Hình tượng nhân vật Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi - Hồ Sỹ Bình

29.08.2018

Hình tượng nhân vật Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi - Hồ Sỹ Bình

Dù không ghi là tiểu thuyết lịch sử nhưng Minh sư(1) đúng là một tiểu thuyết lịch sử mà Thái Bá Lợi đã lựa chọn và tái hiện giai đoạn của vùng đất Thuận Quảng, kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng năm 1558 và trước đó nữa. Viết về giai đoạn này, tác giả đã tập trung vào việc xây dựng nhân vật trung tâm cho tiểu thuyết là hình tượng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Minh Sư - đã dành được Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (Southeast Asian Writers Award))(2) 2013 do Hoàng gia Thái Lan trao tặng tại Băng Cốc.

 

Duyên cớ gì để chọn câu chuyện về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và giai đoạn lịch sử phức tạp của một miền đất mới Thuận Quảng hoang dã nhưng kỳ thú, nơi có cộng đồng người Chiêm sinh sống trong nghiệt ngã của số phận  với những cuộc chiến kéo dài?

Nhà văn Thái Bá Lợi cho biết: “Sau ngày thống nhất đất nước, mỗi lần đi đường Hải Phòng ở Đà Nẵng, tôi thường vấn vương tại sao lại đổi tên đường Nguyễn Hoàng thành đường Hải Phòng dẫu biết rằng Hải Phòng là thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng, nhưng có thể chọn lựa nghĩa tình một con đường lớn hơn chứ ai lại giành đường Đoan Quốc Công, vốn là con người trọng nghĩa khí. Trăn trở ấy của tôi được đánh thức bởi khoảng năm 2003/ 2004 khi tỉnh Quảng Nam do Bí thư Vũ Ngọc Hoàng và Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo chủ trương phát động phong trào sáng tác về đề tài Quảng Nam. Các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phong trào Duy Tân và thời kỳ hình thành xứ Quảng Nam từ năm 1471. Hai đề tài trên đã có người nhận, nhà văn Nguyên Ngọc giới thiệu tôi viết đề tài thứ ba. Tôi chọn hình tượng Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng với gắn bó 6 năm ròng rã...”.

Thế nhưng khi bắt tay vào viết gặp phải rất nhiều khó khăn. Tư liệu trong chính sử ghi chép về thời kỳ này vỏn vẹn mấy bộ sách Đại việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám, Đại Nam thực lục tiền biên cũng đã giúp tác giả phần nào miêu tả sát với hiện thực của một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên phần ghi chép về Nguyễn Hoàng rất ít. Anh kể lại: “Viết về các nhân vật lịch sử, tư liệu rất quan trọng. Trong gần 4 năm đi tìm tư liệu tôi cũng chẳng phát hiện điều gì mới mẻ so với những gì đã có trong kho lưu trữ. Những lần như vậy dù ở Gia Miêu hay ở Ái Tử là điều kiện cho tôi suy gẫm về nhân vật của mình, về con người đã biến những nguy cơ diệt vong của gia đình, dòng họ, bản thân đã tận dụng cơ hội để làm nên nghiệp lớn. Tôi cố hình dung ra ông, sống với những suy nghĩ hành động của ông để dần dần tạo dựng được hình tượng nhân vật mà mình ấp ủ, tâm huyết, mong muốn gửi đến người đọc tâm sự của mình về con người kỳ đặc này. Công việc của tôi chỉ có vậy và tôi chỉ cố gắng hết sức cho công việc này...”.

Với Minh sư, Thái Bá Lợi đã đem đến một cách nhìn  mới về tiểu thuyết lịch sử, với những tìm kiếm sáng tạo nghệ thuật khát khao đổi mới trong cách viết. Minh sư được viết trong sự kết hợp thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, tái hiện, kể tả, độc thoại, đối thoại bằng một ngôn ngữ bình dị và điềm tĩnh.

