giọng ông to, rõ - tôi đã bỏ hút thuốc, uống rượu hơn bốn tháng nay vì bệnh viêm phế quản dạng suyễn ho suốt ngày đêm, hơn nửa tháng, nhưng bớt rồi sáng ra chăm vườn, thăm ruộng, không có điếu thuốc sao tôi thấy buồn quá! Nhất là ban đêm, ngồi một mình.
- Dạ - Hân cười chia sẻ. Nhưng anh hút ít lại nhé!
- Tôi biết - ông lè nhè từng tiếng, tôi phải tự lo chứ ai mà vô lo cho tôi nữa?
Chờ anh đã chui vào buồng riêng ở nhà sau, Ngà kể: “Đã bốn mươi lăm tuổi mà anh ấy chưa chịu cưới vợ”.
- Sao lạ vậy em?
- Từ hồi chị ba em chưa có chồng, anh Hai đã nói với ba chị em là sẽ không có vợ, cho đến khi cả ba đứa chưa lấy chồng.
Lần đưa Ngà đi chơi ngày Chủ nhật cuối cùng là Hân chở nàng ghé vào quán café điểm tâm giải khát “Kinh Đô Plaza” ở khu giải trí Thành Đông, khi đã cùng nàng ghé những quán quen thuộc mà Hân vẫn thường ngồi. Anh nắm tay dìu nàng lên từng bậc cấp, qua các dãy bàn ngoài sân đang đông khách, đến ngôi nhà mái lá nằm ở khu trung tâm quán, thoáng rộng, yên tĩnh.
- Quán đẹp và sang trọng quá anh - Ngà vừa ngồi vào chiếc ghế tràng kỷ giả gỗ mun bên Hân, vừa liếc nhìn quanh khu quán đông đúc.
- Dạo này, bà con đua nhau mở quán café em ạ!
- Đôi khi buồn em cũng có nghĩ đến chuyện lập một quán café nhỏ ven đường vào xóm, có việc làm qua ngày, cho vui, nhưng anh Hai không chịu.
Hân cầm bàn tay Ngà, mân mê, rồi bất ngờ đưa lên môi hôn. Ngà vội rút bàn tay lại: “Anh, thiên hạ đông đảo thế này”. Anh cười, tỉnh bơ: “Anh có làm gì sai đâu? Anh hôn bàn tay người anh yêu cơ mà!”.
Ngà im lặng, nhưng gương mặt đã đỏ hồng, ngực nàng phập phồng dưới làn áo mỏng. Hân như nghe được cả hơi thở yêu thương dồn dập tràn đầy trong cơ thể nàng; anh cảm thấy lâng lâng một niềm vui, một niềm hạnh phúc mới lạ. Sau cái hôn trên bàn tay gầy xanh, yếu ớt của nàng, Hân biết mình cũng đang rạo rực, ao ước một cảm xúc yêu thương nồng nàn. Anh lại cúi hôn lên mái tóc Ngà: “Em yên tâm, cuối năm nay mãn tang mẹ, anh sẽ nhờ chú anh đến “thăm nhà và bỏ lễ” hỏi cưới em thôi”.
- Anh có nói đùa không? Lần đầu tiên Ngà nhìn thẳng vào mắt Hân - dừng lại khá lâu, với ánh nhìn yêu thương nồng ấm.
- Trong tình yêu, anh không thể chấp nhận có chuyện nói đùa được đâu!
Sau buổi sáng Chủ nhật cùng Ngà đến Kinh Đô Plaza hôm ấy, khoảng ba tuần sau, Ngà đột nhiên kêu đau nhức khắp cơ thể, các cơn đau kèm ho kéo dài mà không rõ nguyên nhân. Nàng kêu đau nhức ở các khớp xương, cơn đau kéo dài trong nhiều tuần, nhất là về đêm. Đến lúc nhìn thấy nàng ho, khạc ra máu tươi, và kêu khó thở; anh nàng mới vội chở đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh.
Một tuần sau, qua kết quả của các lần siêu âm, khám nghiệm, thử máu; các bác sĩ hội chẩn đều kết luận, Ngà bị ung thư xương giai đoạn cuối. Các khối u đã di căn đến gan khiến gan to ra, bắt đầu xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt, và di căn đến phổi. Anh Hai và hai người chị của Ngà đã quyết định đưa Ngà vào bệnh viện ung bướu thành phố.
Nằm điều trị ở bệnh viện ung bướu hơn một tháng, anh nàng được bệnh viện khuyên nên đưa Ngà trở về. Hân đã kịp đến thăm Ngà hai lần, trong năm ngày - trước khi nàng mất!
Lần cuối, nhìn thấy nàng quá gầy gò xanh xao, hơi thở thoi thóp - Hân nắm chặt bàn tay Ngà rồi đưa lên môi hôn thật lâu. Nàng bỗng nhướng to đôi mắt nhìn, rồi từ từ khép lại. Vắng lặng.
Ngày tiễn nàng ra đi, Hân đã được gia đình cho anh để tang theo lời dặn dò của Ngà. Hân tham dự đầy đủ các buổi lễ cúng tuần, thất tuần, một trăm ngày cho Ngà. Năm nào cũng vậy,vào ngày giỗ nàng Hân cũng nhớ về, dù đang bận công việc ở xa.
Từ dạo ấy, Hân thường lui tới thăm sân vườn bông Vạn Thọ của anh Hai như một lần thăm nàng. Anh đã luôn nhìn thấy dáng Ngà bé bỏng thấp thoáng bên những cánh hoa Vạn Thọ màu vàng dịu hiền lặng lẽ quanh sân.
Quê nhà, tháng 9/2017
M.V.L