Mở đầu tập tiểu thuyết là sự xuất hiện của hai nhân vật. Một, chị Tư Trà - người vợ của liệt sĩ đi tìm mộ của chồng và Đoàn Minh Thành, là đồng đội cũ của chồng chị Tư Trà, đang ấp ủ một đề tài nghiên cứu về cuộc đời của Nguyễn Hoàng (1525-1613). Hai nhân vật được xem như người dẫn chuyện. Mỗi người mỗi hướng suy nghĩ  khác nhau, chị Tư Trà dù có chồng là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh vẫn khao khát một tinh thần hòa hợp dân tộc, những mất mát hy sinh từ hai phía theo chị đều là những nỗi đau chung. Còn người kia, là những ám ảnh không  nguôi về nhân vật chính - Nguyễn Hoàng.  Anh tìm hiểu nghiên cứu con người Nguyễn Hoàng trong suốt cả hành trạng, từ các mối quan hệ, cách hành xử với mọi người, những kết quả thu được, ý nghĩa và giá trị của những công đức tích hợp... trong cách nhìn của người đời sau. Sự xuất hiện của chị Tư Trà và Đoàn Minh Thành với những chuyện trò xoay quanh những chủ đề về hiện thực đời sống và những hồi ức về giai đoạn lịch sử thế kỷ 16 trên miền đất Thuận Quảng cùng với vị anh hùng mở cõi Nguyễn Hoàng được tổ chức kết cấu theo nghệ thuật đồng hiện, đưa người đọc sống trong không gian hai chiều, khoảng cách hơn 450 năm như một sự nhìn lại lịch sử - trong nỗi ám ảnh của những biến động không ngừng của thời cuộc giữa quá khứ và hiện tại. Tôi vẫn có cảm tưởng như hai nhân vật trên, đôi khi xuất hiện nhằm diễn ngôn cho tác giả những suy nghĩ khi đánh giá về nhân vật trung tâm của câu chuyện: “Đối với Thành hình ảnh người thống soái già rót trà mời lính và tôn họ là Minh sư đã khép lại những suy tưởng của anh về Nguyễn Hoàng. Anh muốn ấn tượng mạnh mẽ đó ở lại với anh mãi mãi, dù rằng nếu bây giờ Đoan Quốc Công có ở bên anh thì ông sẽ cho những điều của anh là hư vọng (sđd.tr. 440)”. Rõ ràng trong đoạn văn có tính tự biện đã phần nào nói lên những suy gẫm mang quan điểm của tác giả về nhân vật của mình.

Đã qua rồi, cái thời kỳ viết văn chương lịch sử  theo kiểu tiểu thuyết sử thi. Trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại, nhà văn  cần hơn bao giờ hết trí tưởng tượng và những thao tác nghệ thuật khi xây dựng nhân vật lịch sử trong quá trình cần được nhìn lại, giải mã những bí ẩn, khuất lấp, hoài nghi, đào sâu vào bên trong để miêu tả tâm lý tính cách của nhân vật. Thái Bá Lợi đã tạo cho nhân vật Nguyễn Hoàng với nhiều góc cạnh, trước hết như một con người với những xung khắc trong tư tưởng, ý thức. Anh không theo cái mô típ miêu tả nhân vật lịch sử theo kiểu chiêm bái, ngưỡng vọng, khẳng định mà anh khai thác yếu tố “đời tư” của nhân vật thông qua đối thoại, cách hành xử giữa các mối quan hệ, tâm tư tình cảm được biểu hiện trong mọi tình huống, những thao thức băn khoăn nội tâm, nặng lòng với nhân dân, với vùng đất mới. Hình tượng Nguyễn Hoàng  dần dần được diễn ngôn là một con người có đức độ, tài năng chính sự quan hòa, một bậc kiệt hiệt dưới mắt mọi người “Lần này vào Quảng Nam có công tử Nguyễn cùng đi, nghe nói ngài sẽ giao công tử trấn thủ phương Nam. Ngài là bậc kiệt hiệt, mỗi bước đi đều tính toán kỹ càng chứ đâu có hồ đồ như bọn ta. Khi ngài rời triều đình vào đây hơn bốn mươi năm trước đã tính cho ngày nay rồi. Mà ngày ấy Quốc Công mới trên ba mươi tuổi. Thật là kỳ đặc, tính được thời vận như thần.” (sđd. Tr 437) .

Đoan Quốc công là người thông minh, khôn khéo, tùy theo hoàn cảnh thời điểm mà hành xử. Khi mới vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, lực lượng quân bị còn mỏng, lòng dân chưa yên biết là khó đối địch trực diện với quân Trịnh, Quốc Công  đã khôn ngoan, ẩn mình, chờ đợi thời cơ bằng cách “mềm dẻo, hòa hoãn là thượng sách lúc này”.

Bối cảnh xã hội của vùng đất Thuận Quảng trước đó rất phức tạp, xã hội thì toàn là lục lâm, thảo khấu, việc cần làm trước mắt của Quốc Công là bình định dân Chiêm, tiêu diệt nhà Mạc, các đảng cướp, phỉ,... Và chính nhờ đức độ, hết lòng vỗ về an dân với một nền chính trị quan hòa, pháp luật công bằng, quân lệnh nghiêm túc nên “dân trong xứ đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng...”  Điều làm nên điểm sáng của nhân cách Nguyễn Hoàng chính là quan niệm sống và làm việc bằng tâm niệm nhân tâm. Trước khi mất, Đoan Quốc công, trước một số cận thần, đã cầm tay thái tử Nguyễn Phúc Nguyên dặn dò: “Phạm đạo làm tôi phải trung, đạo làm con phải hiếu, tình anh em bạn bè lấy tin yêu làm đầu, không được quay ngoắt tráo trở để mất nhân tâm. Con phải nhớ lấy điều đó chớ có trễ quên” (sđd. tr 439). Một số đoạn trong văn bản trên trích dẫn lại từ tư liệu chính sử, trên cơ sở của sự thật, tác giả - bằng những thủ pháp nghệ thuật đã khắc họa nên tính cách của nhân vật với những biểu hiện tâm lý theo đúng tư duy logic của một giai đoạn lịch sử. Một người có cái nhân tâm, lòng nhân ái như thế thì trong ứng xử với tướng sĩ, quân lính hết sức gần gũi yêu thương biểu hiện bằng những cử chỉ, hành vi thật bình dị: Trên đỉnh đèo Hải Vân không ngủ, Nguyễn Hoàng đã “cất bước nhẹ nhàng để không làm quân sĩ thức giấc” rồi “mời trà” để nghe hai người lính “nói về, nghĩ về” mình. “Hai người lính nhận được cái nhìn hồn hậu của Đoan Quốc công, họ đã dần định thần. Họ đã hiểu chắc mình không bị chém vì tội khi quân... (sđd. tr. 438). Vâng, chính cái đêm trắng trên đỉnh Hải Vân yên lặng, lúc ấy Nguyễn Hoàng đã gần 80 tuổi vẫn vượt đèo để vào Quảng Nam, thì chân dung con người của Đoan Quốc công dưới sự miêu tả, diễn ngôn của Thái Bá Lợi đã hiển thị cho người đọc hình ảnh đời thường của một vị anh hùng, thực, rất gần gũi. Một vị Chúa đã 80 tuổi vẫn còn lên ngựa vượt Hải Vân quan.  Đã hé lộ một hình ảnh Minh sư uyên áo trong tâm thức của người viết truyện, trong câu nói của Chúa Tiên với hai người lính trong đêm không ngủ lịch sử ấy: “Các anh không nói thì ta nói vậy. Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi này đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho một bữa ăn, khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh chê bữa ăn dở thì hai tội ấy như nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có nhiều người gần gũi ta, những người nói hợp với lòng ta mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn làm hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là bậc thầy sáng suốt của, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều”.

Vậy Minh sư là người như thế nào trong tư tưởng của Thái Bá Lợi. Trước hết, Minh sư là người có lòng luôn hướng đến sự thật, vì sự thật để bảo vệ quan niệm sống của mình, “ngay cả người nói điều trái ý... muốn làm hại ta” như suy xét của Đoan Quốc Công. Đức Khổng tử từng nói: Người chê ta mà đúng chính là thầy ta. Tôi cảm nhận hình ảnh mà tác giả muốn hướng đến phảng phất nhưng đậm nét nhãn quan của đạo Phật, của tấm lòng từ bi vô lượng, tinh thần liễu ngộ của bậc chân nhân trong suy xét mọi sự.

Là một người từng chiến chinh khắp chốn nhưng đối với Nguyễn Hoàng - sự chiến thắng chỉ có ý nghĩa khi mà cuộc sống của quan dân phải thay đổi, được nâng lên, điều thiện ngày xuất hiện càng nhiều để tránh xa những điều ác: “Việc của ông (Nguyễn Hoàng - người viết) là tạo cho những người quanh ông, những người nối nghiệp sau ông có được trí sáng suốt trong xử thế, lòng hòa hợp khi đối xử với nhau và bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác. Ông vẫn thường dạy quan dân của mình rằng nếu như sau khi có một công tích lớn mà điều ác tăng lên thì công tích đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm nối dài thêm đau khổ cho chính mình và cho người khác...” (sđd. Tr 442). Rõ ràng, lòng nhân, trí huệ sáng suốt của Đoan Quốc công đã truyền dẫn soi sáng đầu óc những quan quân, những tướng sĩ thân cận. Những nhân vật quanh ông như được khai mở tâm trí, rõ nhất là với các tướng Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiện, Phan Dữ... Đây cũng là những nhân vật được xây dựng rất rõ nét, khá sinh động, khắc họa được tính cách, được hình tượng hóa theo hướng mẫu các quan tướng vừa trung thành vừa khâm phục đấng minh chủ của họ. Quốc Công luôn khuyên bảo các quan quân “Rồi nữa các ông cùng tôi, công nghiệp càng lớn, tâm kiêu hãnh càng to, chỉ thấy có mình mà không thấy người khác, sinh tâm ghen ghét nhau, tranh đoạt danh lợi, công nghiệp có to đến mấy cũng có ngày đổ sập” (sđd. Tr 430). Những giáo huấn của Nguyễn Hoàng trong Minh sư luôn đẫm đầy chữ nghiệp, nhân quả của Đạo Phật.

Trong những lần đi về thực địa tại Gia Miêu, nhà văn Thái Bá Lợi khám phá trên vùng đất này có nhiều chùa. Từ nhỏ,  Nguyễn Hoàng từng sống tại đây, đã sớm quen với không gian thiền tịnh của làng quê, tâm hồn đã thấm đẫm với tiếng chuông, những bài kinh kệ, gần gũi với các sư, sãi trong chùa. Sau khi vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, cùng với việc xây dựng một nền chính sự quan hòa để lo an dân, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng rất nhiều chùa trên vùng đất mới. Đạo Phật thời này phát triển cực thịnh. Chắc chắn đó là cơ sở để tác giả xây dựng nhân vật Nguyễn Hoàng với tâm lý tính cách, suy cảm, hành xử  mang nặng dấu ấn của Phật pháp. Những chi tiết, sự việc được  hư cấu của tác giả về nhân vật chính được phát triển rất logic, không hề gượng ép, nó người hơn, gần gũi với người đọc hơn. Văn học hư cấu lịch sử là một lĩnh vực từng gây nên nhiều sóng gió nhất, thường xảy ra những cuộc tranh luận, đối thoại xuất phát từ 2 điểm cơ bản, đó là mức độ chân thực so với sự thật lịch sử và sự chênh lệch so với nhận thức, quan điểm chung của cộng đồng. Với Minh sư, Thái Bá Lợi vẫn trung thành với lối viết mang một tinh thần tưởng tượng hư cấu trong mối tương quan bám sát vào “chân thực so với sự thật lịch sử”.

Trở lại với hình ảnh Minh sư, dù không trực tiếp nói ra nhưng người đọc đều thấu nhận rằng Đoan Quốc Công chính danh là Minh sư. Thế nhưng, Thái Bá Lợi khi chấp bút, anh không hề muốn nhân vật trung tâm của mình được lý tưởng hóa, điển hình hóa theo kiểu thô thiển. Trong cuộc đời của Nguyễn Hoàng sự kiện làm cho tác giả phân vân là sự kiện  ông dùng nàng thiếp Ngọc Lâm, (truyền thuyết Trảo trảo phu nhân) lập mưu dùng mỹ nhân kế để giết viên tướng Lập Bạo. Dùng người thiếp của mình trong sự việc này có trái ngược với đạo đức, có hèn mọn với một chính nhân hay không? Chính nhân vật Thành trong tiểu thuyết, trong suy nghĩ của một người dẫn truyện đã suy nghĩ: “Thành có ý định tái hiện câu chuyện mà nhiều người đã biết, nó sẽ khác đi đôi chút so với những điều anh đã từng nghe, từng đọc...” (sđd., tr. 279).

Bản thân Đoàn Văn Thành cũng phân vân về sự việc Nguyễn Hoàng dùng kế sách xúi giục các tướng làm phản Trịnh Tùng, nhằm trốn thoát an toàn vào miền Thuận - Quảng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ chuyện này “Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản”. Những trích dẫn văn bản dưới đây cho người đọc thấy nỗi ái ngại của tác giả. “Thành thì cứ băn khoăn về một nhân cách lớn lao ấy lại phải dùng đến mưu kế không lấy gì làm cao đẹp này”, “Thành cứ nghĩ Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng bằng một cách khác chứ không phải bằng cái mưu kế này thì nhân vật của anh sẽ hoàn hảo xiết bao” (sđd., tr. 391). Suy nghĩ của Thành không ngoài sự thắc mắc của tác giả rằng những hành vi vi phạm đạo đức như thế phải chăng có đúng với một vị minh sư không. Người đọc cũng ngầm nhận ra tâm tư của tác giả, giá như đừng có những mưu kế thì... “nhân vật của anh sẽ hoàn hảo hơn”. Để cho qua niềm ái ngại, có thể lý giải những sự việc ấy bằng ý thức, bản năng khát vọng sống, tồn tại và chiến thắng của những người trong cuộc “các tướng đành phải lánh xa hoặc chống lại Trịnh Tùng để mưu tìm đường sống”.

Như vậy, Khi xây dựng nhân vật Nguyễn Hoàng, anh muốn gửi gắm điều gì với người đọc?

Nhà văn Thái Bá Lợi: Nhà văn nào cũng muốn qua tác phẩm của mình để tâm sự với người đọc những suy nghĩ trăn trở mà mình đang quan tâm. Nhưng hình tượng nhân vật mới là nơi chuyển tải những thông điệp đó. Nếu nhân vật anh dựng lên mà không thuyết phục được người đọc thì điều anh muốn nói với người đọc cũng không viên mãn được. Có trường hợp nhờ hình tượng nhân vật mà làm sáng rõ hơn ý tưởng ban đầu của tác giả. Nhớ hồi 1976, lúc đất nước tràn ngập ánh hào quang chiến thắng, tôi nghĩ hình như không phải như vậy và tôi viết truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn(3) được đăng trên Văn nghệ Quân đội, gây dư luận sôi nổi, có nhiều người phản đối. Sau này nhà thơ Vũ Cao kể lại trong cuộc họp kiểm điểm về việc in truyện vừa này, có cả nhà thơ Xuân Sách, người biên tập dự họp, một cán bộ tuyên huấn nói: Đây là một truyện nói về cuộc chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nhưng đạo đức thì hỏng, có vấn đề. Anh Vũ Cao nói với tôi: Cha nội này nói đúng mày ạ.

Đến giờ tôi cũng chưa biết hình tượng nhân vật Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết Minh Sư có thuyết phục được người đọc hay không? Nếu nhân vật không thuyết phục được người đọc thì đừng nói đến chuyện tác giả muốn gửi gắm điều gì.

Là thế, Thái Bá Lợi ít khi muốn “lớn tiếng, ồn ào” khi tự nói về mình, về tác phẩm của mình. Cảm nhận của người đọc là quan trọng, hãy để cho người đọc phán xét. Giá trị của tiểu thuyết mấu chốt vẫn ở hình tượng nhân vật, một yếu tố quyết định cho sự thành công của tiểu thuyết. Phê bình văn học phải phân tích thấu đáo rằng, nhân vật được xây dựng có thuyết phục được người đọc hay không?

Tôi đọc Minh sư luôn có một cảm thức rất nhẹ nhàng. Nguyễn Hoàng là một  người dày dặn trận mạc với những năm tháng chiến chinh ròng rã trên lưng ngựa. Trong suốt cuộc đời, ông đã tham gia nhiều trận đánh lớn, thế nhưng trong Minh sư, cảm tưởng như không gian của lịch sử được kể lại bằng một giọng điệu, một ngôn ngữ có một âm vang vừa phải, êm ái với một chút man mác, một chút lấp lửng. Không khí của chiến tranh phải nhường lại cho những nỗi niềm và suy gẫm. Trong văn chương của Thái Bá Lợi đều thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn được nhận chân lại quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, hy vọng nối kết với thực tại hôm nay để khai phóng về phía tương lai. Minh sư đã mang đến cho người đọc hình tượng nhân vật Nguyễn Hoàng sống động có chiều sâu nội tâm, một tư duy rất nhạy bén, một người lãnh đạo kỹ trị, con người cao cả nhưng giản dị gần gũi nhân ái được mọi người kính mến.  

H.S.B

(1) Minh sư. Thái Bá Lợi. Lần 1 Nhà xuất bản Hội Nhà văn; tái bản Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2014.

(2) Giải thưởng Văn học Đông Nam Á được trao hằng năm cho các nhà văn thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một số nhà văn VN được nhận giải thưởng này như Tố Hữu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Bằng Việt...

(3) Hai người trở lại trung đoàn (truyện vừa) - Một tác phẩm viết về chiến tranh được đánh giá cao vì phản ánh cuộc chiến tranh chống Mỹ một cách chân thực, không tô hồng, từ rất sớm (1982) thoát ra khỏi cách viết cũ - chủ nghĩa văn học phải đạo.